Phạm vi của triết học ngày nay

 02-Phật Học Căn BảnaltBước sang thiên niên kỷ thứ ba, với sự phát triển của công nghệ thông tin, tiến bộ về kỹ nghệ và tính chất toàn cầu của sinh hoạt thời đại, triết học đứng trước những thách đố mới về phạm vi, chức năng lẫn cứu cánh. Có người còn đặt vấn đề, phải chăng đây là thời điểm khởi sự cho một diễn tiến cáo chung của triết học.

 

I. Tái thông giải chức năng

Ngay trong thế kỷ 20 vừa qua, đã có một số phong trào nỗ lực giảm thiểu triết học thành một môn học nào đó.

Người thực chứng chủ nghĩa (positivism) muốn triết học đi theo khoa học, vứt bỏ những gì không làm toại nguyện các tiêu chuẩn thực nghiệm đối với ý nghĩa. Kế đó, các nhà phân tích ngôn ngữ (linguistic analysts) quả quyết rằng toàn bộ công tác của triết học chỉ là “lột trần” những phát biểu để xác minh ý nghĩa của chúng chứ tự thân triết học không có nội dung nào.

Người theo chủ nghĩa Marx muốn mọi sự giảm thiểu thành ma trận (matrix) chính trị và xã hội của họ. Và người chủ nghĩa hậu hiện đại nhìn mọi sự trong tương quan tới các ẩn dụ hoặc các ký hiệu có tính văn học hay văn chương, được kết liền nhau để tạo thành những phát biểu có ý nghĩa.

Trước những vận động ấy, người ta có cảm tưởng rằng triết học bị “rúng động tận tâm can” bởi những lời phê phán rất gay cấn và những đòi hỏi tái thông giải công tác cho nó. Nhưng, như chúng ta sẽ thấy, cảm tưởng ấy không chính xác.

 

II. Trợ thủ thời đại

Ðối với những người tới với triết học vào cuối thập niên 1950, ít ra trong các phân khoa đại học tập trung trên truyền thống phân tích mang bản sắc Anh - Mỹ, công tác và phạm vi của triết học tuy hạn hẹp nhưng chính xác. Vẫn bị khống chế bởi trường phái phân tích ngôn ngữ học, triết học nhắm tới việc khảo sát những câu “có vấn đề”, và bằng cách giải thích chúng, nó làm sáng tỏ ý nghĩa của chúng.

Triết học lúc ấy không khao khát cống hiến thông tin mới mẻ cho mọi chủ đề. Nó tự thấy mình là một trợ thủ thiết yếu cho mọi đề tài khác thay vì chỉ có nội dung mang tính chủ đề của chính nó. Ðây là sự mở rộng nhất các giới hạn bị áp đặt trên lãnh vực đảm trách của triết học. Kể từ lúc đó, triết học tăng trưởng cả trong tính đại chúng cùng phạm vi lẫn sự thích đáng của các đề tài được nó bao gồm.


Ðạo đức học ứng dụng

Phần lớn sự biến đổi ấy đến trước tiên trong phạm vi đạo đức học ứng dụng. Trong thời phân tích ngôn ngữ học, mọi sự đặt trọng tâm lên tính cách ý nghĩa hay vô nghĩa của các mệnh đề đạo đức, nhưng giờ đây, từ khu vực chức nghiệp và doanh nghiệp nảy sinh một chuỗi các vấn nạn rất thực tiễn. Và chúng đòi hỏi triết học phải đáp ứng bằng những hướng dẫn đạo đức.

Vấn nạn về bản tính của tâm trí giờ đây trở thành thích đáng, đòi hỏi phải gấp rút giải quyết vì công nghệ thông tin và sự phát triển trí tuệ nhân tạo cùng tiến trình thiết kế điện não thay cho nhân não.

Trên không gian rộng lớn và thường nhật, sinh hoạt chính trị quốc tế vật lộn với các khái niệm như thể chế dân chủ, dân chủ xã hội, quyền con người, quyền tự quyết, đặc thù văn hóa bản địa, chủ quyền quốc gia, v.v. nhằm định hướng và biện minh cho hành động hay không hành động trong các cuộc khủng hoảng đa dạng trong mỗi quốc gia, khu vực hay toàn cầu.


Khía cạnh triết lý của mỗi vấn đề

Triết học chính trị do đó ngày càng thích đáng hơn cho nghị trình nhân văn. Các chủ đề liên quan tới triết học nghệ thuật như kiểm duyệt, bản quyền, làm sao phân biệt giữa nghệ thuật có tính nhục cảm và sản phẩm khiêu dâm, cái gì lập thành “khiếu thẩm mỹ tinh tế” hoặc “lăng nhục nghệ thuật”.

Thêm nữa là bản tính của sự phô diễn nghệ thuật, các tiêu chuẩn và tính chất thích đáng của đủ thứ giải thưởng nghệ thuật như Nobel, Oscar, Emmy, v.v. Bên cạnh đó còn có các định chuẩn cho cuộc tranh luận bùng lên khi một số nghệ sĩ tạo ra những hình ảnh một đằng gây hứng khởi cho những người khác, còn một đằng lại bị một số người muốn nghiêm cấm.

Cũng không kém phần thích đáng cho những tranh cãi pháp lý về chủ quyền đối với tài sản trí tuệ, về người nào trả tiền nhuận bút và bản quyền, hoặc về việc nên đòi hỏi bản quyền trên ý tưởng hay trên chữ viết. Nhận thức xã hội mang theo với nó các chủ đề nữ quyền và chủng tộc, sự bất bình đẳng và tính năng động của thị trường tự do. Và căn bản lập luận cũng như đằng sau câu trả lời cho những vấn đề ấy luôn luôn tiềm ẩn một quan điểm về khía cạnh triết học của nó.

Sự xuất hiện internet với mạng lưới toàn cầu cùng các trang web, các trang nhật ký blog, điện thoại di động đa chức năng, kéo theo một loạt vấn đề về tự phô diễn, quyền của cá nhân và các giới hạn can thiệp của xã hội hay quốc gia, kiểm soát quốc tế, sự lạm dụng, bóc lột hay bản tính của truyền thông đại chúng. Vai trò và ảnh hưởng của các cá nhân blogger bên cạnh các hệ thống truyền thông đại chúng bị khống chế bởi guồng máy cai trị hay các tập đoàn kinh doanh. Và còn nữa.

Trong một thế giới có vẻ ngày càng thu hẹp với vận tốc chuyển động mỗi lúc một nhanh thì sự thể hình như hóa ra phức tạp hơn, và có điều gì đó rất cấp bách, cần tới sự đóng góp của triết học. Do đó, triết học bị buộc phải bước ra ngoài tầm công tác đơn thuần xác minh ý nghĩa từng có thời bị giới hạn theo truyền thống phân tích. Nhu cầu ấy mỗi lúc một gia tăng, thậm chí vượt quá phạm vi hiển nhiên của đạo đức học, khiến cho triết học ngày càng trở nên “ứng dụng”.

 

III. Phân tích một bản thống kê

Vào tháng Tư năm 1999, tạp chí American Philosophical Quaterly (Quí san Triết học Hoa Kỳ) cho in một bài có nhan đề “The State of Philosophy today” (Tình trạng triết học ngày nay), duyệt lại danh mục trong The Philosopher’s Index (Bản mục lục triết gia). Ðó là một điều nghiên về các đề tài và các mối quan tâm của khoảng 12.000 triết gia chuyên nghiệp đang hoạt động tại Bắc Mỹ.

Phân tích bản mục lục ấy, người ta thấy rằng số lượng các đề tài quan tâm trong khoa học và tôn giáo hầu như ngang nhau, và rằng siêu hình học, từng có thời bị người duy khoa học chủ nghĩa hăm dọa xua đuổi, nay vẫn thịnh đạt.

Các ý tưởng thực chứng chủ nghĩa hoàn toàn thất bại, không có bất cứ tác động nào lên các mối quan tâm vẫn sống dai dẳng trong các chủ đề về giá trị và đạo đức. Thật thế, đạo đức học, theo bản mục lục ấy, là phạm trù đơn lẻ và lớn rộng nhất trong quan tâm triết học. Chủ nghĩa hậu hiện đại cũng hoàn toàn thất bại, không gây được ảnh hưởng nào lên triết học truyền thống mà trong đó dường như đang có sự cân bằng ngang ngửa giữa các lối tiếp cận thuần lý thuyết và ứng dụng.

Liên quan tới sự phân chia truyền thống giữa hai trường phái Anh - Mỹ và lục địa, dường như có sự quan tâm nhiều hơn tới các triết gia châu Âu, đặc biệt Hegel, Husserl, Heidegger và Nietzsche thay vì lối tiếp cận mang tính phân tích như của Russell hoặc Quine. Tuy thế, phương cách làm triết học càng ngày càng dùng tới lối tiếp cận có tính phân tích, nghĩa là nhìn vấn đề với tính cách luận lý học và ngữ học, thậm chí khi ứng xử với các nhà tư tưởng lục địa.

Những phân tích trên dựa vào việc phân loại theo chủ đề các bài viết triết học trong bản mục lục ấy: đạo đức học ở trên đỉnh (32), tiếp đến là siêu hình học (24), triết học khoa học (16), triết học chính trị (15), triết học tôn giáo (14), luận lý học (14), triết học xã hội (12) và ngôn ngữ (10).

Dĩ nhiên danh mục ấy chỉ cung cấp một chỉ dẫn rất sơ sài về tính đại chúng, và một số đề tài có thể được xếp loại theo các cách thức khác nhau, nhưng nó cũng cho thấy rõ rệt hai lãnh vực có tầm quan trọng rộng lớn: một là triết học ứng dụng trong phạm vi đạo đức học, xã hội và chính trị; hai là những vấn nạn về bản tính của thực tại, của các niềm tin và của ngôn ngữ.

Xét theo tổng thể, bản nghiên cứu ấy cho ta ấn tượng rằng tuy triết học đã thừa nhận nhiều phong trào tư tưởng của thế kỷ 20, nhưng khu trung tâm của nó trong các vấn đề lớn lao và truyền thống vẫn còn nguyên vẹn và vẫn được nhiều người ưa chuộng.

 

IV. Cánh cửa rộng mở!

Có một khuynh hướng thời thượng thường cho rằng đây là thời buổi hậu hiện đại. Thật ra, lối nói ấy mang tính cảm khái, vì cho tới nay, hậu hiện đại chủ nghĩa là một phong trào hơn là một triết thuyết có hệ thống. Như đã trình bày ở một phần trên, hậu hiện đại chủ nghĩa tạo được ảnh hưởng rộng rãi trong kiến trúc, hội họa, một số ngành mỹ thuật khác hơn trong văn học và đặc biệt trong triết học. Hơn nữa, lối nói thời hiện đại và thời hậu hiện đại chỉ có tính khuynh hướng, không liên quan tới thời tính và không hàm ý đã qua rồi thời hiện đại, nay đang bắt đầu thời hậu hiện đại. Bên cạnh đó, không thiếu ý kiến cho rằng thời hiện đại chưa chấm dứt vì nó chưa đạt mục tiêu và hoàn thành kỳ vọng được ấp ủ từ Thời Khai sáng.

Tháng 12 năm 1999, từ New York, Hoa Kỳ, triết gia Paul Kurzt, Giáo sư danh dự Ðại học Buffallo, chủ tịch Hiệp hội Nhân bản Quốc tế, cho lưu hành Humanist Manifesto 2000: A Call for a New Planetary Humnaism, với chữ ký tán trợ của hàng trăm trí thức hàng đầu trong nhiều ngành khoa học, văn học và triết học trên khắp thế giới (bản dịch của Nguyễn Ước, Hiến chương nhân bản 2000: Lời kêu gọi một chủ nghĩa nhân bản toàn cầu mới, website talawas, 29.03.2003).

Ðây là Bản Hiến chương thứ 3, tiếp theo tinh thần của hai bản trước được công bố năm 1933 và năm 1972. Trong bản năm 2000 này, Kurzt đề cập tới thực tại của thế giới ngày nay và đáp ứng của chủ nghĩa nhân bản – cũng được hiểu là đáp ứng của triết học – như sau:

“Tuy thế, khi thế giới thành một gia đình toàn cầu thì những đối thủ mang tính tôn giáo và sắc tộc đã và đang tìm cách phân chia lãnh thổ thành những phe phái tranh đoạt. Các tôn giáo bảo căn đang nhen nhúm, phản bác những nguyên tắc của chủ nghĩa nhân bản cùng chủ nghĩa thế tục và đòi hỏi trở về lòng sùng đạo của kỷ nguyên tiền hiện đại.

“Cũng thế, cái gọi là niềm tin huyền bí Thời đại Mới đang xuất hiện, được khuyến khích bởi truyền thông đại chúng và dai dẳng khuyến mãi một cái nhìn tâm linh/siêu linh về thực tại.

“Truyền thông được toàn cầu hóa. Vô tuyến truyền hình, vô tuyến truyền thanh, điện ảnh và các nhà xuất bản sách báo, đều đang bị khống chế bởi các đại tổ hợp công ty truyền thống vốn hầu như chỉ quan tâm tới việc quảng cáo và bán hàng cho thị trường thế giới.

“Thêm vào đó, trong nhiều trường đại học đã và đang xuất hiện chủ nghĩa hậu hiện đại, thắc mắc những tiền đề căn bản của phẩm chất hiện đại và của chủ nghĩa nhân bản, tấn công khoa học và kỹ thuật, chất vấn các lý tưởng và các giá trị nhân bản.

“Nhiều kiến thị hiện nay về tương lai mang tính bi quan, thậm chí, tận thế. Nhưng chúng tôi phản đối vì chúng tôi tin rằng có khả năng tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Các thực tại toàn cầu là như thế nên phải có Chủ nghĩa Nhân bản Toàn cầu mới có thể cung cấp những định hướng có ý nghĩa cho tương lai.” (Bản của NXB Tạp chí Người Việt Hải Ngoại, Vancouver, Canada, 2002, tt 10-11)

Không nghi ngờ gì nữa, sau khi bước qua ngưỡng cửa của thế kỷ 21, triết học như một môn học vẫn sống, sống sung sức và rõ ràng nó càng ngày càng thích đáng hơn. Có lẽ câu nói cuối cùng nên để dành cho nhà toán học và là triết gia duy tâm chủ nghĩa người Anh vào đầu thế kỷ 20. Trong cuốn Modes of Thoughts (Các kiểu mẫu tư tưởng, 1930), Alfred Whitehead (1861-1947) đề ra rất rõ ràng giá trị toàn bộ sự nghiệp triết học của loài người:

“Loại ý tưởng mà chúng ta tham dự, loại ý tưởng mà chúng ta đẩy cho thâm nhập vào một bối cảnh không đáng kể, tác động và chi phối các niềm hy vọng của chúng ta, các nỗi sợ hãi của chúng ta, sự kiểm soát động thái của chúng ta. Khi chúng ta suy tư, chúng ta sống. Ðó là lý do một loạt các ý tưởng triết học thì hơn nghiên cứu của một nhà chuyên môn. Nó đúc thành kiểu văn minh của chúng ta”.

Nếu đúng như lời nói của Kurzt và Whitehead, dù chúng xuất hiện cách nhau 70 năm trong thời đại có những đổi thay chóng mặt, thì không có gì quan trọng hơn việc triển khai và duy trì mối quan tâm vào triết học.

 

Nguyễn Ước