Từ một chi tiết của sự tích đản sanh

altSự tích Phật đản sanh có một chi tiết rất bình thường mà cũng rất khác thường. Đó là đức Phật đã giáng sinh dưới gốc cây vô ưu. Cách đây 2632 năm, có thể một bộ phận không nhỏ của nhân loại còn phải sống trong những hang đá thì một người được sinh ra dưới gốc cây cũng là chuyện bình thường. Nhưng khác thường là ở chỗ Thái tử Tất-đạt-đa con vua Tịnh Phạn mà không chào đời trong chăn êm nệm ấm giữa cung vàng điện ngọc của kinh thành Ca-tỳ-la-vệ.

Có sự trùng hợp kỳ lạ đã làm cho hàng Phật tử chúng ta phải ngạc nhiên đến thích thú khi tìm hiểu cuộc đời của đức Bổn sư. Đó là đức Phật đản sanh dưới tàn xanh của cây Vô ưu, thành đạo dưới bóng mát của cây Bồ-đề và nhập diệt trong âm vang của rừng cây Sa-la… Cả cuộc đời của đức Thế Tôn đã cho chúng ta một bài học sinh động về mối liên hệ mật thiết giữa con người và cây xanh, về tình yêu thiên nhiên, về lối sống thân ái, hòa đồng với những biểu hiện khác của tạo vật.
Bài học về môi sinh ấy được thể hiện rõ nét qua hình ảnh ngôi chùa cổ Việt Nam:
“…
Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá,
Sư cụ nằm chung với khói mây.

Chuông trưa vẳng tiếng người không biết,
Trâu thả sườn non ngủ gốc cây.”
(Nguyễn Khuyến, Cảnh chùa Đọi)

Không vươn lên cao với ý hướng chế ngự vạn vật như cái nhà thờ với tháp chuông, ngôi chùa Việt Nam thể hiện khuynh hướng hòa đồng với vạn vật bằng cách ẩn mình dưới bóng râm của những tàn cây. Trong ngôi chùa ấy, “Sư cụ” – người đã thoát khỏi những cái bẫy sập là tài, sắc, danh, thực, thụy – đã sống tự do, thanh thoát như “khói” như “mây”. Còn tiếng “chuông trưa” thì ngân nga, êm đềm  như muốn hòa hợp cùng bóng mát của cây cao để đưa chàng mục tử lắng sâu vào giấc ngủ. Khi nhân loại còn biết sống thân thiện với môi trường thì thảm thực vật vẫn còn được gìn giữ tươi xanh để “trâu” có thể nhẩn nha gặm cỏ trên “sườn non” cho người yên tâm “ngủ” say dưới “gốc cây”.

Từ “chùa xưa” chúng ta nghĩ đến chùa nay. Nhiều chùa nay đã và đang được xây dựng rộng lớn, đẹp đẽ hơn. Đó là điều đáng mừng. Nhưng không phải dưới mái chùa tráng lệ, nguy nga mà đức Thế Tôn đã giáng sinh, đắc đạo và nhập niết-bàn. Ngôi chùa chỉ là phương tiện. Sự chứng ngộ, sự giải thoát mới là cứu cánh. Vẻ đẹp của ngôi chùa, cái hồn của ngôi chùa chính là nếp sống đạo hạnh thanh khiết của bậc chân tu. Nhân duyên chưa hội đủ mà cũng muốn xây chùa lớn, chùa to thì Tăng Ni làm sao tránh khỏi phiền não vì phải thường xuyên “nằm chung” với xi-măng và sắt thép lạnh lùng…

Sau ngày Phật giáng thế 2632 năm, Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc đã được tổ chức lần đầu tiên ở Việt Nam. Hân hoan đón mừng ngày Phật đản sanh, cùng với hàng trăm triệu Phật giáo đồ trên thế giới, Phật tử Việt Nam nhất tâm nguyện cầu cho thế giới hòa bình, nhân loại an lạc, môi trường sống được bảo vệ sạch và xanh để chúng sinh của cả hai giới hữu tình và vô tình đồng thành Phật đạo.

Tâm Hỷ