Myanmar - mảnh đất vàng kỳ diệu

Xứ sở Phật giáo với những ngôi chùa nghìn tuổi chứa đựng niềm tin tâm linh huyền bí, người dân hiền hòa, nồng hậu khiến du khách quốc tế bị thu hút đến mức không muốn chia tay.

chùa vàng
Tượng Phật nằm dài 75 m, cao 16 m tại chùa Chauk Htat Gyi.

Myanmar có tiềm năng du lịch dồi dào, môi trường thiên nhiên trong lành với nhiều điểm tham quan văn hóa. Nổi tiếng nhất ở xứ sở Phật giáo này là Shwedagon, ngôi chùa được coi là niềm kiêu hãnh của Myanmar. Cao trên 100 m, tọa lạc trên đồi cây xanh ở Yangon, được đánh giá là một trong những kiệt tác của thế giới, xây dựng cách đây hơn 2.500 năm, Shwedagon lộng lẫy với ngọn tháp chính cao 99 m.

Chùa dát 80 tấn vàng nên được gọi là chùa Vàng. Theo tiếng Myanmar, “vàng” đồng nghĩa với “mỹ miều”. Cảm giác tráng lệ như cổ tích là ấn tượng của hầu hết du khách khi đến thăm nơi đây. Để có số vàng khổng lồ dát chùa, dân chúng Myanmar đã đồng tâm đóng góp. Mỗi người dân dù nghèo khổ cũng dành dụm tiền, mua những lá vàng mỏng tiến vào nhà chùa.

Đỉnh của Shwedagon gồm 1.600 viên hồng ngọc, tầng 2 và tầng 3 tháp có gần 90.000 viên hồng, lam ngọc. Tất cả số vàng bạc châu báu này đều do người dân cúng tiến trong tu bổ chùa. Xung quanh chùa chính dát vàng là 64 ngôi chùa nhỏ, 4 chùa lớn hơn phân bố đều ở mỗi bên. “Niềm kiêu hãnh của Myanmar” còn là nơi lưu giữ 4 vật tương truyền của bốn vị Phật như cây quyền trượng của Kakusandha, bộ lọc nước của Konagamana, miếng áo choàng của Kassap, 8 sợi tóc thiêng của Phật tổ cùng nhiều châu báu khác.

Trong chùa có bức tượng Phật ngọc lớn nhất Myanmar được tạc năm 1999 từ ngọc nguyên khối, nặng 179 kg. Bức tượng này nhỏ hơn tượng phật ngọc ở Việt Nam (nặng 4,5 tấn, cao hơn 4 m).

chùa vàng
Chùa vàng Shwedagon rực rỡ trong chiều tà.

Một địa điểm khác không thể bỏ qua ở thủ đô Yangon là chùa Chauk Htat Gyi, nổi tiếng với bức tượng Phật nằm khổng lồ được tạc năm 1906, trùng tu năm 1957, dài 72 m, cao 16 m. Trên hành trình tới Myanmar, du khách thường ghé thăm cố đô Bagan, thành phố nằm ở bờ Tây sông Ayeyarwaddy, địa điểm du lịch chính của Myanmar với hơn hai nghìn ngôi chùa và đền đài được xây dựng từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 13. Do khép kín với thế giới trong một thời gian dài, những ngôi chùa ở Myanmar được lưu giữ hầu như nguyên vẹn tới ngày nay. Niềm tự hào của Bagan là ngôi chùa Shwezigon được vua Anwrahta xây dựng thế kỷ 11 để cất giữ xá lợi Phật. Trải qua rất nhiều lần trùng tu, Shwezigon vẫn giữ được hình dáng ban đầu, là kiểu mẫu cho các ngôi chùa sau này ở Myanmar.

Ở Bagan, ngôi đền lớn và được bảo tồn nguyên vẹn nhất phải nói đến đền Anada, xây dựng năm 1105 được xem là kiệt tác về kiến trúc đền đài. Đền kiến trúc theo phong cách Ấn Độ, bằng đá hình chữ thập, ở trung tâm là khối lập phương. Trong đền có 4 tượng Phật bằng gỗ, cao hơn 9 m, trang trí nhiều vàng lá, quay về 4 hướng. Hai bức tượng hướng Đông và Tây bị cháy do dân chúng thắp nến cầu nguyện nên được thay bằng đá cách đây 20 năm. Tuy nhiên, người đời sau không thể học cách xây dựng của cha ông họ, đem đến cái thần thái sống động cho pho tượng. Hai bức tượng Phật nguyên bản ở Bắc và Nam khi nhìn xa, du khách thấy tượng đang tươi cười như vẫy gọi các phật tử đến vỗ về trong tay áo từ bi của nhà Phật, càng đến gần càng thấy nét mặt Phật đã nghiêm lại như đang rao giảng kinh kệ.

chùa vàng
Lễ xuất gia của một cậu bé. Sau lễ xuất gia, các chú tiểu phải trải qua một giai đoạn khó khăn, dậy từ 4h sáng đi khất thực, trong ngày chỉ được ăn hai bữa lúc 7h và 11h, người nào vượt qua được xem như niềm tự hào của gia đình, dòng họ.

Ngoài đình chùa, Myanmar thu hút du khách thập phương bởi thành phố xanh rợp, mát mẻ, với những hàng cây nhiệt đới hai bên đường. Du khách có thể lênh đênh trên thuyền, ngắm hoàng hôn phủ dần trên sông Ayeyarwaddy hay ngắm hồ nước tự nhiên Inle có những khu vườn nổi được xây dựng từ dải lục bình nước và bùn. Đây cũng là nơi tuyệt vời cho mua sắm các sản phẩm nghệ thuật địa phương. Myanmar nổi tiếng về các đồ trang sức bằng vàng bạc, đá quý, tranh ảnh nghệ thuật, đồ thủ công mỹ nghệ, sơn mài, tơ tằm Mandalay… Nghệ thuật dân gian với các tiết mục múa rối và những bức tranh thần bí cũng góp phần làm xao xuyến du khách nước ngoài.

Những kinh nghiệm khi đi du lịch tại Myanmar:

- Du khách Việt Nam có thể bay thẳng tới Myanmar trên đường bay của Vietnam Airlines mới khai thác từ 2/3, từ Hà Nội - Yangon với tần suất 4 chuyến một tuần, các ngày thứ 3, 5, 7 và Chủ nhật.

- Tiền Myanmar được gọi là "Kyat", tiếng địa phương là “chạt”. Một USD tương đương với 1.000 chạt. Tuy nhiên du khách có thể dùng tiền USD, không nên đổi quá nhiều chạt, tránh bất tiện trong việc đổi ngược lại khi không tiêu hết tiền địa phương. Tiếng Anh được sử dụng rộng rãi ở đây.

- Myanmar thường nắng, nóng. Nhiệt độ thấp nhất 22 độ. Du khách nên mang mũ rộng vành, kính mát, kem chống nắng nếu da nhạy cảm, đi sandal thoáng mát để tiện cởi bỏ khi vào chùa.

- Myanmar là đất Phật giáo, trang phục nếu không đúng có thể gây phản cảm, khó chịu với dân chúng. Nên mặc đồ vải cotton nhẹ mát thấm mồ hôi, không nên mặc đồ nylon. Áo sơ mi cotton, quần khaki, quần jeans là phù hợp.

- Đối với đồ trang sức, Myanmar có ngọc rubies, sapphire, jade và pearl có sẵn tại các của hàng kim hoàn ở Myanmar. Chỉ nên mua từ cửa hàng Chính phủ cấp giấy phép và phải lấy hóa đơn khi mua hàng để xuất trình hải quan.

- Không nên bàn luận các chuyện về tôn giáo, chính trị, quân sự với dân địa phương, không chụp hình ở những nơi không thích hợp như căn cứ quân sự, bảo vệ, cảnh sát, tòa nhà chính phủ, không chụp ảnh nhân viên hải quan hay các cuộc biểu tình.

- Phụ nữ không nên tiến lại gần bắt chuyện với các nhà sư hay dẫm chân vào bóng nhà sư.

- Mang theo một ít bánh kẹo phát cho trẻ em nghèo.

Bài và ảnh: Ngọc Trần (vnexpress)