Quy y Phật

Trong ba ngôi Tam Bảo, Phật là nơi nương tựa đầu tiên và thường được thể hiện bằng tôn ảnh của Ngài trên điện thờ. Người ta có thể hỏi tại sao các Phật tử lại dựa vào hình ảnh của Phật.

Đó có phải là một hình thức sùng bái thần tượng không? Những hình tượng nầy có oai lực thiêng liêng gì? Xin thưa không có gì cả; Đó chỉ là một hình tượng để chúng ta quán tưởng.

Khi ngắm nhìn và chiêm bái tôn ảnh của Đức Phật, bạn sẽ thấy rằng đó là hình ảnh của một người điềm đạm, tỉnh giác, và an tịnh. Ngài nhìn ra thế gian và thấy tất cả mọi vật. Ngài ý thức về cuộc đời nhưng không mê đắm hay dính mắc trong đó. Ngài không đam mê cũng không buồn chán. Ngài thể hiện năng lực của một người hoàn toàn bình tĩnh và có thể nhìn thấu suốt mọi vật đúng theo bản chất của nó, và chiêm ngưỡng tôn ảnh của Đức Phật là cách tốt nhất để gợi lên trong tâm bạn những đức tính cao đẹp của Ngài.

Khi chiêm ngưỡng tôn ảnh của Đức Phật, bạn sẽ cảm thấy an tịnh và tĩnh lặng. Từ đó, được gần những hình tượng của Đức Phật, chúng ta sẽ cảm thấy an vui; Tôn ảnh và tôn tượng của Đức Phật mang lại sự an lạc cho tâm hồn chúng ta.

Khi tiếp cận với những hình tượng đầy lòng căm thù hoặc đam mê mãnh liệt hoặc những đối tượng quyến rũ và gợi cảm, dĩ nhiên chúng ta sẽ say đắm và bị kích động. Khi ngắm nhìn vật gì, con người thường dễ bị đồng hóa với cái ấy. Đây là quy luật. Khung cảnh xung quanh thường tác động vào tâm chúng ta. Vì thế nên khi hành thiền nhiều hơn, bạn sẽ thích sống trong một khung cảnh bình yên thay vì một nơi lao xao và đầy kích động.

Mỗi buổi sáng, tại các tu viện, các tăng ni thường dâng đèn, hương, và hoa cúng dường Đức Phật. Chúng ta cũng nên suy nghĩ về ý nghĩa của những vật phẩm cúng dường nầy. Bông hoa là một trong những vật phẩm đẹp đẽ và dễ thương nhất mà chúng ta có thể dâng hiến cho con người vì bông hoa là một trong những gì đẹp nhất mà trái đất nầy có thể tạo ra. Nơi nào có hoa tươi thì nơi ấy càng thêm xinh đẹp; bông hoa không bao giờ làm mất đi giá trị hay phá hủy bất cứ vật gì. Và trong đạo Phật, bông hoa là hiện thân của sự trong sạch về đức hạnh.

alt

Trong các tôn ảnh của Đức Phật, Ngài thường ngự trên tòa sen. Ở vùng Đông nam Á, hoa sen mọc trong các đầm trũng và ao hồ, vươn lên từ bùn nhơ và nước đục. Nhánh sen vượt lên trên tất cả những gì nhơ bẩn và nhớp nhúa để đem lại cho trái đất nầy một bông hoa tuyệt đẹp. Hình tượng nầy cũng giống như một người có đức hạnh. Một người sống và trách nhiệm về những việc mình làm luôn là một người cao quý để chúng ta gần gũi và thân cận.

Đi đến đâu vị ấy cũng được mọi người hoan hỷ chào đón; Vị ấy làm đẹp và làm tăng vẻ đẹp cuộc đời. Trong khi những người ích kỷ, thiếu đức hạnh, cẩu thả cũng giống như cỏ dại mọc tràn lan trên trái đất nầy. Điều nầy giải thích tại sao trong đạo Phật người ta dùng biểu tượng Đức Phật ngự trên tòa sen. Đó là vì Trí tuệ của Phật chỉ đến từ sự trong sạch về đạo đức.

Con người có thể sống ở rất nhiều trình độ và cảnh giới. Như phần lớn loài người, chúng ta sống với những bản năng sinh học của cơ thể, thuận theo những nhu cầu của loài vật như ăn, ngủ và sinh sản để duy trì nòi giống. Chúng ta có thể sống thấp hơn trình độ ấy và bị ám ảnh triền miên bởi những dục vọng rất thấp hèn. Ngày nay, nhiều người sống theo cách này. Mà thật ra, khi sống như thế, họ không còn là con người nữa; họ chỉ là những bóng ma sống chập chờn trong cõi u minh luôn bị đè nặng và hành hạ bởi những cơn đói khát và thèm muốn không thể nào thỏa mãn được. Đó là trường hợp của những người nghiện xì ke ma túy hay nghiện ruợu. Hay họ có thể sống như loài quỷ dữ hung hãn và ác độc luôn tìm cách tiêu diệt và hãm hại người khác.

Vì thế, mang tấm thân làm người không nhất thiết là bạn sẽ sống thật sự như con người. Làm người không phải dễ. Cảnh giới của loài người là nơi mà đạo lý có ảnh hưởng rất sâu rộng và vì thế làm người cũng hàm ý là có một đời sống đạo đức và tâm linh đi kèm theo sắc thân vật lý nầy.

Chỉ khi nào chúng ta quyết định lấy trách nhiệm cho cuộc sống, chúng ta mới có thể trở thành con người trọn vẹn. Muốn được làm người theo nghĩa thật sự, chúng ta phải để tâm sức vượt lên chính mình. Sống có trách nhiệm đòi hỏi công sức; nó không phải là cái gì tự trên trời rơi xuống nếu chúng ta không tự mình cố gắng vươn lên.

Chúng ta phải chọn lựa. Chúng ta phải quyết định về hướng đi của cuộc đời mình rồi để hết tâm lực và công sức vào đó. Nếu không, chúng ta sẽ chỉ sống theo sự thôi thúc bản năng và sẽ bị đưa đẩy vào cảnh giới tham đắm và thấp hèn. Khi để tâm sức sống theo hướng đã chọn, chúng ta sẽ vươn lên cao hơn. Đây chính là biểu tượng của hoa sen hay bất cứ loại hoa nào khác trên đời nầy.

Khi quy y Phật, chúng ta nương tựa vào trí tuệ của Ngài. Chữ Buddha hay "Phật" thật sự nghĩa là người có trí tuệ; Nó có nghĩa là "người biết được sự thật" hay "cái biết", "cái giác." Khi đã trở thành Phật tử, bạn nên hiểu là bạn đang đi trên đường đạo và bạn đã lấy trí tuệ làm chỗ nương tựa. Chúng ta có được trí tuệ là nhờ biết quan sát và suy tưởng các pháp thế gian.

Trí tuệ là cái gì đã có sẳn. Nó không phải là cái mà bạn phải đi tìm và sẽ bắt gặp. Trái lại, nó là cái có sẳn và cần được sử dụng. Nếu nghĩ rằng hành thiền sẽ đưa chúng ta đến trí tuệ thì đây là một điều sai lầm. Hành thiền là học cách sử dụng cái trí tuệ đã có sẳn trong người chúng ta. Vì thế khi hành thiền, bạn quán sát và suy tưởng về các Pháp hay sự thật về bản chất của các Pháp. Khi bạn quán sát và suy tưởng về các Pháp, đó chính là lúc mà bạn đang sử dụng trí tuệ của bạn. Trí tuệ không phải là cái mà bạn chưa có và phải đi tìm. Trái lại, nó là cái có sẵn nhưng bạn lại ít khi sử dụng hay thường không ý thức về nó.

Trong khi tụng đọc kinh điển hàng ngày tại các tu viện, chúng ta thường tôn vinh các ân đức của Phật như Arahant (A la hán); Sammasambuddha (Chánh biến tri). Đây là những từ Pali để diễn tả những gì thật sự thanh tịnh và giác ngộ. Sammasambuddha có nghĩa là người giác ngộ vì vị ấy đã biết được bản chất thật sự của vạn pháp. Arahant là từ để chỉ một con người toàn hảo, một con người thấy rất rõ và không còn bị mê lầm bởi những hình tướng bên ngoài và những điều kiện giới hạn của tâm thức.

Đức Phật cũng có danh hiệu là Vijjacaranasampanno (Minh hạnh túc), nghĩa là người có trí tuệ và đức hạnh toàn hảo. Ngài không phải là người chỉ hiểu đúng nhưng lại làm sai. Ngày nay, nhiều tu sĩ Phật giáo bị mắc phải bịnh này. Họ có trình độ viết sách, giảng dạy và hiểu biết, nhưng đức hạnh của họ lại không đi đôi với trình độ hiểu biết nầy. Nhưng Đức Phật thì khác. Ngài hiểu biết như thế nào thì sống như thế đó; Ngài sống đúng danh hiệu Vijjacaranasampanno hay thật sự là người toàn hảo về cả trí tuệ lẫn đức hạnh.

Một ân đức khác của Phật là Lokavidu (Thế gian giải), nghĩa là người thông suốt thế gian, và hiểu đúng thực chất của thế gian. Thế thì cái thế gian mà Đức Phật thông suốt nầy ở đâu? Khi bạn suy tưởng về câu hỏi nầy, "Thế gian nầy ở đâu?" Bạn sẽ khám phá ra rằng thế gian nầy không ở đâu xa lạ mà chính là ở trong tâm của bạn. Tuy nhiên, thông thường chúng ta lại không nhìn thế gian theo góc độ nầy; ngược lại, chúng ta thường cho thế gian là trái đất hay hành tinh đang nằm ngoài chúng ta.

Bạn nhìn vào bản đồ thế giới và thấy có nước Thụy Sĩ màu xanh, nước Anh màu hồng. Bạn xem Á châu, Úc châu, và Mỹ châu là thế gian, là cái mà bạn có thể biết được vì bạn thấy nó trên bản đồ hay đã học về nó trong môn lịch sử và địa lý. Nhưng thế gian nầy thật sự chính là tâm của bạn và bạn biết được thế gian nầy là nhờ bạn biết được tâm của mình. Nhờ quán sát và suy tưởng về những trạng thái tâm, bạn sẽ biết thế gian đúng như thực tướng của nó, khi nó thật sự sinh khởi với những lo âu, sợ hãi, ham muốn và khát vọng, quan điểm, ý kiến và nhận thức sinh ra rồi mất đi trong tâm của. Đó chính là ý nghĩa của danh hiệu Lokavidu hay Thế gian giải của Đức Phật.

Đức Phật còn có danh hiệu là Sarathi, nghĩa đen là người điều khiển cỗ xe ngựa, nghĩa bóng là người biết cách điều ngự, thuần phục những chúng sanh chưa thuần phục. Điều nầy có nghĩa là khi chúng ta quy y Phật, chúng ta tự nguyện nương tựa vào sự lãnh đạo và hướng dẫn của trí tuệ chứ không phải của sự ngu dốt và si mê.

Chúng ta hướng về trí tuệ của Đức Phật và tiếp nhận sự giáo hóa của trí tuệ nầy. Qua việc mở rộng tâm thức để tiếp nhận sự hướng dẫn của trí tuệ, chúng ta tu tập để khéo léo sống cuộc đời thánh thiện. Chúng ta sẽ tập sống tốt và lương thiện trong tấm thân nầy và trong xã hội nầy. Chúng ta tu tập để trở thành người hữu ích thay vì là nỗi phiền muộn hay tai họa cho thế gian. Đức Phật cũng là thầy dạy (sattha) cho cả chư thiên và nhân loại (Thiên nhân sư). Điều nầy có nghĩa là Đức Phật giáo hóa tất cả chúng sinh nào có đức hạnh trong sạch muốn thấy và hiểu biết thế gian một cách đúng đắn, nói khác đi, muốn thấy được chân lý tối thượng.

Ajahn Sumedho