Ý NGHĨA PHẬT ĐẢN PL.2554

altMùa Phật Đản, PL 2554 – DL 2010 lại về với những người con Phật ở khắp nơi nói chung, tại Việt Nam nói riêng; lòng tràn đầy hân hoan, thành kính dâng lên cúng dàng đại lễ Thánh Đản.

Nhớ lại hơn 26 thế kỷ trước, một đại sự nhân duyên hy hữu khó thấy, khó gặp, tại vườn Lâm Tỳ Ni. Một bậc Đại Giác ngộ đã xuất hiện, kim quang sáng ngời, mặt đất rung chuyển, hoa trời tuôn rải, nhạc trời bừng vang. Bậc Đại giác ngộ đó đã mang ánh sáng vô biên cho khắp hoàn vũ. Đó là sự xuất hiện của một người, là sự xuất hiện của mắt lớn, của đại quang, đại minh, là sự xuất hiện của sự thù thắng và sự chứng ngộ vô ngại giải, sự chứng đạt các giới và các giới sai biệt, là sự chứng nhập minh và giải thoát, là sự chứng ngộ quả Dự lưu, Nhất lai, Bất lai, A la hán. Người ấy là ai? chính là Đức Như Lai (Digha Nikaya).

Phật sơ sinh thuở mới chào đời, bảy đóa sen vàng nâng gót ngọc, cùng viên âm mở lối đạo Từ Bi: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn, vô lượng sinh tử ư kim tận hỷ”!

Đây là kiếp chót của ta

Tử sinh vô lượng kết tòa sen tươi

Bốn phương dưới đất trên trời

Ta là Thiện Thệ muôn đời chí tôn”

Ngài là: “Một chúng sanh duy nhất, một Con Người phi thuờng xuất hiện trong thế gian, vì lợi ích cho số đông, vì lòng từ mẫn, vì sự tốt đẹp, vì sự hạnh phúc của chư thiên và loài người” (Anguttara Nikaya).

Với những bước chân đầu tiên, Ngài khuyến hóa nhân loại hãy bước đi trên đóa hoa sen tinh khiết tươi đẹp, sống an lành nơi chân lý nhiệm mầu, đừng đứng mãi dưới bùn nhơ tăm tối, đừng tự đánh mất mình trước dục vọng hão huyền (tiền tài, sắc đẹp, danh lợi, ăn uống và ngủ nghỉ), hãy vượt lên chướng ngại của tự thân (lòng chấp ngã và chấp pháp), hãy tự tại trong cuộc đời đầy gian lao thử thách. “Như giữa đống rác nhớp, quăng bỏ trên đường lớn, chỗ ấy hoa sen nở, thơm sạch đẹp ý người”. (Pháp cú 58)

Giữa cuộc đời vô thường, tất cả các Pháp từ duyên sinh, sinh diệt luôn luôn tiếp nối nhau không ngừng nghỉ và không bao giờ tách rời nhau, thậm chí dù là một sát na, một khoảnh khắc, cũng giống như bóng theo hình. Do vậy, Ngài khuyên mỗi người: ”Biết vậy nên tu tập. Hôm nay, nhiệt tâm làm, ai biết chết ngày mai. Không ai điều đình được, với đại quân thần chết.”  (Kinh Nhất Dạ Hiền Giả, Trung Bộ II, 131)

Hình tượng “Một tay chỉ trời một tay chỉ đất”, từ thâm ý Ngài như muốn nhắn nhủ: Dù ta có lên trời hay xuống đất, ta không thể tìm thấy bất cứ đâu là nơi vững chắc, nơi an lành, nơi an trú, nơi nương tựa trong vũ trụ chuyển động và sinh diệt. Như trong kinh Pháp hoa Phật dạy: “Tam giới không yên, ví như nhà lửa”. Ba cõi bất an đang bị thiêu đốt bởi ngọn lửa của tham lam, sân hận và si mê. Chính ngọn lửa đó khiến bao chúng sinh phải trầm đắm trong kiếp sống luân hồi, vô lượng kiếp sinh sinh tử tử không có ngày giải thoát .

Với ánh sáng của trí tuệ, Ngài quán chiếu một cách chân thật thấy rõ ngã tướng của vạn pháp, thấy rõ con đường tịnh lạc, thấy rõ bốn tướng Niết Bàn: Thường, Lạc, Ngã và Tịnh. Ngài khuyên gọi mọi người hãy tinh tiến dũng mãnh tiến lên, mỗi người phải tự tịnh hóa tâm hồn, không để tâm bị cấu uế hay ô nhiễm bởi tham lam, sân hận và si mê. Theo lời Phật dạy, tịnh hóa tâm hồn được xác định rõ trong ba ý nghĩa: 1. Giữ trang nghiêm giới luật đã thọ nhận, 2. Lấy điều thiện làm nền tảng để thực hành, 3. Xem việc lợi lạc cho chúng sanh là điều cần thiết. Trong việc thực hiện làm lành lánh dữ: Trọng đức lớn không nên khinh phúc nhỏ; tránh tội to cũng ngăn chừa lỗi nhỏ. Trong quan hệ đối người tiếp vật, không thấy lỗi người, nhưng phải xét lỗi mình. Không tranh cãi thị phi nhân ngã. Giúp cho đời được hưởng an hòa, cho nhân thế có niềm vui tương kính!

Ngài dạy mọi người trở về với “Duy ngã độc tôn”. “Duy ngã” ở đây, đức Phật không chỉ vào Ngài, để mong muốn mọi người kính ngưỡng, mà nói đến vạn vật sinh linh, trong sáu nẻo mười phương vũ trụ, hãy nhìn vào “duy ngã” của chính mình. Trong “duy ngã” đó là nguồn tâm tiềm ẩn, đó là chân tâm kho tàng an lạc và thảnh thơi và nơi ấy có một chân thân đang hiển hiện. “Duy ngã” ấy, như lời Phật dạy là Chủ Nhân Ông, là nơi tại chính ta:

“Chỉ có ta làm điều tội lỗi, chỉ có ta làm cho ta ô nhiễm

Chỉ có ta tránh điều tội lỗi, chỉ có ta gội rửa cho ta

Trong sạch hay ô nhiễm là tự nơi ta.

Không ai có thể làm cho người khác trở nên trong sạch” (Pháp Cú 165).

Vì thế, nếu ta tìm lại được chính mình thì: đáng gọi là “độc tôn”, đáng gọi là cao quý nhất! Khi Chủ Nhân Ông chân tâm nơi ta hiện diện, ta không còn lầm chấp vào cái thân hữu hạn cuộc sống sinh diệt ở thế gian, ta không chịu sự chi phối của quy luật sinh diệt. Do vậy, đóa hoa sen quý của muôn người, sẽ vượt khỏi vũng bùn nhơ của kiếp người trầm nịch.

Từ hình ảnh đức Phật sơ sinh đã cho chúng cho ta những lời pháp quý giá, cùng muôn ngàn phương pháp tu tập nhiệm mầu. Càng mầu nhiệm hơn, mừng ngày Thánh Đản ta noi gương đức Phật, để tu tâm sửa tính tịnh thanh. Ngày và  đêm chứa chan đức hạnh, tháng cùng năm khai mở từ tâm.  Điều đó cho thấy, giáo pháp của Ngài tồn tại mãi mãi trong dòng chảy vô tận của cuộc sống con người.

Quả đúng như tinh thần Phật dạy: “Thế gian tướng thường trụ” (kinh Pháp hoa) nghĩa là Phật thường sống trong thế gian, Phật thường hiện hữu trong nếp nghĩ, nếp sống của con người là chính yếu. Cốt lõi này cũng được nhắc lại trong Phẩm Như Lai thọ lượng, thứ 16, đức Phật khẳng định rằng Ngài ở thế giới này thành Phật với tên là Thích Ca Mâu Ni, nhưng khi Ngài giáo hóa ở quốc độ khác thì Ngài có tên khác. Ý này gợi cho chúng ta nhận thức được tính chất “vô sinh hiện sinh” của Đức Phật; nói cách khác, con người bất tử của Phật là một, nhưng Ngài xuất hiện với nhiều sinh thân khác nhau ở những thế giới khác nhau với tên gọi khác nhau. Đó là Phật Ứng Hóa Thụ Sinh Thân để khai thị cho mọi người nhận ra khả năng thành tựu hằng hiện hữu tiềm ẩn trong chính mỗi người chúng ta, nhưng chưa phát triển một cách trọn vẹn và cũng chưa sử dụng được khả năng thành tựu hằng hiện hữu đó. Trong khi đức Phật đã phát huy hoàn toàn khả năng thành tựu nơi Ngài, tức Pháp thân thường trụ đã hiển hiện trọn vẹn và Ngài đã hiện hóa Pháp thân ấy một cách hoàn toàn tự tại trên bước đường giáo hóa độ sinh.

Có thể khẳng định rằng sinh thân của đức Phật Thích Ca đã nhập diệt, nhưng ngày nay, Pháp thân đức Phật lúc nào cũng hiện hữu cùng khắp mọi nơi. Nếu mỗi chúng sinh phát tâm quy ngưỡng Phật, sống theo giáo pháp Phật, thì phát huy được khả năng thành tựu tri thức và đạo đức, thực hiện những việc làm những lời nói lợi ích tốt đẹp cho đời theo tinh thần từ bi Phật dạy…Để từ đó trong tâm trí của mỗi người đệ tử đi theo dấu chân Phật luôn được thắp sáng bởi ngọn đuốc từ bi và trí tuệ, mang niềm vui, hạnh phúc, hòa bình cho cuộc đời này. Tất cả những thành quả tốt đẹp của hàng hàng lớp lớp người con Phật trên khắp năm châu đã tạo thành vầng hào quang Pháp thân Phật bao la, kỳ vĩ, vượt thời gian và không gian trong thế giới hiện sinh này.

Ngày kỷ niệm đức Phật đản sinh năm nay đúng vào dịp nước Việt Nam ta tổ chức Đại lễ kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội, tròn 1000 năm tuổi, đó cũng là sự ghi nhận 1000 năm Phật giáo gắn bó, đồng hành, đóng góp cho lịch sử oai hùng của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Và sắp tới Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo Thế giới lần thứ VI được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam vào hạ tuần tháng 11 năm 2010. Chúng ta vui mừng vì sự trưởng thành của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với những thành tựu Phật sự có nhiều giá trị thiết thực, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước. Chúng ta có niềm tin và tự hào về những thành tựu đã đạt được. niềm tin là sức mạnh, là nền tảng để chúng ta tu tập, thực hành Phật pháp và làm nhiều việc cho đạo, cho đời thiết thực và hiệu quả hơn.

Phẩm Hiền Thủ trong kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật đã dạy: “Tín là gốc của Đạo, là mẹ sinh các công đức”. Hơn nữa, trong luận Đại trí độ cũng dạy: “Đối với biển Phật pháp thì Tín là năng nhập, Trí là năng ngộ”. Tín là tin vào lý tưởng, tin vào tri kiến Phật, cũng như tin vào khả năng thành tựu của chính mình trong việc tu tập và hoằng dương chính Pháp. Lòng tin có vô lượng công năng, công đức bất khả tư nghì.

Thế kỷ 21 là thế kỷ của văn minh, khoa học và tâm linh. Năm Canh Dần - 2010, Phật lịch 2554 là năm gắn kết sâu sắc đối với dân tộc và Phật giáo Việt nam. Do vậy, nhằm thể hiện tinh thần của người con Phật Việt nam cùng với Tăng già và Phật tử thế giới, kính dâng cúng dàng ngày Đại lễ Đức Từ phụ Đản sinh với tâm lực, tâm nguyện, lợi sinh tuyệt vời, bất khả tư nghì của Ngài: “Như Lai thị hiện ra đời với mục đích duy nhất là khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”. Từ đó, suốt cả cuộc đời, Ngài luôn thể hiện và giáo hóa chư đệ tử cùng thể hiện tinh thần Đản sinh và sứ mạng Hoằng pháp độ sinh với thông điệp:

“Này chư Tỳ - kheo, hãy luôn du hành vì sự an lạc, vì lợi ích, vì hạnh phúc cho chư Thiên và loài người”.

Mong rằng thông điệp Đản sinh và sứ mạng Hoằng pháp độ sinh của đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni luôn tươi đẹp hằng hữu trong tâm hồn của những người con Phật xuất gia và tại gia chúng ta.

Nam mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm

Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự

Trưởng Ban Hoằng Pháp Trung ương GHPGVN