Cảm thọ là áng mây bay

 http://phattuvietnam.net/thumbnail.php?file=2009/05/ndason_168963868.jpg&size=article_mediumCảm thọ là những cảm giác có mặt thường xuyên trong thân thể và tâm hồn. Cảm thọ này đến, ở lại một thời gian, trôi đi để cho cảm thọ khác đến. Cứ như thế, dòng sông cảm thọ thôi thúc nhau, xô đẩy nhau trôi chảy thường xuyên trong đời sống. Từ đó, ta thấy mỗi cảm thọ là một áng mây bay trên bầu trời xanh, là một giọt nước trong dòng sông.

Uống một ly nước, ta nếm được hương vị ngọt ngào và cảm thấy mát mẻ, khỏe khoắn trong cơ thể.  Đi dưới nắng trưa hè của miền Đông Bắc nước Mỹ, ta cảm thấy ấm áp trên da thịt và dễ chịu trong con người.  Một lời khen thành thật, ta cảm thấy vui phơi phới cả lòng.  Một lời chê bai, buộc tội hay nói xấu, ta cảm thấy buồn bã, khó chịu và bực mình.  Nghe một bài pháp thoại sâu sắc, ta cảm thấy khoan khoái, hạnh phúc.

Trong đời sống, có lúc vì bực tức, nóng nẩy, cha mẹ la rầy, nạt nộ con cái. Khi còn nhỏ, các con sợ hãi nên chịu nghe lời cha mẹ. Nhưng tới lúc, các con lớn lên thành niên (teen), thì họ bắt đầu phản kháng trở lại bằng sự nóng giận. Họ không còn nghe lời cha mẹ nữa. Họ sống liều lĩnh, cảm thấy chán nản, bởi các con mang trong lòng nội kết sợ hãi, giận hờn từ lúc còn thơ ấu. Các con nghĩ rằng ba mẹ không thương mình. Cho nên, bậc cha mẹ phải nhận diện cảm thọ bực tức, nóng giận. Cố nhiên, cha mẹ có bổn phận hướng dẫn, dạy dỗ cho con cái, nhưng phải bằng lời nói dễ nghe, bằng sự bình tĩnh, bằng tình thương. Bậc cha mẹ đừng tưởng rằng những đứa nhỏ không có cảm giác. Họ rất nhạy cảm với năng lượng phát xuất từ lời nói, cảm xúc của cha mẹ.

Những đứa nhỏ dễ thương, biết nghe lời người khác, bởi vì cha mẹ đã biểu lộ tình thương và lời nói dễ thương cho nó. Cho nên các con tin tưởng và chịu nghe lời người lớn. Các con không thể nào dễ thương bằng chứa chấp quá nhiều nỗi sợ hãi, nỗi bực tức trong lòng. Càng làm cho các con sợ hãi, bực mình bằng sự nóng giận của cha mẹ, thì các con càng không tin tưởng nơi người khác. Những người trẻ này càng trở nên khó dạy và khó thương.

Thực tập là nhận diện từng cảm thọ trở lại.  Ta nhìn nhận cảm thọ, cảm xúc, như ngắm nhìn những đám mây trên bầu trời xanh.  Buồn ơi!  Chào em.  Chán ơi!  Chào em.  Giận ơi!  Chào em nhé.  Thấy mẹ!  Con hạnh phúc quá chừng.  Được ngồi bên em, anh sung sướng lắm.  Mẹ ơi!  Hôm nay, hàm răng của con sao mà nhức nhối vô cùng!

Trong dòng sông cảm thọ, ta có rất nhiều cảm thọ trung tính gọi là xả thọ, tức là cảm thọ không khổ đau cũng không hạnh phúc.  Bữa cơm thơm ngon có thể là một xả thọ.  Nhưng nếu, ta trở về có mặt thật sự trong lúc ăn thì ta sẽ cảm thấy hạnh phúc.  Ta sẽ nếm được chất liệu ngon lành, ngọt thơm của thức ăn và tiếp xúc với biết bao nhiêu tình thương và mầu nhiệm của sự sống.  Ta cảm nhận được không khí ấm áp gia đình.  Ta nhìn thấy khuôn mặt hiền từ của mẹ.  Ta nghe được tiếng nói đầm ấm của cha.  Nhờ vậy bao nhiêu lo âu, buồn tủi đều tan biến hết.  Từ đó, xả thọ của bữa cơm chiều đã trở thành hạnh phúc.

Không đau răng là một xả thọ, bởi vì ai không đau răng cũng đều cảm thấy như thế.  Trong khi đó mỗi khi đau răng, ta cảm thấy đau nhức kinh khủng!  Cơn đau cứ hành ta suốt đêm.  Ta không thể nào ngủ được.  Càng đau nhức bao nhiêu ta càng mong cầu mau sáng bấy nhiêu.  Ta muốn đi nha sĩ liền.  Thấy được như thế, ta trân quý những lúc không đau răng.  Ta nhớ đánh răng đều đặn để thức ăn đừng ứ đọng lại trong nướu răng mà trở thành chất độc làm sưng chân răng tạo ra đau nhức.  Thay vì nghĩ ngợi lung tung, lo lắng đủ điều, lên xuống lợi danh, tranh chấp hơn thua. Ta thực tập:

Thở vào, tôi biết rằng tôi đang không nhức răng.

Thở ra, ôi thật là sung sướng, hạnh phúc.

Ngay lúc ấy, xả thọ không đau răng trở thành lạc thọ liền lập tức.

Mẹ còn sống là hạnh phúc lớn lao, thế mà biết bao nhiêu người vẫn thường hay quên sự thật ấy.  Ta cứ bận rộn suốt đời, lên xuống lợi danh và tìm cầu hạnh phúc mơ hồ nào đó.  Ta không có thì giờ nhìn mẹ, thương yêu mẹ, chú ý tới mẹ và hưởng sự dịu dàng, ngọt ngào và ấm áp của mẹ.  Ta đánh mất hạnh phúc được sống gần bên mẹ.  Thỉnh thoảng trong lúc buồn giận, hờn dỗi, ta lại lớn tiếng với mẹ.  Ta rượu chè, cờ bạc, tù tội, đã làm cho mẹ lo âu, buồn phiền.  Ta làm cho mẹ khổ tâm do đời sống thiếu chánh niệm và thiếu trách nhiệm của ta.  Cho đến khi mẹ mất, ta mới ăn năn, hối hận và nuối tiếc nhưng đã muộn màng lắm rồi.

Lang đi tu nên Lang phải xa mẹ.  Những năm đầu, Lang nhớ mẹ dữ lắm.  Mỗi khi nhìn về phía Tây từ nước Pháp, Lang cảm thấy buồn rười rượi trong lòng, và nước mắt Lang cứ ứa ra.  Lang cảm thấy thiếu tình thương của mẹ.  Lúc còn ở nhà, mẹ Lang luôn luôn có mặt để săn sóc, chú ý và thương yêu Lang.  Thức dậy mẹ đã có mặt một bên như một bà tiên.  Mẹ gọi Lang về ăn cơm mỗi buổi chiều khi mặt trời vừa tắt.  Mẹ dọn dẹp, xếp mền, chăm sóc từng việc nhỏ nhặt cho Lang.  Mẹ dặn dò, dạy dỗ lời hay lẽ phải và lo lắng đủ điều.  Mẹ luôn luôn nhìn Lang âu yếm bằng ánh mắt hiền từ.  Bây giờ, Lang không còn được sống trong suối nguồn thương yêu ấy nữa.  Lang khóc, Lang buồn, nhưng Lang không đau khổ, bởi vì Lang có Thầy, có tăng thân và có sự tu tập.  Tình thương của Thầy, các sư anh, các sư chị và các sư em tuy không thay thế được tình yêu ngọt ngào của mẹ, nhưng Lang thật sự sống hạnh phúc trong đời sống tu hành.  Mỗi ngày Lang cố gắng sống trong giây phút hiện tại để tiếp xúc với những gì mầu nhiệm, lành mạnh và tươi mát.

Mẹ Lang đang tu tập với quý thầy ở tu viện Lộc Uyển.  Mẹ đang nương tựa và có niềm tin vững vàng nơi Tam Bảo.  Mỗi sáng, mẹ đều lạy Bụt.  Có lần mẹ nói rằng: ''Thầy có biết tui tu như răng khôn?  Lạy xuống, tui nói với Bụt rằng: Lạy Bụt một lạy, lòng con nở một bông hoa.'' Nghe mẹ nói như thế, Lang cảm thấy sung sướng.  Mẹ tin tưởng rằng mẹ sẽ về với Phật, do đó đời sống tình cảm của mẹ thật nhẹ nhàng, an ổn và thảnh thơi.  Mẹ được các thầy, các sư cô ở Lộc Uyển thương yêu, yểm trợ và chú ý nên mẹ thường cảm thấy hạnh phúc.  Mỗi ngày, Lang đều nhớ đến mẹ để cảm thấy hạnh phúc, sung sướng và đồng thời để cầu nguyện cho mẹ sống lâu, khỏe mạnh và an vui.  Chánh niệm giúp cho Lang ý thức thường xuyên rằng mẹ đang còn sống là hạnh phúc lớn nhất, và chắc chắn một ngày nào đó mẹ sẽ không còn sống trên đời này nữa nên Lang nhất định tu tập để trân quý sự có mặt của mẹ ngay bây giờ.

Cứ như thế, đời sống tỉnh thức giúp cho ta tiếp xúc được với nhiều yếu tố hạnh phúc trong đời sống hằng ngày như bát cơm, ly nước, gió mát, bình minh, hoàng hôn...  Biết bao nhiêu xả thọ trở thành lạc thọ.  Nghĩa là ta cảm thấy hạnh phúc, tươi vui thường xuyên trong đời sống nên phẩm chất sự sống của ta càng ngày càng thăng hoa.

Ta lại nuôi dưỡng cảm thọ an lạc do nhìn ngắm một buổi bình minh rực rỡ, nếm được hương vị thơm ngon của ly trà nóng, ăn một bữa cơm, ngồi bên Thầy, chơi với sư anh.  An lạc hạnh phúc luôn luôn có mặt.  Sự sống mầu nhiệm luôn ở bên cạnh ta.  Điều quan trọng duy nhất là ta có biết hay không?  Ta nhận diện được hay không?  Một bữa cơm gia đình, mà ta không cảm thấy hạnh phúc thì thiệt thòi cho ta lắm.  Ngồi bên mẹ mà không hạnh phúc thì tội nghiệp cho ta quá!  Cho nên không biết, không ý thức, không tỉnh dậy là một sự mất mát lớn cho ta.

Đi dạo trong cánh rừng xanh tươi và mát mẻ là một cảm thọ hạnh phúc thật sự.  Năng lượng yên tĩnh và tươi mát của rừng núi thấm vào thân tâm thì làm sao ta không cảm thấy khỏe khoắn an lạc cho được.  Những tia nắng sớm xuyên qua ngàn lá làm sáng rực cả cánh rừng.  Cảnh tượng thật là tuyệt vời.  Không biết cõi thiên đường của chúa Ki Tô có đẹp như cánh rừng xanh mát, long lanh màu nắng của tu viện Rừng Phong hay không?  Nhưng, Lang lại yêu cánh rừng này vô cùng, bởi vì nó đang có mặt thật sự cho Lang mỗi ngày.

Chánh niệm càng mạnh, tâm ta càng nhạy cảm nên khả năng có thể an trú trong hiện pháp thật sự.  Ta tiếp xúc một cách sâu sắc những yếu tố lành mạnh, tươi mát và hạnh phúc.  Bầu trời xanh ngắt, ánh trăng dịu hiền, ngọn gió mát rượi, không khí trong lành, bình minh rực rỡ, hoàng hôn tuyệt đẹp... luôn luôn còn đó.  Biết bao nhiêu là niềm vui, hạnh phúc được nuôi dưỡng từ những cái đẹp thanh cao và nhẹ nhàng trong sự sống.

Sống như thế, cảm thọ đau nhức trong cơ thể và tâm hồn lại càng hiện rõ hơn, và ta có cơ hội thực tập bước chân thiền hành, hơi thở ý thức để ôm ấp cảm thọ đau nhức.  Nhức đầu đang có mặt, nhưng hơi thở ý thức cũng đang có mặt.  Hơi thở ý thức đến để ôm ấp cảm thọ nhức đầu như chị hiền ôm ấp em thơ.  Nhức đầu có thể do cảm lạnh hoặc do suy nghĩ nhiều quá.  Biết thế, ta xoa dầu, cạo gió hoặc dừng lại sự suy nghĩ để có thể chữa trị cơn đau nhức.  Đau nhức là chuyện bình thường.  Một cơn trở trời lạ nước đều có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của ta, có thể làm cho nhức nhối, bị sốt, cảm lạnh…

Nhờ tu tập, ta không trở nên cáu kỉnh, bực mình hoặc lo âu quá độ.  Ta biết chăm sóc cho cảm thọ đau nhức để thanh lọc lại dòng sông cảm thọ, đưa dòng sông cảm thọ đi lên với rất nhiều cảm thọ an lạc, hạnh phúc và vui tươi trong đời sống hằng ngày.

Chân Pháp Đăng