Những người gánh hàng thuê ở Chùa Hương

Suốt ba tháng hội, đất Phật (tên người đời gọi danh thắng Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội) tràn ngập hàng hoá phục vụ cho nhu cầu của người cõi trần.

Hàng quán san sát nhau từ bến Thiên Trù cho đến động Hương Tích. Toàn bộ lượng hàng hoá khổng lồ, ước hàng ngàn tấn ấy, chỉ có thể dùng thuyền chở được từ bến Đục Khê đến bến Thiên Trù, còn thì từ bến Thiên Trù trở lên là thăm thẳm sáu cây số dốc với hàng ngàn bậc đá, không một loại xe nào có thể chở được, cáp treo chỉ nhận chở người chứ không chở hàng, vì thế mà tất cả lượng hàng hoá đó đều được cõng, được đội, được gánh lên đến nơi bán hàng bởi đội quân gánh hàng thuê. Trước ngày khai hội, họ gánh thuê cho nhà chủ bày hàng, còn từ sau khai hội cho đến hết hội, hàng ngày chủ hàng bán hết bao nhiêu, họ lại gánh lên bổ sung đến đó…

Ngồi nghỉ trong một hàng giải khát cửa động Hương Tích một lúc, tôi gặp một thanh niên gánh một gánh dừa lên. Lúc đầu, tôi tưởng anh bị ngã xuống suối, vì quần áo anh ướt rượt, bó sát vào người, tóc tai cũng ướt rượt, sau mới biết đó là mồ hôi.

 

http://222.255.28.57:2020/Upload/Image/2010/4/13/ganh1.jpg

Vác hàng lên dốc

Dốc hai bao tải dừa ra, chỉ một lát người anh đã run bần bật vì cửa động Hương Tích khá lạnh, sương giăng la đà. Hỏi chuyện, anh bảo anh tên Hùng, người Tế Tiêu, gánh hàng thuê cho chủ hàng giải khát tại đây. Gánh dừa tươi ba chục trái to nhỏ, nặng ước năm chục kí lô.

- Một gánh dừa này, anh được trả công bao nhiêu tiền?

- Hai trăm năm chục ngàn.

- Thế là cao đấy chứ

- Nhưng mà một mình cháu gánh làm sao được từ bến Thiên Trù lên đây hả chú? Ba thằng chúng cháu phải chia ra đứng ở ba chặng, một thằng gánh từ bến Thiên Trù lên đến gần chùa Giải Oan, giao gánh cho thằng khác. Thằng ấy gánh chừng hai cây số nữa thì giao cho cháu, cháu gánh tiếp từ đó đến cửa động Hương Tích này, tiền công chia ba.

- Mỗi ngày, anh gánh được mấy chuyến?

- Làm gì mà được mấy chuyến. Mỗi ngày một chuyến đã nhược lắm rồi. Đưa được ba chục trái dừa lên đây, lúc xuống người cứ lao đao, xiêu vẹo như say rượu, về là nằm khượt, chỉ uống nước chứ cơm cũng chả buồn ăn, bắp chân bắp tay mỏi nhừ, đến sáng mai mới gọi là hồi lại được một tý.

Dân gánh hàng thuê gồm người của tứ xứ, người sở tại, tức người xã Hương Sơn có, người các xã trong huyện Mỹ Đức có, người huyện khác, thạm chí tỉnh khác có. Muốn kiếm được miếng cơm từ công việc này, ngoài  đức tính cần cù, không ngại khó ngại khổ, phải có một cơ thể thuộc loại “mình đồng da sắt”. Thật vậy, thử nhìn một người đang gánh gánh hàng leo dốc mà xem: Bụng thót, miệng họ dúm lại vì thở dốc, bắp chân bắp tay họ căng như dây cung, toàn bộ sức lực trong cơ thể dồn hết vào đôi chân, và cứ thể họ nặng nhọc nhấc chân lên từng bậc một, từng bậc một…

 

http://222.255.28.57:2020/Upload/Image/2010/4/13/ganh.jpg

Phụ nữ cũng tham gia đội quân gánh hàng thuê

Gặp một người đàn ông chừng bốn mươi tuổi đang đội một bao tải mơ leo dốc, tôi bám theo, thấy bắp thịt cổ ông bạnh ra, hơi thở phì phò như kéo bễ. Chờ ông giao xong hàng cho một quán hàng gần chùa Giải Oan, tôi ngồi xuống hàng uống nước, chia sẻ với ông điếu thuốc lào và hỏi chuyện. Ông bảo, mỗi chuyến hàng như thế này, được trả công sáu chục ngàn. Mỗi ngày nếu cố sức thì được hai chuyến. Ông lên làm thuê ở đây đã sáu năm rồi.

- Quê tôi ở Kim Bảng (Hà Nam), làng thuần nông chẳng có nghề ngỗng gì, kiếm đồng tiền khó lắm. Sồng tiền ở đây dễ kiếm, nhưng mà nếu không biết cách ăn tiêu thì cũng chả còn, vì mọi thứ đắt vô cùng. Trái dừa tươi ở cửa động Hương Tích có giá sáu chục ngàn. Cái bánh mỳ ở bến Thiên Trù chục ngàn, tô cơm với bát canh suông chỉ có nước luộc thịt rắc thêm vài lát lá hành răm đã hai chục ngàn rồi, như sức tôi phải hai tô mới no… Thế nên lên đây làm, chúng tôi phải thồ theo gạo nước, xoong nồi với lại ít thức ăn khô. Trải cái bạt trong rừng, đi làm về tự nấu lấy mà ăn, rau dưa thì nhờ những người lái đò quen họ ra chợ Hương Sơn họ mua giùm. Nhiều anh tiêu hoang, lại đêm đêm vui bạn vui bè, sa vào chỗ bài bạc, chắn cạ một lúc, thì đi không lại về không, có khi còn đeo theo nợ nần.

- Sau mỗi mùa hội, có mang về nhà được mươi triệu không?

- Được thế thì đã phúc bằng cái đình. Trước Tết, làm được đồng nào thì đã trang trải nợ nần, lo vào cái Tết hết rồi. Sau Tết, gọi là ba tháng hội nhưng chỉ giữa tháng hai là hội đã tàn dần, hàng hoá bán chẳng được bao nhiêu nên chúng tôi cũng chẳng có mấy việc làm. Mỗi mùa hội, chắt bóp được vài ba triệu đã là khá lắm.

Nhìn chung, những người gánh hàng thuê ở Chùa Hương đều rất đa năng, họ có thể làm đủ việc. Ngày một hai lần gánh hay đội hàng ra, còn thì ai nhờ việc gì họ làm việc nấy: Chữa lại mái một quán hàng bị dột, sửa lại chân một sạp hàng bị gẫy, bốc hàng từ bến Thiên Trù lên bờ… ngày cũng kiếm thêm được dăn ba chục ngàn nữa. Và cứ tưởng công việc này chỉ dành riêng cho nam giới, nào ngờ cả đàn bà cũng tham gia đội quân gánh thuê, đội thuê, cõng thuê này. Với đàn ông, đưa được một tải hàng lên núi đã “cực như vác đá lên non” rồi, với đàn bà, việc đó còn cực nhọc hơn nhiều, bởi sức họ yếu hơn. Thế mà hỏi chuyện một số chị, thấy họ thu nhập cũng không kém cánh mày râu, bởi tuy yếu hơn, không xốc vác được nhưng mà họ cần cù hơn, bền bỉ hơn. Ngoài chuyển hàng thuê cho các chủ hàng, các chị còn bám theo những ông khách bà khách giầu có, lên chùa lễ Phật bằng những mâm lễ rất to, rất cần những người đội thuê lễ vật lên non, và đó là những công việc thích hợp nhất cho các chị.

Giữa đất Phật phồn hoa, tiền bạc vãi như rắc trấu bởi rất nhiều người giầu có, những người gánh hàng thuê hợp thành một đội quân riêng, đó là đội quân cùng khổ, mỗi miếng ăn của họ đều được đổi bằng hàng bát mồ hôi.

Thanh Vũ (nongdan)