Giải tỏa ức chế



altTâm thức là năng lượng, là nguồn sống sâu sắc, mãnh liệt và quan trọng cho phẩm chất, giá trị một đời người. Tâm là đại dương bao la, nguồn gốc cho dòng sông thân thể, cảm thọ, suy tư, nhận thức và tâm hành. Mỗi dòng sông là một phần hiện hữu của ta. Có những dòng sông trôi chảy ngày đêm như dòng sông cảm thọ, tri giác, xúc chạm... Có những dòng sông trôi chảy âm thầm dưới chiều sâu của tâm thức như tầm và từ, nghĩa là sự suy nghĩ. Có những dòng sông tuôn chảy một cách êm ả, thảnh thơi, an lành. Có những dòng sông trôi chảy thông thương, thoải mái và nhẹ nhàng, nhưng cũng có những dòng sông đang bị ứ đọng đã lâu ngày. Cho nên nước trong những dòng sông ấy không được lưu thông lành mạnh. Một phần lớn nước ấy biến thành những vũng nước ứ đọng thật là hôi thối nên đã làm cho tâm thức tắc nghẽn, tù túng và bệnh hoạn. Tu tập là nhận diện những dòng sông đang tắc nghẽn cho nó lưu thông trở lại. Những uất ức, buồn tủi, ham muốn, thất vọng... đã bị dồn nén, bế tắc từ lâu, có thể từ hồi ấu thơ. Những ước muốn, khát khao, yêu đương đã bị xã hội, luân lý, đạo đức, tôn giáo và cha mẹ không chấp nhận, không cho phép thỏa mãn, nên chúng đã bị đày ải và dồn nén lâu ngày dưới chiều sâu tâm thức.

Thời thơ ấu, ta rất thích ăn kẹo. Ta thèm ăn những chất ngọt, nhưng mẹ lại không cho ăn, bởi vì mẹ sợ hư răng. Tới tuổi mười lăm mười sáu, ta có cơ hội thoát ra ngoài sự kiểm soát chặt chẽ của mẹ, do đó ta ăn thật nhiều chất ngọt như kẹo, sô cô la, cà rem, bánh ngọt... Ta ăn chất ngọt đến mức quá độ, nên ta cảm thấy hết sức thỏa mãn. Từ đó trở về sau, ta không còn cảm thấy thèm thuồng chất ngọt nữa. Cũng từ đó, hàm răng ta thường bị sâu làm hư hại, đau nhức, báo hại cho cha mẹ phải tốn tiền nha sĩ. Cũng như thế, có những dồn nén khác trong lĩnh vực tình cảm, ước mơ, ham muốn, ái dục, giận hờn, bực tức cha mẹ chưa được đả thông, ta thực tập nhận diện mặt mũi của từng tâm ý để chúng có thể phát khởi trở lại. Từ đó, ta mới tạo ra sự lưu thông trong tâm thức và có thể hiểu được bản chất về tình cảm, thói quen và tâm thức của ta.

Có một em trai tâm sự với Lang rằng:

Con cảm thấy chán đời. Con chán học từ lâu. Con rớt nhiều lớp nên không thể ra trường vào năm nay.

Lang vừa lắng nghe, vừa nhìn vào đôi mắt của em. Lang thấy ánh mắt em buồn, nét mặt chứa đầy tuyệt vọng. Thương quá, Lang hỏi em tại sao?

Em lắc đầu không trả lời, rồi nhìn đi nơi khác.

Lang hỏi em có vấn đề gì với ba mẹ không?

Em quay đi nơi khác, khuôn mặt đanh lại, nên Lang hiểu được tâm trạng của em. Lang chẳng biết gì hơn là ngồi thở cho em. Một hồi lâu, em nói.

Con không muốn về nhà. Con ghét ngôi nhà ấy. Con ghét ba mẹ con lắm. Họ luôn luôn la rầy, phàn nàn về con từ lúc con còn nhỏ đến bây giờ. Họ không thương con. Con không có motivation để học bởi vì con không có hạnh phúc. Con học rớt nhiều lớp không phải là con ngu, nhưng con chán nản. Con muốn ba mẹ bực tức để con bớt khổ.

Nghe tới đây Lang thương em lắm. Cậu con trai này mặt mày sáng sủa như thế thì không thể rớt nhiều lớp như thế. Có lẽ, em buồn phiền cha mẹ nhưng không giải tỏa được, vì thế em không còn niềm vui để học hành. Em đâm ra lười biếng. Do thế, em càng bị cha mẹ la rầy, nhắc nhớ nhiều hơn, cho nên em càng bực tức, càng chán nản. Em đi học chỉ để có cơ hội trốn thoát cha mẹ, chứ có hứng thú gì học hành đâu!

Lang khuyên: Sao em không chia sẻ với ba mẹ về nỗi buồn của mình! Sao em không nói rằng: “Ba mẹ thường hay la rầy, phàn nàn về con nên con chán học.” Lang nghĩ ba mẹ nào cũng có tình thương cho con, nhưng có thể họ chưa hiểu em nên chưa có khả năng biểu lộ tình thương để cho em cảm nhận. Vậy, tại sao em không giúp ba mẹ hiểu mình? Lang thấy em là người thông minh. Em không cần tuyệt vọng quá. Giải tỏa tâm sự với ba mẹ là giải quyết được hết mọi vấn đề. Bây giờ, em đã lớn rồi, không còn bé thơ nữa, vì vậy em cần mạnh dạn truyền thông (communicate) với ba mẹ. Em có thể không ra high school, nhưng em có thể học trường nghề. Quan trọng là em cảm thấy hạnh phúc được sống trong gia đình.

Lang nghĩ ba mẹ hãy giúp em này để em tìm lại tình thương và hạnh phúc. Ba mẹ thương con, nhưng chưa hiểu được con, vì thế nếu không thay đổi cách dạy dỗ thì càng ngày con càng có vấn đề với ba mẹ. Tình trạng kéo dài không tốt cho cả gia đình, nhất là đứa con, vì có khi nó làm chuyện dại dột, thì ba mẹ hối hận đã muộn rồi. Dạy con cái ở bên này không giống con cái ở Việt Nam.

Có một bà mẹ, hồi còn bé rất thích mặc áo dài màu đỏ nhưng nhà nghèo nên bà chưa từng có một chiếc áo dài màu đỏ để mặc. Đến lúc lớn lên lấy chồng và có con gái, bà rất muốn con gái của bà mặc áo dài màu đỏ. Bà sắm cho con gái không biết bao nhiêu là áo dài màu đỏ đủ thứ kiểu. Mỗi khi cô gái mặc áo dài đỏ, bà sung sướng vô cùng. Bà cứ nhìn ngắm mãi mê và say sưa. Bà cảm thấy hãnh diện với mọi người. Sở thích ấu thơ của bà nay được thỏa mãn bởi con gái của bà.

Hồi còn nhỏ tôi rất thích được nghe chị tôi kể chuyện. Chị tôi có khiếu kể chuyện vừa hấp dẫn vừa lôi cuốn. Chị diễn tả tình cảm, chi tiết của từng nhân vật như thật. Chị tôi đọc rất nhiều chuyện trong ấy có chuyện tình cảm, chuyện kiếm hiệp... Tôi vẫn còn nhớ một đoạn của câu chuyện tình cảm đáng thương của cô Hàn Nhi do chị tôi kể:

‘‘Hàn Nhi là cô gái xinh đẹp, hiền lương nhưng bị bệnh tim nên sức khỏe của nàng rất là mong manh, yếu đuối. Hễ cảm xúc hơi mạnh là Hàn Nhi có thể té xỉu, bất tỉnh và trở bệnh. Bởi thế, mẹ Hàn Nhi cấm không cho nàng tiếp xúc với mọi người, nhất là những chàng con trai nên Hàn Nhi cô đơn lắm!”

Nét mặt và đôi mắt buồn càng làm cho nàng đẹp hơn. Con gái lớn lên mà sống biệt lập, lẻ loi một mình thật là buồn.

“Cuối cùng nàng yêu một người con trai dễ thương, đức độ và trung thành. Anh này cứ đi theo nàng mỗi ngày trên con đường từ trường học về nhà Nhi.”

Có lẽ chưa bao giờ chàng thấy một người con gái nào mà mảnh mai, hiền lành và xinh đẹp như thế.

“Chàng thương nàng tha thiết. Có một lần Hàn Nhi hiểu lầm chàng bội bạc nên nàng phát bệnh mà chết. Chàng đau khổ da diết, khốn cùng…’’[1]

Câu chuyện còn dài lắm. Mỗi lần, chị kể chuyện, tôi nghe chị, nhìn chị một cách say sưa. Tôi yêu giọng nói của chị. Tôi thích nhìn khuôn mặt của chị. Cho đến khi lớn lên, hễ bắt gặp người nào có khuôn mặt trái xoan, sóng mũi dọc dừa và mái tóc huyền dài tha thướt như chị thì tôi rất thích ngắm nhìn. Có một ma lực gì đó cứ bắt tôi phải nhìn theo người ấy. Thì ra hình ảnh thân yêu và những tình cảm sâu sắc dành cho chị đã được nuôi dưỡng và tích trữ từ thời thơ ấu, do đó hễ ai có dáng dấp của chị đều có sự thu hút, chú ý và thương yêu của tôi.

Có một hôm nọ vào phố chợ, bỗng nhiên tôi rất ưa một chiếc áo sơ mi cổ cao màu trắng tinh. Chiếc áo này giông giống chiếc áo mà chú Xảng tôi thường ưa mặc vào thời thiếu niên. Chú hay mở hai khuy nút áo trên cùng để lộ một phần nhỏ da thịt hồng hào, mạnh khỏe. Thật là bảnh bao! Chú thích cõng tôi trên vai và thường mua kẹo, nước ngọt cho tôi. Chú tôi là người dễ thương và hiền lành nhất trong gia đình ông nội. Tôi chưa từng thấy chú cãi lộn, lớn tiếng với ai bao giờ. Lúc nào chú cũng im lặng, mỉm cười và vui vẻ. Chú ưa đọc sách lắm, ở đâu cũng đọc sách và lúc nào cũng cầm sách trên tay. Nằm cũng đọc sách, ngồi cũng đọc sách. Có lúc, chú vừa đi vừa đọc sách. Những lúc như thế, tôi biết chú tôi thật là hạnh phúc. Lớn lên, tôi thấy tôi hơi giống chú; đặc biệt là tôi cũng ưa đọc sách. Tôi thương chú tôi nhất trong gia đình Ôn nội nên tôi cũng thương luôn cả chiếc áo sơ mi màu trắng của chú. Chú tôi chết bởi những trái bom ác nghiệt mà người ta ném vào một buổi họp ở ngay trong trường tiểu học của tôi. Tối hôm ấy nhiều người chết lắm. Khổ đau lan khắp cả xóm làng, nhà nào cũng có người chết. Nơi nào cũng có kẻ bị thương. Mất chú, tôi cảm thấy đau khổ hơn cả mất ba, bởi vì ba mất lúc tôi còn bé quá nên tôi chưa biết khổ, chưa ý thức được sự mất mát. Ở Mỹ mà thích áo sơ mi là quê mùa lắm. Đa số giới trẻ ưa chạy theo mốt mới. Họ thường mặc quần ‘jean’ kiểu mẫu với áo thun, áo ‘pull’

Đối với tôi, sở thích, nhu yếu, thẩm mỹ, chiếc áo, cái nhìn, cái cảm… là tình yêu, là tuổi thơ, là văn hóa, là những người thân thương, cho nên nó không thể chỉ là sự bắt chước theo thời trang và mốt mới. Tình yêu cũng thế, là nhu yếu rất sâu thẳm, mà ta cần phải chiêm nghiệm để hiểu được nguồn gốc của nó. Tình yêu, sở thích hời hợt sẽ đưa tới chán chường rất nhanh chóng. Tôi cứ đi lui đi tới nơi chiếc áo. Tôi đi tới gần chiếc áo để xuýt xoa và nhìn ngắm nhiều lần. Giá mắc quá! Tôi cảm thấy hơi tiếc tiền nhưng lại không thể nào bỏ đi cho đành. Cuối cùng, tôi phải mua chiếc áo ấy đem về nhà. Tối hôm ấy tôi mới thật sự cảm thấy hết sức sung sướng và yên ổn trong lòng.

Bây giờ, tôi mới hiểu chiều sâu của sự ưa thích chiếc áo. Cũng như thế, những sở thích, thèm khát, thương yêu, buồn tủi... đều có sẵn trong nội tâm như những hạt giống được cất giữ từ lâu. Do đó, ta hãy thắp lên một ngọn đèn tâm để nhận diện cho rõ ràng mỗi hiện tượng trong đời sống để thấy được nguồn gốc trong nội tâm. Chánh niệm có khả năng nhận diện suy tư, cảm thọ và tâm ý một cách vô tư, hồn nhiên, như mẹ hiền ôm ấp con thơ. Nhờ thế, ta có khả năng ôm ấp, chuyển hóa và làm mới lại dòng sông tâm ý, giúp cho nó tuôn chảy và lưu nhuận trở lại giúp cho biển tâm càng ngày càng thêm thơm tho và trong sáng.

 

Chân Pháp Đăng


[1] Quỳnh Giao