Kinh Buông Bỏ Sở Tri và Ngôn Từ

http://suoinguontinhthuong.vn/UserFiles/image/HoaSenHong.jpg

Buông Bỏ Sở Tri và Ngôn Từ
(Tu Đà Lợi Kinh)
Nghĩa Túc Kinh, kinh thứ ba, Đại Tạng Tân Tu 198
tương đương với Dutthattake Sutta, Sutta-Nipàta 782-787

1. Mình còn mang theo tà niệm mà cứ lo chỉ trích người khác (về những sai lầm thiếu sót của họ). Mình chỉ ham đề cao cái thấy của mình về sự thật. Và khi mình gặp được một vị chân tu đích thực, thì mình thấy rằng vị ấy chẳng quan tâm gì tới chuyện thị phi và hơn thua cả.

2. Làm sao sử dụng được công phu hành trì của mình để buông bỏ tham dục trong cuộc đời? Làm sao đạt tới được cái hạnh đức cao quý và vượt thoát mọi nhu yếu tranh cãi? Làm sao chế ngự được tham dục? Người ta sẽ đặt cho mình những câu hỏi (thực tế) như thế.

3. Giả dụ có người, không ai hỏi mà tự khoe là mình giữ giới và thực tập giỏi, người ta sẽ nghi rằng người này không nói thật và không đi đúng vào con đường của đạo pháp. Vì vậy những ai muốn học hạnh sa môn phải biết lo tự mình tịnh hóa mình trước.

4. Đã thực sự dừng lại rồi, và để không còn bị kẹt vào cuộc đời thế tục thì phải thường tự nhắc nhở là mình phải nắm giữ giới luật cho vững chắc. Phải có đức tin nơi đạo pháp, không nên chỉ ba hoa lo dạy đời.

5. Giáo pháp nói lên không có gì bí hiểm mà cũng không bị hư nát. Khi giảng dạy đừng đưa cái ngã của mình lên, không nên vì vui mà dạy vì giận mà không dạy. Phải thấy được trong sự hành trì của mình không có gì sai lạc và rơi rụng. Nếu mình không bị kẹt vào cái ý riêng của mình thì còn gì để mừng hoặc để giận?

6. Những cái gì ta đã ngỡ là của ta cần được buông bỏ, những giáo pháp minh sát cần phải nắm lấy để hành trì. Nếu tha thiết muốn có lợi ích chân thực thì mình sẽ đạt được tuệ giác về không, bởi vì nếu nhìn vào các pháp và thấy được tướng không của chúng cho nên mình biết tất cả vốn là không.

7. Không nên vướng vào bất cứ một xứ nào (của bốn thiền về sắc giới), trong đó có vô sở hữu xứ. Hành trì mà không có ý định sinh về một trong ba cõi. Nếu tất cả những gì vô minh và điên đảo đã được đoạn trừ thì làm sao cái hành của mình lại còn mang tính cách xứ sở?

8. Ý niệm về có được phá vỡ tan tành; ngôn ngữ để sử dụng giải bày cũng không còn bị vướng mắc. Đã không bị vướng mắc, đã có khả năng buông bỏ (mọi ý niệm) thì cái hành của mình sẽ có công năng đưa mình tới cái tuyệt đối không kỳ thị.

Bối Cảnh

Kinh này tên là kinh Tu Đà Lợi. Tu Đà Lợi (Sundari) là tên một cô gái trẻ đẹp, được một nhóm đạo sĩ Bà La Môn sai phái lui tới tu viện Kỳ Viên nơi Bụt và các thầy cư trú. Nhóm đạo sĩ này ganh tức với giáo đoàn của Bụt vì họ không còn được vua Ba Tư Nặc trọng đãi như trước. Sau đó, Tu Đà Lợi bị giết và thi thể chôn dấu ở tu viện Kỳ Viên. Người ta vu oan là Bụt và các thầy đã giết cô gái và tạo dư luận là giáo đoàn của Bụt tu tập giả dối. Có nhiều thầy đi vào thành Xá Vệ khất thực bị tẩy chay. Bụt bảo trong bảy hôm sự thực sẽ bùng ra và dân chúng sẽ thấy rõ là giáo đoàn của Bụt luôn luôn thanh tịnh. Quả nhiên bảy hôm sau thám tử của vua Ba Tư Nặc khám phá ra được âm mưu giết người và vu khống.

Đại Ý

Kinh này tuy cũng chỉ có tám bài kệ nhưng ý tứ rất sâu sắc. Câu nói: giáo pháp không có gì bí mật (che dấu) và không có gì hư nát là từ kinh này. Một vị mâu ni chân thực không quan tâm đến chuyện thị phi và đắc thất. Vị ấy không có nhu yếu tranh cãi và gặt hái tiếng khen. Vị ấy lo tự tu tự độ để có giải thoát trước, chứ không ba hoa lo dạy đời. Vị ấy có khả năng buông bỏ sở tri của mình, cho nên khi được khen không mừng mà khi bị chê cũng không giận.

Kinh này đã nói tới tuệ giác không. Nhìn vào tướng trạng các pháp, thấy được tướng không của các pháp cho nên vị mâu ni vượt thoát được ý niệm về có và đồng thời cũng vượt được ý niệm về không như là ý niệm vô sở hữu xứ.

Kinh này cũng đã nói tới sự phá vỡ các khái niệm trong đó có khái niệm có và khái niệm không, và nhất là đã đề cập tới ý niệm ngôn ngữ đạo đoạn, ta không nên bị kẹt vào ngôn từ.

Cuối cùng kinh này cũng đã nói tới sự buông bỏ (xả) để đạt tới cái không còn kỳ thị.

 Dịch ra quốc ngữ: Sư Ông Làng Mai