Hận thù và yêu thương chân thật


alt

Tâm chúng ta thường có hai khía cạnh đối nghịch nhau, trong tiếng Pāli gọi là tâm dosa và tâm metta. Dosa là gì? và metta là gì? Là người học Phật, chúng ta nên hiểu hai phương diện này một cách cặn kẽ để không những giúp cho cuộc sống của chính chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn và hoàn thiện hơn mà còn mang lại cho mọi người xung quanh sự bình an hạnh phúc hơn.

Thế nào gọi là tâm dosa? Dosa có nghĩa là tâm sân hận, tâm thù oán, ghét bỏ đến người khác. Tâm vắng bóng sự yêu thương. Trong khi đó tâm metta lại đối nghịch hoàn toàn. Metta là tâm của một người luôn biết yêu thương, biết tha thứ, và luôn tràn ngập từ tâm đến mọi loài, không có ranh giới. Và đặc biệt ở đây, tâm metta trong đạo Phật, là sự yêu thương không có sự sở hữu vào đối tượng mình thương yêu mà bằng tình yêu thương vô bờ bến, chúng ta gọi đó là tâm Từ bi.

Tâm dosa (sân hận) là một trạng thái tâm rất nguy hiểm, tâm luôn nghĩ đến làm hại người, tâm ghét bỏ người khác, tâm đầy sân hận và oán thù, đó là một tâm sở bất thiện thường thúc đẩy con người đến phạm pháp. Khi tâm sân hận nảy sinh sẽ làm che mờ sự hiểu biết của con người. Nó sẽ làm con người mù quáng không nhận thức được điều gì đúng hay điều gì sai. Đức Phật dạy: “Người sân hận sẽ không mang lại an lạc hạnh phúc cho chính mình cũng như người xung quanh”, hận thù có sức mạnh rất lớn, chính nó là kẻ thù lớn nhất phá hoại hòa bình thế giới. Chiến tranh, tàn sát lẫn nhau cũng từ tâm sân hận mà ra.

Đức Phật dạy: “hận thù không thể nào và không bao giờ dập tắt bằng hận thù”. Sống với tâm hận thù chúng ta không thể xây dựng được một sự bình an trong tâm cũng như trong cuộc sống của chúng ta, và chúng ta sẽ không có sự thông cảm giao lưu tình bạn với nhau, sống với tâm hận thù chúng ta không thể hòa nhập với xã hội với thiên nhiên, chính tâm hận thù làm hại sự bình yên, làm cuộc sống của chúng ta ngày càng cô độc hơn và vô vị hơn.

Tâm hận thù nguy hại biết bao! Vậy chúng ta phải loại trừ nó ra khỏi tâm. Nhưng bằng cách nào chúng ta có thể loại trừ được tâm sân hận? Phải chăng đức Phật dạy chúng ta nên lấy từ tâm để dập tắt hận thù. Trong kinh Pháp Cú đức Phật dạy: “Chỉ có từ bi mới xóa sạch hận thù”. Từ tâm sẽ làm dịu bớt sự đau thương của những người bất hạnh, những người đang cùng đường lạc lối; lòng từ sẽ làm nên thế giới hòa bình; lòng từ sẽ làm nền tảng để ngọn đèn trí tuệ phát sanh, và giờ đây chúng ta hãy bàn về metta (lòng từ bi) trong đạo Phật.

Metta là gì? Lòng từ là sao? Một số người hiểu rằng lòng từ chỉ là sự yêu thương đơn thuần giữa người này với người kia, điều đó đúng hay sai? Từ bi trong đạo Phật không phải như vậy. Mà có lẽ cao thượng hơn và sâu sắc hơn. Như trên đã nói, metta (từ bi) là tâm vắng bóng sân hận, tâm thương yêu bao la rộng lớn đến mọi người, mọi loài không giới hạn, là tâm sở thiện, tâm bao dung, tha thứ, đối nghịch với tâm sân hận, khi tâm từ khởi lên và hiện hữu trong tâm của người thì người đó thật sự cảm thấy an vui, và xây dựng thế giới an bình không những cho chính mình mà còn thế giới xung quanh mình. Khi người có tâm từ bi người đó thật sự mong muốn mang lại an lành, hạnh phúc cho người khác. Và họ nhận thức được rằng khi mang lại hạnh phúc cho người khác tức họ đã mang hạnh phúc cho chính mình.

Đức Phật so sánh tâm từ với tấm lòng của người mẹ thương yêu con một của mình, tình thương của người mẹ thương con vô bờ bến, người đã bất chấp tất cả, thậm chí hi sinh cả tánh mạng của mình cho con nhưng người vẫn vui, vẫn làm mà không hề tỏ ý bực tức hay oán hận con mình. Tâm từ trong đạo Phật cũng như vậy không hề có giới hạn mà thương yêu đến tất cả.

Như vậy, chúng ta nên xây dựng và nuôi dưỡng từ tâm, để mang sự an lạc cho chính mình và tạo nên thế giới bình yên đến tất cả mọi người xung quanh, hay nói cách khác chúng ta nên tạo một tâm biết yêu thương đến tất cả mọi người mọi loài xung quanh. Nhưng làm sao xây dựng và nuôi dưỡng từ tâm. Điều trước tiên phải yêu thương chính mình, làm cho tâm từ bi luôn hiện hữu trong tâm và chúng ta luôn nghĩ đến người khác với tâm yêu thương bao la, che chở không oán hận, không tìm lỗi của người khác. Với phẩm chất yêu thương đến người khác, từ tâm càng phát triển mạnh hơn, nhưng nếu với việc tìm lỗi của người khác chúng ta không những không thể nuôi dưỡng từ tâm mà càng gây thêm sự oán thù mà thôi. Lòng khoan dung, tha thứ sẽ bồi bổ tình thương và thay thế tâm hận thù trong chúng ta.

Hãy cố gắng luôn có cảm giác yêu thương trong tâm hồn, trong mọi lúc, mọi nơi. Thể hiện tình yêu thương đến với mọi người bằng thân, khẩu, ý. Làm cho thế giới hòa bình thay vì tạo nên tội ác và gây hận thù cho nhau.

Đạo Phật là đạo từ bi, đức Phật đã sống trọn đời với từ tâm, thương yêu tất cả không phân biệt ai, dù đó là người hại mình. Vậy nên, là người con Phật, chúng ta hãy theo lời Phật dạy, nuôi dưỡng từ tâm để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Hơn thế nữa, khi chúng ta nuôi dưỡng từ tâm đến với mọi người chúng ta sẽ gặt hái rất nhiều lợi ích trong cuộc sống hiện tại cũng như kiếp vị lai. Đức Phật dạy có mười một lợi ích khi chúng ta nuôi dưỡng lòng từ:

1. Bạn sẽ có một giấc ngủ an lành.
2. Khi thức giấc bạn cảm thấy rất nhẹ nhàng.
3. Ác mộng không bao giờ đến trong giấc ngủ của bạn.
4. Bạn luôn được mọi người quí mến.
5. Đến cả phi nhân cũng quí mến bạn.
6. Bạn luôn được bảo vệ bởi chư thiên.
7. Bạn sẽ không bị đau khổ bởi nước lửa, chất độc hay khí giới.
8. Bạn sẽ rất dễ dàng đạt được định tâm.
9. Sự yêu thương trìu mến luôn giữ trên khuôn mặt bạn.
10. Giây phút lâm chung bạn có thể ra đi một cách nhẹ nhàng, không bối rối.
11. Nếu bạn chưa đạt được một trí tuệ tối thượng, bạn sẽ được tái sanh vào cõi Phạm Thiên.

Như vậy, nếu tình yêu thương lan tỏa trong tâm, sẽ không có chỗ để hận thù hiện hữu, cuộc sống sẽ có ý nghĩa và bình an biết bao nếu tâm hồn của chúng ta luôn chan hòa sự thông cảm, sự yêu thương, bao dung và tha thứ. Và khi tâm chúng ta bình an thật sự, chúng ta có thể nhận chân được điều đúng hay sai, điều đó chứng tỏ rằng tâm từ làm nền tảng lót đường dẫn đến trí tuệ Bát-nhã, trí tuệ Bát-nhã sẽ nhận chân được chân lý cao thượng, khi chân lý cao thượng được nhận thấy thì cánh cửa Niết-bàn, sự an lạc vĩnh cửu sẽ không xa.
Con xin cầu chúc tất cả mọi người luôn sống an lành và hạnh phúc.

 

Thích Nữ Hạnh Như