Kinh Duy Ma » Bài 8 » Phẩm 8: Phật Đạo

altTừ đầu kinh đến phẩm 7 diễn tả Bồ tát dấn thân vào đời thành tựu lợi ích chúng sinh, ở khía cạnh nào việc làm của Bồ tát cũng đẹp. Như vậy, chỉ thấy các Ngài tương ưng đối với chúng sinh. Đối với  Phật, thì Bồ tát làm gì cho Phật. Các Ngài có đến với Phật được không và tu bằng cách nào để thành Phật. Đây là vấn đề Phật đạo, hay con đường dẫn đến quả vị Phật của Bồ tát được Bồ tát Văn Thù Sư Lợi nêu lên.

Duy Ma trả lời hành phi đạo tức thông đạt Phật đạo, nghĩa là làm những việc sai quấy trên cuộc đời thì thành Phật. Điều này làm chúng ta hoài nghi, vì trước chúng ta thường nghĩ rằng những việc trái đạo lý không bao giờ đưa đến quả vị Chánh đẳng giác. Chỉ có con đường thánh thiện dẫn chúng ta đến Phật đạo và các đệ tử Phật cũng đã trải qua hai phần ba con đường này. Họ đã được Niết bàn, xa rời chúng sinh và thế giới phiền não, thâm nhập chốn không tịch.

Đối thoại giữa Bồ tát Văn Thù và Duy Ma gợi cho chúng ta suy nghĩ để tu hành, tìm một lối đi đích thực cho mình. Vì chúng ta chấp Niết bàn, nên Duy Ma nói  sinh tử. Đối với chúng sinh tội lỗi, Ngài sẽ nói con đường duy nhất dẫn đến quả vị Phật là con đường thánh thiện, làm lành lánh dữ. Dạy như vậy, để điều trị tâm người phiền não trong tam giới.

Riêng pháp Duy Ma dạy hành phi đạo tức thông đạt Phật đạo nhằm mục tiêu phá chấp của hành giả đã ra khỏi tam giới. Vì vậy đừng lầm vị trí phàm phu của chúng ta với vị trí của nhị thừa. Thật vậy, phàm phu không còn cách nào trong sạch hóa thân tâm ngoài con đường làm lành lánh dữ. Chúng ta chưa phá được phiền não thế gian, chắc chắn không thể hành Phật đạo bằng con đường phi đạo được. Nhưng hàng nhị thừa sau khi theo con đường thuần thiện, đã đoạn sạch phiền não thế gian, lại kẹt vào Niết bàn. Nghĩa là kẹt quả vị đã tu chứng, đóng khung trong thế giới đang sống, trụ vào hư vô, không thành Phật. Các Ngài phải phá bỏ Niết bàn giả tạm của A la hán, để bước tiếp chặng đường tu thứ hai của Bồ tát để tiến lên Phật đạo. Chỉ có các Ngài mới dám nói rằng làm những điều sai quấy là con đường đưa tới Phật đạo.

Duy Ma cụ thể hóa những việc làm phi đạo cho chúng ta thấy. Khởi đầu chúng ta tu 37 trợ đạo phẩm, 6 pháp ba la mật, 4 pháp nhiếp, v.v..., nói chung, giáo lý tam thừa đều quy vào đó. Nhưng đến giai đoạn này, Duy Ma lại nói với Bồ tát Văn Thù rằng những việc làm nào ngược với các pháp vừa kể là Phật đạo. Thí dụ từ trước đến nay kinh điển quy định rằng những người phạm tội ngũ nghịch giết cha mẹ, A la hán...  sẽ đọa vô gián địa ngục. Nay Duy Ma nói ngược lại rằng những người này tiến tu quả vị Phật. Hoặc chúng ta thường làm mười việc thiện để sinh về thế giới an lành của chư Thiên. Nay Duy Ma lại dạy tạo ngũ nghịch thập ác đọa vào địa ngục là con đường tiến đến quả vị Phật. Vì địa ngục đối với Bồ tát trở nên cần thiết để đắc đạo, còn đối với chúng sinh, địa ngục đáng sợ. Đến đây chúng ta cần suy nghĩ về hai vị trí khác nhau của người hành đạo.

Chúng ta ở vị trí nhân môn để tu hành, nương với Phật, học hạnh Phật. Trái lại, Bồ tát đứng trên quả môn, đã thành xong Vô thượng đẳng giác và ngược chiều đi đến với chúng sinh. Vì vậy Bồ tát tạo tội ngũ nghịch thập ác khác chúng sinh tạo tội đó. Duy Ma khẳng định tuy việc làm giống y hệt nhau, nhưng dẫn đến kết quả là Bồ tát làm ác thì thành Phật. Chúng sinh làm ác, thì vĩnh viễn ở địa ngục. Đây là Bồ tát đã thông đạt Phật đạo khác với chúng sinh khởi niệm ác để bị đọa.

Vào sống trong địa ngục là sự trắc nghiệm tu hành của Bồ tát. Sự thật các Ngài đã an trú quả vị Niết bàn, nhưng tạo tội để có cơ hội vào sống trong địa ngục và cứu độ chúng sinh bị đọa ở đó, khác với chúng sinh vì tham sân si tạo nghiệp phải vào địa ngục. Duy Ma nói thêm rằng tuy thân ở địa ngục mà tâm hồn các Ngài an lạc giải thoát như người sống ở cõi trời Sắc Cứu cánh tiêu biểu cho sự an lành cùng tột. Hiện vào địa ngục, tâm Bồ tát hoàn toàn an lành, tạo nên cuộc sống an lành và ảnh hưởng cho chúng sinh đồng sống trong địa ngục phát tâm tu để họ phát triển khả năng và cũng được giải thoát. Như vậy, ngũ nghịch thập ác tội làm thắng nhân cho Bồ tát đi đến Phật đạo giải thoát là điểm khác biệt giữa chúng sinh ở địa ngục và Bồ tát ở địa ngục.

Kế tiếp, Duy Ma nói kiếp sống ngạ quỷ là con đường dẫn đến Phật đạo. Ngạ quỷ là quỷ đói do lòng tham quá lớn. Bồ tát nhìn thấy chúng sinh hung dữ, gian tham, trộm cắp nhiều, nhưng cuộc sống càng nghèo thêm. Ngài mới khởi tâm đại bi tạo nên nhân ngạ quỷ để sinh vào thế giới ngạ quỷ. Nghĩa là Bồ tát nhập cuộc trong xã hội tối tăm đó, mang thân ngạ quỷ, nhưng tâm Bồ tát thánh thiện mới là Bồ tát thông đạt Phật đạo. Còn Bồ tát làm tất cả việc đúng đắn để thành người gương mẫu, theo Duy Ma, chưa phải là Bồ tát thông đạt Phật đạo.

Bồ tát ở ngạ quỷ cũng như  Bồ tát ở địa ngục, vì đã tu vô lượng phước đức trên quả môn, nên hiện thân ngạ quỷ nhưng tâm đầy đủ phước đức trí tuệ. Các Ngài ảnh hưởng ngạ quỷ khác, giáo dưỡng chúng thành ngạ quỷ có tri thức, có đạo đức. Giáo sư Nomura giải thích rằng sự hiện hữu của Bồ tát ở ngạ quỷ theo nhãn quan của chúng ta ngày nay ví như  người thánh thiện minh triết vào sống ở xứ lạc hậu để khai hóa, sử dụng khoa học kỹ thuật cải tiến đời sống người dân phát đạt, văn minh lên.

Ngoài ra, Duy Ma còn chỉ cho chúng ta thấy cách hành đạo của Bồ tát hiện thân ở thế giới súc sanh. Bồ tát tạo nghiệp ác để vào thế giới ngang bướng của súc sanh. Bấy giờ, Bồ tát cũng ngang tàng mà còn mạnh hơn, dữ hơn họ, mới hàng phục được họ, dìu dắt họ về Phật đạo.

Theo tôi, phi đạo của Bồ tát là không có con đường sẵn. Đạo là con đường có sẵn. Bồ tát thông đạt Phật đạo vận dụng trí tuệ, thấy việc cần phải làm. Ví dụ như Phật giáo Ấn Độ mặc y vấn, đi chân đất, ngủ gốc cây, ăn một bữa. Theo lý giải Đại thừa, đạo Phật sinh hoạt ở thời kỳ du mục cách đây hơn 2.500 năm, thì người tu ngủ hang đá, đi chân đất, nói chung, sống theo tập tục bấy giờ của xứ Ấn Độ, là việc bình thường.

Nhưng đến thời đại đô thị hóa, định canh định cư, đường sá đàng hoàng, hình thức Phật giáo Ấn đầu trần, chân đất, khất thực được truyền sang Trung Quốc. Hình thức này không được giữ y như vậy, mà trở thành chùa cao, Phật lớn, người tu có áo rộng, mão cao, đi hia. Các nhà truyền giáo đã khéo kết hợp sinh hoạt của Phật giáo với văn hóa bản xứ, tạo thành sức sống mãnh liệt cho Phật giáo Trung Quốc.

Khi Phật giáo truyền đến nước ta, Thiền sư Việt Nam mở đôi mắt trí tuệ kết hợp Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Trung Quốc với tình cảm, sinh hoạt của người Việt Nam. Từ đó, tạo thành Phật giáo Việt Nam dựng nước giữ nước, luôn luôn sống còn với dân tộc.

Phật giáo Nhật Bản thì lại khác hẳn. Sư không mặc y, trông bề ngoài họ giống người thường. Tuy nhiên, khác ở điểm các nhà sư là thành phần ưu tú của xã hội, thông minh, đức hạnh. Phật giáo quản trị 120 trường đại học, cung cấp cho xã hội giai tầng trí thức. Vì thế, tu sĩ Phật giáo khác người thường ở việc làm. Người đời vì lợi ích cá nhân, người tu vì lợi ích cho tất cả.

Có thể hiểu thông đạt Phật đạo là không theo lối mòn cũ. Phải vận dụng trí tuệ trong cuộc sống tu hành, giúp người an vui hạnh phúc, làm sáng danh Phật pháp. Không thông đạt Phật đạo, phạm sai lầm, tức cứ làm y hệt, giữ đúng khuôn mẫu, dù không còn thích hợp.

Tôi rất tâm đắc điều Duy Ma dạy rằng Bồ tát thông đạt Phật đạo là Bồ tát thường dạo chơi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Chúng ta sợ nhất ba đường ác này. Nhưng tôi thấy rõ nhờ dạo chơi ba đường ác, trí khôn chúng ta mới lớn lên. Nghĩa là có giáp mặt với cuộc đời đầy tệ ác, mà không bị nó tác hại, chúng ta mới biết khôn. Trong môi trường khó giúp chúng ta phát sinh nhận thức đúng nhất, nhận thức có được từ việc tiếp xúc với hiện thực cuộc sống. Theo Duy Ma, vào đời tiếp xúc với tất cả thành phần, chúng ta nảy sinh được nhận thức, hiểu tất cả, làm được tất cả, mới được giải thoát.

Tôi được tiếp xúc nhiều tầng lớp người xấu. Nhờ vậy có cơ hội quan sát chúng sinh bên ngoài và chúng sinh bên trong tâm mình nói chuyện với nhau và chúng ta làm trọng tài nói chuyện với cả hai. Nhìn người tâm tánh xấu nhất, tôi phát hiện cái gì là chúng sinh dẫn đến quả khổ. Trực diện với chúng sinh để hiểu chúng sinh và hiểu thêm được chư pháp thường không tánh, hay tánh không cố định. Chúng ta có thể uốn nắn thay đổi được, dạy dỗ chúng sinh bên ngoài cho đến thay đổi diễn biến trong tâm chúng ta. Điều hòa pháp này, tôi gặp được người hộ đạo phát tâm mạnh nhất lại là người xấu ác nhất.

Duy Ma nói với Văn Thù rằng hành phi đạo của Bồ tát phải phát xuất từ tâm đại bi, không phải từ tham vọng cá nhân. Các Ngài không an trú Niết bàn và thật sự cũng không dính líu gì đến thế gian. Tuy nhiên, Bồ tát nhìn thấy chúng sinh đau khổ khởi lòng đại bi và đến với chúng sinh theo tinh thần bất vụ lợi, khác với chúng sinh đến chúng sinh bằng sự đổi chác. Bồ tát cho, không cần bồi hoàn, giúp người xong để vô quá khứ, tiếp tục làm lợi ích cho chúng sinh. Bồ tát không nhờ vả chúng sinh, không kêu gọi chúng sinh. Nhưng chúng sinh đến với Bồ tát để được sống an lành, tiếp nhận được trí tuệ tuyệt vời của Bồ tát, tiếp nhận tình thương bất vụ lợi của Bồ tát. Chẳng khác gì Phật ngồi yên trên chùa nở nụ cười nhẹ mà chúng sinh cứ tự động kéo đến quỳ lạy, tâm sự với Ngài.

Trên bước đường hành đạo tôi cảm nhận ý này một cách sâu sắc, thấy rõ người sa cơ thất thế mới thật tu. Họ chết đến nơi hay sắp bị tù tội mới chịu tụng kinh, nghĩ đến Phật. Rõ ràng ở ba đường ác mới có đạo, trên thiên thượng quá sung sướng không có đạo.

Từ trong ba đường ác hay hoàn cảnh khác thường, hành giả dễ bắt gặp trí tuyệt vời của Đức Phật. Không tiếp xúc với thành phần xấu trong xã hội, thì không hiểu gì về xã hội, làm sao làm Phật được. Phật thì hiểu rõ mọi việc của cuộc đời. Phật và Bồ tát đầy đủ phước đức, thông đạt Phật đạo. Giáo hóa của các Ngài so với việc làm của chúng ta trên nhân gian hoàn toàn cách xa.

Ví dụ như tiền thân của Phật Thích Ca có một lần cùng đi trên thương thuyền gặp tên cướp muốn giết các thương buôn để cướp của. Lúc ấy, Ngài hành Bồ tát đạo, có khả năng trừng trị tên cướp. Vì lòng đại bi, Ngài giết tên cướp để cứu đoàn thương thuyền. Ngài đã tình nguyện làm đối tượng cho mũi nhọn căm thù của tên cướp luôn hướng về Ngài, đeo đuổi từ kiếp này sang kiếp khác, để làm nhân giáo hóa anh ta.

Đến khi Ngài thành Phật Thích Ca, 500 thương buôn được Ngài cứu vẫn làm nghề buôn đứng đầu là Bạt Đà Ba La Bồ tát. Họ hướng dẫn thương thuyền từ Hy Lạp sang Ấn Độ, gặp Phật liền có thiện cảm. Vì vô lượng kiếp trước đã thọ ơn cứu độ của Ngài, nên nay hiện thân thương buôn mà thật là Bồ tát hết lòng với Phật sự. Riêng tên cướp nhờ tâm luôn dán sát với Đức Phật để trả thù, nhưng không thấy kẽ hở tội lỗi nào của Ngài, sau cùng anh ta nhập được bất nhị pháp môn và được sanh lên Thiên cung. Phát xuất từ tình thương có trí tuệ chỉ đạo, Đức Phật giết chết tên cướp biển để đưa hắn lên Thiên cung, không phải giết để Ngài và hắn cùng kẹt trong nhân quả ở địa ngục. Thiết nghĩ việc làm cần xét trên tâm lượng và kết quả để quy định thông đạt hay không thông đạt Phật đạo. Việc làm ác của Bồ tát phát xuất từ gốc thiện, mới dẫn đến kết quả thiện. Chúng ta chưa thuần thiện mà làm ác, bảo đảm ta và người cùng nắm tay nhau vào địa ngục.

Trên cương vị Bồ tát, các Ngài sẵn sàng làm bất cứ việc gì, dù bị thiệt thòi, nhưng lợi ích cho người. Bồ tát mà không dám làm, vì còn sợ quả báo là Bồ tát cách Phật đạo xa. Cũng như chúng ta phải cân nhắc việc làm được, mới làm. Việc không làm được, chúng ta phải hẹn lại kiếp khác, thì chúng ta chỉ là Bồ tát sơ phát tâm.

Hành phi đạo tức thông đạt Phật đạo, theo giáo sư Nomura, còn có nghĩa là trong ác có hạt nhân thiện và ngược lại trong thiện có nhân ác. Ông chứng minh rằng những người cực ác như vua A Xà Thế hay A Dục khi hối hận, phát tâm trở thành cực thiện. Và từ đó, họ thể hiện được thật nhiều việc làm tốt đẹp, lợi ích cho mọi người. Có thể nói trong việc làm ác, đã có mầm thiện sinh ra. Nếu không làm ác, họ không có điều kiện phát tâm Bồ đề. Trên con đường phẳng phiu, khó thấy được chân lý. Trên đường gồ ghề đẩy chúng ta vào tuyệt thể tuyệt mạng, khiến chúng ta dễ phát tâm. Đức Phật xác định Ngài cũng phát tâm từ vị trí A tỳ địa ngục là nghĩa này. Còn người làm thiện không mất lòng ai. Nhưng lỡ có người nào xúc phạm, thì họ nổi sân si thành cực giận, bỏ luôn việc thiện. Nghĩa là từ thiện biến thành ác. Do đó theo ông, không thể đặt vấn đề thiện ác phân minh. Trong ác có thiện và trong thiện có ác.

Duy Ma hỏi Bồ tát Văn Thù muốn giải thoát phải thế nào. Văn Thù cho biết thân tứ đại ngũ uẩn là nhân tố giải thoát. Câu trả lời của Văn Thù cũng tương ưng với ý Duy Ma rằng ở trong ba đường ác mau thành Phật.

Ngũ uẩn là nhân tố Bồ đề hay ngũ uẩn là quả khổ thế gian. Chúng ta dễ nhận lầm hai việc này. Thông thường, người tu đều có quan niệm như Xá Lợi Phất cho ngũ uẩn là thân và thân này làm cho chúng ta khổ. Vì thế, người tu thường có ý thoát ly, vứt bỏ thân, để cảm thấy nhẹ trên bước đường tu. Tuy nhiên, chúng ta theo gót chân Văn Thù đến gặp Duy Ma sẽ thấy khác, thấy tứ đại ngũ uẩn là hạt giống Bồ đề. Bỏ nó, không có Bồ đề, ví như hạt giống gieo trong hư không.

Hạt giống Bồ đề nằm trong tứ đại ngũ uẩn, kinh Pháp Hoa gọi là hạt châu trong chéo áo. Có giáp mặt cuộc đời mới hiểu cuộc đời, có thân người mới biết khổ của thân. Đối với Bồ tát, thân tứ đại của mọi người bên ngoài giống nhau; nhưng xoáy sâu vào ngũ uẩn thân để biết được cái bên trong là tri thức hay trực giác do tỉnh giác. Trực giác của người tu biết được sự vật, khác với nhận thức của chúng sinh bằng phân biệt, suy nghĩ. Chúng sinh nhiều đời ở trong sinh tử, bị xã hội nhồi nhét, tạo thành cái bên trong là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến v.v... Nói chung, một số cố chấp của chúng ta trên cuộc đời  in sâu trong tim óc làm chúng ta khổ.

Nhiều người tu thường nghĩ rằng tu phải như vầy như vầy, dù có khổ gì cũng đeo theo. Họ đã bị ác kiến cố chấp ràng buộc. Trên bước đường tu, làm với lòng tốt, làm bằng tình thương chúng sinh thì mọi việc tốt lành tự đến. Làm theo yêu cầu của mình, chỉ chuốc lấy quả báo xấu.  Thay đổi từ trong tâm, hoàn cảnh tự đổi theo, là cách tu của Bồ tát Văn Thù trả lời Duy Ma rằng ngũ uẩn là hạt giống Bồ đề, hạt giống giải thoát. Hội nhập cuộc sống, biết tất cả, thì không việc gì có khả năng làm khổ chúng ta. Tu theo Thanh văn ngồi hóc đá không biết gì. Đến lúc cuộc đời đem xe ủi tróc đá cũng khổ.

Tinh thần Duy Ma muốn dạy rằng hội nhập sinh tử là Niết bàn, tìm giải thoát ngay trong sinh tử. Hay đó cũng chính là hình ảnh Đức Phật Thích Ca thành đạo ở Ta bà, giáo hóa lợi lạc chúng hữu tình ở ngay Ta bà. Nếu thành đạo rồi, Đức Phật cũng ngồi cội Bồ đề cho đến chết, thì chắc chắn không ai tôn danh Ngài là Phật. Điểm quan trọng đáng kể là Đức Phật đã trải qua 12 năm từ khi thành đạo đến lúc nói kinh Duy Ma, mới có năm anh em Kiều Trần Như, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ca Diếp... và thành tựu sự nghiệp giáo hóa trên cuộc đời này. Đó là phần giải thích của Bồ tát Văn Thù trả lời Duy Ma về quá trình tu hành của Đức Phật cho mọi người nhận biết.

Duy Ma tóm ý này dạy rằng Bồ tát hành đạo phải vào chốn bùn nhơ tội lỗi. Đối tượng không trong sạch mới là đối tượng giáo hóa của Bồ tát.

Phát tâm Bồ đề phải tìm đối tượng khổ, nghiệp, phiền não, mới tiếp nhận được chân tình thật sự. Duy Ma ví như hạt giống Bồ đề không thể gieo trong hư không. Bồ tát có trí tuệ đem hạt giống gieo vào đất phì nhiêu là nơi dơ bẩn có phân nước, ví cho nghiệp và phiền não. Từ đó hạt giống dễ nảy mầm, cây sẽ sum sê, đơm bông kết trái. Giáo hóa ở nơi nhiều nghiệp và phiền não, ta đã làm đúng con đường của Đức Phật Thích Ca đã trải qua và chỉ có con đường này mới đưa ta đến Phật đạo nghĩa là thành Phật.

Bồ tát Văn Thù vừa luận pháp này xong, Ca Diếp liền tán thán rằng pháp này hay quá, nhưng Ngài không ứng dụng được, ví như người tàn tật không làm được gì. Trong khi chúng sinh ở ba đường ác còn phát tâm Bồ đề được, mà các Ngài không phát nổi. Ca Diếp đại diện cho hàng Thanh văn thú tịch hướng giải thoát, từ bỏ trần thế để không bị đời làm đau khổ; nhưng khi xe đời ủi đến thì không ngồi yên được nữa.

Câu chuyện giữa Bồ tát Văn Thù và Duy Ma nhằm thúc bách người tu hành tiêu cực không nên lẫn trốn như vậy. Khi chỗ ẩn náu cuối cùng bị cuộc đời lật đổ, họ mới thấy được Văn Thù và Duy Ma là hai biểu tượng sống, vượt hơn nhân gian. Các Ngài mới thật sự là người giải thoát trong danh dự. Đó là giải thoát theo Đại thừa không phải trốn đời.

Giải thoát theo tinh thần Phật giáo Nhật Bản nghĩa là hàng năm Phật giáo phải đào tạo cho xã hội bao nhiêu người trí thức. Nói cách khác, phải tạo vị trí nhất định của Phật giáo trên cuộc đời. Hành đạo  không lợi ích gì cho đời hay căn tánh bại hoại rất nguy hiểm.

Ca Diếp lãnh đạo Tăng đoàn nói lên chân tình, hay đúng hơn là tiếng nói của người có tâm huyết lo âu trước thực tế người tu chán đời, trốn đời, không làm được gì trên cuộc đời, mới đi tu. Căn tánh bại hoại mới vô chùa xuất gia chỉ xảy ra ở những nước lạc hậu, người nào bệnh cho tu, mạnh để ở nhà. Những gì xã hội vứt bỏ thì đem vô chùa. Tập hợp toàn những người phế thải này lại cho tu, thì đương nhiên họ phải tu theo kiểu bại hoại. Đành rằng người khổ đến nương nhờ bóng từ bi của Phật, chúng ta dang tay an ủi; nhưng đó không phải là mẫu thầy tu. Chúng ta phải đào tạo lớp người có khả năng làm tàng lọng che mát thế gian, không thể chỉ có toàn người núp bóng.

Đến phần kết, Ngài Phổ Hiện Sắc Thân Bồ tát hỏi Duy Ma cách sinh hoạt của Bồ tát thông đạt Phật đạo ở thế gian như thế nào.

Duy Ma trả lời Bồ tát thông đạt Phật đạo sống y như mọi người trên cuộc đời, vì sống khác hơn sẽ bị nhiều buồn phiền khó khăn trên bước đường tu. Đây là ý niệm hoàn toàn khác pháp tu của Thanh văn. Trước tu Thanh văn dạy chúng ta phải sống khác mọi người, nhưng nay lại bảo chúng ta hoàn toàn giống mới là lẽ sống của Bồ tát.

Từ điểm đảo ngược pháp tu này, Phổ Hiện Bồ tát hỏi rằng sống bình thường là có gia đình, có quyền thế, có sự nghiệp y như người đời phải không. Ý này gợi cho tôi nhiều suy nghĩ khi chính mình mang hình thức xuất gia, như vậy có thông đạt Phật đạo chăng.

Theo Duy Ma, Bồ tát sống y như mọi người, nhưng bên trong hoàn toàn khác, vì đã dứt sạch tham sân phiền não. Bồ tát cũng có cha mẹ, nhưng không phải là cha vô minh, mẹ phiền não. Bồ tát được kết tinh bằng hai pháp là trí khôn và phương tiện. Mẹ của Bồ tát là tri thức và cha là phương tiện.

Trí tuệ là mẹ của Bồ tát vì trí tuệ sinh ra tất cả công đức lành. Người có lòng tốt nhưng thiếu hiểu biết, sẽ hành động theo vô minh. Họ dễ thành kẻ phá hoại gây phiền hà, tác hại cho người. Không có trí tuệ không thể hành Bồ tát đạo, không thể thành Phật. Dù họ tu năm pháp ba la mật, nhưng không có trí sáng suốt, cũng biến công đức thành tội lỗi.

Phương tiện là cha của Bồ tát. Phương tiện nghĩa là làm được tất cả việc trên thế gian theo sự chỉ đạo của trí tuệ. Trí tuệ và phương tiện đầy đủ, ngôi sao Bồ tát sáng lên. Chỉ có trí tuệ, thiếu phương tiện, chẳng làm được gì, ví như người vào kho báu không lấy được, vì không có hai tay. Bồ tát hình thành phương tiện và trí tuệ, hiểu theo ngày nay là phải có kiến thức khoa học và sở hữu tài sản mới tạo nên của cải.

Trên bước đường tới Bồ Đề Đạo Tràng, chứng đắc Phật quả tiêu biểu cho sự hiểu biết chính xác toàn vẹn. Và Đức Phật xuống Lộc Uyển giáo hóa là khai phương tiện, Ngài mới có đệ tử.

Kế tiếp, Bồ tát khác chúng ta ở điểm lấy tâm ngay thật diệu hòa làm con trai, lấy tình thương làm con gái. Như vậy tri thức, phương tiện, lòng ngay thật và tâm từ tạo thành gia đình của Bồ tát, tức phần căn bản tu hành của Bồ tát.

Hình thành khuôn mẫu gia đình Bồ tát như vậy, phải được hiểu rằng chúng ta cần tu hành giới định tuệ, lấy trí tuệ làm chuẩn. Tu trí tuệ và phương tiện trước. Hai pháp này hiện hữu trong Bồ tát và rọi ra ngoài. Bất cứ chúng sinh nào đến với Bồ tát đều đến trong trí tuệ và vì phương tiện mà đến, không phải đến trong nghiệp và phiền não. Bồ tát phát đại bi tâm rọi tới bất cứ chúng sinh nào, họ nương theo tâm đại bi này mà đến với Bồ tát. Họ sẽ rất thuận thảo, hiếu đễ, nên được coi như con gái của Bồ tát, giúp Bồ tát thành tựu sự nghiệp. Và tâm Bồ tát ngay thật diệu hòa được chúng sinh tiếp nhận. Đó là con trai của Bồ tát, giúp Bồ tát thành đạo nghiệp.

Một gia đình kiểu mẫu gồm tri thức, phương tiện, tâm ngay thật và ý diệu hòa. Bốn pháp này nhân rộng ra xã hội, lấy 37 trợ đạo phẩm làm thầy chỉ dạy. Trong 37 trợ đạo phẩm, chỉ tu hai pháp sau cùng là Thất bồ đề phần và Bát chánh đạo. Bạn bè sẽ đến với Bồ tát bằng tám cửa Bát chánh đạo, Bồ tát sẽ tạo được một xã hội tốt trên nhân gian. Đó là điều kiện tất yếu giúp Bồ tát tiến đến quả vị Chánh đẳng giác. Bấy giờ, mới khai lục độ hạnh môn, lấy lục độ làm pháp lữ, lấy thiền định làm chỗ dạo chơi, lấy hàng phục chúng ma làm vui thú.

Hình dung ra Bồ tát thông đạt Phật đạo, chúng ta thấy các Ngài xuất hiện nơi nào, ma oán tự tan. Thực tế như một người bị ngũ ấm phiền não ma đột nhập, gặp Bồ tát, họ tự hết buồn. Bồ tát diệt trừ ma chướng, giúp cho người tiến tu, không phải để làm phiền họ thêm. Phiền não tiêu là ma tiêu, không phải thân tiêu.

Kết luận

Muốn gỡ ma cho người, điều trước tiên chúng ta phải tự gỡ ma cho mình trước. Vì vậy Bát chánh đạo hay nói chung 37 trợ đạo phẩm, hành giả đừng bao giờ xa rời. Tâm hành giả hoàn toàn bình ổn, gọi là vườn dạo chơi của Bồ tát. Thiền định là thế giới an trụ của Bồ tát.

Chúng ta đừng lầm diệt trừ ma bằng cách tiêu trừ chúng sinh. Diệt trừ nhằm diệt trừ phiền não, nghiệp chướng của họ và cách diệt trừ cao nhất mà Đức Phật thể hiện phải là diệt trừ phiền não trong chúng ta trước. Thân tâm chúng ta giải thoát, người nhìn thấy phát tâm Bồ đề, thăng hoa cuộc sống. Nói cách khác, chúng ta vẫn sinh hoạt bình thường trên nhân gian, cùng song hành với chúng sinh, nhưng không tham đắm nhiễm trước như chúng sinh. Ngược lại, có đầy đủ trọn vẹn phước đức trí tuệ mới tiêu biểu thật sự cho mô hình Bồ tát thông đạt Phật đạo.

HT Thích Trí Quảng