Tìm về một cõi thiền...

Mộc mạc quán Thiền

Cuộc sống hiện nay nhiều xô bồ, tấp nập khiến cho con người đôi khi cảm thấy mệt mỏi. Khi ấy một chốn thiền để tĩnh tâm là một lựa chọn thông minh. “Thiền quán“ là một địa chỉ như thế.

Quán nằm nép mình trong con phố Nguyễn Khang và thu hút mọi người bởi hình ảnh cái cổng xưa cũ phủ rêu phong mang dấu ấn của thời gian. Ở nơi đây, cái mộc mạc xưa cũ được thể hiện qua hình ảnh những chiếc bàn mây nhỏ, những bức tranh sơn dầu khổ lớn... và giọng hát Khánh Ly huyền ảo với những tình khúc Trịnh Công Sơn. Người nhạc sĩ tài hoa ấy đã xây dựng trong thế giới âm nhạc của mình một cõi vô thường như là tiền định để rồi khi ông thôi ở trọ trần gian trở về với cát bụi ông đã để lại một khoảng trống vô hình. Chẳng thế mà ở Hà Nội hiện nay có không ít quán cà phê Nhạc Trịnh, thế nhưng Thiền quán đã chọn cho mình một con đường riêng.

Tìm về một cõi Thiền

Trong một không gian ấm áp, thêm chút trầm lắng là những gì mà người ta cảm nhận được khi đến với Thiền quán. "Ông chủ" của Thiền quán - Trần Thanh Bình - thuộc thế hệ 8X, khi được hỏi về việc đặt tên quán đã tâm sự rằng “Thiền quán là một khái niệm trong Phật giáo, thiền có nghĩ là thiền định, quán ở đây là quán chiếu, muốn nói đến một nơi con người có thể tĩnh tâm tìm lại những gì của chính bản thân họ soi chiếu và quán tưởng lại".

 

Một nét Thiền quán
Không chỉ xây dựng một Thiền quán với không gian Thiền, có thể nói đây còn là nơi hội tụ của những nhà thư pháp trẻ tài hoa có tâm với thư pháp Thiền. Và hoạt động đầu tiên của Thiền quán đã thực sự thu hút sự chú ý của mọi người. Đó là buổi trình diễn thư pháp thiền (Zen Calligraphy) của hai thành viên nhóm Thư pháp tiền vệ: Thiền Phong Phạm Văn Tuấn, Chuyết Chuyết Trần Trọng Dương… Cả hai đã đưa các phương pháp tu tập (như chỉ pháp và quán pháp) của Thiền môn vào trình diễn thư pháp. Các hiệu quả bề mặt chỉ là những kết quả hiển thị của quá trình hành trì và tri tưởng. Còn bản thân quá trình tu tập, từ chú tâm vào hơi thở để gạn lọc trần niệm, từ suy tư và quán tưởng đến việc hạ bút thể nhập mới là nội dung chính của thông điệp mà các tác giả muốn đem tới cho mọi người. Và đó cũng là cách thức để những nhà thư pháp trẻ tưởng nhớ tới Điều ngự giác hoàng Trần Nhân Tông - đệ nhất tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - nhân kỷ niệm 700 năm ngày mất của ông. Triết lý của Điều ngự giác hoàng là một trong những đặc sắc về tư tưởng Phật giáo Đại Việt. Tất cả đều không nằm ngoài bốn chữ "trực chỉ nhân tâm" (dõi thẳng vào lòng người). Phật tức là ta. Niết bàn là sự liễu ngộ và chứng nghiệm chân Thiền ngay trong chính nội tâm mình. Vẫn vơi tâm thế ấy triển lãm sắp đặt nghệ thuật Rác cũng đã được thực hiện một cách công phu tại Thiền quán.

Đêm Trịnh và những hoài niệm thời gian

Đến Thiền quán vào buổi tối thứ 7, người nghe sẽ lạc vào thế giới âm nhạc Trịnh Công Sơn, cõi Trịnh Công Sơn. Cái cảm giác được cảm nhận vị thanh tao của ly trà Thiền và đắm chìm trong tiếng đàn guitar sẽ xóa tan đi bao mệt mỏi và phiền muộn của cuộc sống bộn bề. Một buổi tối mùa hè oi ả, ghé chân vào Thiền quán, gọi cho mình một ly cà phê và thưởng thức nhạc Trịnh cũng là cái thú của nhiều người dân Hà thành. Vẳng trong lời ca “Đêm thấy ta là thác đổ”, ta như tìm được cảm giác thật bình yên và có thời gian để lắng nghe rõ hơn những lời nói của trái tim mình… Như đã thành một thông lệ vào những ngày cuối cùng của tháng 3 hay ngày đầu tiên của tháng 4 - ngày Trịnh Công Sơn về cõi vĩnh hằng, quán lại tổ chức những đêm tưởng nhớ Trịnh. Để rồi chúng ta có những câu chuyện để nhớ.

Bài và ảnh: Trịnh Mai Khanh