Phù thủy của những ngôi nhà cổ

Sinh năm 1967, anh bộ đội phục viên Nguyễn Đức Tri bắt đầu sự nghiệp bằng nghề tạo phong cảnh, cây cảnh, làm non bộ. Thời điểm ấy, Nguyễn Đức Tri thậm chí không hề hình dung được sẽ có lúc đời mình sẽ hoàn toàn gắn liền với những ngôi nhà cổ...

Nơi giá trị cổ tái sinh

Ngay ngã ba Thành, Diên Khánh, Khánh Hòa có một  khu đất rộng 300 m2 với rất nhiều  ngôi nhà cổ ở dạng đã tháo rời hay đang phục chế lại, kích thích những đôi mắt tò mò tìm đến...

Tồn tại từ năm 1999 đến nay, đã có 54 ngôi nhà cổ  đã được phục dựng lại từ mảnh đất nhỏ này, tạo cho chúng một đời sống khác hoàn hảo hơn.

Người tạo dựng ấy, một chàng trai sinh ra và lớn lên ngay tại Thị trấn Diên Khánh trở thành người chuyên hồi sinh lại các ngôi nhà cổ, khởi nguồn từ những lý do thật đặc biệt gắn với cụm từ "cuộc sống đẩy đưa".

Nguyễn Đức Tri - phù thủy của những ngôi nhà cổ - là nguời đã tạo lập ra nơi lưu giữ và làm hồi sinh lại những ngôi nhà cổ sắp sửa bị sụp đổ vì thời gian, do chủ nhân của những ngôi nhà đó rải rác khắp các miền quê Khánh Hòa gần như không có điều kiện để tu bổ và trông ngóng vào chính sách của địa phương thì trông mãi chẳng bao giờ thấy.

Một ngôi nhà cổ đang được phục dựng, Ảnh: Khuê Việt Trường

Sinh năm 1967, anh bộ đội phục viên Nguyễn Đức Tri bắt đầu sự nghiệp bằng nghề tạo phong cảnh, cây cảnh, làm non bộ. Thời điểm ấy, Nguyễn Đức Tri thậm chí không hề hình dung được sẽ có lúc đời mình sẽ hoàn toàn gắn liền với những ngôi nhà cổ.

Thế rồi cơ  duyên đã đến với anh khi có một đơn vị du lịch cần lắp đặt một ngôi nhà cổ, và anh thì biết ngôi nhà cổ ở đâu cần bán. Sản phẩm đầu tiên Tri sưu tầm được chính là căn nhà cổ đầu tiên trong khuôn viên khách sạn Yasaka-Sài Gòn -Nha Trang, một căn nhà cổ được đánh giá hiếm, đẹp và gần như còn nguyên vẹn. Rồi từ đó, anh trở thành người mà ai muốn mua hoặc tạo dựng nhà cổ đều biết đến và tìm tới.

Trong khu nhà cổ của anh Tri, có ba ngôi nhà đã dựng hoàn chỉnh. Tất nhiên là theo cách dựng nhà như ở nơi chúng đã được tháo dỡ ra là cột chỉ chạm vào bệ đỡ, các mối kết cột với nhau đều bằng con sẻ và mái ngói lợp phủ có thể tháo dỡ dễ dàng. Một căn nhà khác chỉ mới lắp khung, còn trong kho hoặc dưới những mái bạt phủ thì cơ man nào là những chi tiết của những ngôi nhà cổ.  Còn những người thợ mộc lành nghề lại đang chăm chút tạo ra những chi tiết mà ngôi nhà cổ đang phục dựng bị hỏng hoặc còn thiếu.

Từ năm 1999 đến nay, 54 nhà cổ nhờ sự phục dựng lại ở nơi này mà chúng có đời sống khác, và 30 ngôi nhà cổ khác đang chờ được phục dựng lại.

Anh Tri nói, lúc đầu là cơm áo, nhưng theo nghề này thì lại càng dày đặn đam mê. Mỗi ngôi nhà cổ có khi mua đã hỏng hết 70%, khi đem về phải tạo lại thành một căn nhà mới, đẹp hơn khiến cho mình có cảm giác như vừa hoàn thành xong một tác phẩm nghệ thuật.

"Nhiều nhà cổ người ta bỏ hoang phế, sập tường hỏng mái nhìn thấy mà xót. Bản thân của gia chủ cũng không biết xử lý như thế nào, cho nên việc mình mua lại, phục chế chúng lại ngoài việc tạo cho gia chủ có kinh tế, còn làm công việc phục hồi cái cổ."

Theo anh Tri thì cách đây hơn 5 năm, Sở Văn Hóa Thông tin Khánh Hòa (cũ) cho biết là còn 83 nhà cổ trên 100 tuổi, nhưng cho đến nay thì nguồn nhà cổ ở Khánh Hòa gần như đã cạn. Việc kiếm một căn nhà hoàn chỉnh với 36 cột (căn bát dần), cửa Long xích (bên dưới panô bên trên có song kéo qua lại) là hiếm. Theo anh Tri, đa phần những ngôi nhà cổ đều của quan quyền họăc nhà giàu thời xưa, còn nhà nghèo thì vẫn là mái tranh vách đất. Những loại ngói cổ thật sự để lợp nhà cổ là ngói âm dương, có trên 100 năm, còn ngói vảy cá hiện tại nhiều đơn vị du lịch sử dụng cho các mái nhà cổ cũng chỉ từ năm 1917-1940...

Đường về nhà cổ lắm gian nan

Trên 50 nhà cổ ấy, để mua được chúng cũng lắm truân chuyên. Anh Tri kể, bây giờ mỗi ngôi nhà dù chỉ còn vài chục phần trăm giá đã vài trăm triệu.

Phù thủy Tri, Ảnh: Khuê Việt Trường

Có ngôi nhà cổ anh đã dược chủ nhân đồng ý bán, nhưng họ bảo  đợi họp thảo luận trong gia đình. Rồi chủ nhà chết, phải đợi mãn tang. Trong khi đó, những cuộc săn lùng nhà cổ Khánh Hòa từ Đà Lạt, Tp.HCM và nhiều tỉnh khác cũng là yếu tố đẩy giá nhà cổ lên.

Anh chỉ cho tôi ngôi nhà cổ anh đang phục dựng. Anh cho biết ngôi nhà này anh phải vay 7 cây vàng để mua, căn nhà chỉ còn có 9 cây cột chính là dùng được, anh lại phải săn lùng bổ sung trên 20 cây cột. Nhưng mỗi căn nhà cổ cũng cần cái hồn bao quanh, đó là không gian vườn vài trăm mét vuông, là rương xe, là bàn thờ, câu đối hòanh phi, bàn ghế cổ. Ngoài ra còn có cả cối xay bằng đá, lu vại... Anh Tri cũng đã phải tiếp tục gom nhặt mọi nơi bao nhiêu thứ.

Có những căn nhà cổ từ nơi anh Tri đã lên Đà Lạt như khu nhà cổ dưới chân cáp treo đường Trần Hưng Đạo, có căn  vào TP.HCM cho khu nhà của nhạc sĩ Thanh Tùng. Anh bảo: "Chính chủ nhân những ngôi nhà đó làm cho chúng có một đời sống đẹp hơn. Có thể là mưu sinh, nhưng từ những căn nhà sắp sập hoàn toàn, tôi đem về tạo dựng lại. Có cảm giác như chúng đang có một cuộc sống khác, trở thành một kẻ khác."

Những người thợ mộc lành nghề theo anh Tri tạo dựng lại những ngôi nhà cổ như cũng được truyền niềm đam mê của anh. Đa phần theo anh từ bao nhiêu năm nay, họ cùng anh đi tái dựng lại những ngôi nhà cổ ở mọi nơi. Như anh Lưu Văn Thành, 27 tuổi, từ thợ đóng đồ gỗ gia đình, đã trở thành người thợ lành nghề tạo lại những chi tiết khó của những ngôi nhà cổ đã bị hư hỏng.

Những ngôi nhà cổ ở ngã ba Thành ấy cứ lần lần được trả lại dáng xưa, rồi chúng lại được lắp đặt ở một nơi nào đó. Điều chắc chắn là giờ đây, đời của những ngôi nhà sẽ còn cả vài  trăm năm nữa.

Khuê Việt Trường (tuanvietnam)