Làm thế nào để mỗi lúc trong đời sống chúng ta đầy ý nghĩa

Bài giảng nầy được trích từ quyển sách sắp xuất bản của Lama Zopa Rinpoche: “Tạo cho đời sống đầy ý nghiã” sẽ được phát hành bởi Hội Lama Yeshe Wisdom Archive vào cuối năm 2001. Do Nicholas Ribush thu thập.

TẤT CẢ TÙY THUỘC VÀO Ý MUỐN

Việc tối quan trọng đối với chúng ta là làm sao biết được cách nào tốt nhất để hướng dẫn đời sống hàng ngày. Điều đó tùy thuộc sự nhận thức rằng hành động nào có giá trị tinh thần hay không. Sự khác biệt giữa chúng là cái gì đúng với Chánh pháp hoặc không đúng Chánh pháp. Sự hiểu biết nầy đem đến những lợi ích thật kỳ diệu và vô hạn.

Lấy một thí dụ: Có 4 nguời đều cùng đang tụng kinh Phật giáo. Nguời thứ nhất đọc Kinh với sự mong cầu đạt được Giác ngộ vì lợi ích cho tất cả hữu tình. Bởi động lực nầy, nên sự đọc Kinh trở thành nhân của Giác ngộ, không chỉ cho người hành giả mà cho tất cả chúng hữu tình.

Người thứ nhì đọc tụng kinh với ước muốn thoát khỏi luân hồi. Ước muốn nầy không phải vì nguyên nhân giác ngộ cho tất cả chúng sanh, nhưng chỉ vì sự hạnh phúc giải thoát vĩnh cữu của chính cá nhân đó.

Người thứ ba cũng đọc lời kinh nầy với sự mong muốn đạt được hạnh phúc trong những đời sống tương lai. Kết quả của sự mong cầu nầy không phải vì sự chứng đạo hoặc giải thoát, nhưng chỉ đơn giản là có được hạnh phúc cho đời sống mai sau.

Tuy nhiên, người thứ tư thì khi đọc kinh với ý hướng tham đắm vào hạnh phúc của của cõi đời nầy. Dù đó là đang thực hành Chánh pháp-được truyền dạy bởi Đức Phật- nhưng những lời đọc kinh của người hành giả nầy không phải là áp dụng hay làm đúng theo ý nghĩa tinh thần của Giáo pháp. Đó là sự thực hành sai lạc, đưa đến đau khổ. Tại sao? Bởi vì động lực đó do tham đắm, bám víu vào cuộc đời nầy sẽ ảnh hưởng tiêu cực làm tâm rối loạn, đưa đến sự bất an. Do đó, mỗi ý tưởng đó tự nó đã mang ý nghĩa sai lầm, gọi là không đạo đức vì kết quả đưa đến khổ đau.

Lama Atisa- Một nhà Du già sư và là Đại học giả nguời Ấn- được mời đến Tibet để chấn chỉnh lại Kinh điển. Drom Tonpa - là một Dịch giả của Ngài- được coi là hiện thân của Đức Quán Âm, hỏi Ngài rằng:“Các hành động thuờng có những hậu quả như thế nào đối với cuộc đời nầy?” Lama Atisa trả lời rằng: Mỗi một việc làm đó là nhân của sự tái sanh bất hạnh, đau khổ trong ba cõi xấu: địa ngục, quỉ đói và súc sanh.

Mặc dù vậy, Ngài đem một ví dụ điển hình như việc đọc kinh cầu nguyện, làm thế nào ứng dụng nó vào trong mọi hành động của chúng ta trong hai muơi bốn giờ một ngày như :  đi, ngồi, ngủ, ăn, nói hoặc đang làm những công việc- bất cứ việc gì, ngay cả đang thở. Mỗi một hành động có thể trở thành nguyên nhân của tỉnh thức, giải thoát hay an lạc trong những kiếp sau, hoặc tái sanh trong những cảnh giới thấp, khổ đau. Tất cả tùy thuộc vào ý muốn của chúng ta.

Ví dụ đơn giản như đang uống nước, dù ngụm chỉ một bụm nước, cũng có thể là nhân của tỉnh thức, giải thoát, an lạc trong những đời sống kế tiếp hay tái sanh trong các cõi bất hạnh. Nếu chúng ta uống với Chánh niệm, thì hành động uống nuớc đó là Chánh pháp, nhân của An lạc. Nếu chúng uống nước với tâm phiền não, tham chấp hoặc ngay cả si mê, sân hận; đó là những hành động không đúng Chánh pháp, đưa đến tái sanh trong các cõi xấu.

alt

Vì thế, bạn phải nghĩ rằng: “Nếu tôi uống nước với tâm bồ đề, bất kể tôi uống bao nhiêu ngụm nước hoặc bao nhiêu ly nuớc, thì mỗi một chánh niệm đó trở thành nhân của Tỉnh thức, lợi lạc cho tất cả chúng sanh. Tuy nhiên, nếu tôi uống nuớc với thái độ tham đắm đời sống nầy, thì mỗi một ngụm nước, mỗi ly nước đều trở thành nguyên nhân của khổ đau- những thống khổ trong những cảnh giới thấp và tất cả những vấn nạn nầy thì mọi người đều đã trải qua”.

Nếu tôi nói với bạn với tâm tham chấp vào đời sống nầy, dù tôi có dùng bao nhiêu thời gian để giảng thuyết, thì mỗi một niệm nầy đều trở thành nguyên nhân đưa đến tái sanh trong khổ đau, bất hạnh.

Nếu như bạn đang lái xe với thái độ bám víu vào cõi đời nầy, và bao lâu mà bạn đang lái xe, tất cả đều trở thành nghiệp xấu. Tuy nhiên, nếu bạn lái xe với thái độ tỉnh thức, thì không có gì phải nghi ngờ vì đó là nhân của hạnh phúc.

Nếu bạn ngủ với sự bám chặt vào đời sống nầy, bao lâu mà bạn đang ngủ, thì bạn đang tạo ra những nghiệp xấu, và là những đầu mối đưa đến tái sanh trong các cõi xấu.

Cũng vậy, nếu khi bạn viết thư từ hay viết sách, hoặc đọc báo hay xem truyền hình- thì thái độ của bạn quyết định cho các hành động nào đúng chánh pháp, đưa đến hạnh phúc hoặc nguợc lại, là những hành nghiệp xấu, đem đến khổ đau.

Một thí dụ nữa, như khi bạn đi mua sắm, chính thái độ của bạn có thể là nhân của tỉnh thức cho tất cả hữu tình, cho sự giải thoát của bạn hoặc hạnh phúc trong những đời sống tương lai hoặc lại là nhân cho nhưng khổ đau. Nếu khi bạn mua sắm với thái độ tham muốn bám chặt vào đời sống, thì mỗi lần bạn mua một món gì, nó sẽ tạo thành những nghiệp xấu và không đúng với chánh pháp mà là nhân đưa đến khổ dau.

Cũng tương tự, như khi bạn đang làm công việc, nếu trong thời gian để làm việc nầy mà bạn không có tâm bồ đề thúc đẩy, quyết định đạt đến giác ngộ vì sự lợi ích cho tất cả hữu tình, thì mỗi khoảng thời gian đó sẽ là nhân đem đến an lạc cho tất cả chúng sinh; nhưng nếu bạn làm với tâm đắm nhiễm vào đời sống nầy, thì bất cứ bạn làm gì đều đưa bạn rơi vào cảnh giới xấu thấp.

GIÁO DỤC NỘI TÂM TRUỚC

Bất cứ bạn đang làm công việc gì, có hai việc mà bạn cần nhận thức rõ. Truớc nhất là bạn làm gì với công việc hiện tại hoặc làm việc như thế nào, với những vốn liếng mà bạn đã học được từ nhà truờng hoặc truờng Cao Đẳng. Đó là những gì mà tất cả mọi người trên thế giới đều được đào tạo. Tuy nhiên, chỉ đơn thuần như  vậy thì vẫn chưa đủ. Như tôi đã từng đề cập đến, không có gì bảo đảm rằng những hành động phục vụ của bạn không có những sai lầm ảnh hưởng đến hạnh phúc. Nếu như chỉ biết công việc mình làm, thì vẫn chưa giải quyết được vấn đề một cách hoàn toàn. Nếu chối từ sự huấn luyện nội tâm, điều mà từ đầu, dạy chúng ta thái độ để hoàn thành công việc và sống đúng với cuộc sống, mà bạn chỉ quan tâm đến giáo dục hướng ngoại sẽ đem lại cho tâm của bạn không được hoàn thiện và toại ý.

Thật là tối quan trọng để bạn hiểu rằng là làm sao có được chánh kiến khi làm những công việc. Không có một sự lựa chọn nào khác. Tại sao vậy? Ví dụ, nếu bạn đang giữ chức vụ thư ký hoặc đang nấu bếp- với tác động của chánh kiến, có thể đem cho bạn hạnh phúc ở kiếp sau hoặc vì lợi ích cho tha nhân- thì bất cứ những gì mà bạn đã làm đều trở thành nhân của hạnh phúc, sự tái sanh tốt đẹp ở đời khác với thân tướng hoàn hảo. Hơn nữa, nếu bạn làm việc với sức đẩy của tâm bồ đề, thì chắc chắn rằng bạn sẽ đạt giác ngộ đem lợi ích cho chúng sanh, và những công việc làm như thư ký, nấu ăn hay bất cứ những nghề nghiệp gì khác, đều trở thành nhân giác ngộ các hữu tình.

Do đó, bạn thấy rằng sự huấn luyện nội tâm- như làm thế nào mà sử dụng trí tuệ cũng như những hành động của bạn cho đúng chánh pháp- điều đó rất quan trọng hơn là những công việc huớng ngoại, bởi vì nó xác định rõ rằng bất cứ những gì mà bạn làm đều là nhân của hạnh phúc hoặc đưa đến khổ đau, bất hạnh. Để giải thích vấn đề nầy, làm sao bạn phải có chánh kiến, đó là những điều dạy bị thiếu sót trong các trường học chung quanh chúng ta. Tại các trường học, trường Cao Đẳng hay các Đại học không có giảng dạy cách làm sao để sống tỉnh thức.

Bởi vì bạn đưọc trả giá cho những công việc bạn làm, đó là sự vui sướng mà bạn tin là hạnh phúc. Thực tế, không gì có quan trọng lắm khi bạn hoàn thành nghề nghiệp, khả năng bạn như thế nào hay bao nhiêu triệu tiền kiếm được, khi mà các hành động mà không có sự phát tâm, cứ tham đắm chấp chặt vào đời sống nầy, thì công việc bạn đang làm sẽ không thể trở thành nhân của hạnh phúc, mà ngay lúc đó lại đem đến bất hạnh.

Thường khi, nghề nghiệp mà bạn có chỉ là điều kiện để bạn kiếm tiền. Nguyên nhân chính mà bạn làm ra tiền đều do nghiệp tốt trước đó, qua những việc làm bố thí cho những người khác hoặc cúng dường Ba ngôi Tam Bảo, hay những nơi linh thiêng. Nó cũng có nghĩa là qua những nghiệp tốt bạn đã tạo được, nên truớc nhất bạn sẽ có việc làm- cái nghề nghiệp mà tự nó chỉ là điều kiện để bạn kiếm ra tiền.

Do đó, bạn có thể thấy rằng các tác động của nghiệp ảnh hưởng đến, khi mà sự giáo dục thiếu sót nó.

Trên thế giới nầy, bạn có thể tìm thấy nhiều người chưa bao giờ được giáo dục ở nhà trường hay trường dạy nghề nào hoặc chưa đi làm một ngày nào trong đời sống của họ, nhưng họ rất là giàu có, và sở hửu nhiều tài sản đủ sống cho nhiều đời.

Việc nầy có nghĩa rằng những gì mà mình gặt hái được- Giàu có hoặc phú quí- có thể nắm được không qua sự học vấn hoặc những gì gọi là nghề nghiệp hay những công việc thông thường. Tất cả đều do nghiệp tác động…..

Lama Zopa Rinpoche
Cư sĩ Liên Hoa dịch