Đạo Phật và văn hóa Việt Nam


altĐạo Phật đã có  ở nước ta từ 2000 năm nay, đã hòa lẫn vào dân tộc trãi qua những thời kỳ độc lập hưng thịnh cũng như những thời kỳ bị đô hộ suy vi, bởi thế hầu như mỗi chúng ta đều có chất Phật giáo trong tâm hồn và ngôn ngữ, trong lối sống hàng ngày. Như chúng ta thường nói: “ Tội nghiệp cho anh ta!”, “ Ông ấy rất vô tâm”. Tội nghiệp là hai từ Phật giáo đã được xã hội hóa theo thói quen người Việt Nam.

Đạo Phật đã hòa lẫn vào sinh mệnh Việt Nam, tạo thành một phần nhân cách dân tộc, đến nỗi đôi khi nhìn lại từng con người Việt Nam, chúng ta không thể nào phân biệt đâu là văn hóa bản địa, đâu là văn hóa Phât giáo. Cho nên khi nói đến đạo Phât và văn hóa Việt Nam trong những đề mục sau đây ( mà chắc chắn còn nhiều thiếu sót ) thì hình như mỗi chúng ta đều thấy chúng gần gủi, và không ít thì nhiều, đều có phần trong mỗi tâm thức chúng ta, là quá khứ, hiện tại và tương lai của mỗi cuộc đời chúng ta.

  1. Từ, Bi, Hỷ, Xả
Người Việt Nam có lòng thương người ( bầu ơi thương lấy bí cùng) và yêu chuộng hòa bình. Công cuộc mở nước về phương Nam khởi đầu bằng sự trao đổi hai châu Ô Lý là một cuộc mở rộng đất nước bằng bện pháp hòa bình, nhân đạo xảy ra vào thời Trần. Cho đến về sau, khi đất nước mở đến tận mũi Cà Mau thì đó vẫn là một cuộc di dân trong hòa bình. Xét về lịch sử Việt Nam, những thay đổi từ triều đại này sang triều đại khác đều diễn ra ôn hòa, không sắt máu và bạo lực như phần đông các chế độ quân chủ khác. Không có những hôn quân, bạo chúa, những nữ hoàng độc ác và suy đồi. Tinh thần hiếu hòa này biểu lộ rất rõ trong các địa danh của đất nước, khi chúng ta thấy tên những tỉnh, những vùng, nhiều địa danh có những chữ như Hòa, Bình, Yên, Thuận….

Những du khách nước ngoài đều có ấn tượng về nụ cười Việt Nam, tính mến khách, chăm sóc chu đáo và tình bạn dễ dàng và lâu dài của người Việt Nam. Một vài điểm nhận xét đó, cho thấy Từ, Bi, Hỷ, Xả là một điều đã thấm sâu vào tâm hồn dân tộc Việt Nam, mà lịch sử ghi lại rõ nhất là vào thời Lý, một thời đại lấy Từ Bi làm sức mạnh.

Hiện  nay, không phài ngẫu nhiên mà nhiều nhà thờ tượng đức Quán Thế Âm và đức Di Lạc. Không nhìn về mặt tín ngưỡng sâu xa, ít nhất Bố- tát Quán Thế Âm (Từ Bi) và đức Di Lạc ( Hỷ Xả) là hình tượng đáp ứng cho nhu cầu tâm thức hướng về Từ, Bi, Hỷ, Xả của người Việt.

  1. Sự  đoàn kết, tôn trọng và  yêu thương nhau, chia sẻ cùng nhau một niềm lạc quan cộng đồng.
Điều này chứng tỏ qua nhiều cuộc chiến tranh tự vệ lẫn những thời đại hòa bình. Kho tàng ca dao không thiếu những câu nói lên những điều này ( anh em như thể tay chân; một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao…)

Đây là một tình tự của dân tộc kết hợp với cái nhìn sâu xa của Phật giáo: Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, mọi người đều bình đẳng chan hòa trong Phật tánh, ai ai cũng là Bồ-tát, ai ai rồi cũng thành Phật. Niềm lạc quan ấy rõ nét nhất vào đời Trần.

Chúng ta thấy điều này được diễn tả dung dị trong tác phẩm văn học Thiền Tông Bản Hạnh của Thiền sư Chân Nguyên (thế kỷ 17, người làm hưng vượng phái thiền Trúc Lâm đời Trần) như sau:

    Trần trần sát sát Như Lai

    Chúng sanh mỗi người mỗi có hoa sen ( Phật tánh)

    Hoa là  bản tính tự nhiên

    Bao hàm thiên  địa phương viên cùng bằng.

    ………..

    Ai ai đạt giả đồng đồ (đường)

    Mỗi người mỗi có minh châu trong nhà

    Mùa xuân vạn thụ  khai hoa

    Cành cao cành thấp vậy hòa chứng nên

Tinh thần “anh em bốn biển là nhà ” ( tứ hải giai huynh đệ ) kết hợp với “ tất cả chúng sanh đều có Phật tánh” đã tạo ra tính cách cởi mở, rộng lượng, khoan dung, nhân hậu, dễ thân, và niềm lạc quan đồng loại mà chúng ta có thể thấy dễ dàng ở bất kỳ giai đoạn lịch sử và văn học nào.

Nói riêng trong PGVN, trong thế kỷ này, chúng ta đã kết hợp được mọi tông phái, Bắc tông và Nam tông  hòa hợp cùng với nhau trong một cộng đồng dân tộc ( điều tưởng chừng như dễ mà thật khó đối với nhiều người), và nhìn rộng ra trong cộng đồng xã hội, mặc dù chúng ta đã có nhiều tôn giáo, mới thì khá mới mà cũ thì rất cũ, nhưng chiến tranh tôn giáo, xung đột tôn giáo chưa từng xảy ra trên đất nước này.

  1. Tinh thần phụng sự
Tinh thần phụng sự nằm trong Bồ đề tâm, Bồ tát đạo của Phật giáo. Điều này hòa hợp bới tư tưởng “ vì đời” của Nho giáo Việt Nam. Nguyễn Công Trứ hay nói: “ Vũ trụ chức phận nội” ( Tất cả trong vũ trụ là phận sự của ta). Phương diện phụng sự này nằm trong cái Dũng của Bi – Trí – Dũng Phật giáo.

Đạo Phật Việt Nam thường được nói là có tính cách nhập thế. Đây chính là tinh thần phụng sự chúng sanh. Sự nhập thế này thể hiện rõ nét nhất ở hai vị vua Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông, vừa là một nhà vua nhập thế vừa là một Bồ-tát giải thoát theo đúng tinh thần Nhân Vương Hộ Quốc của Phật giáo.

Ngày nay, những công cuộc cứu trợ bão lụt, từ thiện xã hội không chỉ riêng của giới Phật giáo, và lâu dài hơn là công cuộc vì một đất nước giàu  đẹp văn minh phản ánh và thể hiện nguyện vọng phụng sự của người dân ta. Đối với đạo Phật, phụng sự người khác chính là hoàn thiện chính mình. Thế tương quan biện chứng đó đã tạo ra những thời đại rực rỡ nhất của lịch sử.

  1. Ước nguyện hoàn thiện chính mình và xây dựng đất nước thanh bình và  đẹp đẽ về mọi mặt
Đời sống lý tưởng của Nho giáo là tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, nói theo ngôn ngữ bình thường là hoàn thiện chính mình để mở rộng ra từ gia đình đến xã hội thái bình. Lý tưởng đó gặp gỡ và hòa trộn với lý tưởng Đại thừa là thực hành Phật pháp để tạo thành một cõi Phật ở thế gian. Chính những điểm chung này đã hòa hợp được các dòng đạo  học lớn để tạo thành Tam giáo đồng nguyên ở Việt Nam. Chúng ta cũng thấy ước nguyện này là mục đích chung của mọi nước, nhưng ở nước ta sự hoàn thiện này mang dậm màu sắc Phật giáo, nghĩa là trong quan niệm và ước vọng của nhiều người, một đất nước Việt Nam phồn vinh là một đất nước của nhũng con người phát tâm Bồ-tát hướng đến sự toàn thiện của chính mình, của mọi người và của xứ sở.

Khi Nguyễn Trãi giữ chức quan về nhạc, ông đã nói lên quan niệm của mình: Hòa là gốc của âm nhạc. Khi nào nhà nhà không còn tiếng sầu khổ than van, nhà nhà hòa thuận âu ca, thì đó là âm nhạc.

Chữ Thái Hòa thường được Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Công Trứ nhắc nhở như một ước vọng lớn lao cho dân tộc. Nguyễn Công Trứ nhìn đất nước mình một cách hào hùng, vinh quang và đẹp đẽ:

Túi giang sơn bốn biển cũng là nhà

Nền vương thổ cả  trong trời đất Việt.

Cũng trong một tâm trạng sung mãn như thế, sau khi chiến thắng Nguyên Mông lần thứ hai, vua Trần Nhân Tông đã nói về đất nước mình trong một cảm thức Phật giáo:

    Xã  tắc hai lần phiền ngựa  đá

    Non song nghìn thưở vững âu vàng.

Trần Quang Khải trong này  đất nước trở lại hòa bình, đã nói:

    Thái bình tu nỗ lực

    Vạn cổ  thử giang san

    ( Thái bình nên nỗ  lực

    Vạn cổ  nước non này)

Những chữ thái bình của người xưa nhắc chúng ta nhớ lại bài học  địa lý thời niên thiếu: Việt Nam là một bao lơn mở ra biển cả Thái Bình Dương. Ước vọng- nhưng cũng không ít lần đã thành hiện thực- về một đất nước thái bình thịnh vương về vật chất lẩn tâm linh của người xưa và cả nay có liên quan gì với việc vị trí mở ra Thái Bình Dương của đất nước ?  Và nhất là trong thế kỷ 21, thế kỷ mà người ta gọi là thế kỷ châu Á- Thái Bình Dương ?

  1. Giải thoát an vui ngay giữa cuộc đời
Chúng ta thấy những từ  mộng, huyễn, không, hư …là những từ nằm trong phạm trù của trí huệ giải thoát có rất nhiều trong văn học nước nhà, hầu như tác phẩm và tác giả nào cũng vương vấn đến chủ đề này. Giải thoát thật sự là một chủ đề của tư tưởng Việt Nam: “ Cái thân ngoại vật là tiên trên đời”.

Nguyễn Công Trứ, một con người tích cực dấn thân như thế mà cũng nói:

    Vòng trời  đất cổ kim, kim cổ

    Mãnh hình hài không có, có không.

Nguyễn Phi Khanh, cha của Nguyễn Trãi trước khi mất để lại hai bài thơ, trong đó có hai câu:

    Bách niên phù  thế nhân giai mộng

    ( Trăm năm  đời rỗng, người như mộng).

Và:

    Phù thế bách niên chân nhất thuấn

    ( Đời rỗng trăm năm như  chớp mắt)

Con người dẫu vẫy vùng ngang dọc đến đâu cũng có lúc chạm mặt với một chủ đề của Phật giáo: Thành, trụ, hoại, không. Nhưng cái không của cuộc đời thì chỉ là sự hủy diệt, còn cái không của đạo Phật thì không đơn thuần là sự hủy diệt mà rất siêu việt. Kinh Viên Giác nói: Cái Không đó, không phải đợi sự vật hủy hoại mất rồi mới là Không, mà ngay hiện giờ bản tánh nó là Không. Từ đó mở ra ý nghĩa tích cực  nhất của Đại Thừa:  Ngay giữa sự vật và sự việc, tất cả vẫn là Không, đó là giải thoát. Ngay giữa sự náo động mà vẫn hoàn toàn bất động, đó là tâm Bồ tát. Đây cũng là lý tưởng của Lão giáo: Làm tất cả mà thật ra không làm gì cả; tự bản chất không hề làm gì cả mà vẫn làm tất cả.

Nếu nói Không là  trống rỗng, vô hạn, bất động, vô vi, Niết bàn, thì với người Phật tử Việt Nam, họ không tìm cái trống rỗng ở đâu khác ngoài sắc tướng ( Sắc tức thị Không), không tìm cái vô hạn ở đâu khác ngoài cái hữu hạn ( vì thật tướng của cái hữu hạn là vô hạn). Chính sắc tướng là trống không, chính cái hữu hạn là vô hạn, chính cái động là bất động, chính ngay công việc phụng sự là không làm (vô vi), chính sanh tử là Niết bàn.

Đây là điểm chính yếu khiến chúng ta nói Phật giáo Việt Nam là nhập thế tích cực, và không lạ gì Thiền tông là dòng chủ đạo của Phật giáo Việt Nam, đồng thời là nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác giả Việt Nam trong quá khứ. Những Thiền sư, Quốc sư ngày xưa đã sống như thế: Cuộc đời này là đạo tràng thể hiện tánh Không. Chúng ta thấy chữ “vô sự” là một yếu chỉ của Thiền tông được nhắc nhở rất nhiều ở Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ…. Là những con người thiên về hành động.

Trí huệ tánh Không nhìn thấu bản chất đời sống đi đôi với Đại bi cưu mang chúng sanh làm nảy ra những phương tiện làm việc, đây là điều kinh điển nói và cũng là đặc điểm của Phật giáo Việt Nam. Bởi thế, Phật giáo Việt Nam vừa rất nhập thế lại đồng thời rất xuất thế. Đặc điểm này thể hiện rõ nhất ở đời Lý Trần.

Quá trình thâm nhập thực tại tánh Không cũng tức là Phật tánh được diễn tả đẹp đẽ trong kinh Hoa Nghiêm bằng phẩm Nhập Pháp Giới. Đời sống trong mọi hình thức xã hội, trách nhiệm, tình thương và trí huệ, phương tiện để sống giũa cuộc đời ngũ trược để nở đóa hoa sen Phật tánh, chuyển phiền não thành Bồ đề …là những yếu tố để hoàn thành con đường tự giác- giác tha-giác hạnh viên mãn. Đi vào với dân tộc cũng có nghĩa là đi vào cõi Phật, nhập cuộc với dân tộc nghĩa là nhập cuộc vào Pháp giới để thành tựu Bồ tát hạnh.

Qua những điểm trên, chúng ta sơ lược thấy sự liên hệ giữa Phật giáo và những giá trị nhân bản như thế nào, và nếu sức sống của đạo Phật đã phát huy sức sống của dân tộc, đưa dân tộc đến những đỉnh cao về vật chất và tâm linh trong qúa khứ, thì tương lai sức sống không bao giờ vơi cạn ấy sẽ đưa chúng ta đến những đỉnh cao mới, những thịnh vượng vật chất mới, những giá trị nhân bản mới, những thành tựu nhân văn mới. Đạo Phật có đầy đủ phương tiện để người Việt Nam thể hiện được  những điều trên ( và không chỉ những điều trên ), nghĩa là thể hiện được chính mình và đất nước mình. Những điểm trên chỉ là một ít chủ đề của nhiều kinh đã và đang phổ biến ở Việt Nam như: Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Đại Bát Niết-bàn, Đại Bát Nhã.... phải chăng sự phổ biến rộng rãi của những kinh điển này hiện nay là dấu hiệu thành tựu của một hiện thực Việt Nam trong thời đại mới.

Nguyễn Thế  Đăng