Xương rồng an lạc


alt
 

Mẹ góa, hai mẹ con làm rẫy nuôi nhau, nhưng mẹ đã cố tình để mình đi lạc mất rồi. Dưa vẫn là dưa của sự sống nhưng em thì đã mồ côi toàn phần, ngày dài lại đêm thâu bên sườn núi chỉ toàn cỏ cháy.

Mười một tuổi, nào ai biết mình sẽ thành ra con người gì. Ban ngày em làm bù nhìn canh ruộng, cơm nấu hai ngày một lần, khát thì bổ dưa ra giải khát, ăn từ dưa ửng đến lúc dưa chín rục, nhát bổ ngày mỗi tàn bạo hơn và sắc dưa hình như có màu của huyết. Mắt em nhìn gì cũng thấy máu, dưa đỏ ròng ròng. Em bệnh một trận thập tử nhất sinh, một nhà sư bên chân núi cứu em bằng lá thuốc. Từ đó, em có người bạn vong niên. Không, em đã được trời Phật xốc lên một chiếc thuyền để sang một bờ bến khác.

Mùa dưa tàn. Em không còn mặc cảm với dân ấp nữa, em có tội tình gì đâu. Em làm mọi việc để có cơm áo, ngày của trần gian nhưng đêm thì của Phật. Người đời hỏi sao em không xuống tóc làm tiểu, không phải kiếm sống mà vẫn có nhà và có cơm chay? Em lắc đầu, tui còn mẹ, thế nào mẹ tui cũng quay về mà. Nhà sư đích thân đưa từng cuốn sách cho em, bảo đọc đi, đọc cho tâm định chí bền, đọc đi.

 

alt

Ảnh: Phùng Huy

Tuổi thiếu niên của em trôi qua với những mùa dưa. Em đã không còn dùng những nhát dao chém thù với những trái dưa nữa. Em cũng không thấy dưa là huyết mà dưa là một sự tri ân kỳ lạ của đất đai với con người. Nhưng chân núi nhiều cỏ cháy này quẩn tầm mắt quá. Nhà chùa cũng không còn sách để cho tâm mình rộng và chí mình lớn thêm. Sư thầy hướng cả hai tay về phía em như ông vừa tung một cánh chim lên trời: Đi đi, thầy không giữ! Thế là ngày rộng tháng dài, em bắt đầu hành trình tìm mẹ bằng những công việc trần ai ở những chặng xe và những bến xe. Quá nhiều tấm lưng hao hao mẹ, nếu nhìn từ phía sau. Chỉ khác mẹ là khi nhìn trực diện, em thấy họ có tình mẫu tử ở bên trong đáy mắt.

Rất nhiều lần em quay lại mảnh ruộng hoang dưới chân núi ấy để ngóng tin mẹ. Và em đã linh cảm đúng. Mẹ em nằm đó, dưới túp lều, thân tàn ma dại với chứng bệnh nan y trong người. Nhà sư đang cố cứu bà bằng những nồi lá thuốc. Thế là em đã lại có mẹ, một chàng trai mới lớn có mẹ chứ không mồ côi toàn phần nữa. Em trồng dưa, mùa dưa qua, lại đi làm thuê làm mướn trong ấp để nuôi mẹ. Em thường ngồi với trăng sao để tự hỏi mình sinh ra để làm gì, mình sẽ là gì? Phật dạy: "Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu". Phật cũng nhắc rằng: "Lễ vật lớn nhất của đời người là khoan dung". Sư thầy căn dặn: Hãy an lạc, an lạc!

Em dựng nhà cho mẹ và cho mình. Em bồng ẵm mẹ trên tay để bà được ra đi trong hơi ấm gia đình. Và em nhớ mẹ, thương mình, thương đời bằng thơ. Khi có ánh sáng ấy bên trong, em thấy như mình đã tìm thấy một mái chùa, song hành với vị sư thầy vong niên bên chân núi. Những viên gạch đầu tiên em tự đóng lấy cho em một gian thờ. Ba đó rồi mẹ đó, em tin họ đã đoàn viên và đã thể tất cho nhau hết cả. Chừng như em đã hiểu người đời hơn nhiều, cảnh góa sớm của mẹ, những đêm bồn chồn trăng thanh gió mát của mẹ và ánh mắt tuyệt vọng của bà mỗi khi đối diện với sư thầy. Em dành cho ngôi nhà tương lai một vuông thổ cư rộng trồng toàn mai để tưởng nhớ mẹ. Ngày trước mẹ hằng ước một ngôi nhà và một cây mai kiểng trước cửa giống như mọi ngôi nhà ở xứ này. Em cãi mẹ, em sẽ trồng vào chỗ mẹ muốn một khóm xương rồng, còn mai thì năm nào cũng sẽ có, một bình mai cự phách ngay bên bàn thờ của mẹ.

Gian phòng thứ hai hình thành khi em báo với vong linh ba mẹ một nàng dâu. Gian thứ ba nở ra khi nhà có thêm một thành viên bé xíu. Nhà tự xây tự chế, loắc ngoắc phòng cho gió loắc ngoắc luồn qua. Vườn mai cho mẹ, xương rồng cho mình và văn chương cho lẽ phải. Em đã đi qua hết, không có đoạn nào có thể khó khăn hơn, một hành trình hay một cuộc đời, quá khứ không tồi và tương lai thì đã minh định được. Làm người có khó không? Quá khó, nhưng không phải ta không làm nổi một con người.

Khóm xương rồng của em nổi bật bên chân núi vào những lúc chiều tà. Lầm lụi, hiên ngang, khí phách. Và, Tết nào em cũng có những cành mai để tự thưởng cho mình, trong chiếc độc bình ngoại cỡ. Đó là cách chơi trội duy nhất tôi bắt được ở em. Không, là cống hiến thì đúng hơn, cống hiến cho những đời người được đánh dấu bằng những nhịp Tết.

Dạ Ngân (PNO)