Nông dân “làm dịch vụ” ở chùa Bái Đính

Nhiều quán cóc mọc lên
Bấy lâu chỉ quen với đồng ruộng, từ khi ngôi chùa nhiều kỉ lục xuất hiện, họ bỗng chốc  trở thành “nhà kinh doanh"...

Du khách tìm đến chùa Bái Đính là để chiêm ngưỡng vẻ đẹp, sự to lớn hoành tráng của ngôi chùa và cũng để tạm rời xa mọi bon chen, ồn ã của cuộc sống đời thường, tìm cho mình sự thanh thản và hướng đến cái chân, thiện, mỹ. Nhưng những người dân nơi đây thì khác, họ dành 12-14 tiếng/ngày ở trên chùa không phải để thưởng ngoạn phong cảnh, để được gần hơn với Phật mà là để làm việc mưu sinh.

Chị Trần Thị Hoa (xóm 4, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, Ninh Bình) là một người bán hàng lưu động ở khu vực chùa Bái Đính. Chị kể, ban đầu trong lúc nông nhàn chị cùng mấy người trong xóm xin đi phụ hồ và lợp ngói ở đây. Công việc vất vả, tiền công chỉ 60 nghìn/ngày. Một thời gian sau, chị quyết định chuyển sang bán hàng. Chị Hoa bảo: “Những hôm chùa đông khách, chị bỏ cả thửa ruộng đang cấy dở để về chạy xe ôm...”.

Nhớ lại thời gian đầu mới vào “nghề”, chị Nguyễn Thị Lan (xóm 10) chia sẻ: “Phần đông người làm như chị đều là nông dân chính gốc vốn chỉ quen với cảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, khi

Mời chào khách mua hàng

chuyển qua làm dịch vụ đã không tránh khỏi bỡ ngỡ, rụt rè. Ngày đó gặp khách mà mặt đỏ tía tai, miệng thì lắp bắp nói không nên lời. Nhìn thấy người ta chào mời khách, bán được nhiều hàng mà thèm quá. Sau dần chị phải quan sát, học hỏi, đầu tư khá nhiều thời gian và công sức thì mới được như hôm nay”. Giờ thì nói là nghề của chị, chị nói nhiều, nói nhanh và nói rất lưu loát, đon đả chào mời khách mua hàng.

Người dân ở đây đa số đều thích ứng nhanh, dường như không mấy lạ lẫm với công việc. Dù là chạy xe ôm, trông giữ xe, chụp ảnh hay bán đồ lưu niệm họ đều có thể nói vanh vách về lịch sử chùa Bái Đính, như những hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp. Nhiều người trong số họ phải bỏ công học hỏi, đọc sách, tìm hiểu rất kĩ về chùa để có thể giới thiệu cho khách một cách chi tiết, cụ thể và hấp dẫn.

Ông Phạm Văn Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Gia Sinh cho biết: “Đến thời điểm này Gia Sinh có khoảng 1000 lao động làm việc tại chùa, trong đó bán hàng có khoảng 600-700 người, xe ôm 300- 500 người, thợ chụp ảnh 275 người… Hầu hết 11 xóm đều có người tham gia làm dịch vụ. Thời gian tới, số lượng lao động làm việc ở khu vực chùa sẽ còn tăng lên”.

Theo ông Hà, đó là nhờ sức hấp dẫn mà dịch vụ du lịch mang lại bởi trước hết nó nhàn hơn làm nông nghiệp mà thu nhập lại cao gấp nhiều lần. Bình quân những người làm trên chùa thu nhập khoảng 3- 4 triệu đồng/tháng (riêng thợ chụp ảnh có ngày cao điểm kiếm được 1-2 triệu đồng), trong khi đó cấy lúa chăm sóc ròng rã 3-4 tháng trời mà nếu được mùa cũng chỉ lãi 1triệu đồng/vụ. Một năm làm du lịch thu nhập bằng 3 năm làm ruộng.

Nhờ bám trụ với mấy thứ hàng lặt vặt mà chị Hải (xóm 7) nuôi được hai con ăn học Đại học, sắm sửa được những đồ dùng mới trong gia đình. Người làm dịch vụ chạy như con thoi hết nơi này đến chỗ khác trên khu chùa: khi ở Tháp Chuông, lúc ở Điện Pháp Chủ, rồi lại lên Điện Tam Thế, sáng đổi tiền lẻ cho khách, trưa bán đĩa, bán dép, bán sách, chiều chuyển sang bán hương, bán sớ, bán nước… Họ nhạy bén nắm bắt tâm lý của du khách cần và muốn gì để đáp ứng. Họ cũng tích cực tham gia các lớp học bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch tại cộng đồng, vì họ biết chỉ có phong cách phục vụ tốt mới níu chân được du khách, mới làm du khách muốn quay trở lại nơi đây.

Nhiều hộ gia đình huy động cả nhà cùng tham gia làm dịch vụ. Vợ chuyên bán hàng, chồng ở nhà lấy hàng, rồi sẵn sàng trang bị cả “công nghệ thông tin”, chỉ cần vợ alô một tiếng anh chồng đã phóng xe vun vút “tiếp viện” đồ. Nhiều đứa trẻ sáng đến trường, chiều lại lên chùa phụ mẹ. Anh Nguyễn Văn Trinh (xóm 8, xã Gia Sinh), thợ chụp ảnh, chia sẻ rất thật rằng: “Niềm vui của tôi là khi chụp được những bức ảnh lưu niệm thật đẹp cho khách và lấy được tiền công”.

Chuông điểm 12h trưa. Chị Trần Thị Hoa lấy trong túi ra một bọc nhỏ. Bữa trưa của 2 mẹ con chị chỉ có một quả trứng luộc chấm muối trắng. Chị bảo ăn thế cho nhanh vì có mang cơm đi mùa này cũng không ăn được vì trời hanh, cơm nhanh khô khó nuốt lắm. Thỉnh thoảng nhà chùa thụ lộc lại cho nắm xôi, cái oản, với chị vậy là ấm lòng. Cuộc hành trình của mẹ con chị lại tiếp tục và công việc ấy chỉ kết thúc khi bóng tối buông xuống, khách vãn cảnh chùa không còn một ai.

Chị Hoa băn khoăn: sang năm tới, để hạn chế cảnh lộn xộn, chèo kéo khách, Ban quản lý chùa sẽ tổ chức đấu thầu mua kiốt cho các hộ dân. Không biết khi đó mẹ con chị có đủ tiền mua ki ốt không?

Đinh Thị Xuân (VOV)