“Nhạc chiều của chúng ta”


altKhông phải là thứ âm thanh buổi sáng, mà tiếng vọng chiều tà, vang mãi trong hồn, những buổi chiều ngày ấy. Trời ĩu nắng trong cơn rét, sương xuống lãng đãng mù đường đi, sông Hương mờ nhạt lững thững theo vòng quay xe đạp trên con đường dọc theo bờ…

Quái lạ, khi tóc không còn xanh, đã đi không biết bao nhiêu con đường, ngoảnh lại thấy mịt mùng cát bụi đến nỗi nhân diện nhìn không ra, nhưng con đường ấy, dù mưa nắng, dù tháng năm, vẫn cứ mồn một rõ nét hiện lên mỗi khi đâu đó tình cờ nghe thấy “lắng trầm tiếng chiều ngân…”

I hệt như Thân Trọng Minh đã nói lại một lần “mấy mươi năm sau tkl vẫn có thể múa lại vũ khúc chiều tà không sót một nhịp.” Kỷ niệm đã hằn trong tâm, ngồi nhớ lại mà mĩm cười, nụ cười già bỗng trẻ lại tiếng thơ, cay đắng hôm nay bỗng ngọt ngào thời cũ…

Bước vũ khúc và cả bước đi trên con đường ấy, thật không sót, từ tuổi mười hai, đếm từng nhịp thời gian trên đường, đến mòn tuổi mười tám. Con đường, mù sương Bạch Đằng, Gia Hội bến xao, Đông Ba ồn ào,  Hưng Đạo phố vội, Trường Tiền nắng hắt, bẻ ghi đông xe sang tay phải, đạp qua Morin, lá xanh rợp lối, áo trắng phấp phới, guốc reo chân hồng, và dòng sông bỗng lên sóng, trỗi khúc bồng bềnh, như đưa vào vũ điệu…học trò đang thời ham ăn bánh nậm…con đường Lê Lợi đi về, ngoan hiền nón lá, trắng áo mượt mà.

Năm ấy tôi rời Đồng Khánh, sau tú tài bán phần, vào Quốc Học, lớp đệ nhất, học thi toàn phần. Đi học trường nam đối với cả bọn con gái đã quen từ tuổi mười hai quây quần một lũ choai choai, là một chuyện chi vĩ đại ghê gớm, pha nhiều sợ hãi ngại ngùng mà cũng lẫn nhiều thích thú làm hồng đôi má lúc nào không hay. Tự nhiên đang hò hét ầm ĩ thả giàn mi tau giữa đám con gái với nhau, bỗng phải giữ gìn ý tứ khi vô lớp. Thời ấy tôi chưa biết chưng diện, chị NL may cho áo chi thì mặc áo nấy. Thân Trọng Minh có lần nhắc lại,- tôi thì cứ cãi Minh đã nhìn lầm- lúc nớ thấy Kim Lan còn mặc quần ống thấp cao đi vô lớp- có chết người không?

Lớp C2 bọn con gái ngồi đàng trước con trai ngồi đàng sau. Hồ Đăng Định mới cho biết “… tui ngồi sau TKL một bàn, hình như TKL ngồi bàn đầu, Nga Mi to con hơn bàn 2, tui ngồi ngay sau lưng Nga Mi. Phùng Thăng thì chắc chắn có rối , ngoài ra còn Hồ thị Ái, Nguyễn Thị Cẩm, Diệu Lan, Hồ thị Tuyết Nhung, Nguyễn thị Nga Mi v.v Hình như có Nguyễn Thị Tinh Châu nữa...Còn con trai thì có Mai Thanh Lân, Tăng Nồng, Phạm văn Lân...”, Nguyễn Nguyên Phương, Bửu Tôn, Vĩnh Tùng…

Tôi ngồi với các bạn gái bàn thứ nhất, từ cửa đi vào, nhóm con trai đi qua, ban đầu sợ dị không dám ngước lên nhìn, cúi mặt hay giả vờ nhìn lơ ra cửa sổ. Cả bọn ngồi đàng trước chẳng có đưa nào dám ngoái nhìn đàng sau. Lâu lâu thấy mái tóc sau lưng như bị bốc lửa, hất nhanh ra phía sau, nhìn một cái để biết cặp mắt nào nhìn mình, rồi quay nhanh, hú hồn hú vía. Tôi không còn nhớ hết những ai ngồi phía sau lưng mình, chỉ biết bọn con trai ngồi cách mình mấy cái bàn, hình như nghịch lắm.

Tựu truờng chưa được một tháng, thì bọn con gái đã lãnh những biệt hiệu của tụi con trai tặng ngầm, chỉ có họ biết với nhau, mấy mươi năm sau được họ bật mí là tá hoả, chẳng có biệt hiệu nào nên thơ mà toàn là tinh quái, như Kim Lan cười, Kim Lan mắt khu đoại, Phùng Thăng con rít (Phùng Thăng hay bính tóc thành hai con rít hai bên, dáng cao gầy, gương mặt đẹp thanh tú, rất ít nói), Nha Trang tây đen (nước da ngăm đen mà cười rất có duyên với hàm răng trắng đều), Nga Mi là người đẹp hộ pháp…

Tròm trèm hai tháng thì hai phe biết được tài cao thấp học hành của nhau, nhưng đứa nào cũng làm ra vẻ bất cần. Phân chia thì đã hẵn: con gái chăm học hơn con trai là cái chắc! Đối với các chị đệ nhất, có nhiều chị đã 20 hay 21, 22, thì bạn trai học cùng lớp là như…EM … Trong số các chị lớn cũng có người đã được các anh trên đại học hay giáo sư đại học ngắm nghé, còn chúng tôi là bọn nhít, nhít so với các chị, chứ chúng tôi dù gì cũng nữ sinh đệ nhất Quốc học, oai lắm chứ! Đi học trường người lớn, nữ sinh không còn phải mặc áo trắng đồng phục suốt năm như ở Đồng Khánh, các chị lớn có khi mặc áo voan (voile), áo màu, áo vẽ hoa nhưng bọn nhỏ như tôi thì vẫn áo trắng bốn mùa…

Mà sao hồi đó áo trắng đẹp đến thế, so với áo trắng bây giờ? Hình như trắng và trong hơn bây giờ, hình như nó dung dị nơi đường kim, mũi chỉ, mượt mà nơi tấm thân con gái hơn bây giờ? Mái tóc con gái cũng lành mạnh hơn, không xơ xác nhếch nhác theo mốt Hàn quốc bây giờ, đen nhánh, óng ả hồn nhiên chi lạ. Nước sông Hương mềm như mái tóc thiếu nữ mà hoạ sĩ Tôn Thất Đào đã hoá thân cho Huê.

Xin lỗi bây giờ, xin cho tôi bất công với hôm nay, ngày xưa của tôi đẹp, phải chăng vì đó là ngày xưa?

Có nắng mùa đông thả trên mái tóc, có gió lùa trong bước đi, có lá bay theo vạt áo, có sương mai lẩn khuất gót chân, và ánh sáng  trên con đường như vùng sáng của một màn ảo thuật với những gam màu dìu hồn vào những ngõ lời của tiếng xưa…gõ vào đâu cũng nghe âm thanh thời ấy, thanh trong rạng rỡ vẽ đơn sơ.

Vào học được ba tháng là trường chộn rộn làm văn nghệ Tết. Ôi là vui! Phân công tìm người, làm chương trình, họp văn nghệ, cứ là lao xao cả những buổi chiều ở lại trường sau giờ học. Có một vở kịch dài “Người điên giữa kinh thành” với ông bầu Bửu Tôn, các “nghệ sĩ” tí hon mà người lớn Dư Tế Xuân, Tinh Châu, Ngọc Trinh, Vĩnh Tùng, có hát đơn ca, có múa vũ khúc. Còn nhớ từ khi ấy, ông bầu BT oai vệ hẳn lên mỗi khi vào lớp, bộ đi vênh vênh… nhiều khi quên…không thuộc bài vì ham tập kịch.

Nghe đâu vũ khúc “Chiều tà” được chọn vào giờ cuối và ban văn nghệ đang đi lùng người múa. Bỗng dưng tôi được chọn với Tường Nhi, không hiểu cớ sao, Tường Nhi thì hiểu được, vì Tường Nhi xinh xắn dễ thương lắm,  còn tôi thì…ngơ ngơ chỉ biết đọc sách và mê chuyện kiếm hiệp. Nhớ hai tuần khi mới vào ban C, trước đó tôi học toán ban B ở Đồng Khánh, thầy Văn Đình Hy đã cho tôi lên đoạn đầu đài với bài luận triết, Thầy vào lớp, không nói chi đến bài viết hay dở, thầy chong bài viết của tôi lên trước cả lớp và bảo, chữ viết gì mà...hất lên đảo xuống ngang tàng như chữ con trai ri…cả bọn trong lớp cười ồ…còn tôi thì xấu hổ muốn chui xuống đất…nhưng khi nhận bài thì cười hể hả vì được điểm cao nhất…Tôi giận Thầy Hy nhưng Thầy Hy bảo, sợ hắn ỷ gioải rồi làm tàng…thành con trai mất.. Mà nào tôi có ỷ thế? Tôi còn nhớ đã giật mình khi thầy Hương phát bài tập của chúng tôi viết về triết học Ấn Độ, bài của Phùng Thăng đã được đọc cho cả lớp nghe, thật gương mẫu. Về sau chị trở nên dịch giả tài hoa của những tác phẩm văn chương Đức nổi tiếng thế giới như Câu Chuyện Dòng Sông, Trò Chơi Bi Chai…của Hermann Hesse. Thật thương tiếc cho người tài hoa đã mệnh yểu…Phùng Thăng nghiêm trang, ít nói, ít cười, đúng phép con nhà.

Tôi lớ ngớ gia nhập vào ban Văn nghệ với vũ khúc “chiều tà”, có lẽ cũng chỉ vì mỏng mảnh “như con yêu bánh nậm” (biệt hiệu của cô Tinh Nhơn, hiệu trưởng trường Đồng Khánh gán cho tôi) và ngang tầm cao với Tương Nhi.Vũ khúc ấy đã uốn nắn đứa con gái mười bảy lòng khòng thành một chút,- một chút thôi,- yểu điệu mềm mại mà tôi còn giữ cho đến hôm nay…

Buổi đầu tiên đi tập, phải tới trình diện ông bầu Bửu Tôn, đang chống nạnh hai tay trên sân khấu tập kịch. Thấy chúng tôi anh cười rất tươi, chỉ một phòng nhỏ bên cạnh sau cánh gà của sân khấu trường, không đèn đuốc chi cả, nhờ ánh sáng sân khấu hắt vào.

“Serenata” của hai chúng tôi bắt đầu như thế, trong ánh mờ của căn phòng cũ kỹ, chúng tôi tập vươn người, nhón chân, uốn thân hình, ngước đầu với “người ơi nhớ mãi cung đàn”, chúng tôi cất cánh…Nhớ mãi! Người ơi…

Chị T. hướng dẫn biên đạo múa tài tình, anh Hồ Tú đàn violon thắm thiết, chúng tôi càng tập anh càng đàn hay, mà hầu như suốt buổi không nói một lời, kiên nhẫn đàn đi đàn lại từng đoạn nhạc cho chúng tôi. Về sau, lâu mãi lâu, mới nghe Vĩnh Tùng bật mí, hình như Hồ Tú “mết” Tương Nhi, một mối tình câm, lẳng lặng trong bóng tối, sau cánh gà, vô vọng. Hèn chi tiếng violon của anh réo rắt, thiết tha…

Còn Vĩnh Tùng…đóng vai phụ trong vỡ kịch, cũng vừa là phụ đạo diễn có bổn phận lo cho các diễn viên…nước uống hay đi dỗ dành những đứa khó tính hay gây nhau khi tập kịch. Nghe nói nhiều khi diễn kịch hăng quá, đạo diễn làm oai, giận nhau, nữ diễn viên khóc, không chịu tập, bọn con trai phải theo dỗ bức hụt hơi. Bên kịch có nhiều chuyện lịch kịch, vở kịch dài thế, cũng khó cho người diễn, rắc rối là phải. Còn bên múa chỉ có hai đứa nên âm thầm, ngoan ngoãn theo từng lời chỉ dẫn của chị T. Chúng tôi chăm, cố gắng, ráng học ráng nhớ những bước đi. Thường những buổi tập sau giờ học chiều, chúng tôi ở lại trường tập thêm một hai tiếng. Rứa là sợ về khuya một mình, phải xin phép mạ, nhiều khi không được đi, thế là phải có người đến nhà xin hai bác và hứa sẽ đưa hai chị về nhà. Nói là khuya, nhưng Huế 6 giờ chiều là đã khuya.

Chiều ở Huế sâu kín như tâm hồn…

“Chiều mờ không gian…hờ hững khói thiên đường, thuyền trôi bên bến sông xa, đừng chờ…xin hãy lắng nghe…”

Những lắng nghe, trên từng vết bánh xe đạp đang lăn, thời gian như không còn tuổi, chỉ có chuyển động mà như đang ngưng, đang dừng…lắng nghe, “demain, il sera trop tard”. Ngày mai sẽ muộn mất…Cho nên chiều dừng lại…đứng mãi không muốn ngày mai, không cần ngày mai…

Những buổi chiều như thế, Huế mùa đông, trời mau tắt nắng, sương la đà trên vòm lá hai bên vệ đường, khói sóng trên sông đàng xa mờ ảo.

Vĩnh Tùng lúc mô cũng phổi bò, xung phong đi đưa mấy cô, anh Hồ Tú không nói chi nhiều, chỉ lẳng lặng đi theo, chúng tôi đạp xe đi  trước…Tường Nhi ngây thơ với hai con mắt sâu, đen nhánh, đoan trang.

Tôi thì mắt to mở lớn nhưng nhìn mà không thấy, chỉ nghe toàn thân tẩm đượm bằng một thứ buồn-vui nhẹ như tơ, mong manh đến sợ nó biến mất. Buồn Huế như một thứ để ghiền, sợ hết, nó luân lưu trong máu như một nỗi đợi chờ, như ngày mưa chờ nắng đem vui, đó là một thứ mơ hồ không định trong hồn “ô hay, buồn vuơng giây tơ hồng”… Đi trong chiều là lắng theo tiếng  tơ rung động của đất, của trời, của sương, của gió, của lá, của giòng sông, tiếng thở Huế trong từng khoảnh khắc.. Trong mong manh của những buổi chiều nữ sinh ngày ấy, cảm giác trần trụi của thân xác,- chân còn run bước nhảy, tim còn nhịp theo vũ điệu- như mình đang đi trong hoài niệm về niềm hi vọng vu vơ, như đang bước vào  cõi bồng lai không ngày tháng, lâng lâng giữa vui-buồn hiện sinh…

Tôi đã viết trong bài tiễn biệt Vĩnh Tùng ngày Vĩnh Tùng trở về với đất năm 2005, nhớ ngày gặp lại nhau sau mấy mươi năm cả mấy đưa ôn lại chuyện cũ trên những con đường học trò

“…Cái thời ấy hồi còn tóc xoã bờ vai, mặc áo lụa, đạp xe đạp đi khắp các nẻo đường xứ Huế, vừa sợ vừa thích khi có anh chàng nào vớ vẩn đi theo. Hôm nay nhìn trộm sang thì thấy anh chàng Tùng nay đã sún răng, cười sệu sạo, tóc không còn…Chao ơi, mới đó, ngày nào, bây giờ. Chàng Vĩnh Tùng ngày xưa hùng dũng đạp xe đạp, tình nguyện đưa những cô bạn nhỏ về sau khi đi tập văn nghệ ban đêm, như ông anh cả,, không một chút hậu ý, cứ phứa ngang chuyện trai gái của người khác, cứ hề hề nhe răng cười cản mũi đầu trâu những đứa lén phén đến gần các cô, hiên ngang, thẳng như ruột ngựa, phơi hết phổi bò…Nay vẫn là Vĩnh Tùng như thế sau bao thăng trầm của cuộc sống, với chiếc xe đạp cũ mèm. Sau bao nhiêu bầm dập, vẫn cười hì hì…lọc tọc đi về với vợ và con. Cả bọn (nay đã già) đi lui đi tới trên đường hàng đoát mấy vòng rồi bảo nhau, thôi rứa là đủ rồi, lần sau…Có một lần sau nữa không?”. Câu hỏi làm cay mắt…

Vĩnh Tùng đã về với cát bụi, Hồ Tú từ ngày ấy bặt tin.. Tường Nhi đang lên chức bà nội ở Cali…Có một lần sau?

Tin trường Quốc học làm văn nghệ Tết chuyền đi khắp nơi…Cả trường Đồng Khánh cũng ngấp nghé nhìn qua cửa sổ ngóng xem (câu này tôi không bảo đảm là đúng sự thật, mấy o ĐK đừng phản đối nhé…) và chờ ngày đi xem văn nghệ Têt. Thuở ấy không như bây giờ trường nào lo trường ấy mà mỗi sự kiện hầu như là của chung dân Huế. Những buổi Văn nghệ Quốc Học Đồng Khánh tiêu biểu cho sinh hoạt văn hoá của giới trẻ cả thành phố, thành phố học trò của chúng tôi.

Càng cận Tết tin đồn càng lan xa…Chúng tôi càng cuốn quýt tập dược.

Những buổi chuẩn bị may áo cho kịch và múa bất đầu sôi nổi khi ngày trình diễn gần kề. Vừa tập văn nghệ chúng tôi chuẩn bị trang phục cho các diễn viên. Vũ khúc “serenata” tự nhiên được chiếu cố hơi nhiều,  mặc dù chúng tôi lặng lẽ như hai chiếc bóng theo nhau trên nền cánh gà. Vì diễn “xô lô” lần đầu nên chúng tôi hồi hộp và sợ lắm Các bạn bên ban kịch cũng thường chạy qua bên “vũ” xem tập. Sự quan tâm của “ông bầu” Bửu Tôn có vẻ thường xuyên hơn, đôi khi hơi lâu, ông bầu kịch coai múa mà quên cả chuyện kịch, nghe bị bên kịch kiện.

Tôi còn nhớ hai chiếc áo đầm dài lướt thướt may bằng vải voan mỏng, có đính ngôi sao đỏ và vàng, trên đầu mỗi đứa quấn hai giải kim tuyến lòng thòng, mặt thoa phấn nụ trắng toát như hát bội, hai má thoa phấn hồng như hai trái đào, miệng thoa son đỏ choét. Nhìn lại ảnh trông thật ngộ nghĩnh, buồn cười.

Đêm trình diễn thành công, vở kịch được khán giả say mê theo dõi, Xuân, Tinh Châu, Ngọc Trinh, Vĩnh Tùng đều đóng xuất thần. Ban nhạc chơi nhạc đệm tài hoa…Và vũ khúc “Serenata” từ ngày ấy còn được nhắc đến khi nhớ về những đem văn nghệ xưa của trường Quốc Học…Khi màn sân khấu vén ra, bóng Hồ Tú lung linh chiếu lên màn kéo violon trỗi khúc (anh đứng sau màn), Tường Nhi quì gối bên kia xây mặt về khán giả, tôi đứng xây lưng với khán giả trong thế tay vươn lên như sắp tung bay, khi nhạc vừa dứt khúc prélude, tôi xoay mình trước tiên ra giữa sân khấu. Không ai biết hai đứa chúng tôi đã run như thế nào trong thế đợi chờ tiếng nhạc, đến muốn khuỵu cả đầu gối nếu không có tiếng violon thúc dục. Và đến đoạn hai đứa ôm nhau, uyển chuyển ngã người ra phía sau, chúng tôi đã níu nhau như không muốn rời, đứa nọ nâng đứa kia để khỏi té -  như cứu rỗi của nhau. Trong ánh sáng đèn màu, bước “pas de deux” ấy hoá ra quấn quýt thiết tha được khán giả vỗ tay rào rào. Nào ai biết, Tường Nhi hỉ!

Ngày hôm sau vào lớp học, trên rảnh nghiên bút của bàn học chỗ tôi ngồi, thấy có ai đặt một búp hồng thật tươi như vừa hái trong vườn, tôi ngỡ có người bỏ rơi, nhưng hôm sau và suốt cả tuần cuối năm, nhiều búp hồng khác thay nhau nằm ở đó, rộn ràng vui. Tôi đã cầm đoá hoa, đã không tưởng là cho tôi, như “nâng niu lời ca… xao xuyến những chuyện thần tiên”

Tôi nhớ hôm ấy ra về, tà áo lụa của tôi lộng gió như bay, nắng rỡ ràng trên tóc…sông Hương reo khúc.

Viết trong hoài niệm những ngày Quốc Học. Huế  tháng giêng 2010

Thái Kim Lan