Thiền với kẻ sĩ

Chư vị giáo sư và các vị cùng học! Hôm nay thể theo lời mời của quý trường, cho tôi cơ hội được thập phần vinh hạnh nói chuyện Phật học cùng mọi người. Cửa vào Phật học, phần nhiều theo tám tông phái Đại thừa, nghĩa lý danh tướng rất là phức tạp. Đây chúng ta sẽ nói về Thiền tông, môn đầy đủ nhất nét đặc sắc Phật giáo Trung Quốc. Với mức độ để mọi người tiếp nhận dễ dàng, sẽ chủ yếu bàn vào các điển xưa về Thiền với kẻ sĩ.

Thiền, tuy bắt nguồn từ Ấn Độ, nhưng sau đó truyền đến Trung Quốc, cùng văn hóa Trung Quốc dung hòa vào nhau, do đó Trung Quốc đã trổ những đóa hoa huyền thoại lạ kỳ, được các văn nhân học sĩ rất yêu thích. Văn nhân các thời kết duyên sâu bền với Phật giáo rất nhiều, vì thời gian có hạn, tôi chỉ trình bày với các vị vài tên tuổi khá quen thuộc.

1. Thiền sư Điểu Khòa và Bạch Cư Dị

Thiền sư Điểu Khòa chùa Hỷ Thước ở Tây Hồ, Hàng Châu, pháp danh Đạo Lâm, thụy hiệu Viên Tu, xuống tóc xuất gia lúc chín tuổi, hăm mốt tuổi đến chùa Quả Nguyện ở Kinh Châu thọ giới Cụ Túc, sau đó vào Thiểm Tây nương dưới cửa thiền sư Thao Quang. Về sau, dưới tòa Đạo Lâm có vị thị giả tên Hội Thông, hầu thời gian đã lâu nhưng chẳng khai ngộ. Một hôm đến từ giã thiền sư Đạo Lâm, xin đi. Thiền sư hỏi ông muốn đi đâu? Ông thưa: “Đến các nơi học Phật pháp”.

Thiền sư nói: “Nếu là Phật pháp, ta trong đây cũng có chút ít”.

Nói rồi liền rứt sợi vải trên áo mà thổi, thị giả Hội Thông ngay đó khai ngộ, đời gọi đó là thị giả Tơ Vải ( Bố Mao thị giả ). Đạo chẳng đâu xa, đạo ngay nhà mình, dụng công phu trên đất tâm.

Theo Ngũ Đăng Hội Nguyên ghi lại: Thiền sư Đạo Lâm, sau một mình đến núi Tần Vọng, nghỉ ngơi tu hành trên một nhánh tùng cành lá um tùm khác thường kết tròn như cái lọng, từa tựa như chú chim làm tổ trên cây, nên người đương thời gọi Sư là thiền sư Điểu Khòa ( ổ chim ). Do thiền sư đạo hạnh sâu dày nên thường có người đến thưa hỏi Phật pháp. Bữa nọ, đại văn hào Bạch Cư Dị cũng đến dưới sào thăm viếng thiền sư, ông thấy thiền sư đoan tọa trên mé tổ chim đung đưa muốn rớt, mới nói: “Thiền sư ở trên cây, nguy hiểm ghê lắm!

Thiền sư đáp: “Thái thú! Chỗ của Ngài mới nguy hiểm tột cùng, tôi ngồi trên cây nghiêng một chút cũng chẳng nguy hiểm!”

Bạch Cư Dị nghe rồi chẳng cho như vậy, hỏi: “Hạ quan là quan viên trọng yếu triều đình, có nguy hiểm gì chứ?”

Thiền sư đáp:”Củi lửa gặp nhau, thỏa tình chẳng dừng, sao có thể bảo không nguy hiểm ư?”

Ý nói chốn quan trường chìm nổi, mọi thứ đối đầu, nguy hiểm ngay trước mắt. Bạch Cư Dị dường như có chút lĩnh ngộ, chuyển vấn đề hỏi: “Thế nào là đại ý Phật pháp?”

Thiền sư đáp:

Chớ làm điều ác

Vâng làm việc lành

Trong sạch ý mình

Là chư Phật dạy

Bạch Cư Dị lúc đầu, tưởng thiền sư chỉ bày lý tự kỷ sâu mầu, nghe xong cảm thấy rất thất vọng: “Điều này con nít ba tuổi cũng biết nói vậy!”

Thiền sư bảo: Con nít ba tuổi tuy nói được, ông già tám mươi tuổi lại chẳng làm được.

Bạch Cư Dị nghe thiền sư nói, hoàn toàn thay đổi thái độ cao ngạo vừa rồi.

Lần khác Bạch Cư Dị lại dùng kệ thưa hỏi:

Vào cửa Không hỏi Khổ Không,

Việc Thiền dạn lấy hỏi ông nhà Thiền

Mơ mòng ấy cuộc phù sinh,

Hay phù sinh đó là đêm mộng trường?

Thiền sư cũng dùng kệ đáp:

Tới – Qua không dấu vết gì,

Đi qua hay tới cũng y sự tình

Đâu cần hỏi việc phù sinh

Phù sinh ấy, chỉ bồng bềnh mộng thôi.

Kiếp người như huyễn như hóa, ngắn như sương sớm, song nếu thể ngộ được lý Vô Sinh, vượt khỏi hạn chế của quá khứ tương lai, đời sống liền thênh thang trong không gian vô tận, rộng mở dằng dặc không dứt, chẳng sinh ra cũng chẳng mất đi. Bạch Cư Dị lắng nghe thiền sư khai thị rồi, thêm kính trọng bội phần, lễ vái mà lui.

Từ câu chuyện của Bạch Cư Dị và thiền sư Điểu Khòa, chúng ta hiểu được cốt cách Thiền là sinh động tự nhiên. Thiền thật chẳng xem trọng hiểu biết cùng miệng lưỡi tranh hơn, chỉ trọng chỗ hiểu và làm khớp nhau. Quan trọng ở việc hành hơn hiểu. Thiền sư tham cứu Phật pháp chỉ dựa trên lập trường này, nên nói : Ông già tám mươi tuy từng sống trải đời người, nếu không tự thân thực hành, dẫu thuộc làu làu ba tạng mười hai bộ, vẫn chẳng hiểu được chân lý Phật pháp.

Bạch Cư Dị từ chỗ tìm hỏi Phật pháp đến an thân lập nghiệp trong đó, trở thành Phật tử thuần tín, thăm viếng khắp các cao tăng, danh sơn, về già lại cho hầu thiếp về hết cả, trọn đời chay trường, lại còn sửa nhà thành chùa Hương Sơn, tự gọi là Hương Sơn cư sĩ, nhất là lòng say niệm Phật, lời văn thường biểu lộ tâm cảnh ông có sở đắc Phật pháp. Ví dụ bài Hương Sơn Tự của ông:

Yêu gió ngàn reo, dựa bóng thông

Luyến trăng đầm lạnh, ngồi bờ đá

Duyên kết suối mây bầu bạn chung

Ngày kia làm kẻ tăng sơn dã

Trong thơ dồi dào ý cảnh nhàn tản rong chơi, cuộc sống đi về với trăng nước mây bạc này, khiến ta không còn bị phồn hoa thế tục buộc ràng, sống đời tự do tự tại trong cõi Thiền.    

2. Thiền sư Minh Giáo với Âu Dương Tu

Đời Tống, thiền sư Phật Nhật Khế Tung ở Hàng Châu, bảy tuổi xuất gia, mười chín tuổi đi tham vấn thiện trí thức khắp nơi, được pháp ở chỗ thiền sư Động Sơn, là đệ tử đời thứ mười dòng Thanh Nguyên. Thiền sư vững chãi tâm đạo, tu hành tinh tiến, mỗi cuối đêm Ngài đội thánh tượng Quan Âm trên đầu, miệng tụng niệm thánh hiệu Quan Âm đủ mười muôn tiếng mới chịu về phòng nghỉ, trải nhiều năm chưa từng gián đoạn, do vậy bừng phát trí tuệ sẵn có từ nhiều đời, kinh sách cú nghĩa thảy đều thông suốt. Ngài từng soạn Nguyên Giáo Luận ( Luận về nguồn gốc Phật giáo ) hơn mười muôn lời, phản bác lại nhóm văn sĩ sùng bái Hàn Dũ chủ trương phế bỏ Phật giáo. Lại viết Phụ Giáo Biên được vua Tống Nhân Tông rất khen ngợi, ban tặng hiệu là “Minh Giáo Đại Sư”.

Lúc ấy Lý học đang hưng thịnh, thạc nho Âu Dương Tu một đời lấy nho gia làm lập trường, viết Bản Luận phỉ báng Phật giáo, lời lẽ mạnh mẽ, được nhiều người hưởng ứng, thiền sư Minh Giáo đối với tệ nạn lúc đó, xướng thuyết Thích, Nho, Đạo – Tam giáo tư tưởng nhất quán, viết Phụ Giáo Biên để biện chính thêm. Âu Dương Tu sau khi xem sách hoàn toàn thay đồi quan niệm sai lầm trước đây, nói: “Tôi gom hết trong kinh điển Phật giáo chỉ có Tâm Kinh 260 chữ, đều chưa rõ nghĩa lý kia mà lại bàn Phật pháp gì?” Và khen ngợi Đại sư: “ Không ngờ trong tăng lữ có bậc long tượng này!” Trời mờ sáng, đã xống áo chỉnh tề đi bái kiến thiền sư Minh Giáo, thỉnh cầu thiền sư khai thị, nói chuyện trọn ngày.

Âu Dương Tu sau khi được thiền sư Minh Giáo khai thị, từ đó đối với Phật giáo có sự thể nhận rõ ràng khác biệt, lại thường đến thưa hỏi những chùa cao núi lớn. Một lần dạo Lư Sơn, lễ bái thiền sư Tổ Ấn, thiền sư Tổ Ấn dùng thuyết của trăm nhà dẫn dụ để dìu dắt ông đối với nhận thức của Phật pháp, Âu Dương Tu tỏ lòng cung kính, được tỉnh ngộ lớn lao, tạ tội quá khứ cuồng vọng của mình rằng: “Trước đây tôi soạn Bản Luận, chỉ chăm chăm việc chê bai Phật pháp, thật chẳng biết trời đất rộng lớn, chẳng biết Phật pháp nhiệm mầu, càng chẳng biết Phật là bậc thánh giả, nay sửa đổi lòng thật yên dạ vậy!” Từ đó tin kính Phật giáo, tự xưng là Lục Nhật cư sĩ, thường làm văn khuyến thiện, cùng cao tăng nhà Phật qua lại rất hứng thú, trở thành chuyện đẹp văn đàn bấy giờ.

Lại một lần, Âu Dương Tu đến Tung Sơn du ngoạn, gặp một vị Hòa thượng già tự tại vui đọc kinh điển một mình, chẳng ưa nói chuyện với người khác, lòng ông vô cùng lạ lùng, bèn đến trước mặt thỉnh giáo rằng: “Thiền sư ở núi này đã lâu chưa ạ?”

Vị sư già đáp : “Đã rất lâu rồi”.

- Thường ngày thầy hay tụng đọc kinh điển gì?

- Kinh Pháp Hoa.

- Các cao tăng thời xưa, khi mệnh chung thường dự biết được, nói cười tự nhiên, sống chết tự như …. Do nguyên nhân gì được như thế? – Âu Dương Tu kíp chộp cơ hội hỏi đạo.

- Ấy là do sức của định tuệ.       

- Người thời nay không thấy ai được, bởi nguyên nhân gì ?

- Cổ đức niệm niệm đều nơi định tuệ, lâm chung tán loạn thế nào được? Người nay mỗi niệm đều trong tán loạn, lúc chết làm sao có định tuệ?

Âu Dương Tu nghe câu nói ấy rồi, thốt nhiên được ngộ, bước tới sát chỗ thiền sư ngồi, đảnh lễ ba lạy, cảm tạ Ngài chỉ dạy, cởi bỏ khối nghi trong lòng ông. Âu Dương Tu là Tể tướng tôn quý của triều đình, là vị danh dự của học quán hàn lâm, dốc lòng tin Phật giáo, là vì Phật giáo khiến ông hiểu rõ được ý nghĩa đời sống, tháo dẹp cho ông mê lầm đối với nhân sinh. Cho nên Âu Dương Tu, một trong tám nhà văn cổ lớn, lại trong Phật pháp kiếm được chỗ yên dừng cho ông.

3. Thiền sư Đại Điên với Hàn Dũ

Vừa mới cùng các vị nhắc đến một nhân duyên Phật giáo với Hàn Dũ, người bài Phật kiên quyết nhất, so với các thời. Đời Đường thời đạo Phật giáo cực thịnh, bậc lớn nhỏ trong triều đình đều hết lòng hộ trì Phật pháp đắc lực. Hàn Dũ thấy Nho học bấy giờ suy vi, bị nhà Phật thay thế, vì vậy nối đạo nhà Nho tự ví như Mạnh Tử chống Dương Mặc, ông lấy việc tôn Nho bài Phật làm bổn phận. Lúc ấy Đường Hiến Tông rất tin chuộng Phật pháp, nghênh đón xá lợi Phật vào cung điện cúng dường. Một đêm, trong điện phóng ánh sáng, sáng sớm quần thần đều chúc tụng hoàng đế, chỉ có Hàn Dũ không chúc, còn nói: “ Ánh sáng này là hào quang của thần long hộ vệ, chẳng phải ánh sáng của Phật”. Lại trình biểu can ngăn việc đón cốt Phật ( gián nghênh Phật cốt biểu), chê Phật là di địch, xúc phạm mạnh mẽ đến lòng tin kính Phật giáo bền chặt của hoàng đế, nên bị giáng làm Thứ sử Triều Châu, rồi gặp được Thiền sư Đại Điên, để lại một đoạn truyện đẹp trong nhà thiền.

Bấy giờ xứ Triều Châu vùng sâu xa phương Nam, chưa mở mang văn hóa, Thiền sư Đại Điên đạo hạnh cao vút, được mọi người rất tôn sùng. Hàn Dũ tai nghe xứ này có cao tăng. Bữa nọ, ôm mối lòng vấn nạn đi hỏi Thiền sư Đại Điên, khi ấy chính lúc thiền sư tọa thiền nhập định, chẳng tiện đối diện thưa hỏi, do vậy nhẫn chờ đã lâu, thị giả thấy Hàn Dũ chẳng chịu nỗi nữa, bèn cầm khánh đến khua ba tiếng bên tai thiền sư, nhẹ giọng thưa với thiền sư: “Trước lấy định động, sau đem trí nhổ!”

Ý thị giả nói, sư phụ thiền định đã đánh vào lòng ngạo mạn của Hàn Dũ rồi, bây giờ thầy nên dùng trí tuệ mà nhổ sạch chấp trước cho ông. Hàn Dũ đứng bên nghe thị giả nói, lập tức làm lễ cáo lui, thưa: “Bên lời thị giả lại may được tin tức!”

Lần này Hàn Dũ chẳng nhờ chỉ dạy. không lâu sau, Hàn Dũ vẫn chưa cởi được khối nghi trong lòng, lại đến viếng Thiền sư Đại Điên, hỏi:

- Xin hỏi thiền sư đã bao xuân thu rồi a?

Thiền sư đưa xâu chuỗi lên hỏi:

- Hội chăng?

Hàn Dũ chẳng hiểu ý thưa:

- Chẳng hội!

- Ngày đêm trăm lẻ tám.

Hàn Dũ vẫn không thể sáng tỏ hàm ý trong ấy, nên bữa kế trở lại thỉnh giáo. Lúc ông mới đến cổng, gặp vị sa di nhỏ, liền hỏi:

- Hòa thượng bao nhiêu tuổi vậy?

Sa di không đáp mà gõ răng ba cái, Hàn Dũ như chìm trong năm dặm sương mù, lại vào yết kiến Thiền sư Đại Điên, xin khai thị, thiền sư cũng gõ răng ba cái, Hàn Dũ mới dường có chỗ ngộ bèn nói:

- Phật pháp vốn không hai thứ, đều một loại.

Tắc công án này ý nói gì? Hàn Dũ hỏi bao nhiêu xuân thu, thì chôn chân chỗ kinh nghiệm thường tình, đối với thời gian một phen đo đếm, sự thật thì thời gian vần xoay chẳng dừng, không đầu không cuối, trong ấy có thể nói bao nhiêu chứ? Trong thời gian và không gian vô hạn, đời sống luân hồi không gián đoạn, gõ răng ba cái, biểu thị trong kiếp sống vô tận, chúng ta chẳng nên chỉ giỏi miệng lưỡi buông tuồng. Bỏ ngoài chữ nghĩa lời lẽ, chúng ta mới hợp thực tế mà thể chứng Phật pháp, nhận biết đời sống vô hạn của mình, thấy được mặt mũi chính mình xưa nay, tìm bắt tánh vĩnh hằng trong cõi tam thiên.

Hàn Dũ xưa nay một bề ngạo ngược không chút thân thiện đối với Phật giáo, được Thiền sư Đại Điên giáo hóa, từ đó thay đổi thái độ trước, đã đứng trên chỗ “đồng tình” với Phật giáo, cho ông sự bình xét khách quan, lại giao hảo rất đậm với vị Thiền sư Đại Điên, công án hỏi đáp qua lại rất nhiều, đến khi rời Triều Châu, ông từng tặng thiền sư mấy câu thơ:

Bộ Lại văn chương soi trời trăng,

Đời trung nghĩa gửi cõi nam hoang;

Bị lời sư núi phen xoay chuyển,

Từ đây đổi ruột lòng trơ gan.

Hoàng Lỗ Trực đời Tống cũng từng nói: “Thối chí gặp Đại Điên, lời văn trội hẳn, rồi từ bỏ và ngăn cản việc bài Phật”. Sức Phật pháp thâm nhập cảm hóa người, thành khẩn chuyển tình đổi tánh, dẫu đá tảng cũng biết gật đầu, huống gì là Hàn Xương Lê nhà đại cổ văn một thời?

4. Thiền sư Dược Sơn với Lý Cao

Thiền sư Dược Sơn họ Hàn, người Giáng Châu đời Đường, tuổi trẻ tài trí hơn người, ôm chí lớn, thường nói: “Đại phu nên có chí hiền thánh, đâu thể làm trò mạt rệp nơi áo khăn ư?” Bèn xả bỏ thế tục, làm đệ tử Thiền sư Thạch Đầu, nhân trụ ở Dược Sơn mà tiếng tăm vang xa gần.

Bấy giờ học giả có tiếng là Lý Cao từ lâu mến mộ Thiền sư đức hạnh cao vời, đã nhiều lần cung kính thỉnh mời Thiền sư đến nhà cúng dường, thiền sư đều chẳng đi, do vậy Lý Cao đích thân vào núi bái phỏng thiền sư.  Vừa may gặp thiền sư ngồi dưới bóng cây bên núi xem kinh. Thị giả thấy đường đường đại danh Lý Cao đã tới, vội vàng lại thưa:

- Sư phụ! Thái thú đến rồi!

Song thiền sư vẫn mảy may chẳng động, bình thản xem kinh, không hề để ý đến Lý Cao.

Lý Cao bị oai nghi thiền sư khép nép, mười phần cung kính đứng một bên đợi rất lâu, thiền sư trọn chẳng mảy may đả động, cuối cùng không nhẫn nại nổi nữa, bực bội nói:

- Thấy mặt chẳng bằng nghe danh.

Ý nói: Tôi ngưỡng mộ danh tiếng Thiền sư, đặc biệt đến bái phỏng Ngài, không ngờ Thiền sư chẳng qua cũng là chặn đứng người từ ngoài ngàn dặm, tiếng kia là rỗng thôi. Nói xong tức nghẹn chẳng vui, trở bước muốn rời khỏi.

Khi ấy thiền sư lại mở miệng:

- Đâu cần quý lỗ tai mà khinh con mắt?

Ý bảo Lý Cao, há cần lấy điều không đúng với tai nghe mà cho là chẳng có giá trị gì với cái chính mắt mình thấy rồi dấy khởi dối vọng sai khác sao?

Lý Cao rốt cuộc cũng là một vị văn nhân hiểu nghĩa biết lễ, nghe nói, lập tức chắp tay xin lỗi, mà một lòng thỉnh giáo thiền sư:

- Thế nào là đạo?

Thiền sư Dược Sơn dùng tay chỉ trên một cái, lại chỉ xuống một cái, hỏi: - Hiểu chăng?

- Chẳng hiểu!

Thiền sư lại nói:

- Mây trên trời xanh, nước trong bình.

Lý Cao ngay đó vui mừng được ngộ, làm bài kệ tán thán Thiền sư Dược Sơn hạnh giải hợp nhất, lòng thanh thản thư thái, đã thấy cội nguồn tự tánh.

Luyện được dáng mình như dáng hạc

Dưới tùng ngàn cội đôi rương kinh

Tôi nay hỏi đạo không lời khác

Mây trải trời xanh nước ở bình

Lý Cao nghe pháp rồi, rất thỏa thích, lại hỏi thiền sư:

- Thế nào là giới định tuệ?

Thiền sư lại đáp tợ như tát vào mặt ông chậu nước lạnh:

- Ta trong ấy chẳng có mấy thứ đồ rỗi đó

Tam học giới định tuệ là cương yếu Phật pháp xưa nay, mọi người đều phải vâng hành không lìa, nhưng nét đặc biệt của Thiền tông là chẳng bày nghĩa lý, chỉ thẳng lòng người, thấy tánh thành Phật, đối với danh tướng rườm rà thật chẳng coi trọng. Thiền sư vì muốn phá bỏ chấp trước của Lý Cao, do đó Ngài phủ định danh tướng của tam học, mong ông trực tiếp chạm tay vào bản tánh nó.

Thiền sư Dược Sơn lại bảo tiếp Lý Cao:

- Chót vót tột chóp núi, thăm thẳm đi đáy biển.

Ý nói mỗi người phải có sự tu trì thanh cao, cũng phải có phương tiện tùy duyên vào đời độ chúng sinh, như vậy mới không nghiêng bỏ một bên, mới hay nắm được trung đạo. Song Lý Cao lại chưa thể tham thấu, ông hướng thiền sư thưa:

- Trong lầu son ( tâm này ) vật xả chẳng được.

Trong lòng vẫn có vướng víu, chẳng nhảy khỏi trần tục nổi. Nhà thơ Đường nổi tiếng Lý Thương Ẩn do chỗ này làm thơ bình luận Lý Cao ngộ tánh không cao:

Mây rải trời xanh, nước ở bầu

Mắt theo tay trỏ rơi hầm sâu

Hoa suối đâu kham sương khổ gió

Nói chi đáy biển với non cao

Khá thấy chỗ ngộ của thiền sư, chẳng phải người thường có thể dễ dàng lý hội được. Đến Lý Cao thông minh học rộng, cũng không cách dòm ngó tới công hạnh thiền sư, chứ huống gì đám người phàm tục? Cảnh chứng thiền vốn dĩ là cảnh giới thoát thai thay cốt, chẳng phải lời lẽ hữu hạn có thể bày tỏ được, chẳng phải hiện tượng hữu hình có thể giải rõ được. Nếu vọng chấp theo ý thức thông thường mà nhận hiểu thiền cảnh, tợ như ngắm hoa trong mây mù, không cách gì tận mặt hình dáng xưa nay của thiền. Muốn hiểu rõ cảnh giới thiền, cũng phải trang bị đủ công phu thiền định thực tế.

5. Thiền sư Phật Ấn với Tô Đông Pha

alt


Thiền sư Phật Ấn Liễu Nguyên họ Lâm, người Giang Tây đời Tống, con nhà sách đèn. Lúc sinh ra, ánh sáng lành chiếu suốt, tư chất sáng dạ khác thường, ba tuổi đọc được Luận Ngữ, lên năm thuộc lòng ba ngàn bài thơ. Lớn chút nữa, xem rộng các sách, làu thông năm kinh, làng nước gọi là thần đồng. Sau này chí ưa Bát nhã Không tông, lễ thiền sư Nhật Dụng học tập kinh Pháp Hoa. Sau lại du sơn đến Lư Sơn, tham phỏng thiền sư Nư Cột, tiếp nối đại pháp, dừng tích trượng tại núi Vân Cư.

Bấy giờ hàng ngàn văn nhân nhã sĩ tin kính Phật giáo vô cùng đông đảo, công án qua lại giữa tăng tục nhiều vô xiết kể, trong đó được nhiều người thích chọn bàn luận nhất là câu chuyện giữa thiền sư Phật Ấn và Tô Đông Pha. Tô Đông Pha là tay cự phách làng văn, thi – thư – cầm – nghệ không gì chẳng tinh làu, lại còn nhiều năm học Phật, ngộ tánh đã rất cao, rất giỏi lĩnh hội lý màu Phật pháp. Tô Đông Pha qua lại cùng cao tăng cửa Phật khá nhiều, nhất là với Thiền sư Phật Ấn, gặp gỡ rất mật thiết.

Một hôm, Thiền sư Phật Ấn sắp sửa đăng đàn nói pháp, khi đó nghe nói Tô Đông Pha vội vã tới, mọi người đã ngồi chật ghế, không còn chỗ trống. Thiền sư trông thấy Tô Đông Pha bèn nói:

- Người ngồi kín rồi, trong này không còn chỗ cho Học sĩ ngồi.

Tô Đông Pha trước giờ vốn hiểu thiền, liền đáp với thiền sư:

- Đã không có chỗ ngồi, xin mượn thân bốn đại năm uẩn của Thiền sư làm ghế.

Thiền sư thấy Tô Đông Pha luận thiền với Ngài, bèn nói:

- Học sĩ! Tôi có một chuyện hỏi Ngài, nếu Ngài đáp được thì Hòa thượng già ta đem thân làm ghế cho Ngài ngồi, nếu Ngài đáp chẳng được thì đai ngọc Ngài đeo phải để lại.

Tô Đông Pha trước giờ tự thị mình khác phàm, lấy làm chắc mình thắng không nghi, liền ưng chịu.

Thiền sư Phật Ấn nói:

- Bốn đại giai không, năm uẩn chẳng có, xin hỏi Học sĩ ngồi ở đâu?

Tô Đông Pha bí lời. Vì sắc thân chúng ta là bốn đại giả hiệp không thứ gì thật, đâu thể an tọa ở đấy, nên tháo đai ngọc nộp cho Thiền sư Phật Ấn. Ba mươi năm trước sợi đai ngọc ấy còn lưu ở chùa Kim Sơn, tôi từng mượn trưng bày trong cuộc trển lãm cổ vật Phật giáo, nay đã là trấn tự chi bảo. Tô Đông Pha lúc ấy vì công án này làm bài kệ:


Trăm ngàn đuốc sáng từ cây đuốc

Trọn đó hằng sa vua pháp huyền

Vì thế Đông Pha đâu dám xót

Mượn ngài bốn đại làm giường thiền

Bệnh khớp khó mang dải thắt ngọc,

Căn độn đành sa mũi tên vọt


Thiền sư Phật Ấn cũng có bài kệ cảm tạ:


Thạch Sương đoạt lấy hốt Bùi Hưu

Ba trăm năm nay còn khoe nhau

Sao bằng Tô công lưu đai ngọc

Mãi cùng trăng sáng, khuyết gì đâu!

Sự tình này được cho là câu chuyện đẹp một thời, ngàn trăm năm nay luôn được người truyền tụng.

Lần khác, Tô Đông Pha muốn đến gặp Thiền sư Phật Ấn, bèn báo tin trước với Thiền sư, bảo Thiền sư cứ giống như Thiền sư Triệu Châu đón tiếp Triệu vương, chẳng cần ra ngoài nghênh đón. Công án nổi tiếng này như vầy: “ Thiền sư Triệu Châu đức cao vọng trọng, Triệu vương rất tôn kính thiền sư. Một hôm, Triệu vương đích thân lên núi tìm kiếm Thiền sư, Thiền sư Triệu Châu không những không bước ra nghênh tiếp, mà còn nghỉ trên giường chẳng dậy, Thiền sư nói với Triệu vương:

- Tiếp không nổi! Người xuất gia ăn chay, hơi sức chẳng đủ, hơn nữa tôi già cả rồi, cho nên mới dựa trên giường đón Ngài!

Triệu vương nghe nói chẳng những không chút giận, mà ngược lại càng thêm cung kính, biết được Thiền sư là vị trưởng lão hiền hòa. Trở về rồi, để tỏ bày lòng kính ngưỡng, lập tức sai một vị tướng quân đưa lễ cúng dường Thiền sư. Thiền sư nghe nói tướng quân đưa lễ vật tới, hốt hoảng vội đắp cà sa ra tận cổng nghênh tiếp, đám đồ đệ thấy cung cách chẳng hay ấy, mới hỏi:

- Mới rồi Triệu vương đến, Sư phụ dựa giường không tiếp, nay thuộc hạ của ông đến, ngược lại ra tận cổng nghênh tiếp, đó là lẽ gì chứ?

Thiền sư đáp:                                                     

- Các ngươi chẳng hiểu, ta tiếp đãi khách quý bậc thượng thì thẳng cẳng trên giường, dùng mặt mũi xưa nay cùng họ tương kiến, khách bậc kế đó thì ta ngồi tiếp, còn khi đối đãi khách thứ kế nữa, ta liền dùng cách thức thế gian ra ngoài cổng nghênh đón vậy!

Tô Đông Pha nghĩ mình hiểu rõ diệu thú thiền, Thiền sư Phật Ấn nên dùng lễ thượng thặng mà tiếp ông – không tiếp mà tiếp. Nhưng lại thấy Thiền sư chạy lon ton ra cổng chùa nghênh tiếp, rốt cuộc kiếm được cơ hội cười đùa Thiền sư:

- Đạo hạnh Ngài cao xa chả bằng Thiền sư Triệu Châu, cảnh giới Ngài thanh thoát chả bằng Thiền Sư Triệu Châu. Tôi nói Ngài không cần phải ra đón tôi, Ngài lại chẳng khỏi thế thường chạy tuốt ra đầu đường tiếp tôi.

Tô Đông Pha tưởng rằng phen này Thiền sư chắc chắn thất thế, song Thiền sư lại trả lời bằng kệ:


Triệu Châu ngày ấy thiếu lòng khiêm

Chẳng đón Triệu vương ngoài cổng thềm

Đâu sánh Kim Sơn vô lượng tướng

Đại thiên cõi trọn một giường thiền

Ý nói Triệu Châu chẳng rời giường mà đón tiếp Triệu vương, đó là bởi Triệu Châu thiếu nhã nhặn, chứ đâu phải cảnh giới cao, còn Phật Ấn ta ra đầu cồng đón tiếp Ngài, Ngài đã cho rằng ta đã thật rời khỏi giường sao? Ta coi đại thiên thế giới hoàn toàn trong giường thiền, tuy Ngài thấy ta rời giường ra đón Ngài, thật sự ta vẫn nằm dài nghỉ ngơi trên giường đại thiên! Cái Ngài nhận biết đó chỉ là mắt thịt thấy cái giường hữu hình, mà cái giường Phật Ấn ta là cái giường rộng lớn tràn hư không khắp pháp giới vậy! Tô Đông Pha nghĩ rằng có thể bắt bẻ Thiền sư, đâu dè lại thua lần nữa.

Lại một lần, Tô Đông Pha đến chùa Kim Sơn ngồi thiền cùng Thiền sư, Tô Đông Pha cảm giác được thân tâm sảng khoái, khi ấy hỏi Thiền sư:

- Thiền sư! Ngài thấy hình thái tôi ngồi thế nào?

- Ô thật nghiêm trang! Tợ như tượng Phật!

Tô Đông Pha nghe xong rất cao hứng. Thiền sư Phật Ấn hỏi lại Tô Đông Pha:

- Học sĩ! Ngài xem tư thế tôi ngồi ra sao?

Tô Đông Pha trước giờ chẳng bỏ qua cơ hội bỡn Thiền sư, đáp liền:

- Giống một đống phân bò!

Thiền sư Phật Ấn nghe rồi cũng rất cao hứng!

Tô Đông Pha thấy Thiền sư bị mình ví dụ là phân bò, chung cuộc mình chiếm trên thế ưu, mừng rỡ được điều mong mỏi, gặp người liền khoe:

- Tôi lâu nay đều thua tay Thiền sư Phật Ấn, bữa nay có thể thắng được rồi!

Tin tức lọt vào tai, Tô tiểu muội bèn hỏi:

- Anh Hai! Thật ra anh thắng được Thiền sư ra sao vậy?

Tô Đông Pha mặt mày hớn hở, thần thái bay bổng cứ thật kể hết một lượt. Nghe truyền rằng Tô Tiểu Muội tư chất siêu quần, tài hoa xuất chúng, chẳng kém bậc mày râu. Nàng nghe  Tô Đông Pha đắc ý tường thuật rồi nghiêm túc nói:

- Anh Hai! Anh thua rồi! Thua cháy túi rồi! Thiền sư Phật Ấn trong lòng như Phật Bồ tát, vì vậy Ngài coi anh như Bồ tát; còn anh trong tâm dường phân bò, cho nên anh mới thấy Ngài tợ đống phân bò!

Cảnh giới thiền thì không cách chi giả dạng, cần phải đích thân thật chứng.

Tô Đông Pha lại lần nữa thua Thiền sư Phật Ấn.

Một lần khác, Tô Đông Pha bị điều đến Giang Bắc nhậm chức ở Qua Châu, chỉ cách chùa Kim Sơn  một con sông. Ngày nọ Tô Đông Pha thể nghiệm có điều đắc ý, làm bài kệ tỏ chỗ ngộ ấy.  Ông  rất hài lòng sai thư đồng qua sông đưa kệ cho Thiền sư, lại dặn thư đồng xem Thiền sư có tặng lời gì không? Kệ viết:

Cúi lễ trời của muôn trời

Ba ngàn cõi ánh sáng soi tràn đầy

Tám loài gió chẳng chút lay

Tòa sen vàng tía, thân ngay ngắn ngồi

Ý rằng tôi đảnh lễ Phật đà vĩ đại, chịu hào quang Phật khắp chiếu, lòng tôi đã từng chẳng còn bị tám gió (Xưng, Cơ, Hủy, Dự, Lợi, Suy, Khổ, Lạc) bên ngoài khiến xao động nữa, cũng kiểu như Phật đà đoan tọa trên tòa hoa sen.

Thiền sư xem rồi, lẳng lặng không nói gì, chỉ cầm bút phê vào hai chữ, rồi bảo thư đồng mang về. Tô Đông Pha nghĩ rằng Thiền sư nhất định sẽ tán thán chỗ nhận của mình rất cao, thấy thư đồng đem lời đáp từ của Thiền sư về, vội mở ra xem, chỉ thấy viết hai chữ “phóng thí” ( xả hơi thúi ). Ngọn lửa không tên khôn ngăn phừng dậy. Đâu có lẽ này! Thiền sư chẳng những không ngợi khen tôi, ngược lại còn chửi đổng “phóng thí”. Tức thì Tô Đông Pha đi qua sông tìm Thiền sư lý luận.

Khi thuyền gấp đến chùa Kim Sơn, Thiền Sư Phật Ấn đã sớm đứng đợi Tô Đông Pha bên bờ sông, Tô Đông Pha vừa gặp Thiền sư Phật Ấn, hơi giận tràn hông liền nói:

- Thiền sư! Chúng ta là bạn đạo thâm giao, sao ngài lại có thể mở miệng chửi người thế?

Thiền sư nói như không có chuyện chi:

- Chửi ngài gì sao?

- Hai chữ “phóng thí” trên bài kệ tôi đó!

Thiền sư ha hả cười to:

- Ồ! Không phải Ngài tám gió thổi chẳng động ư? Cớ sao mới có “nhất thí” đã bay vèo qua sông rồi?

Cảnh giới thiền là vượt mọi lời lẽ nghĩa lý, trên nói năng hiểu biết, là “tám gió thổi chẳng động”, nếu không có sự chứng ngộ chân thật, ắt chẳng qua nổi khảo nghiệm. Tô Đông Pha tuy tài nghệ hơn đời, song đối với Thiền chung quy chẳng khỏi rơi vào thể hội bằng phân biệt nhận hiểu, cuối cùng vẫn thảm bại với Thiền sư Phật Ấn. Từ công án trên, có thể biết rằng thiền là tuyệt đường nói năng vậy.

Tô Đông Pha xưa nay vốn ỷ trình độ văn học cao thâm, công án qua lại cùng cao tăng khá nhiều. Một lần tới Kinh Nam, nghe nói Thiền sư Ngọc Tuyền Thừa Hạo dừng tích nơi này, cơ phong biện tài cao lắm, lòng ông chưa tin phục, muốn thử chỗ ngộ của Thiền sư, bèn đổi dạng thành vị quan nhân quý hiển đi gặp Thiền sư. Thiền sư thấy ông đến, ra chào hỏi:

- Xin hỏi quý tính tôn quan?

Tô Đông Pha đáp chĩa mũi dùi:

- Tôi họ Cân, chuyên việc cân các trưởng lão trong thiên hạ nặng là bao!

Thiền sư Ngọc Tuyền hét to một tiếng rồi hỏi:

- Xin hỏi tiếng hét tôi đó nặng bao nhiêu?

Tô Đông Pha đớ miệng không lời, trong lòng rất khâm phục.

Một hôm, ông treo đãy ở chùa Đông Lâm, cùng Thiền sư Chiếu Giác bàn luận dây dưa chuyện “ hữu tình – vô tình”, suốt đêm không ngủ, đến trời rựng sáng khá có chỗ ngộ, làm một bài kệ còn truyền tụng ngàn năm, để biểu tỏ tâm cảnh ông cảm ngộ:

Suối reo vọng tiếng phạm âm,

Núi xanh phô trọn Phật thân trong làu;

Tám tư ngàn kệ đêm trào,

Sáng mai kể lại thế nào cho ai?

Bài kệ này muốn mách bảo chúng ta: khi có chứng ngộ đối với Phật pháp, tất cả thanh sắc trong tự nhiên đều là Phật âm và pháp thân Phật đà. Nước chảy khe suối, tre biếc non xanh, không thứ chi chẳng vì chúng ta mà thuyết diệu đế Phật pháp, nhận hiểu được vậy mới hay khế nhập cõi thiền, chưa được như thế, dẫu là thuộc lòng tám muôn ngàn bài kệ, dẫu có Phật Bồ tát đứng ngay trước mặt vẫn chẳng tương ứng với Phật pháp được.

Tô Đông Pha trong Phật pháp được lợi ích rồi, hết sức hộ trì Phật giáo. Có vị Phạm Thục Công chẳng tin Phật pháp, còn nói cương rằng:

- Chuyện trên đời, chưa từng tin điều chẳng chính mắt thấy.

Tô Đông Pha nghe rồi bèn bảo:

- Như vậy được sao? Người bệnh, mời thầy thuốc bắt mạch xem bệnh. Thầy thuốc nói: Trong hàn quá phải uống thuốc nóng, trong nhiệt quá phải dùng thuốc mát. Ông chưa từng thấy qua mạch động, nhưng đối với nóng lạnh trong thể tạng ắt tin không nghi ngờ, riêng đối Phật pháp sao lại truy đòi mắt thấy mới chịu tin?

Phật lý sâu mầu đâu thể dùng mắt thịt kẻ phàm mà dòm ngó.

Ở trên chúng ta đã lần lượt nêu những công án nổi tiếng giữa mấy văn nhân và cao tăng cửa Phật, vì sao văn nhân các đời tin dùng Phật giáo lại nhiều như vậy? Xưa nay văn nhân học sĩ đối với cuộc sống thì thể nghiệm mật thiết hơn người thường, và đối với hoàn cảnh thì cảm ngộ sâu xa hơn người thường.  Giáo lý Phật giáo vi diệu, tỏ tường đối với đời người và thế giới, chính giáo lý này có thể làm thỏa thuê cho bọn họ cơn đói khát truy cầu chân lý, và  an trụ trong thân tâm họ. Sự phát triển của văn học trước giờ  với hình thức bên ngoài là các tâm tư tình tiết tiểu thuyết, đã có giáo lý Phật giáo làm nội dung, giúp cho đời sống văn học sống động, chứ không lạc giọng, không bệnh mà rên, không rong chơi chữ nghĩa sắp từ, đặt câu. Phật pháp đem đến cho văn nhân sự thể nhận sâu sắc đối với cuộc sống, nên bấy lâu nay văn nhân đều rất mến mộ.

Đại sư Tinh Vân

Đạt Ma Tông Diễn dịch