Hãy bước bên nhau và làm bạn đồng hành

Những bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em nữ thường có liên hệ đến việc tiêu thụ những sản phẩm như

rượu bia, các phim ảnh đồi truỵ, bạo động và các sản phẩm xem phái nữ như một đối tượng giải trí. Không tiêu thụ những sản phẩm trên và có cái nhìn về giá trị tinh thần của phụ nữ có thể giúp giảm bớt bạo hành.

Chuyện kể về một diễn giả được mời đến diễn thuyết tại một buổi triển lãm về máy móc nông nghiệp, trong đó đa số người tham dự là đàn ông.

Để tăng thêm phần hấp dẫn cho buổi triển lãm – vì máy móc nông nghiệp thì chẳng có gì quyến rũ cả – nên chương trình có một màn múa do các phụ nữ mang trang phục khêu gợi trình diễn trước khi vị diễn giả phát biểu.

Màn múa đã kết thúc mà những người tham dự vẫn còn bị kích thích và bàn tán về nó, khiến vị diễn giả không bắt đầu được. Để tạo sự tập trung, vị diễn giả đã tâm sự: “Tôi biết thật là khó để kiềm chế được sự kích thích khi nhìn thấy các phụ nữ xinh đẹp trình diễn màn múa trên, nhưng nếu những người phụ nữ đó không phải là người xa lạ, mà lại là vợ, là chị, là em gái, hay là con gái của quý vị, thì quý vị có những ham muốn đó không?”.

Cả hội trường bỗng trở nên im lặng như tờ.

Việc dùng hình ảnh các cô gái trẻ đẹp trong những bộ trang phục có tính cách gợi lòng ham muốn để bán sản phẩm và dịch vụ có thể dẫn đến những hậu quả phụ không tốt.

Những bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em nữ thường có liên hệ đến việc tiêu thụ những sản phẩm như rượu bia, các phim ảnh đồi truỵ, bạo động và các sản phẩm xem phái nữ như một đối tượng giải trí. Không tiêu thụ những sản phẩm trên và có cái nhìn về giá trị tinh thần của phụ nữ có thể giúp giảm bớt bạo hành.

Mọi loài đều cần thức ăn để sống và phát triển. Bạo động cũng cần thức ăn để sống. Khi còn nhỏ, nhà Mạnh Tử ở gần lò heo, nên hay chơi trò giết heo. Khi mẹ chuyển nhà đến gần trường học, thì lại thích đọc sách.

Hạt giống bạo động đã có sẵn trong cậu bé Mạnh Tử, lò heo chỉ là môi trường để hạt giống bạo động đó biểu hiện qua trò chơi giết heo. Hạt giống hiếu học cũng đã có sẵn trong cậu bé Mạnh Tử, trường học chỉ là môi trường để hạt giống hiếu học biểu hiện qua việc đọc sách.

alt

Hành động của ta thường được biểu hiện qua ba phương diện: ý nghĩ, lời nói và việc làm (thân khẩu ý). Ý nghĩ là bước đầu tiên của hành động. Là một người chồng, người cha, người anh, hay em trai thì ta có ý nghĩ là phải thương vợ, thương con gái, thương chị em gái ta, phải bảo vệ cho họ, không để cho họ bị xúc phạm.

Có ý nghĩ như vậy thì ta sẽ biết chọn môi trường sinh hoạt để ý nghĩ đó không bị mất đi. Nếu có quên thì chỉ cần được nhắc là nhớ liền. Đó là lý do cả hội trường trở nên yên lặng khi diễn giả hỏi những người đàn ông họ có bị kích động không nếu những người phụ nữ trong màn múa đó là người thân của họ?

Trong đời sống, ta phải tiếp xúc với mọi người và mọi sự việc. Điều quan trọng là biết cách chọn lựa những gì ta tiếp xúc và tiêu thụ. Cách đây hơn 2.500 năm, Bụt đã dạy rất rõ về tai hại của các độc tố – giới thứ năm – và khuyên các Phật tử không uống rượu. Giới này đã được trình bày lại như sau, trong đó các sản phẩm độc hại được mở rộng để thích hợp với tình trạng hiện đại (*):

“Gìn giữ thân tâm, lành mạnh xã hội: Ý thức được những khổ đau do sự sử dụng ma tuý và độc tố gây ra, con xin học cách chuyển hoá thân tâm, xây dựng sức khoẻ thân thể và tâm hồn bằng cách thực tập chánh niệm trong việc ăn uống và  tiêu thụ. Con nguyện chỉ tiêu thụ những gì có thể đem lại an lạc cho thân tâm con, và cho thân tâm gia đình và xã hội con.

Con nguyện không uống rượu, không sử dụng các chất ma tuý, không ăn uống hoặc tiêu thụ những sản phẩm có độc tố trong đó có một số sản phẩm truyền thanh, truyền hình, sách báo, phim ảnh và chuyện trò. Con biết rằng tàn hoại thân tâm bằng rượu và các độc tố ấy là phản bội tổ tiên, cha mẹ và cũng là phản bội các thế hệ tương lai.

Con nguyện chuyển hoá bạo động, căm thù, sợ hãi và buồn giận bằng cách thực tập phép kiêng cữ cho con, cho gia đình con và cho xã hội. Con biết phép kiêng khem này rất thiết yếu để chuyển hoá tự thân, tâm thức cộng đồng và xã hội”.

Bia rượu là thức ăn nên tránh. Ta nghĩ là uống một ly thì không có hại, nhưng khi đã uống ly thứ nhất rồi, thì khó cưỡng lại được ly thứ hai, ly thứ ba. Nhiều bạo hành như hãm hiếp người yêu, đánh đập vợ con xảy ra vì việc uống bia rượu say không làm chủ được mình.

Phim ảnh, sách báo, trò chơi điện tử có tính cách đồi truỵ và bạo động cũng là thức ăn nên tránh. Người trẻ thường bắt chước làm theo sau khi tiếp xúc với những hình ảnh bạo động đó. Một học sinh 14 tuổi cưỡng hiếp một em bé hàng xóm 8 tuổi cũng do ảnh hưởng của phim ảnh (VietnamNet, 10.9.2008).

Người lớn cũng bị ảnh hưởng bởi các hình ảnh đồi truỵ và bạo động. Những việc xâm phạm tiết hạnh của trẻ em làm ta phải quan tâm. Ta giải thích như thế nào về việc một người cha cưỡng hiếp nhiều lần đứa con gái 8 tuổi của mình (VTCNews, 24.7.2008). Chắc không phải vì nhu cầu tình dục, vì ông đang sống với vợ.

Ham muốn giao cấu với trẻ em có lẽ đã hình thành trong tâm ông khi ông tiếp xúc với các sản phẩm có nội dung này. Ông chỉ cần có cơ hội là thực hiện. Không thực hiện với con gái nhỏ của mình thì thực hiện với con gái nhỏ của người khác.

Biết rõ việc này là sai lắm, nhưng không cưỡng được, người cha phải cần uống rượu say thì mới làm việc tồi tệ đó được. Bụt lấy hình ảnh một người đàn ông bị hai chàng trai lực lưỡng kéo xuống hầm lửa đỏ mặc cho ông ta la hét chống lại để nói lên sức mạnh của dục vọng. Hai chàng trai lực lưỡng đó chính là dục vọng.

Ta đánh đập, la mắng, chửi rủa một người nào đó khi ta nghĩ là họ không có giá trị, họ hèn kém hơn ta. Bạo hành với phụ nữ xảy ra khi phụ nữ không được xem trọng. Những bạo hành như đánh vợ để giải toả áp lực tại sở làm, la mắng vợ để chứng tỏ uy quyền của người đàn ông... chỉ là những biểu hiện ở bề mặt.

Ta có những giải pháp ở phần ngọn – dùng pháp luật để ngăn chận không cho những bạo hành đó xảy ra. Ta cũng cần một giải pháp lâu dài ở phần gốc, trong đó vị trí tinh thần của người phụ nữ cần được xem trọng. Không những chỉ cho nam giới, mà nữ giới cũng cần thấy rõ giá trị tinh thần đó.

Người phụ nữ – qua vai trò của người mẹ – được giao phó một trách nhiệm rất quan trọng: giáo dục và huấn luyện thế hệ tương lai. Theo nhà hiền triết Ấn Độ Swami Vivekananda, “Khi dạy một người đàn ông, bạn chỉ dạy một người. Khi dạy một người phụ nữ, bạn dạy cả một gia đình”.

Ông bà ta cũng có nói “Con hư tại mẹ”. Các người chồng nên giúp vợ làm tròn nhiệm vụ giáo dục này. Một cách thật hay là thương yêu và kính trọng vợ. Được như vậy thì người mẹ mới trao truyền những giá trị đó cho con một cách hữu hiệu. Dĩ nhiên là người cha cũng có nhiệm vụ dạy con, nhưng người mẹ thường đóng vai trò chính.

Phái nữ có mặt ít lắm là một nửa trong dân số của một cộng đồng và đóng góp rất nhiều trong việc xây dựng xã hội. Đàn ông cần xem phụ nữ là một đối tác bình đẳng trong những liên hệ ở gia đình và xã hội.

Một nhà văn Pháp nói “Đừng bước phía sau tôi, tôi không muốn dẫn đầu. Đừng bước phía trước tôi, tôi không muốn đi theo. Bước bên cạnh tôi và làm bạn của tôi”. Đàn ông không thể một mình làm hết các công việc được. Chia sẻ trách nhiệm và công việc. Có nhiều lãnh vực mà phụ nữ làm rất giỏi.

Ngày nay, việc phụ nữ đứng đầu một chính phủ và góp phần lèo lái vận mệnh quốc gia không làm ta ngạc nhiên. Thủ tướng Đức, thủ tướng New Zealand, tổng thống Philippines hiện nay là phụ nữ. Ta không phải quan tâm khi phụ nữ có địa vị và quyền hành thì họ không kính trọng đàn ông.

Mối quan tâm của ta nên là khi có quyền hành và địa vị, ta có khinh thường người khác không? Sự kính trọng không đến từ địa vị và quyền hành mà đến từ nhân cách của ta.

Nữ hoàng nước Anh Victoria (1819 – 1901) và chồng là hoàng tử Albert rất thương yêu và kính trọng nhau. Có một lần bà lỡ lời làm ông buồn, ông cho biết sự không đồng ý của mình bằng cách im lặng trong mấy ngày, nữ hoàng sau đó xin lỗi để giải hoà. Người chồng cũng có thể xin lỗi vợ khi mình có lỗi. Người biết phải trái và biết sửa đổi là người có nhân cách lớn.

Có một cái nhìn đúng đắn về giá trị của người phụ nữ giúp giải quyết được nhiều thảm kịch do việc trọng nam khinh nữ gây ra. Ở Trung Quốc, để giảm sự tăng trưởng dân số, nhà nước ra chính sách một con. Một số bà mẹ phải phá thai khi biết thai nhi là nữ vì gia đình chồng muốn có một đứa con trai để nối dõi tông đường.

Ở Việt Nam, thật may là không có tình trạng đó. Những người chồng hiện đại đã có cái nhìn rộng rãi hơn về việc này. Đối với họ, con trai con gái cũng là con và đều thương như nhau. Đây là một ý tưởng cần được khuyến khích.

Khi lấy vợ, người chồng đã làm một lời hứa là thương yêu và kính trọng vợ, cùng xây dựng một gia đình hạnh phúc. Những mong muốn tốt đó cần được nuôi dưỡng. Tránh những môi trường làm cho ao ước đó bị héo mòn. Có như vậy thì sự bạo hành với vợ con sẽ không xảy ra. Bản thân người chồng, gia đình và xã hội sẽ được an lạc.

Chân Pháp Khâm