Dưới gốc bồ đề


alt Mỗi khi phiền não, nhụt chí hay thấy lòng không vui, anh lại  tưởng tượng đến cảnh mình ngồi dưới gốc bồ đề rợp mát ấy. Những nhánh cây xù xì như chiếc ô khổng lồ che phủ cả một quãng sân rộng, đủ để hàng trăm nhà tu hành hay khách hành hương có thể ngồi thư thới hay nguyện cầu.

Chim hót, sóc chuyền cành, vẹt líu lo, thi thoảng những chiếc lá bồ đề bay bay trong gió. Trong tim anh như có một dòng suối đại lượng đi ngang qua, cuốn theo  cả mọi lo âu, nhỏ nhen hay thất vọng. Khi bừng tỉnh, anh trở về với thực tại, tự mình cảm thấy những nỗi buồn tù túng trong cuộc sống hoá ra lâu nay quá xa xỉ, viển vông.

Mình đã tiêu phí những giây phút đáng sống bằng những chuỗi ngày điên rồ và chấp nhặt, chả thế sao? Hình như có tiếng con chim vẹt thoảng vọng về như tiếng ai cười vu vơ trong lá.

Chẳng phải ở đâu xa, ở đây, anh cảm thấy mình gần hơn với tính Phật. Đời sống hiện đại thoáng qua như cái chớp mắt, mà sao đến chớp một cái mà mình cũng quên? Mình quên nhiều thứ lắm, quên thế nào là vui, quên thế nào là sống, thế nào là độ lượng, là vị tha. Người ta sống mà chăm chắm lo phần vật chất, đôi khi quên mất phần tinh thần. Người ta sống bằng cuộc sống của kẻ khác, thế mà tin là của chính mình.

Có phải vì thế mà một nhà ngoại cảm có tiếng cuối cùng quyết định ngừng đi tìm mộ, sang Bồ Đề Đạo tràng tìm thầy học đạo? Qua gặp thầy, thầy nói, cớ sao chỉ lo phần thân xác cho người chết, mà quên phần hồn của họ? Tìm được mấy nắm xương gầy ấy, cuối cùng để làm gì, nếu như không có một buổi cầu siêu giải thoát? Ngay cả trong cái chết cũng có điều nhiệm màu, tại sao không học cách  tiếp cận với nó, bằng linh giác, hơn là mải nhặt nhạnh xương tro và nói chuyện với âm hồn suốt một đời?

Nhiều năm qua, anh cũng truy tầm những câu hỏi của đời sống, mượn cách lý giải của sách vở, kinh điển, mà đâu nhẹ nhõm phần nào? Anh cũng như nhà ngoại cảm ấy thôi, mải nhặt nhạnh tro xương buồn vui trong kiếp sống, lựa bỏ ra những bực mình, phiền muộn, rồi ngủ hoài cho qua đời mình. Và thế là cứ quên triền miên. Quên cả chính mình. Quên cái chớp mắt của cuộc sống.

Người ta vẫn hy vọng, nhắm mắt để vọng tưởng những điều tốt đẹp hơn, mà đôi khi họ nhắm hờ mắt cả đời. Cuối cùng thì có thấy gì đâu. Ngày trước, hình dung cuộc đời là những chuyến tàu chạy qua nhiều  ga lẻ, hú ga ầm ĩ và người lên tàu tấp nập; còn giờ đây, có thể ví như một chuyến bay. Mỗi lần qua nơi nào, không gian nơi ấy đã đổi khác, khi đông đúc, khi thật hoang vu, đông tàn thì hạ đến. Vậy thì làm sao giữ được chính mình không đổi thay cho được!

Thực ra anh biết, dưới  gốc bồ đề không có điều gì hư thực cả, mà đó chính là nguồn năng lượng mạnh mẽ khiến con người  tập trung chiếu rọi vào nội tâm của mình trong sự tĩnh lặng của Thiền. Bản  thể thực  bỗng dưng phơi bày ra dưới ánh mắt trời, bị thiêu cháy, trần trụi đến không ngờ.

Mình là ai? Có thực cây bồ đề thiêng ấy có linh hồn hay không? Sự chứng ngộ về đời sống vụt đến một lần hay còn mãi? Anh xếp câu hỏi ấy vào trong óc, cười một mình, hà, cây tâm hồn còn phải tưới, còn mình thì chả biết cất an lạc ở chốn nào. Có khi nó nằm ngay trước mắt, mà mình lại cứ phải đi tìm...

Minh Thi (laodong)