Họ Thích những vấn đề Lịch sử

Việc sử dụng chữ Thích làm tộc danh cho người xuất gia, lâu nay nhiều người cho rằng do Thích Đạo An (312-385 Tây Tấn Trung Quốc) thiết định ra, và như vậy danh xưng đó là một sản phẩm của Phật giáo Trung Quốc, còn Việt Nam ta thì “bắt chước” theo. Phải chăng đây là một sự thật lịch sử?

Trước tiên, việc cho rằng chữ Thích do ngài Đạo An tạo không phải không có một vài cơ sở. Sử chép rằng(1), vào thời Đạo An, tạng Luật chưa truyền đến Trung Quốc, nề nếp sinh hoạt của Tăng già chưa có định hướng chung. Trước thực tế đó, ngài Đạo An đã soạn ra những thanh quy, điều lệ làm cương lĩnh tu tập của Tăng già, trong đó có quy định dùng chữ Thích làm họ cho người xuất gia. Nhưng nếu vì vậy mà vội cho rằng đây là sản phẩm của Đạo An, thì e rằng chúng ta đã bỏ qua yếu tính vận động và kế thừa của lịch sử, đồng thời chúng ta sẽ không thể trả lời câu hỏi là ngài Đạo An đã dựa vào những cơ sở nào để đặt ra quy định này, cũng như những trường hợp sử dụng chữ Thích trước thời Đạo An sẽ giải thích ra sao?
Như trên đã nói, chữ Thích là do ngài Đạo An quy định, nhưng Đạo An không thể quy định một chuyện từ không thành có, vì xét về mặt logic phát triển tri thức, đây là điều không tưởng. Để có một sáng tạo của mình, không thể không tiếp biến những sáng tạo của người khác làm một nhịp cầu, nên trường hợp của ngài Đạo An cũng không ngoại lệ. Do đó, không quá đáng khi cho rằng, để có thể trở thành một quy định được Tăng già nồng nhiệt đón nhận và có sức sống lâu bền đến ngày nay, việc vận dụng chữ Thích dành cho những người xuất gia nhất định phải xuất hiện trước ngài Đạo An rất lâu và đang trở nên thịnh hành trong thời ông song có thể còn mang tính rời rạc, tự phát.

Trở lại vấn đề dùng chữ Thích bắt đầu trước tên gọi dành cho người xuất gia trước thời Đạo An, chúng ta sẽ khảo sát trong phạm vi lịch sử Phật giáo Ấn  Độ và Việt Nam.

Về phía lịch sử Phật giáo Ấn Độ

 Trong thời Đức Phật, không có một bằng chứng nào cho thấy vấn đề pháp danh đã từng được đặt ra. Điều này có thể khẳng định qua việc khảo sát danh tánh những đệ tử tiêu biểu của Phật lúc bấy giờ. Từng con người cụ thể, lịch sử đều ghi nhận về tên tuổi, gia cảnh, đời sống… trước khi theo Phật, cũng như quá trình tu tập giải thoát sau khi về với Phật, nhưng tuyệt nhiên không thấy lịch sử đả động gì đến việc họ được Phật đặt cho một tên mới sau khi theo Ngài. Tên của họ vẫn là tên được cha mẹ đặt cho từ lúc sinh ra cho đến lúc từ giã cõi đời. Nhưng như vậy không có nghĩa là pháp danh mà chúng ta sử dụng rộng rãi ngày nay không có một liên hệ nào bắt nguồn từ thời Đức Phật. Mọi hiện tượng lịch sử đều bắt nguồn từ những nguyên nhân nhất định nào đó, mà nhiệm vụ của chúng ta là tìm cho ra những nguyên nhân ấy, đưa chúng vào một khung thời gian tương đối để chúng nói lên tiếng nói của lịch sử.

Trong kinh Angulimala, chi tiết Đức Phật dạy Tôn giả Angulimala đọc lời chú nguyện cho một sản phụ khó sinh rất có giá trị đối với việc tìm hiểu pháp danh: “Từ ngày tôi sinh vào Thánh tộc, tôi chưa hề cố ý tiêu diệt đời sống của một sinh vật nào. Do lời chân thật này, ước mong cô được vuông tròn và con của cô cũng được bình an vô sự”(2). Và tất nhiên sau lời chú nguyện của Tôn giả, người sản phụ kia đã sinh nở dễ dàng. Ở đây, chúng ta không chú ý vào hiệu năng của lời chú nguyện, cái chính là câu nói “từ khi tôi sinh vào Thánh tộc”, tức từ khi Angulimala từ bỏ đời sống hung bạo, khát máu nguyện đi theo Phật; Thánh tộc ở đây là giòng họ của những người nguyện sống cuộc đời thánh thiện theo phương pháp của Phật, tức giòng họ Phật. Xét về mặt sinh học, con người chỉ được sinh một lần trong đời, nhưng rồi trên dặm trường lao lung của kiếp sống, có những lúc con người tưởng như chết đi sống lại, hoặc có những sự kiện, biến cố lớn lao làm thay đổi căn bản đời sống vật chất cũng như tinh thần của họ, thì họ gọi là được sinh lại một lần nữa. Phải chăng đây là sự manh nha cho việc hình thành pháp danh sau này? Bởi vì có sinh ra là có đặt tên, mà đặt tên thì phải lấy giòng họ của người sinh ra mình. Đây là quy tắc căn bản.

Trở lại thời Đức Phật còn tại thế, sau khi thành Đạo, Ngài ra đi thuyết giáo, thâu nhận môn đệ, thành lập giáo đoàn, nên học thuyết ấy, giáo đoàn ấy phải có một tên gọi. Xét về vấn đề chính danh, đây là yếu tố bắt buộc. Giáo đoàn của Phật lúc bấy giờ có tên gọi là Sa môn Thích tử (Sakyaputtaya Samanas) mà chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp trong Kinh tạng Nam truyền cũng như tạng Luật. Đây là danh xưng chính thức của giáo đoàn. Nói chính thức vì nó được tất cả những đối tượng có liên quan như đức Phật, Tăng già và cả xã hội rộng lớn sử dụng mỗi khi đề cập đến giáo đoàn của Đức Phật. Nhưng tên gọi này do ai đặt ra, và đặt ra với mục đích gì, là điều chúng ta còn bàn cãi, mà trong phạm vi bài viết này không cho phép trình bày. Nhưng danh xưng này bắt nguồn từ Đức Phật là điều có thể khẳng định(3). Như vậy, tên bộ tộc của Đức Phật được dùng làm biểu tượng của giáo đoàn. Giả sử nếu Đức Phật có 10.000 đệ tử thì cũng quy ước gọi chung là Sa môn Thích tử mà thôi. Việc gọi như vậy không có nghĩa là họ đã thay tên đổi họ sau khi theo Phật. Tên của họ vẫn còn đó và vẫn được sử dụng trong cuộc sống. Như vậy, ta thấy có một khoảng cách giữa danh xưng chung của giáo đoàn và tên gọi riêng của từng thành viên giáo đoàn ấy. Câu hỏi  được đặt ra ở đây là: đã lấy Thích tử làm tên gọi chung cho những đệ tử Phật, sao không tiến lên dùng nó làm tên riêng (pháp danh) cho họ? Hạn chế này thuộc về lịch sử. Vì mọi vấn đề muốn đi đến chỗ hoàn bị phải trải qua một quá trình vận động, phát triển nhất định. Hơn nữa, trong thời Đức Phật, vấn đề này khó có thể được đặt ra. Trong bối cảnh của những trào lưu tư tưởng(4) lúc bấy giờ, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đức Phật cũng như Tăng đoàn là làm sao xây dựng được một hệ thống giáo lý hoàn chỉnh, luật nghi chặt chẽ làm nền tảng tu tập, sinh hoạt của Tăng già. Chính nhiệm vụ này đã thu hút hầu hết tâm huyết, cũng như trí tuệ của Ngài rồi, nên có rất nhiều điều Ngài chỉ đề cập thoáng qua hoặc không đề cặp đến, đối với vấn đề pháp danh chúng ta cũng có thể hiểu như vậy. Mặt khác, những người đệ tử của Phật lúc bấy giờ, trước khi quy hướng Phật, hầu hết đều là những con người nổi danh, được quảng đại quần chúng hâm mộ, kính phục. Vì vậy để nguyên tên tuổi của họ là thực sự có lợi cho sự nghiệp truyền giáo lúc này.

Cũng có ý kiến cho rằng Sa môn Thích tử là chỉ cho những người người thuộc bộ tộc Thích Ca ở Kapilavatthu trong giáo đoàn. Nhưng nếu chúng ta nghiên cứu kỹ thời điểm những người thuộc bộ tộc Thích Ca gia nhập giáo đoàn thì điều này hoàn toàn không đúng. Huống nữa, Đức Phật đã từng khẳng định mọi người khi gia nhập giáo đoàn đều là Sa môn Thích tử cả. Hay như trường hợp ngoại đạo Sùcimukhi sau khi cật vấn Xá Lợi Phất về cách ăn uống, và được Tôn giả giảng rõ về quan điểm ăn uống của mình, cô ta rất kính phục, liền đi khắp thành Vương Xá mà tuyên bố rằng: “Sa môn Thích tử dùng các món ăn một cách không có lỗi lầm, hãy cúng dường các món ăn cho các Sa môn Thích tử”(5).  Hẳn nhiên ngài Xá Lợi Phất không phải là người họ Thích. Điều này chỉ có thể giải thích rằng tất cả những đệ tử Phật đều có tên gọi chung là Sa môn Thích tử.

Nếu ở Hệ thống Kinh tạng Nguyên thuỷ, chỉ dừng lại ở mức độ dùng chữ Thích làm tên gọi chung của tổ chức, thì sang Kinh tạng Phát triển, việc lấy họ của thầy để đặt tên cho người học trò đã được khẳng định, và được xem như là một trong những thủ tục đầu tiên của quá trình tu tập, như lời dạy của vị thầy dành cho người đệ tử khi đến xin xuất gia: “… hãy cởi bỏ y phục đang mặc, kết cỏ bện tóc làm áo như Ta đang mặc, lấy họ Cồ Đàm của Ta làm họ của ông…”(6).

Về phía lịch sử Phật giáo Việt Nam

Như trên đã nói, ngay trong thời của Phật, chữ Thích đã được dùng một cách chính thức và phổ cập, tất nhiên chưa được sử dụng cho từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên về mặt tổ chức, đây đã là một danh xưng được quảng đại quần chúng cũng như Đức Phật và Tăng già sử dụng. Tại Việt Nam vào khoảng năm 220-300 có một nhà sư hiệu là Trúc Đạo Thanh hay còn gọi là Đạo Hinh; đặc biệt vị sư này còn có một tên gọi khác rất quan trọng đối với vấn đề mà chúng ta đang tìm hiểu, đó là Thích Đạo Thanh(7). Với niên đại nói trên, ngài Đạo Thanh phải qua đời ít nhất 12 năm trước khi ngài Đạo An ra đời. Như vậy, rõ ràng trước Đạo An, chí ít là tại Việt Nam, chữ Thích đã chính thức được dùng làm họ của người xuất gia. Theo Lê Mạnh Thát, với tộc danh chữ Trúc, Đạo Thanh nhất định phải là đệ tử của một nhà sư Ấn Độ nào đó ở nước ta vào nửa đầu thế kỷ 3sdl, ở đây rất có thể là Khâu Đà La (Ksudra). Việc một nhà sư Ấn  Độ đặt pháp danh cho học trò người Việt Nam càng giúp ta có một cái nhìn rõ hơn về tình hình pháp danh tại Ấn  Độ (sự kiện này một lần nữa khẳng định rằng việc đặt pháp danh là một vấn đề mang tính truyền thống trong Phật giáo Ấn  Độ).

Thiết tưởng, đây là một vấn đề lịch sử cần phải dày công nghiên cứu. Những lý luận nêu trên của người viết chỉ là một vấn đề mang tính gợi mở, rất mong các bậc thức giả quan tâm nghiên cứu.

 


(1) Thích Thanh Kiểm, Lịch sử Phật giáo Trung Quốc; Viên Trí, Lược sử Phật giáo Trung Quốc.
(2) Đức Phật và Phật pháp, Narada, tr.204.
(3) Vì Đức Phật thuộc bộ tộc Thích Ca (Sakya).
(4) Theo kinh Phạm Võng, Trường Bô thì lúc bấy giờ có đến 62 học thuyết.
(5) Tương Ương Bộ, Kinh Tịnh Diện (Sùcimukhi).
(6) Kinh Thập Nhị Du số 195, Q.4, Đại Chánh tạng.
(7) Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam 1, tr.381.

Minh Triết -Thích Thanh Tri