Gã cùng tử trở về


alt

Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách
Nhật viễn gia hương vạn lý trình.
Lang thang làm khách phong trần mãi,
Ngày một thêm xa chốn quê nhà
.

Cuộc sống là hành trình ra đi mà ít khi nhớ quay trở lại, có nhớ chăng thì đêm tối đã tràn đầy mà đường về hãy còn tít mù khơi. Cảm thức ra đi đã bám sâu trong cội nguồn của mỗi tâm thức, cho nên, kể từ khi cảm nhận được ngoại cảnh, trí óc con người đã bắt đầu đấu tranh, suy nghĩ để khơi nguồn cho hành trình ra đi ấy - một sự ra đi cứ xa mãi trung tâm của cuộc sinh hóa.

Ý thức con người là kẻ tiên phong cho hành trình viễn chinh của óc suy luận, để lại ở quê nhà gốc rễ tâm linh. Từ khi biết suy tư, trí óc con người luôn luôn muốn phần thắng về mình, nó ra đi với lòng háo hức. Nó hung hăng, mạo hiểm kiếm tìm chút bình yên trong ảo hóa. Đó là hình ảnh gã Cùng Tử trong kinh Pháp Hoa trải qua năm tháng, vì cuộc sinh tồn mà quên khuấy đi người cha già của mình; là thế giới nhị nguyên của các tư trào ở Tây phương, để rồi hình thành cái thế đối lập Duy tâm-Duy vật. Đứa con ra đi, tìm kiếm suốt bao dặm trường mà cái cơ hàn vẫn đeo đẳng, để mặc cha già luôn hướng vọng tìm con. Người cha vẫn hiển hiện đấy nhưng mà con nào đâu có thấy! Làm sao mà thấy được khi đứa con cứ đi xa mãi! Bao bụi trần đã lấp vết thời gian. Nó đã quen với cuộc sống cơ hàn tủi nhục, lòng nó choáng ngợp không dám đón nhận cái thân tình từ đấng Oai Nghiêm; cũng như trí óc con người đã quen với lối suy tư duy lý, nó không còn biết trực nhận linh cảm tươi nhuận từ bản thể thiêng liêng. Nó nhận thức sự vật thông qua những khái niệm, biểu tượng - đó là hình thức trừu tượng hóa cái đa thù. Cái đa thù trở thành khô chết trên mặt biểu tượng. Đứa con “ý thức” thông minh đã bị cơ giới hóa, lòng nó trở nên khô rạn như những cánh đồng hoang liêu dưới sức thiêu đốt của ngày hè. Những gì không thuộc phạm vi biểu tượng của nó thì nó không tiếp cận được. Nó không thấy, không biết. Nó như một người mù giữa đêm hội hoa đăng. Tất nhiên, đứa con không thấy được người cha bởi vì cha của nó tràn ngập cả hư không, phủ trùm mọi hệ thống biểu tượng èo uột. Cái rất lớn rất gần thì mắt thường không thể thấy được, nó trở thành cái mù mịt xa xăm.

Ý thức hay đứa con chính là tri thức, cái thấy biết dựa trên khái niệm, trên sự so sánh đối chiếu; còn người cha chính là kinh nghiệm, một sự trực nhận thực tại như bản thân nó vậy, là pháp nhĩ như thị, toàn thể, linh động, sáng suốt, bình đẳng và vô phân biệt. Tri thức có thể là tri thức về kinh nghiệm nhưng luôn luôn ở ngoài kinh nghiệm. Bao giờ đứa con đi hoang trở về nhà thì tri thức mới là kinh nghiệm; và khi ấy thức mới trở thành trí, đó là thành sở tác trí, diệu quán sát trí, bình đẳng tánh trí và đại viên cánh trí. Đứa con sẽ được thừa hưởng gia bảo từ người cha, sẽ không phải lang thang tảo tần với sinh kế.

Thực tại vốn vô ngôn, nhưng vì muốn gọi đứa con quay về nên phải bị ép uổng cho cuộc hôn phối với tri thức, đó là tri thức về thực tại mà người cha đã khôn khéo hóa ra. Người thể nghiệm thực tại dựng lên hệ thống tín điều, đức lý để cho phù hợp với hệ thống biểu tượng ước lệ của con người duy lý. Bằng sự miệt mài cần mẫn, người kinh nghiệm hướng dẫn kẻ truy tìm trở lại trực nhận tự tâm, trực nhập và tiếp nhận suối nguồn uyên nguyên của Pháp thân mầu nhiệm, cũng như người cha bao dung khéo léo chỉ đường cho đứa con đi hoang trở về nhà.

Để thể nhập chân lý, sau khi đã làm quen với hệ thống giáo điều, trải qua sự hành trì các tín điều đó, kẻ tri thức cần được khai mở bằng con đường phi lý trái ngược lề lối suy tư trước đây. Hệ thống biểu tượng được tổ chức lại theo một lối mơ hồ óng ánh. Trong môi trường đó, trí óc không thể suy nghĩ được nữa. Nhờ vào sự giáo huấn mà bản thân đã tiếp nhận, nó phá vỡ rào cản tri thức duy lý để thể nhập vào thực tại. Đứa con được dẫn về nhà và giao cho các công việc của đứa ở, lần hồi thân cận, đến khi có thể gánh vác các công việc lớn thì người cha cho hay nó chính là đứa con trai duy nhất của mình. Để giúp người truy tìm thực hiện cú nhảy đó, đức Phật đã “niêm hoa vi tiếu”, các Thiền sư thì sử dụng các công án hay lối đánh đập la hét. Đó chính là con đường siêu lý, con đường trực nhập thể tánh uyên nguyên.

Và suối nguồn uyên nguyên chỉ tưới mát những ai đã từng nằm mơ về nó.

Hướng Thiên