Đường xưa lối cũ

http://lophoconline.files.wordpress.com/2009/09/mua-thu2.jpg

Ngày chúng ta chào đời, tâm hồn như một trang giấy trắng chưa hề lem một vết mực nào, thậm chí "lem" và "mực" là cái gì rất ư xa lạ. Một thế  giới bừng nở chung quanh, thật lạ lẫm, ta ngơ  ngác chẳng hiểu gì với cặp mắt tròn xoe đen nhánh long lanh trong vắt như mặt nước hồ thu, như bầu trời xanh thẵm không một bóng mây. Mặt nước hồ đó trong vắt đến nổi bao nhiêu hình ảnh cây cối, bầu trời đều in rỏ bóng dưới mặt hồ, vài con chim bay ngang qua soi bóng mình dưới nước, thoáng chốc bóng chim cũng mất dấu vì mặt hồ chẳng "cố ý" lưu giữ bóng chim mà chim cũng chẳng "cố tình" để lại dấu vết của mình...Đó là tâm hồn của trẻ thơ mà khi xưa cổ nhân bảo là "nhân chi sơ tánh bổn thiện".

Theo thời gian "cái hiểu mờ mờ nhân ảnh" về thế giới chung quanh bắt đầu manh nha, đâm chồi lú rể, ta khởi sự "tìm hiểu" thế giới quanh ta đồng thời có cảm giác mơ hồ về nội thể có một cái gì đó gọi là "chính mình", ta phát hiện sự hiện hửu của "mình" và tự khẳng định nó. Từ đây hình thành thế giới bên trong và thế giới bên ngoài tách biệt nhau, đầy đối kháng mâu thuẫn, "tánh bổn thiện" cũng dần dà tìm nơi khác di trú giống như loài chim thiên di tới mùa phải ra đi. Lúc này mặt hồ không còn êm ả và tỉnh lặng nửa, vài cơn gió nhẹ bắt đầu xuất hiện làm mặt nước gợn sóng lăng tăng, hình ảnh cảnh vật bên bờ hồ soi bóng dưới mặt nước không còn rỏ nét như dạo nào mà giờ đây những gợn sóng nhấp nhô đùa cợt bóp méo tàn nhẫn mọi hình ảnh soi bóng tạo thành một bức tranh lập thể biến dạng trên mặt hồ. Từ đây thế giới của "cái tôi" xuất hiện và không bao giờ chấp nhận cái thế giới "chẳng phải tôi"....Bầu trời xanh không còn thăm thẵm nửa, mà "ai đó" đã chơi cắc cớ "dán " đầy mây che kín cả bầu trời và bầu trời đã bị "đóng khuông".

"Cái tôi" này được nuôi dưỡng bằng nguồn năng lượng không bao giờ cạn kiệt nơi môi trường nó sống từ bé : Gia đình, truyền thống, tập tục, giáo dục, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, xã hội, quốc gia, địa lý...Tất cả nguồn năng lượng này áp đặt, nhồi nhét, quy định lề lối tư duy, ứng xử tiếp vật, cách sống, phản ứng, bản chất, tánh tình, sở thích ..vv...hình thành nên một quan điểm, một cái nhìn của "cái tôi" trên mọi lỉnh vực.

Khi "cái tôi" này phát triển tới mức hoàn hảo, nó  luôn tuyên thuyết "Tôi nghĩ..." "Tôi cho là..." "Theo tôi thì..." "với cái nhìn của tôi thì..." và nó luôn khẳng định đó là "chính nó", "tư tưởng của nó". "Cái tôi" này lúc nào cũng hướng ra bên ngoài để tìm cầu những "cái giống nó", khi tìm thấy cái bên ngoài giống hệt với nó thì nó cảm thấy thỏa mản , hạnh phúc vô cùng nhưng thực ra cái gọi là "giống" này thi thoảng mới xảy ra mà nếu có thì cũng chỉ mang tính cách nhất thời vì vốn dĩ bên trong và bên ngoài đã bị chia chẽ tách biệt thì làm sao giống nhau được chứ..Thế nên khi phát hiện bên ngoài khác với nó thì nó đau khổ vô cùng và nó phản ứng kịch liệt, nếu cần thì thà chết (những trường hợp tự tử) chứ không bao giờ chấp nhận "cái chẳng phải tôi". Vì luôn mong cầu cái bên ngoài phải "giống" với cái sẳn có bên trong nên nó ưa suy diễn theo chiều hướng này, do đó thực tại khách quan nơi ngoại giới bị "bóp méo" một cách đáng thương và biến dạng méo mó đến tội nghiệp khi soi bóng trên mặt hồ chẳng còn tĩnh lặng như dạo nào, mà thay vào đó là những đợt sóng dao động liên tục không ngừng nghĩ...

Thật tội nghiệp, thật đáng xót thương, những cái mà nó cho là tư tưởng của nó, ý nghĩ của chính nó, quan niệm của nó thì chẳng qua là những cái từ bên ngoài nhồi nhét vào, áp đặt quy định nơi nó rồi theo thời gian chính sự quen thuộc khiến cho nó nghĩ những cái đó là chính nó, từ đây hình thành nên ảo tưởng về một "cái tôi" đang hiện hửu, đang có thật mà thôi...cũng giống như câu chuyện ẩm thực của người Hoa ngày xưa, muốn ăn thịt vịt ngon, xương vịt mềm thì bắt chú vịt mới chào đời bỏ vào ống tre nuôi đến lớn, thân hình vịt phát triển theo bề dài của ống tre, khi phá vở ống tre, chú vịt cứ nghĩ cái thân hình dài thượt này là của mình, là của cha sanh mẹ đẽ ban cho.Thế nên từ cách sinh hoạt, ăn uống, đi đứng, ăn mặc, ngủ nghĩ, tư duy ...của "cái tôi" đều được "cái bên ngoài" lập trình, trớ trêu thay nó lại quay ra đối kháng với "cái đã lập trình ra nó" . Rốt cuộc cả quảng đời nó sống như một robot (người máy) đã được lập trình sẳn, chưa bao giờ nó sống thực sự cho chính nó đúng nghĩa như một con người thực thụ có đầy đủ sự tự do tuyệt đối độc lập với ngoại giới (cái bên ngoài). Dòng đời lặng lẻ trôi đi và "cái tôi" tiếp tục sống với cái "ảo tưởng như thực" của nó, trong đó hạnh phúc, đau khổ, buồn, vui đều "như thực", thậm chí cái sanh tử lẫn sợ hãi mà nó cảm nhận cũng "như thực". Đã gọi là "ảo tưởng" thì dù "như thực" đến mức độ nào cũng vẫn chỉ là "ảo tưởng" mà thôi. "Cái tôi" vốn dĩ là một "ảo giác như thực" nơi nhận thức, hạnh phúc lẫn đau khổ cũng là một "ảo giác như thực", vậy thì một cái "ảo" bên trong đi cầu một cái "ảo" bên ngoài (nếu là hạnh phúc) hoặc một cái "ảo" bên trong đang trốn chạy cái "ảo" bên ngoài (nếu là đau khổ), "ảo giác" đi tìm"ảo giác" và "ảo giác" chạy trốn "ảo Giác" ,như vậy "nó" tìm cầu "chính nó" rồi "nó" chạy trốn "chính nó" . Quả thật là một trò đùa khôi hài nơi thân phận con người, một trò chơi của tâm thức và tư tưởng con người chính là nhà tù giam hãm chính nó và nơi tự thể chính nó lưu đày nó chứ chẳng phải "ai" ban bố cho nó.Tất cả đều là "ảo" nên người xưa rất thâm thúy khi tũm tĩm cười mà bảo "nhân sinh như đại mộng".

Nhưng rồi một hôm, tình cờ "cái tôi" tự soi gương chính nó, tự chiếu soi bên trong nó. Bất chợt  đâm nghi ngờ "ta đây sao!!!" "ta là  ai ?? " và "ta từ đâu đến rồi ta sẽ  đi về đâu???" "Tại sao ta khổ mãi thế  này???" "Tại sao ta phải sinh ra để rồi chết  đi , thật phi lý???".Ngay đó nó tự đặt những câu hỏi thật "ngớ ngẩn" với chính nó, vì nó có đời nào hiểu được rằng nó có sinh bao giờ đâu mà chết, nó cũng chẳng từ đâu đến thì làm gì có chuyện đi về đâu và thực ra bản thân nó chỉ là một ảo tưởng nơi nhận thức mà thôi, thật tội nghiệp cho "cái tôi". Nó không bao giờ chấp nhận vấn đề chết, vì chết là đồng nghĩa với "Cái tôi" không còn hiện hửu nơi cõi nhân sinh này, đó là điều làm nó kinh hoàng nhất. Do sợ hải, hoang mang cực độ , nó suy nghĩ tìm mọi biện pháp để cho "cái tôi ' này được vĩnh hằng, ngay đây ảo giác phát sinh thêm ảo giác, ảo chồng thêm ảo, nó chìm lĩm ngay nơi biển ảo giác mà chính nó tạo ra. Nó cầu cứu đến cả thần linh, rồi nó làm phước , làm từ thiện, cầu nguyện, sám hối, rửa tội , ..vv...với hy vọng mỏi mòn là cái tôi này có được một chổ nào đó nơi nước Chúa, Niết bàn hoặc thiên đàng của thánh Allah miễn sao không biến mất là được. Niềm trăn trở kinh hoàng này khiến nó lúc nào cũng bất an và không còn một giây phút nào là bình yên cả....và thận phận con người là như thế đấy, một trò đùa miên viễn nơi cõi nhân sinh, một sự khôi hài mai mĩa của trò chơi ảo giác nơi tâm thức con người.

Nói như thế thì chẳng lẻ con người không có "cái tôi" sao??? Xin thưa có chứ  nhưng chẳng phải là "cái tôi ảo tưởng", cái tôi chân thật chính là mặt hồ tĩnh lặng khi chưa có chút gợn sóng nào cả, khi mà thế giới bên trong và bên ngoài chưa từng tách biệt vì vốn dĩ chúng là một nên không có đối kháng, không có khổ đau, không có tìm cầu. Nơi đây ta và tha nhân chưa từng khác biệt, ta và vũ trụ chưa từng khác nhau. Thậm chí Chúa ở trong ta và ta ở trong chúa, Phật chính là chúng sanh và chúng sanh chính là Phật, ngay đây lòng từ bi hay bác ái từ trong mà lưu xuất ra, từ bi mà không "cố ý" từ bi, bác ái mà không "cố tình" bác ái vì đây là tính bản nhiên, làm mà không có mục đích để làm, làm chỉ để mà làm thế thôi, đó là "vô công dụng hạnh" hay gọi cách khác là "đừng để bàn tay trái biết việc làm của bàn tay phải".

Vậy làm cách nào để con người trở lại với trạng thái bản nhiên lúc đầu khi ảo giác chưa hình thành, khổ đau chưa từng biết đến, sanh tử chưa từng mộng qua, một nơi mà hạnh phúc thật sự vĩnh hằng, nơi đó con người trở về vị trí thực thụ của chính mình với sự tự do tuyệt đối, không còn là một thân phận nô lệ, kể cả nô lệ thần thánh và ở vị trí này không có một cái gì trên cõi đời có thể áp lực nơi tâm thức được nửa. Sự trở về đó có khi gọi là "về ngự bên Chúa Cha" hoặc "nhận ra khuôn mặt thực ngàn đời của mình xưa nay chưa từng thay đổi (Bổn lai diện mục), khuôn mặt thực đó chính là mặt hồ tĩnh lặng chưa từng có gợn sóng nào.

Bấy lâu đã sống quen thuộc với "cái tôi ảo tưởng" thật khó lòng mà một sớm một chiều có thể  thoát được nó, vì nó đã vào trong máu trong tim của thân phận con người nên "đường xưa lối cũ" không thể xóa nhòa trong ký ức mặc dù chúng ta vẫn hiểu vẫn biết "nó" là như thế. Vì sao ??? Vì cái mà chúng ta gọi là "hiểu" là "biết" thực ra là cái biết do đọc mà biết, do truyền đạt lại mà biết, do nghiên cứu tìm hiểu mà biết, do suy nghĩ ghi nhớ mà biết, cái biết trên ngôn cú...Tức là cái biết từ bên ngoài vào chẳng phải cái biết từ bên trong lưu xuất ra, cái biết bên ngoài chẳng phải là cái biết thực sự của mình (cái biết trộm cắp), ngay đây ai biết??? "Cái tôi ảo tưởng" biết, bản thân nó đã là "ảo" thì cái biết của nó cũng vẫn là "ảo" nốt. Lấy cái "ảo" để giải quyết cái "ảo" là chuyện "bất khả đắc" chẳng có hiệu quả gì. Vậy thì cái biết nào giải quyết được vấn đề "ảo tưởng" ??? Cái biết từ bên trong lưu xuất ra, cái biết do thực chứng mà biết,  do chính mình trải nghiệm mà biết và đây mới là cái biết của chính mình, cái biết trực tiếp không qua trung gian suy nghĩ, không qua văn tự, không phải do ai truyền dạy lại cho mình nên được gọi là "trí vô sư", cái biết này không thể diễn đạt bằng ngôn cú, bản thân ngôn cú chỉ là phương tiện quy ước "ảo", mà cái "ảo" thì chẳng bao giờ điễn đạt được cái "thực". Cái biết "chân thực" này còn gọi là cái biết của "thánh linh", của "thánh trí tự chứng", của trí huệ Bát Nhã. Chỉ có cái biết "chân thực" này mới giải quyết được vấn đề "ảo tưởng" về một cái tôi đang hiện hửu. Chỉ khi cái biết "chân thực" hiển lộ thì "thế giới ảo giác" sẽ sụp đỗ, sẽ tan biến như thể xưa nay chưa từng có mặt, những áng mây mù không còn nửa để lộ ra bầu trời xanh thăm thẵm và mặt nước hồ trong vắt yên tĩnh phản chiếu toàn bộ hình ảnh của vạn hửu. Con người giờ đây vẫn vậy nhưng cái nhìn đã thay đổi, sống hân hoan với cuốc đời, với tình thương bao la không có điểm tận cùng và luôn bắt kịp nhịp vận hành của dòng sống trôi chảy bất tận nơi vạn hữu.

Ngày 02 Tháng 04 Năm 2010

 

Minh Tâm