Gìn giữ cho nhau

Bài thuyết giảng của thầy Nhất Hạnh ngày 1.12.2000 tại hội nghị Thượng Đỉnh về SIDA do tòa Bạch Cung triệu tập tại Hoa Thịnh Đốn (Bài này đã được đăng trên Lá Thư Làng Mai Số 24 )

Kính thưa Tổng Thống,

alt

Kính thưa các vị chức sắc tôn giáo và quý vị nhân sĩ có mặt hôm nay tại hội nghị Thượng Đỉnh,
Tôi còn nhớ vào những năm sáu mươi, thanh niên Mỹ khi xuống đường để đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam thường hay hô lớn khẩu hiệu 'Make love, not war' (Chỉ nên làm tình mà không nên làm chiến tranh). Hồi đó tôi đã từng suy ngẫm nhiều về khẩu hiệu này. Tình mà họ nói đây là thứ tình gì? Có phải là tình yêu chân thực không hay chỉ là sự đi kiếm tìm nhục dục? Nếu chỉ là sự đi kiếm tìm nhục dục thì tình ấy cũng là một thứ chiến tranh. Tôi cũng còn nhớ là vào năm 1971, trong trận chiến giành độc lập cho Bangaladesh, 200.000 người phụ nữ Bangaladesh đã bị quân lính hiếp dâm, và 40.000 người trong số đó đã có thai. Như vậy người ta đã vừa làm tình vừa làm chiến tranh, và tình ở đây đồng nghĩa với chiến tranh vì tình ở đây có nghĩa là bách hại, tàn phá, gây khổ đau và chết chóc.

 


Tình thương chân thật (true love), theo chúng tôi, luôn luôn có mang theo trong nó yếu tố chánh niệm, khả năng bảo hộ và ý thức trách nhiệm. Tình yêu này có năng lực của tự giác, hiểu biết và từ bi. Tất cả các nhà thờ, giáo đường và chùa viện của các tôn giáo đều phải có bổn phận dạy cho tín đồ của mình thứ tình yêu chân thực ấy, dạy như thế nào để cả người lớn lẫn trẻ em đều có thể thực tập được. Trong truyền thống đạo Bụt, giới thứ ba của Năm Giới dạy rằng ta không thể có liên hệ sinh lý với những người không phải là vợ hay chồng của ta, rằng ta phải bảo hộ cho ta và cho kẻ khác, và phải có ý thức về những khổ đau mà ta có thể mang lại cho ta và cho kẻ khác vì hành động dâm dục không có tinh thần trách nhiệm của mình. Nếu không giữ giới này, ta tự hủy hoại đời ta và hủy hoại đời của những người ta thương và cũng đồng thời hủy hoại cả xã hội.
Thương yêu có chánh niệm mới đích thực là thương yêu. Ta có thể thực tập chánh niệm ngay trong ngày hôm nay và sự thực tập này đem tới cho ta một sự bảo hộ có liền trong tức khắc. Tất cả mọi thành phần của tăng thân hoặc của giáo xứ đều phải thực tập chánh niệm về sự liên hệ sắc dục, nghĩa là giữ giới thứ ba. Làm được như thế ta lập tức bảo hộ được bản thân ta, gia đình ta, giáo xứ của ta và xã hội của ta. Vai trò của người lãnh đạo tôn giáo, vai trò của người tu sĩ, người giáo sĩ và người mục sư là phải tự bảo hộ lấy thân mạng mình và giáo xứ của mình. Nếu không làm được như thế thì làm sao họ có thể giúp được những giới khác và những đoàn thể khác trong xã hội? Khi mới ngồi vào máy bay, chiêu đãi viên luôn luôn nhắc chúng ta là trong trường hợp thiếu dưỡng khí ta phải tự mang mặt nạ dưỡng khí cho ta trước đã rồi mới nên giúp những người khác làm như thế. Về vấn đề bệnh SIDA cũng vậy. Bản thân ta, gia đình ta và giáo xứ ta phải là đối tượng đầu của sự thực tập bảo hộ. Yếu tố tỉnh thức và giác ngộ phải có mặt, phải được chế tác trong tăng thân và đoàn thể tu học của chúng ta trước. Tất cả trẻ em và người lớn trong tăng thân và đoàn thể tu học của ta phải được học hỏi về những sự thật liên hệ tới bệnh SIDA và cách thức nhiễm độc của vi khuẩn HIV. Tất cả đều phải thấy được những khổ đau mà chứng bệnh này gây ra cho cá nhân, gia đình, đoàn thể và xã hội, khi ta không biết thực tập giữ gìn cho ta và cho mọi người. Chánh niệm là năng lượng giúp ta ý thức được những gì đang xảy ra. Những gì đang xảy ra là những niềm đau nỗi khổ do bệnh SIDA gây nên, lớn lao và tràn ngập đến nỗi không bút mực nào có thể tả được. Trong năm 2000 này đã có trên 5 triệu người chết vì bệnh SIDA và hàng triệu người đã bị vi khuẩn HIV nhiễm độc. Các thành phần của giáo xứ hoặc tăng thân có bổn phận phải đánh thức giáo xứ và tăng thân dậy để tất cả đều thấy được hiểm họa lớn lao có một không hai này. Ý thức về khổ đau đang có mặt, đó là sự thật thứ nhất của bốn sự thật mầu nhiệm gọi là Tứ Diệu Đế. Trong suốt 45 năm giáo hóa, Bụt thường nhắc lại câu nói này: ''Tôi chỉ dạy về khổ đau và sự chuyển hóa khổ đau thôi.'' Chỉ khi nào nhận diện được khổ đau ta mới có thể nhìn sâu vào tự tính của khổ đau và khám phá ra những nguyên nhân đã đưa tới khổ đau ấy. Có thể là chỉ cần một, hai hoặc ba tuần lễ để học hỏi và quán chiếu về khổ đau và nguyên do của khổ đau thì cọng đồng tu học của ta, giáo xứ của ta sẽ bừng tỉnh dậy về sự thật bi đát của hiểm họa SIDA và vi khuẩn HIV đang xảy ra trong cọng đồng và trên thế giới. Khi tất cả tăng thân hoặc giáo xứ của ta đều ý thức được rõ ràng về thực tại khổ đau và những nguyên nhân của khổ đau thì mọi người sẽ biết nên làm gì và không nên làm gì để tự bảo vệ cho cả tăng thân hoặc giáo xứ của mình. Hành động cho kịp và thích ứng thì ta có thể chuyển hóa khổ đau thành an lạc và giải thoát.

Trong cuộc sống hàng ngày vì chỉ biết tiêu thụ trong thất niệm nên chúng ta đã góp phần tạo ra những khổ đau trong hiện tại. Đức Thế Tôn nói: ''Không có gì có thể sống sót được nếu không có thức ăn.'' Tình thương không sống được nếu không có thức ăn. Khổ đau cũng không sống được nếu không có thức ăn. Vì vậy nếu ta biết nhìn sâu vào bản chất của khổ đau ta và nhận diện được nguồn thực phẩm mà ta đã sử dụng để nuôi nấng nó, thì chúng ta đã bắt đầu đi vào con đường giải thoát và trị liệu. Những sản phẩm ta tiêu thụ hàng ngày để giải trí đã là một nguồn suối sâu dày của khổ đau. Phim ảnh, truyền hình, quảng cáo và sách báo, v.v.. đã cung cấp cho ta và cho con em ta những loại thức ăn mà mỗi chúng ta tiêu thụ hàng ngày qua sáu căn là mắt, tai, miệng, lưỡi, thân và ý. Những hình ảnh và âm thanh kia hàng ngày xâm chiếm và tràn ngập giác quan và tâm thức ta, và phần lớn đều có tác dụng tưới tẩm những hạt giống thèm khát, tuyệt vọng, bạo động và căm thù trong ta và trong giới trẻ. Con em chúng ta đã bị đầu độc quá nhiều bởi những độc tố ấy. Biết bao nhiêu tuổi trẻ đã chết đuối trong biển ma túy, nghiện ngập và dục tình. Vì vậy nếu ta biết thực tập chánh niệm trong khi tiêu thụ các sản phẩm gọi là văn hóa ấy thì ta có thể chấm dứt được tình trạng bị đầu độc của thân và tâm ta. Trong đạo Bụt có sự thực tập Năm Giới để hướng dẫn cho ta nhận diện được những thực phẩm nào mà chúng ta sắp tiêu thụ. Nhờ chánh niệm ta có thể thấy được độc tố trong các loại thực phẩm gọi là đoàn thực, xúc thực, và tư niệm thực để chúng ta có thể khước từ không tiêu thụ chúng, không đưa những độc tố ấy vào trong thân tâm ta. Chúng ta phải thực tập để chỉ tiêu thụ những thực phẩm lành mạnh có thể nuôi dưỡng thân và tâm ta. Tại các chùa, nhà thờ và thánh đường, mọi người phải có cơ hội tiếp nhận những giáo lý và những phép thực tập chánh niệm như thế. Thành phần nào của tăng thân và của giáo xứ cũng phải được hướng dẫn học hỏi và thực tập chánh niệm trong việc tiêu thụ. Để thực tập cho dễ thành công, mỗi người phải nương vào đoàn thể tu học của mình. Có nương vào tăng thân ta mới có đủ sự hướng dẫn, soi sáng và yểm trợ để có đủ năng lượng mà thực tập.

Tái lập truyền thông

Thực tập chánh niệm cũng giúp ta thiết lập lại được truyền thông với những người trong gia đình và quyến thuộc. Hạnh phúc chỉ có thể có mặt khi có hòa khí. Nếu ta không biết thực tập các phép lắng nghe và ái ngữ thì ta không thể tái lập được truyền thông giữa cha mẹ con cái và anh chị em. Khổ đau có thể đã phát sinh vì thế, và do đó cá nhân mới đi tìm sự khuây khỏa và lãng quên trong sắc dục, hút xách, rượu nồng và ma túy. Thảm trạng HIV / SIDA có liên hệ mật thiết đến vấn đề truyền thông trong gia đình, bởi vì thiếu sự truyền thông cho nên người ta mới đi tìm đến với sắc dục và ma túy. Mà sắc dục và ma túy là hai nguyên do chính đưa tới nhiễm độc HIV/ SIDA . Số người bị bệnh SIDA vì sử dụng kim chích ma túy rất nhiều, những chiếc kim này đã được những người có bệnh SIDA sử dụng trước đó. Trưởng giả Duy Ma Cật nói: Tại vì chúng sanh bệnh nên tôi bệnh. Khi cả thế giới bị thảm họa SIDA tàn phá, và hàng chục triệu người đang rên siết dưới gánh nặng của khổ đau vì tuyệt vọng thì ta không thể làm ngơ. Chỉ kêu gọi chính quyền và các tổ chức thiện nguyện thì chưa đủ. Các nhà lãnh đạo tôn giáo phải bắt đầu xây dựng tăng thân, cọng đồng và giáo xứ của họ bằng cách là phải thực tập những điều mà chính mình đang hô hào, kêu gọi và giảng dạy. Các vị giám mục, mục sư, linh mục và trú trì phải đứng lên làm gương cho cọng đồng của họ bằng sự tu tập của chính mình. Phải tái lập được sự truyền thông ngay trong chính cọng đồng tôn giáo của mình, phải hòa giải được với tất cả mọi thành phần của tăng thân - trong phạm vi giáo xứ, trong phạm vi gia đình và giữa những cọng đồng với những chủng tộc khác biệt trong mỗi thành phố. Sự thực tập này rất quan trọng. Khi cọng đồng đã có sự hài hòa, có sự học hỏi và quán chiếu về những khổ đau và những nguyên nhân gây ra khổ đau trong phạm vi hiểm họa SIDA thì mới có thể thành công. Nếu đoàn thể tôn giáo của ta đã có giác ngộ và hiểu biết về tình trạng hiểm họa, thì cái hiểu tự nhiên đưa tới cái thương. Chính yếu tố hiểu và thương này sẽ đem lại rất nhiều an ủi cho các nạn nhân của bệnh HIV và SIDA . Chúng ta biết rõ rằng thuốc men không đủ để đối phó với hiểm họa. Những người bị nhiễm độc HIV và có bệnh SIDA thường bị kỳ thị, hắt hủi, sống trơ trọi ngoài lề gia đình và xã hội. Tăng thân hoặc giáo xứ phải cung cấp tình thương và sự hiểu biết cho họ, thì sự chữa trị mới có thể thành công. Nếu không thực sự có hiểu và có thương thì ta sẽ không làm được gì cụ thể để giúp những người đang khổ đau, dù ta có rất nhiều tài năng và thiện chí.

Dựng lại tăng thân

Sự thực tập chánh niệm chỉ thành công lớn trong phạm vi tăng thân, nghĩa là trong một đoàn thể mà ai cũng nguyện sống trong tỉnh thức và trong tinh thần hòa hợp. Có nhiều cái ta không làm được khi ta làm một mình, nhưng cùng với tăng thân thì ta lại làm được. Sống với tăng thân, ta thực tập đi, đứng, nằm, ngồi trong chánh niệm, thực tập thiền tọa, thiền hành và ăn cơm im lặng rất dễ dàng. Chúng ta cũng thực tập tiêu thụ trong chánh niệm một cách rất dễ dàng, tại vì tăng thân luôn luôn có đó để soi sáng cho ta và yểm trợ cho ta thực tập. Theo tôi thì xây dựng tăng thân là công trình cấp thiết và đáng giá nhất của thời đại chúng ta. Trong truyền thống đạo Bụt, sau khi tiếp nhận Năm Giới, cứ mỗi nửa tháng người ta lại tập họp với nhau tại chùa để tụng giới và dự pháp đàm về Năm Giới để chia sẻ kinh nghiệm thực tập và tìm thêm những cách thức hữu hiệu hơn nữa để áp dụng Năm Giới vào đời sống hàng ngày. Vị giáo thọ hay trú trì thường tham dự trọn buổi pháp đàm, đóng góp tuệ giác và kinh nghiệm của mình và hướng dẫn cho tín đồ bằng kinh nghiệm tu tập của mình. Nếu có cá nhân nào trong tăng thân gặp khó khăn thì tăng thân có đó để yểm trợ cho người ấy. Một tăng thân đích thực là một tăng thân có mang trong nó sự có mặt của Phật thân và Pháp thân. Điều này cũng tất nhiên phải đúng trong các truyền thống tôn giáo khác. Tăng thân với tăng nhãn (mắt Tăng) của mình, nhờ sự thực tập và quán chiếu, sẽ có thể hiểu được tình trạng khó khăn của ta và chỉ bày cho ta phương thức dẫn ta ra khỏi tình trạng ấy, giúp cho ta tự bảo hộ ta, bảo hộ gia đình và xã hội của ta. Ngày nay, tuổi trẻ bỏ nhà thờ rất nhiều, tại vì nhà thờ không cung cấp cho họ những giáo lý và thực tập thích hợp với hoàn cảnh của họ. Nhà thờ không đáp ứng được với những nhu cầu có thật của tuổi trẻ. Làm mới lại giáo hội bằng cách giảng dạy những gì thích hợp và cung cấp những phép hành trì thích hợp với tuổi trẻ, đó là cách duy nhất để đưa tuổi trẻ trở về lại với giáo hội. Ta phải làm mới giáo hội và đoàn thể của ta lại bằng sự thực tập xây dựng tăng thân. Xây dựng tăng thân trên nền tảng thực tập chánh niệm - vì chánh niệm sẽ đem tới hiểu biết, thương yêu và năng lượng bảo hộ và hòa giải. Người lãnh đạo giáo hội, dù xuất gia hay tại gia, đều phải tự mình thực tập trước đã. Chúng ta phải dạy bằng thân giáo của mình. Giới trẻ sẽ không tin ta nếu ta không sống theo điều ta dạy. Vấn đề then chốt của HIV và SIDA là vấn đề hành xử, vấn đề giữ giới. Đó là thực tập chánh niệm. Nếu ai cũng có tăng thân để bảo hộ và soi sáng cho mình để mình có thể biết mình đang hành xử như thế nào thì mình sẽ không còn mang lại khổ đau cho chính bản thân và cho gia đình và xã hội mình nữa.

Đi vào Tịnh Độ

Tôi thường nhắc nhở các giới đệ tử của tôi rằng năng lượng chánh niệm chế tác do sự thực tập hàng ngày cũng tương đương với năng lượng của Thánh linh. Mỗi chúng ta đều có hạt giống chánh niệm trong tâm. Nếu ta biết thực tập thở trong chánh niệm, đi đứng trong chánh niệm, nằm ngồi, làm việc và tiêu thụ trong chánh niệm, thì hạt giống ấy sẽ trở thành một nguồn năng lượng sinh động trong ta, bảo hộ ta, giúp ta hiểu, thương và hành động đúng theo chánh pháp. Đối với người Cơ Đốc và Do Thái, điều này tương đương với sự sống hàng ngày đặt trong sự có mặt của Thượng Đế. Tôi đã chỉ dạy cho rất nhiều người bị bệnh nan y, giúp cho họ tập đi trong Tịnh Độ hay trong nước Chúa mỗi ngày. Nếu ta biết trở về với hơi thở chánh niệm và thực hiện được trạng thái thân tâm nhất như thì ta sẽ không còn bị ràng buộc bởi quá khứ và tương lai vì ta sẽ có khả năng bước ngay vào Tịnh Độ hay là vào nước Chúa trong giây phút hiện tại, và tiếp xúc được với tất cả những nhiệm mầu có mặt trong ấy. Nếu ta có thảnh thơi và tự do, thì Tịnh Độ có mặt ngay trong giờ phút này. Tự do đây không phải là tự do chính trị; đó là sự giải thoát khỏi mọi lo lắng, đau buồn, sợ hãi và nuối tiếc. Thiết lập được thân tâm vững chãi trong giây phút hiện tại là ta có thể bước ngay được vào Tịnh Độ hay là trong nước Chúa. Riêng tôi, ngày nào tôi cũng thực tập đi trong Tịnh Độ. Dù tôi đang ở trong một nhà ga hay tại một phi trường, dù tôi đang ở trên Vạn Lý Trường Thành hoặc bên sườn núi Thứu, tôi đều có cơ hội bước đi thảnh thơi trong Tịnh Độ. Tịnh Độ hoặc nước Chúa là nơi mà chánh niệm, hiểu biết, thảnh thơi và từ bi có mặt. Đó là định nghĩa Tịnh Độ của tôi. Trong chúng ta ai cũng có khả năng chánh niệm, ai cũng có khả năng an trú trong hiện tại. Ta chỉ cần thực tập để khả năng ấy hiển lộ và lớn lên. An trú trong hiện tại, ta tiếp xúc được với những mầu nhiệm trong ta và quanh ta. Đôi mắt của quý vị là một mầu nhiệm. Trái tim của quý vị là một mầu nhiệm. Trời xanh là một mầu nhiệm. Tiếng chim hót là một mầu nhiệm. Nếu quý vị có mặt được cho những mầu nhiệm ấy thì những mầu nhiệm ấy sẽ có mặt được cho quý vị. Tất cả những mầu nhiệm của Tịnh Độ đang có mặt cho quý vị ngay trong giờ phút này. Chỉ sợ quý vị không có mặt cho những mầu nhiệm ấy mà thôi. Nước Chúa đang có mặt trong khoảnh khắc này đây và tại ngay đây. Câu hỏi cần hỏi là quý vị đang có mặt cho nước Chúa hay không mà thôi. Nếu thực tập giỏi quý vị sẽ thấy Tịnh Độ có mặt trong từng tế bào của cơ thể quý vị. Không gian vô cùng và thời gian vô tận đang có trong từng tế bào. Và quý vị có thể bước đi thảnh thơi trong từng tế bào của cơ thể quý vị. Đây là giáo lý mầu nhiệm của kinh Hoa Nghiêm.

Khi chánh niệm của ta vững mạnh, khi ta tiếp xúc được năng lượng của Thánh linh, ta sẽ có thể đi tới kiến tánh, nghĩa là thấy được tự tánh của chúng ta. Kinh Pháp Hoa dạy rằng thực tại có thể được tiếp xúc qua bản môn hoặc tích môn. Về phía tích môn, ta thấy có sinh có diệt, có còn có mất, có tới có đi. Về phía bản môn, ta thấy tự tính của ta là vô khứ vô lai, bất sinh bất diệt, không còn không mất. Trong Phật giáo, bản môn là tự tính, là niết bàn - Trong Cơ Đốc giáo và Do Thái giáo, ta có thể gọi đó là Thượng Đế. Nếu quý vị là tín hữu Ki-tô giáo, thì chắc chắn quý vị không thể nói rằng Chúa Ki-tô chỉ bắt đầu hiện hữu sau khi được sinh ra trong máng lừa và không còn hiện hữu nữa sau khi bị đóng đinh trên cây thập tự. Không! Tự tính của Chúa Ki-tô là vô sinh bất diệt. Sinh diệt không thể động tới Ki-tô. Đạo Bụt ưa sử dụng danh từ biểu hiện hơn là danh từ tạo sinh. Nếu ta quán chiếu về tự tính của tạo sinh qua tuệ giác biểu hiện ta sẽ khám phá ra nhiều điều mới lạ. Xin mời quý vị nhìn vào hộp diêm trong tay tôi đây và cho tôi biết quý vị có thấy ngọn lửa có mặt hay không. Dù ngọn lửa chưa biểu hiện, quý vị cũng không thể nói rằng nó không có mặt. Nó đang có mặt trong những điều kiện sẽ làm cho nó biểu hiện. Tất cả mọi điều kiện làm cho ngọn lửa biểu hiện đã đầy đủ, chỉ thiếu một điều kiện chót, đó là một động tác của bàn tay tôi, động tác quẹt que diêm vào vỏ hộp diêm. Ngọn lửa ơi, ngươi hãy biểu hiện đi. Tôi đang quẹt diêm đây. Ngọn lửa đã biểu hiện rồi. Nó không phải là một sự tạo sinh (creation). Nó chỉ là một sự biểu hiện (manifestation). Sự giáng sinh của Chúa Ki-tô là một biểu hiện, không phải là một sự tạo sinh. Nếu thấy được điều này quý vị có thể tiếp xúc được với Ki-tô trong bất cứ giờ phút nào, bởi vì trong bản môn, Chúa Ki-tô là vô sinh bất diệt. Trong đạo Bụt, người ta thấy rằng không những Bụt Thích Ca và Chúa Ki-tô mới có tự tính vô sinh bất diệt mà tất cả chúng ta cũng như tất cả mọi hạt sõi và mọi chiếc lá đều có tự tính vô sinh bất diệt ấy. Nếu ta thực tập tiếp xúc được với tự tính không sinh diệt của ta thì ta sẽ vượt thoát được sự sợ hãi và mọi vọng tưởng điên đảo khác. Ta có thể sống an lạc vui tươi, dù hình hài ta chỉ còn tiếp tục biểu hiện trong vài tháng hoặc vài năm. Tôi đã giảng dạy và huấn luyện cho nhiều bệnh nhân bị ung thư, SIDA và nhiều chứng bệnh nan y khác thực tập và sống trong tinh thần này. Nhiều vị đã có thể sống an lạc những giờ phút còn lại của sắc thân họ, và thọ mạng của nhiều vị đã được kéo dài. Có vị khi mới tới nói rằng bác sĩ của họ nói rằng họ chỉ còn sống được chừng ba tháng, nhưng nhờ thực tập, họ đã sống được tới mười lăm hoặc hai mươi năm. Tôi rất mong các nhà thờ, các thánh đường và các chùa viện cung cấp được giáo lý và sự thực tập tiếp xúc bản môn này cho những người bị HIV và SIDA và cho cả bất cứ ai, để mọi người có thể cùng được hưởng lợi lạc. Mỗi người tín đồ hoặc đạo hữu trong giáo xứ và tăng thân phải có cơ duyên thực tập để tiếp xúc được với tự tính bất sinh bất diệt của mình trong đời sống thường nhật. Tiếp xúc được thì ta sẽ có tuệ giác và năng lượng vô úy. Ta sẽ không còn sợ hãi và sầu đau nữa. Ta cũng như một đợt sóng, khi biết tự tính của mình là nước rồi thì không còn sợ hãi sự lên xuống ra vào nữa.

Khi đã có được chất liệu vô úy, ta sẽ trở thành pháp khí, sẽ có năng lượng độ đời và giúp người như các vị bồ tát. Tất cả những ai đã bị HIV và SIDA cũng có thể trở nên những vị bồ tát tự giúp mình và giúp người thức tỉnh để tự bảo hộ mình, bảo hộ người, giúp người vượt thoát sợ hãi, thực hiện trị liệu và kéo dài thọ mạng. Cuộc chiến Việt Nam đã làm tổn hại không biết bao nhiêu sinh mạng. Hai mươi năm sau khi cuộc chiến chấm dứt, những người sống sót sau cuộc chiến vẫn còn mang đầy thương tích, nhất là cựu chiến binh. Tôi đã từng tổ chức các khóa tu cho cựu chiến binh Hoa Kỳ. Tôi khuyến khích họ phát nguyện bồ tát, đứng lên giáo hóa cho quần chúng biết thế nào là chiến tranh và những khổ đau cùng cực mà chiến tranh đem lại cho cả người lớn và trẻ em. Tôi nói rằng họ là những ngọn lửa trên đầu cây đèn nến: họ đã biết ngọn lửa chiến tranh tàn bạo đến mức nào. Nhưng ngọn lửa ấy có thể soi sáng cho nhân loại. Họ có thể làm nhân chứng và có thể xác định với quần chúng rằng cái mà ta thật sự muốn chính là hòa bình, là tình huynh đệ mà không phải là chiến tranh. Mỗi người cựu chiến binh có thể trở nên một vị bồ tát đi làm công việc tỉnh thức nhân loại. Ta phải thấy rõ được rằng một cuộc chiến tranh như thế sẽ không nên bao giờ xảy ra trong tương lai. Nếu làm được việc này, thì cuộc đời họ sẽ trở nên một cuộc đời có ý nghĩa, và họ sẽ có thể thực hiện được sự trị liệu cho bản thân một cách mau chóng và đem lại nguồn vui sống cho chính họ và gia đình họ. Những ai là nạn nhân của HIV và SIDA cũng thế. Một khi đã phát được tâm bồ đề, nguyện đứng lên thức tỉnh mọi người và chỉ hướng cho mọi người để ai cũng có thể tự bảo hộ mà đừng sa vào hiểm nạn SIDA, thì những người bị HIV / SIDA sẽ thấy cuộc đời của mình có ý nghĩa, sẽ có một năng lượng lớn trong tâm, sẽ tìm lại được niềm vui sống, sẽ được trị liệu mau chóng và sẽ có thể kéo dài thêm thọ mạng.

Đưa Thánh Linh trở về


Thưa Tổng Thống, thưa quý vị,

Những điều tôi vừa nói không phải đã được trích dẫn từ kinh sách mà từ kinh nghiệm sống và thực tập của tôi. Đem áp dụng được thì ta có thể bảo hộ lập tức cho ta, cho gia đình ta, cho cọng đồng và xã hội ta. Ta có thể chế tác được chất liệu hiểu và thương để có thể giúp cho những ai đã rủi ro vướng vào tai nạn HIV và SIDA được có nhiều cơ hội hơn mà đi tới trên con đường bình phục. Ta có thể thực tập và tiếp xúc với Tịnh Độ và nước Chúa ngay trong ngày hôm nay. Ta có thể bắt đầu công việc chữa trị cho ta và cho thế giới bắt đầu ngay từ giờ phút này. Bất cứ trong truyền thống tâm linh và tôn giáo nào ta cũng có thể thực tập chánh niệm, ái ngữ, lắng nghe, chế tác hiểu biết, từ bi và chất liệu vô úy. Nếu tu tập mà không chế tác được những hoa trái ấy, thì ta tu tập làm gì? Phép tu của ta có hữu hiệu không? Ta phải tự hỏi mình và hỏi nhau. Nếu đường lối giảng dạy và thực tập của ta không mang đến kết quả thì ta phải thay đổi. Ta phải thực tập thế nào để chế tác cho được niệm, định, tuệ, từ bi và vô úy. Ta phải thực tập như thế nào để Thánh linh có mặt trở lại trong giáo đoàn và giáo xứ. Xây dựng tăng thân là con đường giúp ta ra khỏi tình trạng nguy nan hiện tại. Xây dựng tăng thân để có nơi nương tựa cho ta, cho gia đình ta và xã hội ta là công trình đáng giá nhất của thế kỷ thứ hai mươi mốt. Tăng thân là nơi nương tựa đích thực, vì Chân Tăng luôn luôn mang theo trong lòng nó Chân Phật và Chân Pháp.
Xin mời quý vị an trú thảnh thơi trong hơi thở và bước chân trong những ngày hội nghị Thượng Đỉnh, trong lúc chúng ta đang được tập họp như một tăng thân. Và xin cảm ơn liệt vị đã chăm chú lắng nghe.

Thiện Tâm