Giá trị của sự kết nối yêu thương qua công tác từ thiện xã hội


altNgày nay công tác từ thiện không còn của riêng ai mà cần nhận thức đó là công tác chung của mọi người, của toàn xã hội. Thực tế, cuốc sống vốn vô thường và có nhiều biến động thay đổi khiến con người phải thường xuyên giáp mặt với nhiều chướng duyên, khó khăn trong khi đối diện chính mình và hành xử với người khác. Hơn nữa, theo triết lý Duyên khởi, Phật dạy, không ai có thể sống một mình, con người cần phải nương tựa lẫn nhau để tồn tại và phát triển. Khi mỗi cá nhân phát tâm giúp đỡ người khác tức là đang giúp chính mình hoàn thiện. Thế nên, thông điệp của Phật giáo dành cho mỗi người là thực hành nếp sống hướng thượng. Cụ thể, trong đời sống hằng ngày, từng giây phút tiếp xúc với hiện tại, người Phật tử không chỉ kết nối yêu thương mà còn làm hóa hiện bằng các việc làm từ thiện cụ thể, có giá trị thiết thực hiện tại.

Theo Phật giáo về mặt lý luận, cơ sở thực thi của việc làm từ thiện là thực thi hạnh nguyện Tứ vô lượng tâm (Brahmavihàra); nghĩa là hành phẩm hạnh cao thượng, chỗ trú thánh thiện (phạm trú), là tên gọi chung có thể triển khai đến vô lượng: từ, bi, hỷ, xả. Về mặt thực tiễn, việc thực thi công tác từ thiện là thể hiện việc hành hạnh Bố thí trong lục độ ba la mật với những biện pháp tích cực thực hiện. Bài viết này xin trình 3 điểm sau để công tác từ thiện được thi trọn ý nghĩa của giá trị sự kết nối bình đẳng yêu thương:

I. Về mặt lý luận:

Để công tác từ thiện được thành tựu viên mãn, người làm công tác từ thiện phải nuôi dưỡng và phát triển Tứ vô lượng tâm. Việc hành trì Tứ vô lượng tâm có đối tượng là tha nhân, là hết thảy chúng sinh. Tứ vô lượng tâm là một công hạnh tạo hạnh phúc cho ta và cho chúng sinh. Đó là sự yêu thương, quý trọng chúng sinh (từ), thương cảm đối với các chúng sinh đang hoạn nạn (bi), sự vui mừng khi chúng sinh được hạnh phúc và mong mỗi hạnh phúc cho chúng sinh (hỷ), và sự xả bỏ những vui buồn oán giận trong lòng mình (xả). Ý nghĩa nổi bật của Tứ vô lượng tâm là sự thể hiện vô ngã, vị tha. Đây là pháp tu trợ lực cho pháp tu định, cũng chính là pháp tu vô ngã.

1. Từ (Mettà): Từ nghĩa là từ ái, hiền lành, là tình thương yêu. Đây là sự thương yêu rộng lớn cùng khắp đối với mọi chúng sinh, kể cả kẻ thù, con sâu, con kiến. Trong Từ kinh (Mettà Sutta) và Tập kinh (Sutta Nipata) đều có bài kệ nói về tâm từ, xin trích một đoạn ngắn: “Mong sao tất cả chúng sinh đều được an lạc. Mong sao tất cả chúng sinh đạt được niềm vui tự tội… Như người mẹ suốt đời chăm sóc đứa con, Đứa con độc nhất. Đối với mọi chúng sinh cũng thế, Tâm mình phải quảng đại. Lòng từ đối với toàn cõi thế gian, Quảng đại khởi lên từ tâm mình, Bên trên, bên dưới đều xuyên suốt”.

Trong Phật giáo có rất nhiều chuyện kể về gương bố thí, cứu ngừơi, cứu vật, hy sinh tài sản, thân mạng vì chúng sinh. Kinh Bổn sanh (Jataka), Hạnh Tạng (Cariya Pitaka)… kể chuyện tiền thân của Đức Phật với lòng từ triển khai đến cực độ với những gương bố thí, gương hy sinh cao cả nhất đối với mọi loài chúng sinh, dù là kẻ thù, dù là loài vật nhỏ bé. Do đó, một người thực hiện công tác từ thiện thì cần phải nuôi dưỡng tâm từ mới phat đại tâm giúp đỡ, thực thi việc tài thí và pháp thí để giúp người khác thoát khổ.

2. Bi (Karumà): Bi là sự rung động, xót thương trước khổ nạn của người khác, từ đó muốn cho người ấy thoát khỏi khổ nạn.

Sống trong một thế giới đầy sự biến động, con người đang chịu khổ vẫn diễn ra do nghèo đói, bệnh tật, áp bức, bóc lột, bạo lực, chiến tranh, chết chóc, bị hành hạ, bị giết…Tâm từ luôn đi đôi với tâm bi. Theo Phật giáo, một người thương yêu chúng sinh, đau lòng vì chúng sinh phải chịu khổ, đấy là người ấy đang thể hiện tâm từ bi. Thực ra, tâm bi phát xuất từ tâm từ, và cũng chính là từ tâm từ. Có từ thì mới có bi, thực hiện tâm bi cũng chính là thực hiện tâm từ, tất cả các gương bố thí, hy sinh, cứu độ trong ý nghĩa vô vụ lợi đều là những thể hiện của từ bi.

3. Hỷ (Medità): Hỷ là niềm vui khi thấy người khác được hạnh phúc, trong khi bi là sự xót xa khi thấy người khác bị đau khổ. Người có tâm hỷ thì không nghỉ đến mình, loại bỏ sự ganh tỵ nhỏ nhen. Vui với cái vui của người khác là biểu hiện một tấm lòng quảng đại. Không thiếu gì người thấy người khác giàu sang, danh vọng, được kính mộ, yêu vì thì buồn bực cho mình, ghen tức với người kia, rồi mong mỏi, thậm chí tìm cách làm cho người kia phải lụn bại cho mình được hả dạ. Tuy nhiên, vui với niềm vui của người khác không phải là dễ, nếu ta không tạm quên với cái ngã của mình. Nhờ có tâm hỷ như thế, con người mới phát tâm thực thi việc làm từ thiện với niềm vui của chính mình khi thấy người khác được hạnh phúc.

4. Xả (Upekkhà): Xả được dịnh là Upekkhà, có nguyên nghĩa là sự nhận định đúng đắn, được hiểu là nhận thấy không có gì phải chấp thủ, không ưa ghét, vui buồn, oán giận; tức là xả bỏ, tự tại, thanh thản trong lòng.

Xả không có nghĩa là dửng dưng, lạnh lùng hoặc vô tình, hời hợt. Xả là đức tính của một tâm hồn quảng đại, vô thủ chấp, gần như ý câu “ được không vui, mất không buồn” vậy. Trong kinh Chánh niệm (Satipatthana), Đức Phật dạy Tôn giả Ràhula về việc tu xả: “Này Ràhula, hãy tu tập như đất. Đất bị người ta ném vào những đồ sạch, đồ dơ, phân, nước tiểu, đàm, dãi, máu, mủ; nhưng đất vẫn không bực bội, ghê tởm. Nếu thầy cứ giữ tâm như đất thì sẽ không có sự vui buồn nào xâm chiếm hay bám lấy thầy. Cũng thế, hãy tu tập tâm như nườc, như lửa, như gió, như khoảng trống”. Một người làm từ thiện thì cần giữ được tâm xả thì không còn tham ái, không hận thù, luôn luôn vững vàng trước những chướng duyên, những kích động mới phát huy được mọi năng lực đem đến an lạc cho người khác.

Thực hiện Tứ vô lượng tâm càng mạnh thì tâm càng thanh tịnh, sáng suốt; tâm càng thanh tịnh, càng sáng suốt thì việc thực hiện Tứ vô lượng tâm càng mạnh. Khi tâm vô lượng được trải rộng thì việc thực hành công tác cụ thể mới có khả năng đi vào hiện thực đời sống qua việc phát tâm bố thí.

II. Về mặt thực tiễn:

Công việc cụ thể hóa của từ thiện là thực hành Bố thí (Dàna). Nó được xuất phát từ bốn tâm vô lượng nói trên. Bố thí là sự hy sinh, hiến tặng những gì mình sở hữu để giúp người khác: tài sản, sự nghiệp, vợ con; một hay nhiều bộ phận của thân thể; toàn bộ thân mạng mình; trao truyền sự hiểu biết, chánh pháp mà mình sở đắc; dạy cho chúng sinh sự tin tưởng, không sợ hãi. Theo phẩm Tựa trong kinh Bồ tát Thiện giới 1, Bồ tát tại gia thì thực hành tài thí và pháp thí; Bồ tát xuất gia thì thực hành 4 pháp thí: Bút thí, Mặc thí, Kinh thí, thuyết pháp thí. Luận Câu xá 18 nêu ra 8 thứ bố thí: Tùy thí chí, Bố úy thí, Báo ân thí, Cầu báo thí, Tập thiên thí, Hi thiên khí, Yếu danh thí, Vị trang nghiêm tâm thí. Cũng luận này nêu ra có 7 thứ bố thí: Thí khách nhân, Thí hành nhân, Thí bệnh nhân, Thí thị bệnh giả (Thí cho người nuôi bệnh), Thí viên lâm, Thí thường trực, Thí tùy thời…

Theo kinh Ưu Bà tắc giới, nguyên tắc của bố thí trong khi thực thi công tác từ thiện thì phải tuân thủ 5 điều sau:

1. Không nên chọn người có đức hay không có đức: Nghĩa là bình đẳng giúp tất cả mọi người; đối với người có đức sinh tâm kính mến; đối với người không có đức thì đem lòng thương xót.

2. Chẳng nói việc tốt xấu: Đối với thiện hay bất thiện, tùy theo điều ước muốn của mỗi người mà làm cho họ được lợi ích với từ tâm bình đẳng.

3. Chẳng kể dòng họ, hay quyến thuộc: Trong khi thực thi làm từ thiện, không nên phân biệt dòng họ, oán thân, người thân, giàu hay nghèo, hễ họ cần gì nếu có khả năng thì ban cho.

4. Chẳng xem thường người xin: Đối với đến xin, có lòng ân cần không xem thường, mà cung cấp theo yêu cầu, để cung cấp theo nhu cầu, để giúp đỡ hoàn cảnh thiếu thốn của họ.

5. Không la mắng: Đối với người cầu xin không dùng lời hung dữ, xấu xa để sỉ nhục họ.

III. Biện pháp thực thi:

Từ điểm nhìn lý luận và thực tiễn này, để công tác từ thiện đi đến sự thành tựu viên mãn, đúng theo tinh thần Phật dạy là người bố thí, người thọ nhận vật thí đều được lợi lạc, thanh tịnh, phước đức, thiết nghĩ người làm công tác từ thiện nên chăng thực thi những biện pháp sau:

1. Cần nhận thức rõ Ban Từ thiện, các cơ sở Từ thiện của Trung ương và địa phương thực sự là trung tâm kết nối sự yêu thương, thông qua sự liên kết mọi thành phần trong xã hội để cùng nhau chia sẻ mọi khó khăn, chướng duyên trong cuộc sống thường nhật.

2. Ban Từ thiện Trung ương và địa phương phải phối hợp chặt chẽ với Ban Hoằng pháp Trung ương và địa phương để tập hợp quần chúng khuyến giáo, thuyết giảng, vận động mọi người ý thức công tác từ thiện là không phải của riêng ai mà của mọi người; giúp đỡ người khác chính là giúp mình hoàn thiện nếp sống hướng thiện, là làm hiển lộ giá trị yêu thương cuộc sống theo tinh thần Từ bi hỷ xả, hạnh nguyện Bồ tát là hành Bố thí qua các mối quan hệ giữa người với người, giữa người với môi trường sống, và gia đình và xã hội.

3. Ban Từ thiện Trung ương và địa phương phải phối hợp chặt chẽ với Ban Kinh tế tài chính Trung ương và địa phương vận động các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các công ty tài chánh, các đại thí chủ, các nhà hảo tâm để phát tâm cúng dường, chia sẻ những thành phần, đối tượng trong xã hội cần quan tâm giúp đỡ như: trẻ em lang thang đường phố, người già cô đơn, những người nhiễm HIV, bệnh truyền nhiễm, đồng bào bị tai ương, thiên tai…Nhưng quan trọng hơn là Ban Từ thiện cần phối hợp Ban Kinh tế tài chánh có kế hoạch làm thế nào để chủ động tự mình thiết lập những cơ sở làm kinh tế, chủ động tạo ra nguồn kinh phí để làm từ thiện một cách thiết thực.

4. Cuối cùng là sự phân phối tài vật, tài chánh đến với các địa điểm, đối tượng cần được sự giúp đỡ, cần được cứu trợ phải kịp thời, đúng lúc, đúng với những hoàn cảnh, nhu cầu của các đối tượng từ thiện theo một chương trình hành động, kế hoặch mà Ban Từ thiện đã vạch định hàng năm, hàng quý, hàng tháng…trong tinh thần bình đẳng sự yêu thương./.

Thích Phước Đạt