Chút Nắng Hồng Trên Vai

Mục đích của người hành đạo là đưa được lẽ huyền diệu của đạo giác ngộ, giải thoát vào trong đời sống, đến với mọi người, nhất là với các bạn trẻ. “Chút nắng hồng trên vai” là cảm nhận rất riêng của một người bạn - có thể - gọi là - trẻ về một nhà sư - nhà thơ trên chặng hành trình độ mình, độ người.

Thiền sư quẫy nhẹ gót hài
Chân như chợt hiện giữa đài sen tơ.
Thơ Hàn Long Ẩn

Bây giờ thì thành phố này đã vắng bóng thầy. Bởi, thầy lại lên đường tiếp tục một chặng mới trên hành trình “Cát bụi đường bay” (Tên một tập thơ của Hàn Long Ẩn) của mình để hành đạo. Mỗi lần nghĩ đến thầy, không hiểu sao Nguyễn lại nhớ đến hương vị tết ngọt ngào nơi quê nhà xa xôi. Có lẽ là do ấn tượng từ lần đầu tiên được gặp. Đó là một buổi sáng mùa xuân. Thầy với chiếc áo nâu giản dị đứng trong sân chùa ngập nắng mai. Không khí se lạnh dịu dàng. Trên chiếc bàn gỗ cạnh bên là những vuông giấy ẩn đường vân duyên dáng. Thong dong, tự tại, bàn tay mềm mại bút hoa thổi hồn vào từng dòng thơ đạo vị.

Nguyễn vẫn thường nghe các bạn đạo nhắc đến thầy Thích Thiện Long với tâm tình kính mến và ngưỡng mộ. Nào là thầy chính là nhà thơ Hàn Long Ẩn; nào là thầy làm thơ rất hay, cắm hoa rất đẹp và viết thư pháp thì tuyệt vời. Nhiều người cố xin cho được chữ của thầy về treo trong nhà. Chữ đẹp, ý đạo sâu sắc nhắc nhở Phật tử càng thêm tinh tấn. Thời gian đầu Nguyễn thầm thắc mắc, không hiểu sao cả người lớn tuổi đến lễ chùa lẫn các bạn trẻ đều quý mến và thích gần gũi thầy như thế. Có thêm nhiều dịp trò chuyện cùng thầy, Nguyễn mới hiểu ra. Thầy không chỉ cho Phật tử những lời khuyên dạy sâu sắc mà còn biết lắng nghe với vẻ ân cần, tế nhị. Khuôn mặt hiền hòa với nét cười trong ánh mắt như động viên người đối diện. Sau này, Nguyễn còn biết thêm là Thầy đã tốt nghiệp thạc sĩ ngành Tâm lý học tại trường Đại học Hoa Trung, Trung Quốc. Nguyễn nghĩ, có lẽ thầy cũng như rất đông quý thầy trẻ hiện nay, tinh thông cả chương trình nội điển lẫn ngoại điển, năng động và sáng tạo để phù hợp với thời đại nhằm đạt hiệu quả cao trong việc đưa Phật pháp vào cuộc sống bùng nổ thông tin hiện nay. Tám mươi bốn vạn pháp môn ngày càng biến hóa nhiệm màu. Bởi, nếu không tiếp cận được với lớp trẻ, làm sao giúp họ hiểu Phật pháp?

Cũng như nhiều bà cụ khác, mẹ Nguyễn thì quý mến thầy ở vẻ điềm đạm, trầm tĩnh và nét rất nhẫn nại. Nguyễn liên tưởng đến những đồi cát trắng dài ven biển quê thầy ở làng Thai Dương Hạ, Thừa Thiên Huế. Có lẽ cậu bé ngày xưa đã thừa tính kiên nhẫn khi băng qua những chặng đường cát trắng đến chùa cùng mẹ; đã thấy được chất thơ từ màu xanh biếc của răng dương liễu rì rào và từ tiếng chuông nhẹ ngân trong gió sớm, chiều hôm? Rồi ắt hẳn duyên lành đã đưa bước chân thơ dại của cậu bé hơn mười tuổi bước hẳn vào chốn thiền môn.

Dịch sách, viết báo và làm thơ từ năm 1993, nhà thơ Hàn Long Ẩn đã cho ra mắt một số tác phẩm mà gần đây nhất là tập thơ “Cát bụi đường bay” được xuất bản vào năm 2009. Nguyễn để tập thơ ngay trên chiếc giá nhỏ kế bên bàn học của mình. Thoạt đầu, Nguyễn không đọc một mạch từ trang đầu đến trang cuối mà lật và đọc ngẫu nhiên lúc rảnh rỗi, cả những khi căng thẳng chuyện bài vở. Rồi không biết tự khi nào, Nguyễn có thói quen cứ ngồi vào bàn là cầm tập thơ lên, và thấy mình như đang bước vào cùng một chặng hành trình; lắng nghe những thanh âm, tiếng động ảo diệu từ câu chữ và cả bên dưới những câu chữ. Ngẫm nghĩ, lắng nghe để tin rằng mình có duyên đến với cái cốt lõi nhất của bài thơ, và biết đâu là bản chất của người thơ. Đôi khi thơ cũng như kinh mà!

Đọc kinh bỏ ý quên lời
Bản lai diện mục nụ cười vô ngôn
(HLA)

Nguyễn thích nét phóng khoáng, tự tại –trong thơ- của nhà thơ - thiền sư những khi “gối mộng nằm say, gác chân lên ngọn cỏ may phiêu bồng”, hay những lúc “gối kinh đệm cỏ ngồi thiền” và thậm chí như, “Tế Điên lúy túy càn khôn. Hành trang là mảnh trăng đơn cuối ngàn”. Sự phóng khoáng tự tại ấy như cơn sóng dữ dội đập thẳng vào tâm thức Nguyễn, đột ngột mở ra một khoảng trời vô tận thăm thẳm mênh mông sự rỗng không và bình yên của thiên thu và hư vô:

Ngồi đây ta ngắm mây trôi
Gởi thiên thu cả nụ cười hư vô.
(HLA)

Đi với “Cát bụi đường bay,” Nguyễn thấy mình cùng đi với chặng đường thao thức suy nghiệm, chiêm ngẫm của người tu đạo, bắt gặp được những sát-na lóe lên ánh chớp sáng chói của sự tỉnh thức. Đó là khi “Chân như chợt hiện giữa đài sen tơ,” hay “Chân như chợt hiện chung trà trên tay,” hay là lúc “Trang kinh nở một đóa hoa nghê thường.”

Nói theo ngôn ngữ đời thường thì lượng đã biến thành chất vào một lúc bất ngờ. Nguyễn thật ấn tượng với đọạn thơ :

Tâm kinh kết nụ bao mùa
Sáng nay bừng nở bên bờ sao sương
Mảnh gương đầu gió rung chuông
Cành khô tiếng động chú chuồn chuồn bay.
(HLA)

Ô hay là tuyệt diệu vì nụ tâm kinh bao mùa nay đã nở bên bờ sương khói. Bài thơ đậm đà vần điệu lục bát quê hương nhưng lại làm Nguyễn liên tưởng đến thể thơ Hai-Kư Nhật Bản, bởi nó ẩn chứa một bức họa tuyệt đẹp, gợi mở cho người thưởng thức thêm bao liên tưởng, chắp cánh cho trí tưởng tượng phiêu bồng. Nguyễn thử sắp xếp những câu chữ ấy thành:

Bờ sao sương bao mùa
Sáng nay nở
Nụ tâm kinh

hay

Bờ sao sương
Mảnh gương đầu gió rung chuông
Tiếng chuồn bay.

Nguyên tác vẫn tuyệt vời!

Những hình ảnh, màu sắc đẹp và thanh âm diệu vợi với những nét chấm phá ấy còn được Nguyễn bắt gặp ở nhiều đọan khác nhau trong tập thơ:

Nắng vàng nhuộm mảnh cà sa
Thiền môn rớt tiếng chim ca đấu mùa.

Nguyễn tự hỏi, còn chăng sự khác biệt giữa người làm thơ và đời sống? Giữa bài thơ và ngôn từ ẩn chứa phía sau? Mỗi khi giở tập thơ là mỗi lần Nguyễn như thấy mình đi qua thêm nhiều lớp nghĩa bên ngoài của từng câu chữ để thấy thêm những ý tình mới, để hiểu thêm một nhân cách thơ: nhà thơ - thiền sư. Cuối cùng thì trên chặng hành trình “Cát bụi đường bay,” thơ cũng chỉ là một trong muôn vạn pháp môn nhằm mục đích hoằng pháp. Thầy đã chẳng từng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc giữ vững lý tưởng xuất gia, lấy việc “hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp” làm kim chỉ nam trên con đường phục vụ chúng sanh của mình là gì!

Chặng hành trình còn tiếp tục. Người thơ - người tu chứng - hành đạo vẫn bước đi thong dong, thênh thang nhẹ nhàng vì trong cõi sắc không ấy, hành trang nếu có cũng chỉ là chút nắng hồng mà thôi.

Lời kinh hiện bóng trăng ngần
Vườn tâm hé nụ đá vàng trổ bông
Người đi trong cõi sắc không
Hành trang chỉ chút nắng hồng trên vai…

 

alt

(Thư pháp của Thầy Thích Thiện Long)


Phụng Nguyễn