Leng keng Kakku

Con đường nhỏ từ Taunggyi tới Kakku chạy qua những cánh đồng lúa mì chín xen lẫn hoa hướng dương vàng rực.

Dù ngần ngại khi nghĩ đến hành trình dài đến ba tiếng đồng hồ từ Nyaungshwe tới Kakku (Myanmar), nhưng hình ảnh "rừng" tháp kỳ lạ đầy quyến rũ của khu di sản này cuối cùng cũng thuyết phục được chúng tôi thuê một chiếc taxi, khởi hành từ sáng sớm. Trên đường đi, chúng tôi dừng lại ở thị trấn nhỏ Taunggyi để mua vé tham quan và thuê hướng dẫn viên. Quần thể tháp Kakku thuộc địa phận của dân tộc thiểu số Pa-Oh nên du khách tới đây phải đi tham quan dưới sự hướng dẫn của các hướng dẫn viên người Pa Oh.

 

alt

Hàng ngàn ngọn tháp vươn cao trong khu di sản Kakku

Con đường nhỏ từ Taunggyi tới Kakku chạy qua những cánh đồng lúa mì chín xen lẫn hoa hướng dương vàng rực. Trên xe, Susu, cô hướng dẫn người Pa-Oh xinh xắn, giới thiệu cho chúng tôi về truyền thuyết của dân tộc mình. Cũng gần giống sự tích "con Rồng cháu Tiên" ở Việt Nam, người Pa-Oh tin rằng dân tộc mình cùng với người Karen và Padaung đều là con của mẹ Rồng với một vị thần dưới trần gian. Truyền thuyết đó vẫn còn được thể hiện ở trang phục của người Pa-Oh ngày nay với chiếc khăn quấn đủ màu sặc sỡ trên đầu và kiểu áo nhiều lớp tượng trưng cho đầu rồng và những lớp vảy rồng.

Giữa trưa, chúng tôi đến Kakku. Do vị trí xa xôi và những bất ổn về chính trị, nơi đây mới chỉ bắt đầu mở cửa cho khách du lịch tham quan từ năm 2002, vẫn còn ít người biết đến. Nhưng cũng nhờ vậy, khu di sản này còn giữ được vẻ nguyên sơ hấp dẫn. Dưới bóng những cây đa cổ thụ dọc lối vào, vài người phụ nữ Pa Oh ngồi bán các loại nông sản địa phương, mỉm cười thân thiện khi chúng tôi cất lời chào "Mingalabar!". Và, trước mắt chúng tôi hiện ra rừng tháp Kakku với hàng ngàn ngọn tháp vươn lên nền trời xanh biếc.

 

alt

Phù điêu trang trí tinh xảo trên một ngọn tháp

Tên gọi Kakku bắt nguồn từ truyền thuyết về một cặp vợ chồng sống trong vùng. Một ngày, hai vợ chồng phát hiện bụi cây gần nhà đột nhiên phát ra ánh sáng. Hai người ngạc nhiên, mang cuốc xẻng tới đào, nhưng đào mãi cũng không tìm ra vật gì lạ. Đúng lúc đó, một con heo rừng xuất hiện, ủi đất giúp hai vợ chồng, làm lộ ra Xá lợi Phật phát sáng bên dưới. Hai vợ chồng liền dựng đền thờ Xá lợi, đặt tên đền là Wet Ku.  Wet nghĩa là "con heo", Ku là "giúp đỡ”, lâu ngày đọc chệch đi thành Kakku.

Các nhà khảo cổ tin rằng những ngọn tháp đầu tiên ở đây được xây dựng cùng thời với quần thể đền tháp ở Bagan, tức là vào khoảng thế kỷ XII. Trên một diện tích rộng khoảng 1km2, hơn 2.000 ngôi tháp gần như có cùng kích thước được dựng lên quanh ngôi đền chính thờ Xá lợi Phật. Họa tiết trang trí trên các ngôi tháp bằng gạch này rất tinh xảo với nhiều hình chạm khắc độc đáo, mô tả thần linh và ác quỷ trong các truyền thuyết, những nhạc công và vũ nữ trong các lễ hội xưa. Có những bức tượng còn giữ được màu sắc trang trí, nhưng đa phần đã bị tróc màu, trở lại màu đỏ đất nung nguyên thủy. Dù một số đền tượng bị sụp và hư hỏng, nhưng phần lớn khu di sản này vẫn còn nguyên vẹn.

 

alt

Những chiếc chuông nhỏ ở đỉnh tháp leng keng trong gió

Điều khiến chúng tôi thích thú nhất là hàng ngàn chiếc dù bằng kim loại treo trên đỉnh các tháp, một đặc trưng trong kiến trúc đền tháp ở Myanmar. Mỗi chiếc dù không chỉ là vật trang trí mà còn được gắn nhiều quả chuông nhỏ xíu. Chỉ cần một cơn gió nhẹ thoảng qua là cả rừng chuông phát ra những tiếng leng keng đủ âm sắc. Đi giữa rừng tháp vào một ngày nắng vàng rực rỡ, tưởng như mọi điều ước nguyện của chúng tôi đang theo tiếng chuông gió ngân nga mà bay thẳng lên bầu trời cao xanh.

Nguyễn Thị Xuyến (phunu)