Trời Một Phương

image

1. Mũi sọc chiếc( côtes simples) đan thân sau. Len Úc 500g, màu nâu đậm.

Que số 3.

 

Với gần hai mươi viên thuốc điều trị mỗi ngày bác sĩ khám cho Trúc đã  nói:

-         Chậm thêm hai tháng rồi hãy đi, khi không còn chóng mặt nhức đầu nữa.

-         Vì cớ gì phải nán lại, thưa bác sĩ?

-         Sao không, chậm thêm không mất gì, chỉ tốt cho sức khỏe.

-         Dạ.

Sáu năm trước, sau một tai nạn thuốc men điều trị gần sáu tháng nàng  đi NZ theo lời mời của em gái. Lúc ấy nàng vẫn chưa khỏe hẳn, bao nhiêu giấy tờ thủ tục đều nhờ đến chồng. Năm ấy Tony làm lễ mừng thọ bà Phương ở thủ đô Wellington. Nàng tấp bao nhiêu thuốc để có thể lên đường đi Saigòn một mình. Quyết và chị đi cùng chuyến. Cậu phải tổ chức chương trình làm việc ở trường lại cho người khác mới an tâm đi được. Hai chị em lên phi trường Tân sơn Nhất lúc 11 giờ đêm thì mới hay, chuyến bay của họ đã bay mất rồi! Quyết đã tình lầm giờ bay, anh ta vội điện thoại đến hãng Cathay, cô tiếp viên kêu trời, cũng may còn một chuyến vào trưa mai, chứ nếu không họ sẽ phải chờ thêm một tuần nữa. Máy bay đến Hồng Kông lúc 2 giờ chiều, thời tiết vào tháng 11 ở châu Á giống nhau, ngồi trong phi cảng nhìn ra bên ngoài một màn mưa mỏng trắng trời.  Phi cảng Hồng Kông rộng  mênh mông, Quyết cho biết, người ta dùng đủ thứ rác thải, đất, đá, lấp đầy và san bằng một hòn đảo, sau đó kêu gọi một số quốc gia khác đóng góp xây phi trường quốc tế này. Có thể hình dung một phi cảng hình quả cam nhiều múi, mà mỗi múi là một cửa ra máy bay khác nhau bay đi các nước; hành khách đến mỗi cửa bằng đường đi bộ có chạy điện, một kiểu như cầu thang xoắn nhưng bằng phẳng hơn - hoặc đường đi bộ song song, mỗi cửa đầu cầu thang xoắn có một màn hình lớn cho biết giờ giấc các chuyến bay. Các gian hàng bán đủ thứ, áo quần, mũ nón, nữ trang, thức ăn...rất đẹp đẽ.   Họ mua các đồ  lưu niệm, ăn một ít thức ăn Hồng Kông, với số đô la lẻ đổi ở quê nhà. Trúc đãng trí quên lấy số gate (cửa ra máy bay), khi check in vé hai chị em phải đổi chỗ đến ba lần vì đi lầm cửa. Chuyến bay 11 giờ đêm có 5 hành khách lên trế vì ham đi mua hàng hay lang thang đâu đó trong phi cảng rộng mệnh mông; đang ngồi nửa thức nửa ngủ người tiếp viên đến bên nàng với tấm bảng ghi chuyến bay mang trước ngực. Anh ta hỏi nàng có phải nàng đi chuyến này không? Trúc lắc đầu, anh ta lại đi chỗ khác. Cuối cùng những người tiếp viên xuống lầu kiếm được năm người hành khách ham đi mua sắm trong các gian hàng lên máy bay. Thế mà chuyến bay đi NZ lúc 11 giờ khuya hôm đó lại không đến được Wellington vào 5 giờ chiều hôm sau. Nó phải bay mất 12 tiếng vượt qua châu Úc. Trên máy bay thực đơn hầu hết là thịt gà, dọn rất nhiều. Sáng ngày Trúc chỉ yêu cầu cho mình một ít bánh mì cùng pho mát. Đến phi trường quốc tế Aukland, tại đây họ kiểm tra hành lí mất gần 2 giờ mới lên xe bus( miễn phí) - hai chị em leo lên vừa kịp, xe bus chuẩn bị chạy - về phi trường nội địa. Ngày hôm đó sương mù nhiều, năm chuyến bay về Wellington bị hủy. Mọi người ngồi, kẻ đứng, da đen có, da trắng có, người Việt Nam có. Phút chờ đợi dài mươi thế kỉ. Cuối cùng, đến 7 giờ tối họ mới nghe tiếng người tiếp viên mời hành khách lên máy bay về thủ đô Wellington. Thật là một chuyến đi bão táp, hai chị em  về tới nhà ở khu Newtown trời đã  tối mịt!

Kinh nghiệm đó làm cho Trúc không dám đi hãng Cathay nữa mà chuyển sang Parcific. Đàng nào cũng về Sài Gòn thăm con gái xem chỗ ở mới của nó ra sao. Vậy mà nàng cũng xấc bấc xang bang theo cái vé, dự tính đi và về cuối cùng rút xuống một tháng rưỡi. Nàng nhờ con gái lấy giúp vé ở văn phòng đại diện của hãng Parcific, đi hãng này phải mua vé quá cảnh ở Úc. Máy bay sẽ quá cảnh  tại Sydney khoảng hai tiếng, chờ giờ lên máy bay của NZ rồi  bay  thẳng về Wellington. Hành lí của họ sẽ được chuyển theo chuyến bay  sau khi checkin lại vé.

Những ngày ở Sài gòn trôi qua rất mau, chuyến bay đêm khởi hành lúc 9 giờ. Trúc sắp hàng cùng rất đông sinh viên, người Việt ở Úc về ăn tết bây giờ qua lại. Rắc rối xảy ra khi một cặp vợ chồng người Việt đến lượt checkin. Người chồng bảo hãng bên Úc cấp cho ông tờ giấy đi lại là đủ rồi? Nói qua nói lại, anh ta quay số gọi về Úc rồi chạy ra quầy phiá ngoài. Trúc nghe không rõ, phải đợi mất chừng 20 phút, trước một dãy đông người và hành lí đứng chờ. Sau cùng nàng sốt ruột đến đứng gần ngang người đàn ông kia. Cậu ấm con quan nhìn nàng, hiểu lầm nàng là vợ. Khi biết mình lầm, anh ta quát:

- Chưa đến lượt sao cô lên đây? Xuống sắp hàng đi!

Giải quyết xong trường hợp này lượt nàng lại bị một người tây chen ngang vào checkin, ông ta nói:“ sorry ”. Đến phiên nàng, nhìn hai chiếc vé khứ hồi anh ta dịu giọng.

-         Cô đi khứ hồi à?

Trúc gật đầu, tự hỏi những con người như thế sao lại không thể hiện được nét đẹp văn hóa như những tiếp viên Hồng Kông, thật là những người châu Á lịch sự, chu đáo. Số sinh viên VN qua Úc du học khá đông, một người đàn ông khi sắp hàng ra cửa máy bay, có lưu ý nàng đừng đụng vào cái đầu lân ông ta làm đem sang Úc cho cháu nội! Trúc cười ngạc nhiên rồi thông cảm, về nỗi tình thương cháu nội lại bao la như tình mẹ. Rất đông Việt kiều Úc về Sàigòn ăn Tết bây giờ qua lại xứ người. Cặp vợ chồng gặp rắc rối cũng lên cùng chuyến. Chuyến bay khởi hành ở thành phố Hồ chí Minh lúc 10 giờ kém 15 tối.Trên máy bay nỗi hồi hộp lo âu về một xứ sở xa lạ mình chưa hề đến là nước Úc khiến nàng không chợp mắt. Ngồi nói chuyện với cậu sinh viên bên cạnh để biết thêm chút ít về kiều bào ở Úc. Nàng cũng có người quen ở bên đó, một vị sư. Nhưng để lái xe ra phi trường gặp nàng chừng 2 tiếng đồng hồ thầy phải lái xe gần một ngàn cây số, cho nên nàng không muốn.

10 giờ đêm trên chuyến bay từ thành phố Hồ chí Minh dọn ăn nhẹ. “5 giờ sáng”-  tiếng cậu sinh viên bên cạnh khiến Trúc bừng tỉnh. Bên ngoài đã thấy chân trời ửng hồng, trời lạnh; tiếng xe đẩy, “ 5giờ ” - tiếng cô tiếp viên trả lời ai đó, tiếng bước chân đi lại khá nhộn nhịp của hành khách vào phòng vệ sinh; mùi bánh mì nướng thơm phức, mùi bơ, Người tiếp viên hỏi nàng dùng chi. Đang đói bụng Trúc gọi một chén cơm nhẹ. Nàng đang thèm cơm với chút rau trộn. Dẫu sao Trúc ăn ngon miệng với món salade cà chua và khoai tây hầm nhừ cùng ít sốt mayonnaise. Trời sáng dần bên ngoài khi bữa ăn sáng xong. Máy bay hạ cánh xuống phi trường. Mọi người cùng nôn nao, họ dở hành lí xách tay ra phi cảng. Trúc lên tầng trên checkin vé. Hai tiếng sau trên máy bay về NZ chỉ có mình Trúc và hai người đàn ông là người Việt. Ngồi trên máy bay Trúc cố chống lại cơn buồn ngủ, chỉ mong chóng về Wellington. Họ ăn một bữa sáng đúng nghĩa có bánh mì, thịt gà, bơ, pho ma và sữa. Buổi trưa Trúc cố nuốt những món ăn chỉ nhìn là nàng muốn nghẹn. Một phụ nữ da đen dáng to béo song khuôn mặt mới nhìn rất duyên dáng với sóng mũi cao và đôi mắt sâu đen đến gây ấn tượng, cúi hỏi nàng có cần gì không. Trúc lắc đầu, đáp không có gì. Nhìn ra cửa máy bay chỉ nhìn thấy biển, đây là châu Đại dương. Rặt một màu xanh, biển và trời hòa lẫn một màu. Hoàn toàn tỉnh táo sau bữa ăn trưa lúc 12 giờ với li nước cam tươi Trúc lại nhìn ra cửa, vẫn chỉ nhin thấy biển. Nàng cầu Phật bà sao cho  mau đến. Họ dùng bữa cuối lúc 5 giờ( giờ Úc). Lời cầu xin thật hiệu nghiệm, đôi cánh máy bay bắt đầu lắc đảo dữ dội, người tiếp viên đến bên coi hành khách đã thắt lại giây lưng an toàn chưa. Sau vài cái chao nhẹ nữa, máy bay từ từ hạ cánh và lăn trên phi đạo thật êm. Cho đến khi hai cánh quạt ngừng quay, động cơ máy bay ngừng nổ, tiếng người tiếp viên nói qua micro báo cho biết họ đã đến phi trường nội địa Wellington Trúc vẫn còn cảm thấy bàng hoàng chưa dám tin là sự thật. Nàng  thở phào.

 

Trí và cậu em thứ chín đi đón nàng. Anh ấy hơi già song thần sắc có phần khá hơn, Trúc nghĩ thầm. Sáu năm làm nhân viên thư viện ở cái trường phố thông này, với trí thức sắn có, và với lương tâm nghề nghiệp, anh được Hiệu trưởng mến mộ. Trí học đại học ở VN, đi lính vì quá tuổi, trở về làm đủ nghề lao động: đi đốn củi ở nông trường Lê minh Xuân – từ Sài gòn đi xe bus lên khoảng mười km nữa. Đi làm công nhân bốc vác ở nhà máy bột giặt, công nhân xưởng may gia công. Từ khi làm ở nông trường, dù sao không gian rộng thoáng của đồi núi, những u uất trong tâm hồn có giảm bớt nhiều theo những nhát cắt chặt phá rừng. Không hiểu đốn củi để làm gì. Ngày nào cũng lên rừng đốn. Về nhà, cất vội cái ba lô Trí đã vội vàng ra sau bếp lấy than bùn ra vắt giúp mẹ, nhà ở Sài gòn thì nấu than là chính. Hồi đó nhà đang còn khó khăn anh vừa mới đi học tập về kiếm được việc là may lắm rồi. Bà Phương nấu than bùn cho rẻ. Những ngày tháng khó khăn ấy qua rồi. Ở  xứ người, khi trở về với đạo Phật Trí bớt nghĩ vu vơ, mà tập trung vào việc đọc kinh để tâm hồn thanh tịnh và được tẩy rửa.  Nhờ đưa mẹ đi chùa thường xuyên, nghe ông Hai nói chuyện, mỗi lễ Phật đản hàng năm nghe thầy bên Úc về thuyết pháp, rồi tình thương mẹ, thương anh chị em khiến hạt giống tinh thương vốn có sẵn nảy nở thêm trong con người ấy.

Trên xe Trí bỏ một băng nhạc nhẹ, Trúc nói sao nhìn thủ đô không thay đổi chi cả, đường xá sạch như li và sao các cây đổi màu. Lá đổi sang màu vàng thẫm, có cây màu đỏ thắm. Trí bảo mùa thu rồi và sắp sang mùa đông. Tân tây Lan ở gần Bắc bán cầu nên quanh năm có gió thổi về lạnh lẽo, duy mùa hè có mặt trời lên ấm áp đôi chút. Riêng khu Newtown nằm giữa các đồi thông nên cản bớt gió và ấm hơn thủ đô. Cho tới khi đó Trúc vẫn nghĩ đây là một giấc mơ, trời chiều ở thủ đô Wellington vắng lặng lạ. Giã từ một nơi đông đúc người và khói và bụi đến một nơi mà cảnh sắc không khác một thiên đường hạ giới, có người đã nói thế, Trúc bàng hoàng. Khi hai anh em về đến nhà đèn đường vừa đỏ! Trong bóng hoàng hôn chập choạng khắp gian phòng rộng, mẹ nàng, một cụ bà lớn tuổi nhất ở khu Newtown chống gậy ra đón , chưa chi nước mắt đã trào dâng mi mắt người già 96 tuổi đó.

-         Con đó à?

-         Mẹ!

Trúc nghe lòng nao nao, cảm thấy thời khắc bên ngoài ngưng tụ lại, trong khoảnh khoắc tình mẫu tử thiêng liêng  khiến mẹ nàng quên mất rằng mình đã già, bà ôm con cười qua làn nước mắt. Còn Trúc cảm thấy mình bé lại. Sau cú ngã ở cửa vườn sau bà cụ không còn làm vườn nữa, không còn cái thú ra xăm các cây cải ngò salade, nhặt cỏ rau thơm như hồi 90. Mạng lưới y tế ở New Zealand dành cho người già quá tốt, sau lần bị té, họ đến nhà bắt cho bà cái tay vịn trong phòng tắm gần bồn cầu. Tháng nào bà Phương không đi khám y tá gọi điện đến nhắc.

-         Con có vẻ  ốm, con có mệt không vậy?

-         Con gặp lại mẹ là hết mệt. Trúc đáp.

Phòng sitting room vẫn như hồi tám năm trước. Cũng những cái ghế bành có lưng dựa cao đó và chiếc ghế lazyboy mẹ nàng vẫn thường nằm đan áo. Bộ bàn ăn mười hai cái ghế. Khung cảnh không có chi thay đổi cả, chỉ thiếu có ba. Trúc lấy quà trong va li ra chia cho mọi người. Một chốc Trí gọi nàng ra ăn cơm. Bàn ăn được trải khăn bàn mới, chén bát, li tách, hình như được thay mới để đón người từ quê hương sang thăm. Tình cảm ruột thịt trào dâng khiến nàng muốn khóc. Trúc ngồi ngó mẹ.

-         Sao con không ăn? Ăn đi. Máy bay họ dọn có ăn được mô.

Bà Phương có làn da hồng hào với đôi mắt còn sáng, nét khang kiện này có lẽ do dinh dưỡng và thuốc. Sau cú ngã ở cửa vườn, chị Miên không cho mẹ ra vườn sau tuy thỉnh thoảng bà cũng chống gậy đi. Ai mà cản được ý muốn của một bà già?

Mẹ thích trồng hoa, trồng rau, sang đây tự mình và chị Miên, xới đất, nhổ cỏ, làm sạch sỏi đá, trồng rau ăn, vãi cải làm dưa, trồng su su mang cho hàng xóm và bất cứ ai đến thăm. Việc trồng rau cũng do cậu em thứ chín gợi ý, Chín là một cậu trai cao lớn đẹp trai, cậu xin việc rất dễ vì đã có tay nghề tốt ở VN, thợ hàn gò bậc 1. Chín thích ăn rau đậu hơn thịt cá, món khoái khẩu của cậu không phải là ham bơ gơ mà thịt bò nhúng dấm, bánh khoái, và rau tươi cũng như cải song. Hai chị em tranh cãi nhau đất trồng rau, cuối cùng Thùy Miên nhường cho cậu một miếng nhỏ để trồng, hay chính xác là bà Phương trồng.

-  Ăn đi, bà Phương laị nhắc.

-  Con no rồi mẹ, à có chuối và cam nữa, chắc là con ăn một trái cam đây.

Trúc đáp rồi nhón tay lấy một trái chuối. Chuối Nam Mỹ trái to và dài, rất ngọt, không có vị chua.

Không khí lạnh, mẹ nói sắp cuối thu sang đông rồi. Mùa thu ở đây lạnh, có ngày nắng ấm nhưng vẫn mặc áo len như thường. Chị Thùy Miên đi garage sale với Trí mua về một đống len đủ màu, nàng không đi đâu, tranh thủ ngồi đan áo bên mẹ. Chỉ có cách đó làm cho bà vui lên, khi ngồi cuốn len giùm nàng bà nói chuyện đời xưa.

 

2. Mũi sọc chiếc( Côtes simples ) đan thân sau

 

Nàng đan áo có khi lơ đãng vì nhớ đến ba nàng.

Họ đã cùng đi thăm mộ ông Nhàn, một ngày rất đẹp trời, hôm ấy có nắng. Lái xe quanh co, vòng lên một con đường đèo dài rộng, đi qua nhiều bình nguyên, qua chố cao nhất Tony dừng xe lại chỉ cho chị thấy phía đỉnh đồi cao bên kia  là nơi chính phủ làm mười cái cối xay gió dùng chạy máy điện...chị thấy rõ không?  Qua một con đường rộng sạch có hai hàng bạch đầu tùng loại tùng thân to một người ôm không xuể dễ có hàng trăm năm, mới đến nghĩa trang. Nghĩa trang là một ngọn đồi trọc rộng mênh mông, xanh mượt cỏ và dốc, trời cao xanh lơ, không gian rộng thoáng, cỏ mượt như nhung khiến người đi có cảm giác mình đi trên tấm thảm, nắng vàng ươm như lụa. Nghĩa trang đúng nghĩa, nơi những người chết an giấc ngàn thu là an giấc ngàn thu; không có nạn trâu bò vào quấy phá, không có nạn di dời...như mộ cha chồng nàng. Một công ty ngoài bắc vào không kịp xem xét địa hình, đã nóng vội muốn mua khu đất. Vị thế ngôi mộ ở vào cái chỗ quá bấp bênh nên gia đình chồng lo việc di dời trước. Bây giờ dưới ánh nắng vàng tươi của mùa thu, trong không khí se lạnh, nàng đứng bên cạnh mẹ và chị em, cảm thấy lòng ấm lại. Con đang trở về thăm ba đây, ba. Nàng thì thầm trước mộ, nhớ đến hồi cha còn sống, viết cho con gái bao nhiêu lá thư khi nàng còn lại một mình. Ai có thể ngờ được, bây giờ linh hồn và thân xác ông an nghỉ trên một ngọn đồi cỏ mượt, sạch sẽ và thoáng đãng.

Ba nàng không hợp với đất Sài gòn khói bụi, cướp giật. Một dạo thời bao cấp buổi sáng có tiêu chuẩn khoai lang; sang đây thích hợp với khí hậu lạnh lẽo - mỗi năm mùa đông kéo dài gần bốn tháng, mùa thu cũng lạnh như hiện giờ tuy có ngày nắng ấm. Ông Nhàn là một người hiền. Suốt đời ông không giận hờn, không nói xấu chi ai, không nói dối, không hại ai, cả lúc cha nàng làm trong một  ngành có thể kiếm chác được ông vẫn không hề làm. Là một phật tử thuần thành dù ít đi chùa và đọc kinh song ông không từ bất cứ việc thiện nào không làm. Sang NZ ông  không than thở trời lạnh, trời mưa, không kêu ca chuyện nhớ nhà. Ông có hàng chục pho truyện tàu để xem (ông không xem, cuốn ông hay đọc là tiểu thuyết Bá tước Monto Christo của Alexandre Dumas đem từ VN sang, cuốn nào không có ông đi bộ xuống thư viện Newtown mượn). Bà Phương có các dĩa hát cải lương, nhạc hải ngoại. Ông Nhàn đọc sách nhiều. Đi đâu cũng là nhà, có lần ba nàng nói, chỉ tâm  mình buồn hay vui thôi. Ở Newtown, ông hay đi bộ đến chơi ngọn đồi thông gần nhà. Vào khoảng tháng 11, trời ấm dần lên, ông thích ngồi trên bãi cỏ dưới nắng ấm mùa hè đọc sách hoặc ngắm trời mây nghĩ vẩn vơ.  Sáu năm trước Trúc và chị hay đến công viên đó, công viên của ba, chị Thùy nói. Nơi công viên có cây Noel, hoa nở đỏ thắm, cây xòe cái tán như cổ thụ. Sang đây, lạ thay, ông có vẻ phấn chấn, bệnh suyễn biến mất, có lẽ nhờ  khoảng không gian sống, không khí để người ta hít thở rất trong lành.

Có một lần duy nhất và sau cùng  ông Nhàn vào bệnh viện, đó là lần bà Phương  thấy ông nằm trong ghế lazyboy mà hỏi và cả lay gọi nữa ông không trả lời, toàn người run. Cũng may hôm đó chị Thùy Miên ở nhà, liền bàn với mẹ gọi ba số 111. 5 phút sau một xe cấp cứu với băng ca và bác sĩ cùng  hai người cảnh sát đến. Ông được chuyển ngay vào phòng cấp cứu. Sau khi khám, Bác sĩ bảo: “Người đàn ông này còn sống 5 ngày nữa, có thể ba ngày ”. Những y tá thấy trong ví ông có nhiều tiền – khoảng 200 đô – họ đem cất, ngày mai trả lại cho ông. Ông Nhàn bảo chị Miên về lấy thêm tiền:“ Cho mỗi cô hai mươi đô ”. Bác sĩ lắc đầu nói:“ Bác sĩ và y tá không có quyền lấy  tiền của bệnh nhân ”. Tuy ông vào bệnh viện lúc Tony đang còn họp với Bộ năng lượng ở Hà Nội, người ta vấn cư xử hết sức tử tế. Những ngày của ông Nhàn trong bệnh viện thật ngắn ngủi. Bệnh nhân có quầy cafeteria gồm các thức uống giải khát, thức ăn miễn phí tự chọn.Y tá bảo chị Miên không cần phải ở lại. Chị lo không có người canh bình serum là thừa, cứ năm phút lại có người vào xem lại ống chuyền nước biển. Thấy chị vẫn ở lại, họ đưa cho chị mượn cái ghế lazyboy để nằm, có thể đu đưa được và rất êm. Tuy nhiên khi tỉnh lại ông nói: “Ba có đau gì đâu, mẹ con ưa mang ba vô đây”. Bà Phương nấu cháo thịt bò đem vào ông ăn hết hai chén, không nhịn bữa nào. Bác sĩ hỏi ông có đau đớn không, ông đáp không. Ông Hai nghe tin vậy vội vã nấu phở đem vào nhưng hết giờ thăm, ông đứng chờ ngoài cổng bệnh viện. Tất cả đúng năm ngày, ba nàng mất nhẹ nhàng. Việc này gia đình và ông Nhàn đã biết trước – ngày mới qua khi đi khám sức khỏe, bác sĩ nói khi khám tim của ông – họ cho gia đình hay: “ người đàn ông này chỉ còn sống ba năm nữa thôi ”. Bà Phương rất buồn, các con ai cũng buồn, chỉ ông Nhàn không buồn, không hối tiếc. Nhiều  lần Hồng Lam bảo cha: “ Sao ba không uống thuốc bổ để sống cho lâu ”. Ông Nhàn cười: “ Thôi sống chừng ni đủ rồi ”. Ông Nhàn đi theo diện bảo lãnh với mục đích cho các con qua xứ người có cuộc sống ổn định. Thâm tâm ông không  muốn ở lại xứ người, chỉ đến khi mua vé về VN hai người già mới nghĩ ra, hai đứa con gái còn độc thân, thế là tình thương con mạnh hơn hạnh phúc riêng, họ ở lại. Những y tá, theo lời chị Miên, đúng là những bà mẹ hiền thật sự, không có cái cảnh quát nạt người bệnh hay lớn tiếng với thân nhân, nộp tiền mua lưỡi dao lam khi phải lên bàn sinh hay lên bàn mổ, nộp tiền viện phí mới được nhập viện... như hồi nàng bị tai nạn xe. Phải nhờ đến người bạn bác sĩ làm khoa cấp cứu mới được đưa vào phòng hồi sức nhanh, chứ khi ấy nàng thì mê man, chảy máu tai, còn chồng chỉ có vài trăm ngàn, làm thế nào trả đủ tiền viện  phí, tiền chụp citi? Ở đây mọi người bình đẳng. Đám tang ba nàng tổ chức trọng thể, Tony mời thầy ở Úc sang. Ông sống thanh thản, ra đi nhẹ nhàng, trước khi nhắm mắt còn đọc ít hàng bài thơ“Á tế Á” của cụ Phan bội Châu do Quyết ở Sài gòn gởi qua. Ngọn đồi nơi chôn cất ba nàng - nghĩa trang ở thủ đô Wellington là ngôi nhà sau cùng theo đúng nghĩa của nó. Người chết có thể nằm yên nghỉ trong sự tịch lặng và tiếng reo muôn đời của ngàn thông.  Không lo chuyện di dời lăng mộ, khi không có thân nhân đến viếng một người tây sẽ đến đặt hoa trên nấm. Cái đáng sợ ở việc di dời dân  không hẳn khi người ta thấy cần mua, cần làm cái gì ở khu đất đó, mà chính là mối lợi to lớn do chính vạt đất ấy đem lại. Một  nơi mà con người cảm thấy mình mất hết cả nhân cách - tánh kiêu hãnh và lòng tự trọng cũng không còn - nơi ấy chính là chốn lưu đày. Trúc hồi nhớ đến cha mà lòng dịu lại, nàng đứng bên cạnh chiếc xe lăn chỗ mẹ ngồi, tránh ánh nắng chiều thu chói chang trong khi chị Miên chụp hình. Nửa giờ sau họ ra về, bó hoa Lyly de peace để lại trên mộ, hàng dãy mộ nằm song song trong ánh nắng chiều còn rạng rỡ như sáng bừng lên trong mùi khói hương. Bên kia ngọn đồi hình cánh cung, Khả và Đoan sau khi thắp hương van vái giờ đang vội trở về leo lên xe của mình. Thế là xong một ngày, họ trở về thành phố khi đèn đường đã lên. Hai hàng cây thông cổ thụ trăm năm che bóng suốt đoạn đường dài đi xuống hết ngọn đồi rộng như phủ trùm cái bóng rợp của nó lên những linh hồn đang an giấc ngàn thu.

 

3.  Mũi sọc chiếc( côtes simples ) đan hai thân trước, que số 3.

 

Ngày thứ sáu hai chị em chuẩn bị các món ăn làm trước bỏ trong tủ lạnh để thứ bảy đi chùa. Chị Thùy Miên không đi. Luôn bận hết việc nhà đến việc vườn, sau khi mẹ bị té ngã và đầu gối chị có vấn đề về lớp sụn, chị không đi làm nữa. Chị  nói các hạt giống hồng vàng đã khô chị sẽ cho mang về VN ươm thử. Từ ngày sang đây ngoài giờ đi làm về chị siêng làm vườn và đọc kinh Phật. Giáo lí nhà Phật khiến cho lòng chị dịu đi, cảm thấy tâm hồn được nâng lên. Trúc hiểu những khao khát bên trong người thiếu nữ, tuổi thanh xuân của chị trôi qua mau, giòng đời không ngừng trôi. Ngay bản thân nàng cũng có khi mơ ước trở lại chùa tu huống gì là chị gái.

Chùa Ông Hai, người Việt ở đây gọi như vậy thật ra chỉ là một hội trường nhỏ ở tận Lowerhutt. Đường đến Lowerhutt khá xa, mất chừng 1 giờ rưỡi lái xe.  Wellington vào thu, những tán cây hai bên đường có màu vàng như rơm, có cây màu đỏ rực khiến Trúc nhớ thơ Kiều:“ Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san ”. Hội trường của chùa mở cửa một tháng hai lần, với cái lí do đơn giản là bà Hai nay đã già, không đủ sức để hàng tuần nấu  các món chay đem lên chùa cúng. Ông Hai có khuôn mặt đầy đặn phúc hậu  nhận ra Trúc ngay, người đàn ông có nhã ý dựng lên một hội trường trước khi gom đủ tiền để xây một ngôi chùa cho bà con Việt Kiều ở NZ trước đây làm nghề bán phở. Con người này lại có một cái tâm rộng, nhìn thấu được nỗi lòng của người dân Việt Nam xa xứ. Ở quê nhà, mỗi lần đến chùa Trúc có cảm giác như trở về nhà mình. Bây giờ cũng thế. Con đường đá phía ngoài sau mấy trận mưa lớn trở nên lầy. Trí lái xe vào thẳng bên hông chùa, Trúc đỡ mẹ xuống xe đi vào. Đã 75 tuổi trông ông Hai không già mấy, chừng như việc tu tập làm cho ông trẻ lại.

-         Chào thầy ạ, Trúc nói.

-         Cô...tôi nghe bà cụ nói cô mới sang?

-         Dạ.

-         Cô sang được thật quý quá, mời bà cụ vào, có các bà kia đến rồi.

Nàng làm quen với các cụ bà nhỏ tuổi hơn mẹ, bà Hồng, bà Hạc, bà Hậu, bà Hai.  Bà Hai tuy khó tánh song với cái tâm ủng hộ chồng dựng nên  hội trường này trong khi chờ cho đủ tiền để xây một ngôi chùa là quý lắm rồi. Tấm lòng ấy khiến động lòng một vị sư bên Úc, người gởi cho tiền mua khu đất, mới làm một cái nền, mua các tượng Phật, làm cái hội trường - chỗ che mưa nắng cho người tam bảo quy y thì tiền đã hết.  Và họ, những bà già nửa tháng một lần gặp nhau trong hội trường – nơi khu đất ở Lowerhutt, chỗ ông Hai mua bằng tiền trợ duyên của các Phật tử Việt kiều và nhờ cả sự trợ duyên của một sư thuộc giáo hội Úc nữa. Sư là hòa thượng chủ lễ trong đám tang ông Nhàn. Nơi đây là tác phẩm bằng trái tim  của ông Hai nấu phở, người đàn ông làm cái nghề tầm thường lại có tấm lòng của đức Phật, ông nhìn ra được và thấu hiểu được rằng, tinh thần người ta cần biết bao nhiêu một nơi chốn trú ngụ, mà chốn đó không gì bằng sự thanh tịnh vô vi. Có việc làm nào thiết thực hơn xây một ngôi chùa? Một ngôi chùa chưa đủ tiền để xây dù có nhiều người đóng góp, thôi tạm dựng một hội trường. Ngày thứ bảy có  khá đông sinh viên. Trúc giúp ông Hai chế nước sôi vào bình trà, nước sôi ông Hai nấu khi bà Hai chưa đến. Sau câu chuyện hàn huyên, uống vài tách trà cho ấm bụng, sinh viên ra phía sau lấy áo tràng phân phát cho mọi người, mỗi người có một cái gối bông để quỳ đọc kinh. Cuối thu trời nhiều gió nên lạnh hơn ở khu Newtown. Mẹ nàng quý tấm lòng của người đàn ông này, siêng đi chùa và mỗi lần về bà thấy lòng mình vui hơn. Trúc bấc giác nhớ thơ của một vị sư:“ Hôm nay em đi đến chùa.  Dọc đừơng rơi rụng hơn thua ”. Hai câu thơ đẹp tuyệt đến vô cùng, cái chân lí giản dị bao đời ấy, có mấy người hiểu thấu!

Sau lễ đọc kinh cầu Phật là bữa cơm chay. Tất cả các món chay đều do bàn tay khéo léo của bà Hai nấu. Trúc thấy mẹ ăn ngon miệng, có lẽ do niềm vui trong tâm hồn bà, không những thế, bà thuộc kinh hơn nàng. Nàng cũng ăn rất ngon, điều này làm nàng nhớ đến ba. Nàng nhớ đến hồi ở Sàigòn, những bữa cơm gia đình năm ấy có độn hạt bobo, có bột mì lãnh tiêu chuẩn mà chị dâu nàng rất siêng làm các món  bánh ngọt, bánh canh, và bữa nào cũng có món đậu khuôn chiên vì nhà đông miệng ăn. Một người hầu như suốt đời không ăn chay, rất ít đến chùa như ba nàng không hề kêu ca ngon dở. Sang đây, mẹ nàng hay than buồn và lạnh, bà chỉ  cảm thấy ấm cúng hơn khi đến chùa. Nơi đây sưởi ấm trái tim mẹ nàng sau cái chết của ông Nhàn. Điều hay là một người ham sống như mẹ và chị dâu bây giờ lại thích đến chùa và thuộc kinh hơn ai hết. Chính tại đây bà không còn cái cảm giác bất ổn, lo sợ cho ngày mai. Bà đang trở về ngôi nhà của mình, nơi có khí trời, có đủ hương vị thơm ngon của cây ngọt trái hiền, đây đích thực là xứ sở của Cõi - người - ta.

Ông Hai nhắc mẹ nàng về sớm và hỏi nàng bao giờ về Việt nam? Trúc đáp nàng sẽ ở lại khoảng một tháng rưỡi, đi lâu bỏ nhà và chồng không ai chăm sóc, con cái thì không bằng. Họ ra về khi trời đã tối mịt, đèn đường vừa đỏ.“ Bao giờ cho có một ngôi chùa”? Nàng hỏi mẹ trên đường về. Bà đáp do lòng hảo tâm của các Phật tử mà thôi. Ở Aukland đã có chùa rồi, thầy TS bên Úc sang làm trụ trì. Bấc giác Trúc nhớ ngôi chùa cổ ở Túy vân, một vị sư rất trẻ mà tánh tình điềm đạm, phong cách chững mực làm sao. Ở một nơi quá xa xôi, từ thành phố lên núi lái xe gần 3 tiếng đồng hồ,  so với ngôi hội trường này, đi về thành phố trung tâm chỉ có 1 tiếng rưỡi. Trúc đã đến Túy Vân ba lần, phong cảnh đẹp, chùa đứng giữa núi và biển, leo lên đỉnh tháp nhìn xuống phá Cầu Hai. Núi và mây cao bàng bạc, núi và mây buổi chiều tà tăng thêm sự cô tịch. Vậy mà vị sư tuổi còn trẻ lắm lại trú được nơi đó, cũng như chùa ông Hai, nằm giữa bình nguyên, cách xa núi song hơi lạnh và sương mù, mưa và tuyết, có khi tưởng như vùi dập nó trong cô liêu.

Qua đây nàng lại trông chờ lễ Phật đản hơn ai hết, không những thế, nàng cũng thich đến chùa với mẹ, hai tuần bà đi chùa một lần. Từ khu  Newtown 2 một thành phố mới thành lập phía bắc Wellington, lái xe khoảng 1, 50 phút, đi qua một con đường xa lộ không lớn nằm giữa bình nguyên; một bên núi một bên là đường tàu chạy qua thung lũng, từ đó đến Lowerhutt có một hội trường nhỏ nằm trong một khu đất rộng. Đó là nơi các phật tử tại gia người Việt tụ họp một tháng 2 lần vào ngày rằm và cuối tháng. Đó cũng là nơi hưởng ngọn gió lạnh lẽo từ Bắc bán cầu thổi về, thế mà dù mưa, dù nắng, các Phật tử, trong đó có khoảng mười bà trên 75 tuổi vẫn theo con cháu đến đó bằng đường xe hơi. Số tiền trợ duyên của các phật tử và một vị thượng tọa  bên Úc đủ để xây một hội trường nhỏ. Từ ngoài đường lộ rẽ qua lối phải, qua một con đường đá hẹp nhấp nhô nằm sát một nền đá cao – nền của một ngôi chùa trong tương lai gần - thẳng đến bên hông hội trường. Bên trong, có bàn thờ Phật Thích ca Mâu ni, tượng Quán thế âm bồ tát. Ngoài tủ gỗ lớn đựng một số lớn kinh sách ra, còn có tủ cất áo tràng phía bên hông. Bên trái là bếp và tủ đựng các dụng cụ phục vụ nhà bếp. Phía sau gian thờ ông Hai cho xây một ngôi nhà dài và khá  rộng để các cụ bà lớn tuổi có thể nghỉ ngời. Từ năm 1985, 1990, số người Việt qua New Zealand theo diện bảo lãnh hay vượt biên không đông. Cho đến nay có khoảng hai trăm ngàn người tại thủ đô, do thời tiết một phần, mùa đông quá lạnh nên số người Việt lên Aukland hay chuyển qua Úc và sang Mỹ không phải ít. Kiều bào đã ít, mà nhu cầu tâm linh lại lớn, nhất là đối với những người già xa xứ. Hàng năm vào ngày đại lễ  Phật đản, hội trường lại đông đúc phật tử trong đó có các em sinh viên du học cũng đến chùa. Năm 1990 có thầy Trường Sanh qua, năm 1992 có thầy Nhật Tân, hai vị đó đều từ Úc sang chủ trì buổi lễ. Chính phủ New Zealand trợ cấp cho người già với thủ tục đơn giản, ai ở trên ba năm thì có hưu. Nhu cầu vật chất không lớn bằng nhu cầu tâm linh. Thế mà có một người hiểu được nhu cầu đó. Người đó là một người bán hàng ăn, ông Hai vốn nổi tiếng với nghề nầu phở ngon ở Saigòn trước 75. Hàng phở của ông đông khách, từ cái nghề tưởng tầm thường ấy ông nuôi một vợ và các con ăn học đến chốn. Con người đó lại nhìn ra được nhu cầu tâm linh bao đời của người Việt, là lòng mộ đạo. Vận động trong giới Việt kiều, được  thầy Phước Huệ trợ duyên, ông mua một khu đất trong bình nguyên Lowerhutt. Xây được cái móng chùa, mua tượng Phật Như Lai, tượng Phật Bà Quán Thế Âm, rồi làm thêm một hội trường nhỏ phía sau để sinh hoạt tạm thời. Từng ấy năm trôi qua, cho đến nay, hội trường vẫn là chốn sinh hoạt chính, là nơi chốn trở về  cho những người già, chính tại nơi này, họ đọc kinh, làm lễ cúng phật sau đó dùng các món chay do bà Hai nấu. Bà Hai nổi tiếng nấu ăn khéo và ngon. Các món chay do bà làm ra cúng Phật được mọi người hưởng ứng tích cực.

Những ngày tụ họp nhau dưới mái hội trường mà người ta quen gọi là – Chùa ông Hai – là những dịp để người trẻ và người già cách  nhau hai thế hệ gần nhau hơn, ít nữa các em hiểu được nhu cầu đời sống bên trong của cha mẹ mình và của bản thân mình quan trọng đến thế nào. Đến chùa là cách hay nhất để tu tâm dướng tánh và hiểu được lí Vô Ngã. Buồn thay, nỗi chưa có chùa. Mặc dù vậy, không năm nào ngày Phật Đản sanh lại không đông, năm nay ông Hai có các em sinh viên rủ nhau đến làm thêm rạp phía ngoài.  Ở VN xây một ngôi chùa thì dễ dàng hơn nhiều, đa số người Việt Nam theo đạo Phật. Tỉ như chùa Thiên Minh có hơn ba ngàn đạo tràng, chưa kể số ở xa, trong nước và ngoài nước. Vì lòng từ bi, nhận thấy hàng năm các phật tử nô nức đến mừng Phật đản sanh mà chỗ ngồi và đứng phía ngoài sân chật hẹp, nhà sư đã cho mở rộng chùa, xây thêm dãy nhà tăng , mở rộng nhà bếp, nhà ăn phía sau. Vận động các phật tử, riêng ở Huế là một điều khá dễ dàng. Người góp tiền, người góp của, kẻ góp công, chẳng mấy mà ngôi chùa đã được dựng lên. Chùa sư áo vàng đi lên một quãng đường nữa – chỗ ngọn đồi có tượng Phật đứng phật  nằm cũng vừa mới xây thêm bảo tháp, kiến trúc kiểu Ai cập cổ đại – kiểu Á lai Âu do một phật tử đứng ra vẽ kiều thầu làm. Nói như vậy để thấy rõ hơn cái khó khăn khi muốn xây một ngôi chùa ở nước ngoài. Riêng ông Hai, một lòng với đạo chỉ cần thêm sự trợ duyên. Ở Aukland đã có chùa và thầy trụ trì, nhờ vào những người Việt  và Hoa kiều giàu có đóng góp.

Do thời tiết, hạ tuần tháng 5 lễ Phật Đản mới tổ chức. Số sinh viên đến dự lễ khoảng  năm mươi em. Ngày hôm trước họ rủ nhau đến cào bớt lớp bùn đọng trên quãng đường hẹp từ phía ngoài vào, dựng trại, bởi hội trường hẹp chỉ có chỗ chứa khoảng năm chục người. Các bà già trên 80 trong đó có bà cụ Phương già nhất, 96 tuổi, người vẫn còn khang kiện. Giọng nói rõ ràng, bà cụ thuộc kinh không thua người trẻ. Bà cụ Hậu, bà cụ Hòa, bà cụ Hai, các bà cụ khoảng mười bà rất siêng đi chùa, tụng kinh. Thầy Phước Tấn được mời từ Úc sang, làm lế tắm Phật. Thầy mời bà cụ Phương là người già nhất lên làm lễ. Thầy dạy: “Tắm Phật là tắm gội cho tâm mình được thanh tịnh”. Lần lượt các bà cụ được mời lên làm lễ tắm phật. Không khí ấm cúng, rất vui dù bên ngoài mưa như trút. Sau khi lế tắm phật xong thầy bắt đầu thuyết pháp. Bên ngoài trời tối dần, bên trong lán trại phía ngoài các em sinh viên chăm chú nghe lời thầy giảng quên cả lạnh. Chỉ khu Newtown xung quan được bao bọc bởi đồi núi, nhà cao cách mặt đường 3 mét là  đỡ rét, chứ ở khu Lowerhutt trời lạnh hơn nhiều. Sau phần sư thuyết giảng mới đến phần tụng kinh. Kinh sách ở đây khá đầy đủ, các em SV tự động vào lấy kinh và lấy áo tràng phát cho mọi người và cho mình.

Cuối cùng kết thúc buổi lễ là bữa cơm tối. Những món bà Hai làm được phật tử các giới ủng hộ nhiệt tình. Các món chay VN đem đến cho người thưởng ngoạn bao nhiêu tình ý đậm đà! Nào miến rong nấu với phở, nước dùng ngậy mùi nấm hương, nấm rơm. Khuôn đậu nấu cari dùng với bánh mì, bánh lọc nhân đậu xanh , món gỏi trộn của chị Hải, miến trộn...đủ các thứ. Lòng nhớ quê hương hoà trong  tấm lòng mộ đạo, mọi người nhìn lên Phật đài, cúi mình đảnh lế Phật Thích ca Mâu Ni với tất cả lòng kính ngưỡng. Nơi đây là một xã hội Việt Nam thu hẹp, một ngày vui và có ý nghĩa hơn mọi ngày. Vào ngày này mà tất cả các người con Phật cùng ngồi lại với nhau. Một ngày để mọi người lắng lòng mình lại, xem xét lại những việc đã làm, đã qua, để từ đó giảm bớt bao nhiêu kiêu mạn lẫn tham si. Một ngày ở quê người mà niềm vui vô hạn. Ai cũng thấy mình được gần nhau, được sưởi ấm, được yêu thương, như sau khi làm lễ tắm phật, là tắm gội cho tâm hồn được sạch sẽ tinh khôi! Sau khi thọ trai xong, các em chồng tất cả bát dĩa – phần lớn là dĩa muỗng, dao – ra các chậu rửa chén bên ngoài, dưới mái hiên vừa che tạm một tấm bạt trong khi trời càng tối mưa càng dữ. Không ai thấy lạnh, niềm vui lớn biết chừng nào đã triệt tiêu bao chướng ngại.

Thế mà ở đó chỉ là một hội trường nhỏ. Không phải là một ngôi chùa lộng lẫy óng ánh các mảnh ốc xa cừ, các mảnh sành sứ lấp lánh đủ màu trên cổng tam quan. Rồi bỗng nhớ thơ thầy Nhật Tân:

“ Hôm nay em đi đến chùa

Dọc đường rơi rụng hơn thua..”

Thật giản dị đến vô cùng! Và nhớ thiền sư Mãn Giác:

“Mái chùa che chở hồn dân tộc”...

Biết đến bao giờ, những tấm lòng vàng ở đâu đó trên địa cầu, ghé lại đây, cùng nhau trợ duyên cho thủ đô Wellington có một mái chùa?! Cùng giúp cho bà con Phật Tử xa xứ bởi không ai đủ can đảm lái xe bốn tiếng đồng hồ lên  Aukland dự lễ Phật đản tại một ngôi chùa đẹp vừa xây xong, sư trụ trì là người Việt, bỏ mặc ông Hai với hội trường chật hẹp mà ấm cúng tình người, bà Hai với những món chay, món  xốt, món cari nấu nước cốt dừa tuyệt hảo. Có thể hình dung bà nấu các thức cúng Phật với tất cả lòng thành ỏ tuổi gần tám mươi, cứ nhìn  cách bà múc nước phở ngọt thơm mùi nấm cấn thận rưới vào các tô miến cho người khác ăn( chứ không phải cho bà) thì biết.

Tối chủ nhật cùng tuần có thầy Huyền Diệu qua thuyết pháp, chỉ tiếc vì sáng thứ hai nàng phải ra phi trường lúc 4 giờ sáng nên không có cái duyên gặp thầy để nghe bài nói chuyện và xin thầy chút trợ duyên cho ông Hội trưởng hội Phật giáo VN tại Wellington mà thôi!..

Vẫn thơ thầy Nhật Tân.

“Chùa tôi còn có quê tôi

Quê tôi còn có chùa tôi muôn đời”.

Ai đi xa mà không nhớ quê nhà? Ai xa xứ mà không cần đến một ngôi chùa - “ Mái chùa che chở hồn dân tộc” như Thiền sư Mãn Giác đã viết?!

Hội trường ở đó chỉ đông hai tuần một lần; không phải vì vậy mà kém vui, trái lại, không khí dường như được hâm nóng lên bởi những người có cùng một niềm tin mãnh liệt vào hiện tại - cùng nhau đến dưới một mái chùa dù chỉ là một hội trường nhỏ bé. Trong tình cảm yêu thương đùm bọc ấy Trúc nhớ đến câu thơ của thiền sư Mãn giác đời Lý:

“Mái chùa che chở hồn dân tộc.

Nếp sống muôn đời của tổ tông.”

Hội trường tuy nhỏ bé (đến ngày lễ Phật đản ông Hai phải nhờ sinh viên đến dựng thêm rạp) vậy mà có sức chứa hàng trăm người. Lễ Phật đản được tổ chức khá cảm động và thân mật. Mái  chùa ấy không tạm bợ chút nào, trái lại nó còn che chở và tăng thêm sức mạnh của tình yêu thương nơi mẹ nàng, nơi bà Hòa, bà Hạc, bà Hai...Trong ngày lễ Phật ở chốn xa xôi, chỗ đất lạ quê người Trúc không có cảm giác xa lạ. Chưa bao giờ Trúc dự một ngày lễ tuy đơn sơ song không phải là không trang nghiêm và cảm động đến thế. Không có đèn ú như ở quê nhà, không có sân khấu, không có gia đình phật tử trình diễn văn nghệ, không có bài Trầm hương đốt được hát lên...Không gì cả, tất cả mọi cái gọi là hình tướng, hay nghi thức cho rộn ràng thêm ấy. Lễ trang nghiêm long trọng với vị sư ông Hai  mời từ Úc sang. Lần đầu tiên nàng chứng kiến lễ tắm Phật và hiểu được ý nghĩa của lễ tắm Phật. “Tắm Phật là tẩy rửa cho tâm hồn được thanh tịnh”. Thế mà có nhiều em nhớ nhà. Trúc cũng cảm động bồi hồi.

Trong giấc ngủ đêm hôm ở  xứ người lần đầu tiên sau nhiều năm xa mẹ nàng cảm thấy hạnh phúc, tuồng như mình đang trở về ngôi nhà cũ ngoài Huế.  Lần đầu tiên Trúc cảm thấy thật sự hối hận vì mấy chị em nàng hiểu mẹ mình quá ít, thay vì sống cho bà trong nhiều năm qua  nàng bận rộn với gia đình riêng, cuộc mưu sinh vất vả mà chỉ có cha mẹ nàng hiểu. Bà đành đoạn bán ngôi nhà của mình gầy dựng trong bao nhiêu năm để ra đi. Sau này khi hai con đã thi đậu vào Đại học nàng mới hiểu,  đối với mẹ nàng Sài Gòn không bao giờ là xứ Huế bởi trước đây nó quá phồn hoa, bây giờ thì quá đông đúc – con người lẫn ngựa xe - bụi bặm và đầy vật chất. Nó không bao giờ biểu trưng cho hồn Huế cả, mà cả cái hồn thiêng sông núi cơ chừng cũng phôi pha! Vạn bấc đắc dĩ mới bán nhà, mẹ nàng nói, ra đi vì con, tương lai của nó. Đem thân nương náu xứ người, bà tái tạo một phương trời riêng trong khu vườn nhỏ phía sau nhà trên đỉnh ngọn đồi. Trí óc còn minh mẫn và trí nhớ còn tốt; bà vẫn giữ thói quen làm vườn như hồi ở VN, trồng su su có rất nhiều trái. Trong mảnh vườn nhỏ ấy không thiếu: ớt lấy giống từ Cali, cải, ngò, rau thơm, rau húng, hành, cà chua...cùng các loại hoa hồng, cúc, lay ơn. Số hoa hồng, hoa đỗ quyên, hoa camelia trong vườn rất nhiều. Mẹ nàng trồng hoa để ngắm chơi những lúc ra vườn ngồi theo  lời khuyên bác sĩ cho có vitamin D.

Thật không đâu mà cuộc tang thương dâu bể xảy ra như cơm bữa, tính bấp bênh và sự thờ ơ gần như một căn bịnh thế kỉ cho bằng xứ sở của nàng. Lũ lụt và bão quét hàng năm giết đi hàng trăm sinh mạng, người ta biết thế mà vẫn phá rừng, phá tan hoang bao nhiêu cây gỗ quý, bao nhiêu thú quý hiếm cũng bị săn bắt. Rồi nạn gạo tăng, nạn tham nhũng, nạn chuyên quyền, nạn lấy đất để làm dự án khiến nông dân nhiều hộ trắng tay...Tất cả mọi dự án gọi là thay trời làm mưa đều có thể gây ra một cái gì đó, điều này, mỉa mai và thay, nông dân lại là người gánh chịu nhiều hơn ai hết. Ở bên này nàng cảm thấy thanh bình. Thanh bình thật sự, không lo ngày mai điện cúp, nước cúp, không  lo gạo cao, dầu hỏa tăng, xăng tăng, đồ ăn mắc, học phí tăng....Cái cảm giác xa lạ ở chốn quê người biến mất khi về tới nhà. Trúc có thể an tâm ngồi bên mẹ, bây giờ bà không  kể chuyện đời xưa nữa, chỉ cuốn len giúp nàng...

Hàng ngày ngồi bên mẹ nàng thấy thương bà lạ lùng, một người mẹ bao giờ cũng là mẹ chỉ mình nàng là chưa đền đáp được gì.

 

  1. Mũi quả trám .

 

Ngày hôm ấy họ đi chơi về miền quê. Đi về quê nghĩa là chuyến đi kết hợp với garasale, tức là những chỗ bán đồ gia đình loại rẻ. Chiếc áo Trúc đan xong rồi và bây giờ nàng có thể mặc đi ra ngoài. Trúc thích phong cảnh miền quê ở NZ, những ngôi nhà kiến trúc kiểu Ý lai Anh, rất xinh xắn và kín đáo dưới những tán cây leo, nấp sau các hàng rào bằng gỗ thông màu trắng. Miền quê NZ có rất nhiều cây đỏ lá, thanh bình, những ngôi nhà và các thảm cỏ xanh non. Sự yên tĩnh có thể gọi là lí tưởng, yên tĩnh với làn không khí trong lành không bụi bặm.  Nhà cửa hầu hết nằm trên đồi cao khúc khủyu và dốc. Hai chị em đi về thị trấn  Sir. Johnson bằng tàu hỏa chơi một ngày. Họ đi bộ xuống phố đón xe bus. Xe bus cứ 5 phút có một chuyến, mọi người lên xe sắp hàng đợi tài xế thu tiền,  phát vé mới tìm chỗ ngồi. Xe bus rộng, chỗ ngồi có lò sưởi nên  rất ấm. Trên xe Thùy Miên kể chuyện có một lần khi xuống xe mới sực nhớ quên cái ví trên xe, chị điện lại cho công ty xe khách. Công ty hỏi chị số xe bus chị đã đi( số xe ghi trên vé ) rồi 5 phút sau người tài xế hẹn chị ở một ngã tư gần đó. Chị đến gặp, trước con mắt ngạc nhiên của chị ông tài xế xe khách thản nhiên mở cốp xe ra: trong cái cốp ngoài  chiếc ví của chị, ông ta nói còn khoảng hơn một trăm rưỡi cái của người khác bỏ quên! Số tiền 150 đô NZ còn nguyên. Ông ta cười nói, họ bỏ quên đủ thứ trên xe tôi, tôi cho vào cốp xe là an toàn.

Họ đến trạm xe lửa, cũng 15 phút một chuyến, mua vé rồi ngồi đợi. Xe lửa đến, Trúc thấy xe lửa ít người đi song lại có nhiều chuyến đi về. Trên xe lửa cũng như trên xe bus, có lò sưởi, rất sạch sẽ và yên tĩnh. Đi xe lửa Trúc tha hồ ngắm cảnh miền quê. Họ đến thị trấn Sir Johnson lúc 12 giờ, ăn trưa trong nhà hàng Trung hoa, món ăn rẻ và ngon. Ăn xong họ đi các cửa hàng từ thiện xem đồ, vào các tiệm bán vải len xem các mặt  hàng. Thị trấn Sir Johnson nhỏ và thanh tĩnh, không náo nhiệt như ở thủ đô, những  đường phố sạch đẹp và luôn có cây xanh. Hai chị em vào hàng bán quần áo phụ nữ, chỉ xem cho biết các món thời trang, vào cửa hàng từ thiện. Trúc như mê những món đồ gỗ trong tiệm. Giá tiền của các thứ đồ gỗ rẻ so với quê nhà. Chị nói Wellington là nơi của rừng và gỗ thông. Các món đồ đóng bằng thứ gỗ thông có hóa chất bảo quản không độc, dùng rất bền. Nơi này không có nạn phá rừng hay bẻ hoa dại, môi trường sống của người dân được bảo vệ. Hiệu ứng nhà kính tuy có ảnh hưởng song việc thử nghiệm nguyên tử và tia phóng xạ gây ô nhiễm không có. Thành ra hàng năm số người ở châu Âu và châu Mỹ du lịch sang đây vào dịp lễ Giáng sinh không phải là ít, ngày càng có nhiêù du khách đến vì sự quyến rũ của hệ sinh thái.

 

Hai chị em mua thêm một ít len và vải trước khi về. Số tiền phải chi ra không nhiều mà mua được các thứ cần dùng. Hàng Trung quốc xuất khẩu qua đây cũng nhiều. Trúc nói có lẽ nàng đan thêm vài cái áo trước khi về VN. Một ngày rong chơi đúng nghĩa, không bị thời giờ thúc bách, không phải lo cơm nước, không phải bận tâm chuyện đi chợ ngày mai ăn gì. Ở một xứ nông nghiệp, trồng rừng không bị nạn phá rừng, ăn trái nho tươi và uống rượu nho không lo người ta bỏ vào đó thuốc trừ sâu. Dùng trái cà rốt, cà chua, củ khoai tây yên lòng. Người nông dân không lo đất mình có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào bởi một doanh nhân thông qua chính quyền cần làm dự án gì đó...mà họ không có quyền phản bác. Không lo lũ lụt đến viếng, nơm nớp chuyện các hồ thủy điện có thể tức nước vỡ bờ gây nguy hại ...Một nơi luật pháp bảo vệ  cho người dân. Chính phủ khi muốn xây dựng một công trình gì hay thực hiện một dự án nào dù mang tính cách quốc gia hay không người dân đều biết. Có một lần bà thị trưởng lên TiVi hỏi ý dân về chuyện chính phủ muốn sửa sang lại một bệnh viện tại thủ đô cho lớn rộng và tiện nghi hơn, người dân phản hồi lại trên báo họ đã quen với bệnh viện ấy trong mấy chục năm rồi. Thế là dự án ấy bãi bỏ. An sinh xã hội rất tốt. Chính tại nơi này mà ông Nhàn có thể đi bộ xuống công viên Newtown, ông cảm thấy thoải mái vì được tự do thong dong, không sợ bất cứ chiếc xe nào tới híc mình bất tử; không cảm thấy bị thời gian hối thúc. Đi ngoài đường dạo chơi không sợ bị xe đụng hay cướp giật, một xã hội nơi mà sự oán thù rửa hận rất ít hầu như không.

 

Rồi cũng đến ngày về. Điều khiến nàng lưu luyến, kì lạ thay, ngoài ngôi nhà ở phố Newtown của mẹ đã đành mà còn ngôi chùa ở Lowerhutt.

 

Quý hóa thay Phật tánh và cao cả thay cái tâm con người. Dù ở bất cứ nơi nào thì cái Hồn Việt ẩn tàng trong niềm tin tuyệt đối vào giáo lí của đức Phật không bao giờ mất đi, trái lại còn phong phú hơn bao giờ hết.  Trúc nhớ mãi điều ấy khi về VN.

Mũi sọc chiếc...

Huế 18/12/2009

Hương Tâm