Đi tìm pho tượng vàng vua ban trên đất Trấn Biên

Nhiều năm qua, trong dân gian vẫn lưu truyền truyền thuyết, sau khi lên ngôi, nhớ ơn từng được cưu mang lúc khốn khó nên vua Gia Long (Nguyễn Ánh) đã ban tặng cho một ngôi cổ tự ở tổng Trấn Biên (nay là TP Biên Hòa) một pho tượng Phật bằng vàng ròng có khối lượng khổng lồ phải dùng đến một thớt voi mới vận chuyển được. Qua bao dâu bể, pho tượng bằng vàng ròng ấy vẫn được các thế hệ sư sãi ở ngôi cổ tự gìn giữ.

Lần theo nguồn tin, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Hảo, nhà ở phường Nguyễn Cư Trinh quận 1, khẳng định: "Pho tượng vua ban ấy hiện ở chùa Phật Lớn, còn gọi chùa Đại Giác".

"Kho báu" cổ nhất Cù Lao Phố

Cách trung tâm TP HCM chưa đầy 2 giờ chạy xe máy, khi đến trung tâm TP Biên Hòa, chúng tôi hỏi đường xuống Cù Lao Phố, nơi từng là đô hội trù phú, thương cảng sầm uất bậc nhất đất phương Nam hồi thế kỷ XVII-XVIII.

Trái ngược với hỗn cảnh xô bồ, đầy bụi bặm, lắm tiếng ồn ở khu vực trung tâm, Cù Lao Phố đón khách với khung cảnh hữu tình, cây cối xanh tươi, không khí khoáng đãng, trong lành, tình người chan chứa, chân chất. Do chùa Đại Giác nằm ở vị trí trung tâm, lại là ngôi chùa nổi tiếng có nhiều cổ vật đậm giá trị lịch sử nên việc kiếm tìm của chúng tôi rất thuận lợi, thậm chí nếu đi đường tắt thì chùa chỉ cách TP HCM khoảng 30km.

Ông Lê Văn Hoảnh, nhà ở bên hông chùa, tỏ ra hiểu biết: "Ngày xưa thuộc thôn Bình Hoành, xã Hiệp Hòa, tổng Trấn Biên, sở dĩ chùa Đại Giác còn được biết đến với tên gọi là chùa Phật Lớn vì trong chùa có tượng cổ vua ban khổng lồ. Giờ chùa thuộc địa bàn ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa".

Đón chúng tôi tại chánh điện, bà Nguyễn Thị Hoài, 71 tuổi, Phật tử chùa và cũng là dân cố cựu ở vùng cho biết, chùa nằm giữa trung tâm Cù Lao Phố, được sông Đồng Nai chảy quanh bao bọc nên không khí luôn khoáng đãng, thanh bình, cây cối quanh năm tốt tươi, có phần u tịch tạo cảm giác gợi nhớ về dĩ vãng xa xưa với khách nhàn du lần đầu đặt chân đến.

Qua tập kỷ yếu về lịch sử hình thành chùa mà bà Hoài gửi tặng, chúng tôi được biết, vị tổ sư sáng lập chùa là nhà sư Thành Đẳng. Khoảng giữa thế kỷ XVII, sư Thành Đẳng cùng một số người chèo ghe, thuyền ngược con nước đến khẩn hoang Cù Lao Phố và lập nên chùa Đại Giác vào năm 1665.

Tính từ năm được kiến lập đến nay, chùa Đại Giác được 335 năm tuổi, là ngôi chùa cổ nhất tỉnh Đồng Nai. Đưa chúng tôi đi tham quan chùa, Ni sư Thích Nữ Diệu Trí, trụ trì chùa trò chuyện, thuở ban đầu, chùa được kiến trúc theo lối chữ Nhị nhưng qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo chuyển sang hình chữ Đinh như hiện nay. "Tuy được trùng tu qua nhiều thế hệ trụ trì nhưng chùa vẫn giữ được các đường nét cổ xưa. Đặc biệt là vẫn còn bảo tồn nguyên vẹn những báu vật vua ban, công chúa gửi tặng của hàng trăm năm trước". Có lẽ vì điều này mà khi chúng tôi hỏi thăm, nhiều bậc cao niên không ngần ngại bày tỏ chùa Đại Giác là "kho báu cổ nhất trên đất Cù Lao Phố".

 

Chánh điện với điểm nhấn là pho tượng A Di Đà.

Diện kiến báu vật vua ban

Với hệ thống hoành phi, đối liễng ca ngợi Phật pháp được sơn son thếp vàng lên nước bóng loáng, ánh màu thời gian huyền hoặc, nội thất chánh điện Đại Giác cổ tự tạo cho người thưởng lãm cảm giác về sự uy nghiêm, tráng lệ. Trung tâm chánh điện là pho tượng Phật khổng lồ.

"Đấy là pho tượng A Di Đà do vua ban cho chùa vào năm 1802 đấy" - ni sư Thích Nữ Diệu Trí, bật mí: "Không như nhiều người đồn đại, tượng chỉ được sơn vàng chứ không phải bằng vàng khối, vàng ròng". Cụ Hoài chép miệng: "Qua bao chiến cuộc và lòng tham vô hạn của bao kẻ bất chấp đạo lý, luân thường, nếu bằng vàng thì chưa chắc tượng được bình yên đến hôm nay cho hậu thế chiêm ngưỡng".

Nguồn gốc của pho tượng Phật A Di Đà được ghi lại, vào năm 1779, công chúa thứ 3 của Nguyễn Ánh là Nguyễn Thị Ngọc Anh có đến ẩn trú tại chùa. Năm 1802, ngay khi lên ngôi vua lấy hiệu Gia Long, nhớ ơn xưa, Nguyễn Ánh ban chiếu chỉ trùng tu chùa và cho tạc pho tượng A Di Đà bằng gỗ quý. Từ đó tượng được xem là báu vật giá trị nhất của chùa và đất Cù Lao Phố. Trước khi đi đâu xa cũng như khi xa quê trở về, người dân ở Cù Lao Phố đều đến chùa thành kính chiêm bái pho tượng cầu mong được chở che, vượt qua mọi khó khăn, trắc trở.

Trong cuốn "Di tích chùa Đại Giác" do Ban quản lý di tích Đồng Nai (Sở VH-TT&DL Đồng Nai) ấn hành cũng có đoạn nói rõ "năm 1802, vua Minh Mạng cho tu sửa chùa. Dịp này công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh đã cúng chùa bức hoành phi lớn khắc ba chữ "Đại Giác tự" và bức hoành phi ấy hiện vẫn còn lưu giữ tại chùa.

Theo đánh giá của lãnh đạo Bảo tàng tỉnh, các pho tượng cổ và đặc biệt là bức hoành phi Đại Giác tự đã góp phần không nhỏ trong việc nghiên cứu văn hóa-lịch sử vùng đất Cù Lao Phố. Vì những giá trị văn hóa-lịch sử kể trên mà ngày 28/9/1990, chùa Đại Giác được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp quốc gia.

Nguyễn Thành Dũng (CAND)