Thiền và Lạc

 13-Nhân QuảaltTrong lần vận chuyển bánh xe pháp đầu tiên tại Vườn Nai, đức Thế Tôn đã nêu ra 4 phạm trù về Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Điều này không có nghĩa Ngài phủ nhận hạnh phúc trong cuộc sống khi bảo sống là khổ đau. Trái lại, Ngài chấp nhận có những hình thái khác nhau về hạnh phúc cả vật chất và tinh thần, cả cho người thế tục và cho người xuất thế. Kinh tạng Nikàya có đề cập đến các loại lạc (sukha) khác nhau tùy theo cảnh giới hay tâm trạng của con người:

- Dục lạc (kāmasukha/nandi): Niềm vui giác quan thuộc cõi dục.
- Thiên lạc (Devasukha/rati): Niềm vui cõi trời.
- Thiền lạc (samādi-sukha/pìti): Niềm vui thiền định hay lắng tâm.
- Giải thoát lạc (vimuttasukha/ Nibbāna-sukha): Niềm vui chứng đắc viễn ly, thoát khỏi mọi trói buộc bởi tham ái hay chấp thủ.

Trong phạm vi bài viết này, chúng ta chỉ bàn về Dục Lạc và pháp đối trị nó, đó là pháp thiền.

Dục lạc và phương pháp thoát ly dục lạc là đề tài được nói đến rất nhiều trong kinh tạng Pàli. Rất nhiều bản kinh, đoạn kinh và câu kinh thuộc kinh tạng Pàli đề cập vấn đề này. Đức Phật từng nếm trải lạc thú thế gian, hiểu rõ vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của nó nên dục lạc và phương pháp thoát ly dục lạc là đề tài mà Ngài rất quan tâm giảng dạy cho các học trò mình. Một thông tin từ bản kinh Xà Dụ cho biết: “Thế Tôn đã dùng nhiều phương tiện thuyết các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, do vậy nguy hiểm càng nhiều hơn. Thế Tôn đã thuyết các dục được ví như khúc xương... Thế Tôn đã thuyết các dục được ví như một miếng thịt... Thế Tôn đã thuyết các dục được ví như bó đuốc cỏ khô... Thế Tôn đã thuyết các dục được ví như hố than hừng... Thế Tôn đã thuyết các dục được ví như cơn mộng... Thế Tôn đã thuyết các dục được ví như vật dụng cho mượn... Thế Tôn đã thuyết các dục được ví như trái cây... Thế Tôn đã thuyết các dục vọng được ví như lò thịt... Thế Tôn đã thuyết các dục vọng được ví như gậy nhọn... Thế Tôn đã thuyết các dục được ví như đầu rắn, vui ít khổ nhiều, não nhiều và do vậy, nguy hiểm càng nhiều hơn.”

Về phương pháp thoát ly dục lạc, đức Phật cũng cho thấy một kinh nghiệm rất thiết thực. Trong Tiểu Kinh Khổ Uẩn, Ngài đã nói rõ về kinh nghiệm ấy: “Này Mahànàma, thuở xưa, khi Ta còn là Bồ-tát, chưa chứng được Bồ-đề, chưa thành Chánh đẳng Chánh giác, Ta khéo thấy với như thật chánh trí tuệ: ‘Các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm ở đây lại nhiều hơn,’ dầu Ta có thấy với như thật chánh trí tuệ như vậy, nhưng Ta chưa chứng được hỷ lạc do ly dục, ly ác bất thiện pháp sanh hay một pháp nào khác cao thượng hơn. Và như vậy Ta biết rằng, Ta chưa khỏi bị các dục chi phối. Và này Mahànàma, khi nào Ta khéo thấy với như thật chánh trí tuệ: ‘Các dục, vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm ở đây lại nhiều hơn,’ và Ta chứng được hỷ lạc do ly dục, ly ác bất thiện pháp sanh hay một pháp nào khác cao thượng hơn, như vậy Ta khỏi bị các dục chi phối.”

Như vậy, ngoài việc hiểu rõ vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly, thì việc hành thiền hay điều phục tâm là phương pháp thoát ly dục lạc, con đường thực hiện hạnh phúc an lạc ngay giữa cuộc đời đầy biến động bởi động cơ dục vọng. Đức Phật đã chứng thực điều này và nêu rõ:
“Tâm hoảng hốt dao động,
Theo các dục quay cuồng;
Lành thay điều phục tâm,
Tâm điều, an lạc đến.”

Vì thế, bài viết này nhằm giới thiệu sự đóng góp của Đạo Phật cho con người và cuộc đời, bằng cách chứng minh rằng dục lạc hay thú vui giác quan là thực tế nhưng không phải hoàn toàn quan trọng đối với con người, bởi, ngoài dục lạc hay thú vui giác quan, con người có thể thừa hưởng nhiều niềm vui khác siêu việt dục lạc, một giải pháp tuyệt đối cần thiết nhằm nâng cao phẩm giá con người và hạn chế tối đa mọi khủng hoảng ô nhiễm hiện tại của thế giới cơ bản do lòng tham không đáy của con người gây ra. Và cũng xin khẳng định thêm rằng, chính phương pháp này là con đường đi đến hoàn toàn giác ngộ mà đức Thế Tôn đã từng đi qua.

Trước khi trình bày về sự chế ngự của thiền đối với dục lạc, chúng ta hãy tìm hiểu thế nào là dục lạc và nhìn nhận những bế tắc của nó khi chưa có phương pháp giải tỏa.

I. DỤC LẠC

Dục lạc là sự ham muốn giác quan, sự thỏa mãn của giác quan mà ở đó không có điểm dừng nào, chưa có sự giải đáp nào được xem là thỏa mãn, là đủ rồi để dừng lại. Ham muốn của con người là một vòng xoáy mở rộng hình con nước khi ném một hòn đá vào, ban đầu nhỏ nhưng rồi lan rộng dần, với sự tiếp sức từ nguồn nội lực của ham muốn, ham muốn cứ tỏa rộng ra dần làm biến động, xao động mặt hồ vốn tĩnh lặng. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Đức Phật dạy: Con người hiện diện ở đời như một người khát nước ở ngoài biển khơi đang uống nước mặn. Càng uống càng khát, nước mặn không phải là thức giải khát nhưng con người vẫn cứ uống. Con người ở đời cũng vậy: ham muốn cảm giác và ham muốn sự vật, đáp ứng nó không phải giải pháp để giải tỏa cho lòng tham, đó không phải là lời giải đáp cho nỗi khổ đau. Dục vọng là nguyên nhân của khổ đau nhưng thỏa mãn nó lại là sự nuôi lớn khổ đau, vì dĩ nhiên, sự thỏa mãn đó chưa bao giờ thật sự thỏa mãn mà ngược lại, vừa được thỏa mãn lại trở nên khao khát.

1. Về dục lạc thuộc cảm giác

Khi nói về sự thỏa mãn của dục lạc, người viết muốn trình bày phần này riêng về dục lạc thuộc cảm giác để tạm khu biệt những ham muốn khác cũng để phục vụ ham muốn con người nhưng có vẻ gián tiếp hơn, trừu tượng hơn lãnh vực này.

Dục lạc thuộc cảm giác người viết muốn đề cập ở đây đó chính là sự ham muốn thỏa mãn về sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc êm dịu; năm thứ này là nhân tố chính của sự ham muốn và cảm giác ở đây có phần nghiêng nặng một chút về thân xúc.

Mắt ham sắc đẹp, nhu cầu đó tăng dần lên, thấy cái này đẹp rồi một thời gian thấy cái khác đẹp hơn tức có sự thay thế về cách nhìn cái đẹp, thị hiếu con người là vậy. Với tai thích tiếng, hay mũi, lưỡi… cũng vậy, thích, thỏa mãn rồi thích, ham muốn này là nấc thang để bước lên ham muốn khác cao hơn. Ham muốn trở thành thực nghĩa của sự sống, là sự đòi hỏi - đáp ứng - và đòi hỏi. Ở một chừng mực nào đó, ham muốn và sự thỏa mãn các giác quan là cần thiết, nhưng tới một mức nhất định, ham muốn thỏa mãn cảm giác là sự sa đoạ, là sự suy thoái đạo đức mà con người cần thức tỉnh. Do đâu mà trai gái làng chơi tìm vào sự thỏa mãn nhục dục, nạn mại dâm, làm nhức đầu các nhà chức trách trên thế giới? Do đâu mà những kẻ nghiện ngập lạc đường vào quỹ đạo của cảm giác ma túy? Đó chính là những cảm giác dục lạc được làm thỏa mãn. Thỏa mãn dục lạc không bao giờ dừng lại mà luôn dẫn đến nguy cơ trượt dài, làm suy thoái cả một nền đạo đức mà loài người nói chung cố tìm cách khắc phục. Đó là hệ quả đơn cử về sự thỏa mãn dục lạc thuộc cảm giác.

2. Về dục lạc thuộc danh dự

Con người trong xã hội hiện nay học tập, nghiên cứu… cố chạy theo học hàm học vị, vì đầy dẫy lòng tự trọng, sợ tổn thương và dễ tự ái, cộng với lòng tham vượt khả năng của mình, nên khi đời sống phát triển, trí tuệ được xem là nhân tố chủ lực. Người ta thi nhau nâng cao trình độ, bằng cấp trở thành một minh chứng cho trình độ của mình, thế là người ta lại cố vươn lên với tấm bằng này nọ, nạn phao trắng trường thi, nạn học giả thi thật, bằng giả bằng thật đánh lận con đen, tạo nên một không khí nhếch nhác trong giáo dục, nền giáo dục trở nên mất uy tín do bằng cấp không phù hợp với khả năng. Đó chính là hậu quả của lòng ham muốn danh dự, sự ham muốn vượt quá khả năng của mình.

3. Về dục lạc thuộc sự vật

Vật chất là thứ cần thiết phục vụ đời sống con người, với mục đích đem lại đời sống hạnh phúc cho con người. Thay vì ăn xong là rửa chén bát, con người đã phát minh ra máy rửa chén, cần giặt đồ có máy giặt đồ, cần lau nhà có máy lau nhà, cần lên lầu có thang máy,… con người đã đạt đến một nền văn minh công nghệ tột bực, nhưng chưa thấy ai nói như vậy là đủ rồi, con người đã lạm dụng quá đỗi đến vật chất, và hậu quả của nó là chứng Béo phì, Tăng xông hoặc Nhồi máu cơ tim… Con người tự cho mình là chủ nhân của vật chất nhưng vô tình đã trở thành nô lệ nó, chạy theo nó. Con người khi đã có được cái này lại khởi tâm muốn có cái kia, đã có xe máy lại muốn xe hơi, đã có chỗ ở tốt lại đòi biệt thự, v.v… nghĩa là đáp ứng lòng tham để được thỏa mãn. Thấy đủ là một phạm trù rất xa lạ đối với con người, vì tất nhiên rằng chưa hề có sự thỏa mãn tuyệt đối.

Con người hiện hữu ở đời với mục đích sống là hạnh phúc, vì mục đích ấy con người hướng đến sự hưởng thụ vật chất nên chẳng ngại ngần gì trên đường chinh phục thiên nhiên. Con người đã phát minh ra những lãnh vực khoa học mà quên nhìn lại mặt trái của nó để chất độc da cam, hạt nhân nguyên tử tàn phá trái đất này. Khai thác triệt để nguồn tài nguyên thiên nhiên mà quên rằng thiên nhiên là vị thần chúa ghét lòng tham, tài nguyên thiên nhiên đã đem đến cho con người sự sung túc về vật chất, con người tự hào về mục đích, nhiệm vụ và sứ mạng của mình đối với loài người, nhưng thật trớ trêu, vị thần thiên nhiên đã nổi giận. Con người vốn dĩ yêu hòa bình, thích hạnh phúc, ai cũng biết vậy nhưng làm gì có hòa bình và hạnh phúc khi bạn lại luôn gây chiến tranh, lòng ưu đãi của thiên nhiên đã bị tổn thương khi con người đã tấn công khai thác cạn kiệt, thiên nhiên đã nổi giận với con người, những trận động đất, núi lửa, sóng thần,… xảy ra liên tiếp để trừng trị lòng tham của con người. Vậy, con người chinh phục thiên nhiên hay thiên nhiên chinh phục con người? Trận chiến này ai thắng ai thua dĩ nhiên đã có lời giải đáp. Xưa nay loài người tự hào là đã chinh phục được thiên nhiên. Vâng, đó là khát vọng của con người, nhưng một minh chứng hùng hồn để lật đổ luận điệu này là những dòng thời sự về sóng thần Ấn Độ Dương, về động đất và núi lửa. Với hình ảnh ông cụ đánh cá, Hemingway đã dàn dựng ra một hoạt cảnh con người đọ sức với thiên nhiên, trải qua mấy ngày liền gây chiến trên mặt biển dậy sóng, cụ già của Hemingway đã chiến thắng trở về với tâm trạng phấn khởi đầy kiêu hãnh sau mấy ngày hao tâm tổn lực, nhưng thật trớ trêu, chiến lợi phẩm của cụ bấy giờ là một bộ xương thay vì một con cá lớn, biển cả đã lấy lại tất cả!

Khác với Hemingway, ông lão câu cá của Nguyễn Khuyến đi câu cá trong một không gian hiền hòa và yên tĩnh của một làng quê Việt Nam, mặt hồ tĩnh lặng, ngõ trúc vắng teo, một vài lá trúc thỉnh thoảng đưa vèo, và một vài con cá chốc chốc đớp động dưới chân bèo, tất cả đều như hòa vào nhau để tạo ra một bức tranh bình yên của cuộc sống. Con người đến với thiên nhiên với một tâm trạng hòa hoãn và thiên nhiên cũng chẳng hẹp hòi gì với anh bạn nhỏ bé này, cả hai hòa vào nhau như một đôi bạn. Đúng vậy, con người cần là bạn của thiên nhiên, chỉ khi làm bạn với thiên nhiên con người mới được tiếp thêm sức mạnh. Bởi, chính thiên nhiên là nguồn lực của con người, là hơi thở, là bầu khí quyển chung quanh con người, thiếu nó là mạng sống chấm dứt. Đã đến lúc con người cần quay lại với thiên nhiên để được tiếp thêm sức mạnh. Con người đã quá tham lam, đáp ứng quá nhiều cho lòng tham và đã trượt dài theo vật chất. Đó chính là nhân tố tạo nên cuộc khủng hoảng môi sinh mà đến bây giờ con người mới sực tỉnh, tìm cách làm hòa, tái tạo hành tinh đã bị tổn thương này.

Trên đây người viết không hề phủ nhận những thành công của con người, nhưng vấn đề đặt ra là con người đã tiến quá xa, đã lạm dụng quá nhiều và giá phải trả quá đắt. Chúng ta thấy rằng dục lạc khi được đáp ứng, được thỏa mãn thì chỉ nuôi lớn thêm dục lạc mà thôi, ham muốn - đáp ứng - và ham muốn, đó là một vòng tròn mở rộng. Thỏa mãn ham muốn trở nên thực nghĩa của cuộc sống để tạo thành dòng luân hồi quay mãi trong khát khao, đòi hỏi và thúc bách mà chưa từng dừng lại bao giờ. Đó chính là vấn đề mà người viết muốn nói: “dục lạc nuôi lớn dục lạc”.

II. THIỀN LẠC THAY THẾ DỤC LẠC

Dục lạc đã rơi vào bế tắc, bởi vì thỏa mãn dục lạc chỉ để nuôi lớn một dục lạc khác như trên đã chứng minh. Đến đây người viết muốn trình bày một quan điểm của Phật giáo nhằm giải toả bế tắc này, đó là dùng thiền lạc thay cho dục lạc.
Ai cũng hiểu, để duy trì một cuộc sống, cuộc sống đó phải có niềm vui. Nếu dục lạc là niềm vui trần thế để duy trì đời sống trần tục, tôn giáo cũng có niềm vui để duy trì đời sống tôn giáo, hành thiền cũng có niềm vui để duy trì nếp sống tâm linh, nếp sống thiền. Nói đến thiền là nói đến sự tỉnh giác, sự chú tâm và dừng lại. Bấy nhiêu đặc tính cũng đã thấy được thiền có thể chế ngự dục lạc, bởi lẽ do tỉnh giác và dừng lại, ham muốn không thể bị trượt dài, sự tỉnh giác và dừng lại khiến người ta thấy “như vậy là vừa đủ” không tìm cầu gì hơn vì đã đủ rồi cầu làm gì?

Niềm vui của thiền là gì? Đó là sự thảnh thơi nhẹ nhàng, bằng lòng với những gì đang hiện tại. Khi bạn bước chân đi, với đôi chân tiếp xúc với đất, bạn cảm nhận tất cả những cảm xúc này với một niềm hạnh phúc có sẵn: ta được đất nâng đỡ trên thế giới này, với hơi thở vào và hơi thở ra, bạn ý thức được sự có mặt ngay trong hiện tại, hơi thở là sự duy trì để ta hiện hữu trên cuộc đời này, thật trân quý biết bao, hạnh phúc biết bao ta đã thở. Thiền là vậy, chỉ có vậy thôi bạn cũng đã thấy cuộc sống này hạnh phúc và thiêng liêng. Theo bài kinh Tứ Niệm Xứ thực tập thiền với bốn đề mục thân, thọ, tâm, pháp theo hơi thở, người viết muốn giới thiệu ra đây để mọi người thấy rõ sự đơn giản mà diệu dụng của thiền.

1. Quán thân trên thân

Hơi thở vào dài, tôi biết hơi thở vào dài.
Hơi thở ra dài, tôi biết hơi thở ra dài.
Hơi thở vào ngắn, tôi biết hơi thở vào ngắn.
Hơi thở ra ngắn, tôi biết hơi thở ra ngắn.
Cảm giác thân hành, tôi sẽ thở vô.
Cảm giác thân hành, tôi sẽ thở ra.
An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô.
An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra.

2. Quán thọ trên các cảm thọ

Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô
Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra.
Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô
Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở ra.
Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vô
Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở ra.
An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở vô
An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở ra.

3. Quán tâm trên tâm

Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở vô
Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở ra.
Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở vô
Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra.
Với tâm tịnh chỉ, tôi sẽ thở vô
Với tâm tịnh chỉ, tôi sẽ thở ra.
Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở vô
Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra.

4. Quán pháp trên các pháp

Quán niệm vô thường, tôi sẽ thở vô
Quán niệm vô thường, tôi sẽ thở ra.
Quán niệm tan rã, tôi sẽ thở vô
Quán niệm tan rã, tôi sẽ thở ra.
Quán niệm hoại diệt, tôi sẽ thở vô
Quán niệm hoại diệt, tôi sẽ thở ra.
Quán niệm từ bỏ, tôi sẽ thở vô
Quán niệm từ bỏ, tôi sẽ thở ra.

Theo dõi hơi thở và những gì xảy ra với thân, với cảm giác về thân, những gì xảy ra về cảm thọ, về tâm hành, về sự tịnh chỉ, về vô thường và hoại diệt, theo dõi những diễn biến về tâm lý, về cảm giác qua hơi thở để thấy mình hạnh phúc trong hiện tại này và đó cũng chính là hạnh phúc của thiền. Từ những hạnh phúc về thiền như vậy, với sự tỉnh giác, ham muốn dục lạc không thể còn cơ hội để khởi lên trong tâm. Những ham muốn thỏa mãn giác quan nhường chỗ cho sự nhẹ nhàng thanh thản của tâm linh. Bên cạnh đó, khi bạn đạt được sơ thiền, một niềm vui khởi lên trong tâm thay thế cho niềm vui của sự ham muốn gọi là “hỷ lạc do ly dục sanh”, đó là lúc hành giả thật sự xóa bỏ lòng dục, xóa bỏ niềm ham muốn giác quan, có được niềm vui nhờ đã lìa ham muốn. Tuy nhiên, niềm vui từ sự ly dục sanh cũng giống như niềm vui của sự chiến thắng khi vừa ra khỏi chiến tranh, tuy đã ra khỏi chiến tranh nhưng niềm vui đó từ chiến tranh mà có. Niềm vui do ly dục sanh tức nó vẫn còn liên hệ đến dục nên cần phải tu lên thiền nữa để có niềm vui duy trì sự sống là từ định sanh, xa hẳn dục, và cứ vậy đi lên dục không còn dấu vết nữa. Đó chính là lợi ích đích thực của thiền khi nói thiền có công năng đoạn trừ dục lạc, bởi lẽ những thiền lạc trên thù thắng, tích cực, vô hại, hơn dục lạc nhiều. Thiền là con đường đáng tin cậy nhất để dẹp trừ dục lạc bởi vì nó phù hợp với khoa học, đã được thực tập bởi đức Thế Tôn. Ngài đã từng khẳng định tầm quan trọng của thiền ở trên trong việc loại bỏ sự chi phối của dục như sau: “Này Mahānāma, thuở xưa khi còn là Bồ-tát chưa chứng được Bồ-đề, chưa thành Chánh đẳng giác, ta khéo thấy với như thật chánh kiến: Các dục vui ít khổ nhiều, não nhiều. Sự nguy hại ở đây càng nhiều hơn. Dầu ta khéo thấy với như thật chánh kiến như vậy, nhưng ta chưa chứng được hỷ lạc do ly dục sanh hay một pháp nào khác cao thượng hơn. Và như vậy, Ta biết rằng Ta chưa khỏi bị các dục chi phối. Và này, Mahānāma, khi nào Ta khéo thấy với như thật chánh kiến, các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều. Sự nguy hiểm ở đây lại càng nhiều hơn, và Ta chứng được hỷ lạc do ly dục, ly bất thiện pháp sanh hay một pháp nào khác cao thượng hơn, như vậy Ta khỏi bị các dục chi phối. ”

Như vậy, dục lạc chỉ biến mất khi thiền giả có thiền lạc, có sự hỷ lạc ngoài dục. Thiền lạc thù thắng, vi tế và thánh thiện nên dục lạc thấp kém phàm phu phải đầu hàng.

Ham muốn dục lạc bắt nguồn từ tâm vọng tưởng, nên khi có mặt ánh sáng thiền định chánh niệm tỉnh giác, tâm vọng tưởng tiêu tan, những ham muốn về thỏa mãn giác quan phải nhường chỗ cho nhu cầu thánh thiện của tâm linh là điều tất yếu. Pháp Cú kinh, Phật dạy:

“Như mưa xâm nhập vào cái nhà vụng lợp
Cũng vậy dục vọng xâm nhập tâm không tu tập”
“Như mưa không xâm nhập ngôi nhà lá khéo lợp
Cũng vậy dục vọng sẽ không xâm nhập tâm khéo tu tập ”

Ở Trung Bộ I, Phật dạy rằng: “Này các Tỳ Kheo, những Sa-môn, Bà-la-môn nào bị trói buộc, bị tham đắm say mê bởi năm dục trưởng dưỡng, không thấy sự nguy hại của chúng, những vị ấy cần phải được hiểu là: các ngươi đã rơi vào bất hạnh, đã rơi vào tai hoạ, đã bị ác ma sử dụng theo nó muốn. Này các Tỳ Kheo, như một con nai sống trong rừng bị sập bẫy nằm xuống, con nai ấy cần được hiểu là bị rơi vào bất hạnh, đã rơi vào tai họa, đã bị thợ săn sử dụng như nó muốn, khi người thợ săn đến, con nai ấy không thể bỏ đi như nó muốn. Này các Tỳ Kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không bị trói buộc, không bị tham đắm, không bị say mê bởi năm dục trưởng dưỡng này, thấy sự nguy hại của chúng, biết rõ sự xuất ly khỏi chúng và thọ dụng chúng, những vị ấy cần phải được hiểu là nó không rơi vào bất hạnh, nó không rơi vào tai hoạ, nó không bị thợ săn sử dụng như nó muốn, khi người thợ săn đến con nai ấy có thể bỏ đi như nó muốn ”

Người Phật tử không phải nô lệ vào ba tạng giáo điển, không phải chỉ nhắm mắt tin càn mà đức Phật luôn dạy pháp của ngài là “đến để mà thấy” (come and see thing) chứ không phải đến để mà tin, tin hay không là điều bạn tự quyết định sau khi đã thấy và lựa chọn. Đạo giải thoát chỉ đến với những ai thấy rõ và lựa chọn đúng con đường này. Đức Phật đã chỉ ra dục lạc với vị ngọt, sự nguy hiểm và sự tan rã, đó là thực tế của đời sống, chẳng có gì đáng ham mê với những thứ này. Hãy đi tìm một phương pháp, một phong cách sống mà ở đó bạn không thấy dục lạc tàn phá đời sống tâm linh bạn. Phương pháp hành thiền mà người viết nêu trên có thể được xem là một phương pháp giải trừ dục lạc phù hợp với khoa học, với sự thanh lọc cảm thọ để bạn có một đời sống tốt, lành mạnh, với sự thanh lọc tâm để có được một nền tâm linh trong sáng hướng thượng, để dần bước vào con đường thánh hạnh, hạnh phúc hoàn hảo.

III. DIỆU DỤNG KHÁC CỦA THIỀN

1. Nếp sống hiện tại lạc trú

Thiền là nếp sống hiện tại vì chính đặc điểm của thiền như trên đã nói là sống chánh niệm trong hiện tại, hiện tại như thế nào thì cứ để nó y như vậy. “Trong cái thấy sẽ chỉ là cái thấy; trong cái nghe sẽ chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng sẽ chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri sẽ chỉ là cái thức tri. Như vậy là đoạn tận khổ đau ”.

Sống hiện tại lạc trú như vậy là đoạn tận khổ đau, vì rằng khổ đau chỉ có mặt khi tâm thức của người còn phân biệt, so sánh với quá khứ, với tương lai. Hiện tại như thế nào thì cứ để nó y “như vậy”, nó như vậy là không có khổ đau. Bạn thấy một điều gì, nghe một điều gì chướng mắt chướng tai là chỉ khi đó còn có sự phân biệt, so sánh. Pháp hiện tại lạc trú sẽ giúp bạn thoát khỏi nỗi khổ đó bằng cách nhìn trong hiện tại, thấy như vậy trong hiện tại là chỉ biết nó như vậy, đó là cách chấm dứt sự phiền toái, khổ đau.

Với một đặc tính chánh niệm tỉnh giác, thiền dĩ nhiên là sự sáng suốt thấy biết những gì đang diễn ra một cách thấu rõ. Vui với cái gì có trong hiện tại, đó là đặc điểm của thiền, là ưu điểm để con người mỗi khi tìm đến thiền là đã có an lạc giải thoát.

Trở lại vấn đề dục lạc, ham muốn là hướng vọng về tương lai, tìm cầu một cái gì hiện tại chưa có. Sống hiện tại là an lạc, sống trong hiện tại là dẹp được sự ham muốn về dục lạc trong tương lai, đó chính là những gì đề tài này hướng tới. Thiền là nếp sống an lạc trong hiện tại, điều đó cũng có nghĩa rằng ham muốn dục lạc trong tương lai đã ra khỏi phạm vi của thiền, chánh niệm được như vậy là ý thức được hiện tại, tức ham muốn không sinh khởi, không vọng tưởng tương lai.

2. Đối với đời sống xã hội

Cần phải hiểu rằng sống an lạc ngay trong hiện tại là lãnh vực trạng thái của thiền, là phương pháp để phòng hộ tâm không vượt rào vọng tưởng, là phương pháp an trú để tâm không bươn chải theo đuổi quá khứ và tương lai. Hiện tại lạc trú không đồng nghĩa với việc bằng lòng với hiện tại, bằng lòng với những gì đang có, sẵn có để gây ra sự hiểu lầm về thiền Phật giáo có thái độ thụ động, kiềm hãm sự phát triển. Hãy sống đầy đủ trọn vẹn và hết mình trong hiện tại là bạn sẽ gặt hái được kết quả tốt đẹp trong tương lai, vọng tâm nghĩ về quá khứ hay tương lai sẽ là động lực chi phối khả năng trong hiện tại. Giả sử bạn đang vẽ một bức tranh với trạng thái chú tâm, những đường nét của cây cọ cũng chính là đường nét của tâm bạn. Ngay khi vẽ, quá khứ không có mặt, tương lai không có mặt, bạn không suy nghĩ gì ngoài tác phẩm, về những gì quá khứ đã qua, cũng không suy nghĩ đến tương lai như tác phẩm này sẽ trở thành gì chẳng hạn… mỗi đường nét là chính bạn, chỉ chú tâm vào cây cọ, vào đường vẽ. Hoàn tất bức tranh, bạn sẽ nhận ra như đó là một sự xuất thần, bức tranh sống động. Khi vẽ chỉ chú tâm mà bức tranh vẫn thể hiện đầy đủ cả ba thời. Sự xuất thần đó chính là năng lực của bạn đã được sự chú tâm gom lại đem đặt vào bức tranh, đó chính là phép mầu của hiện tại. Sự chú tâm ngay trong khi làm việc là cơ hội để bạn thể hiện tất cả khả năng của mình, nó không bị chi phối bởi thời gian và sự thất niệm, vọng tưởng một cái gì trong quá khứ hay mơ ước cái gì trong tương lai làm bạn xao lãng tâm trong việc làm hiện tại. Thiền như vậy là sự tập trung để khai thác tiềm năng của bạn, đó là nguồn lực cho sự sáng tạo và phát triển, cho nên nếp sống thiền luôn cần thiết cho sự phát triển xã hội hiện nay. Đó là lợi ích của pháp hiện tại lạc trú được áp dụng trong công việc để tách biệt với khái niệm thiền bằng lòng với hiện tại, thái độ thụ động sai lầm mà một số người đã hiểu nhầm về Phật giáo.

3. Đối với việc tu tập giải thoát

Thiền Tứ niệm xứ với phương pháp sống hiện tại lạc trú đóng vai trò quan trọng trong quá trình tu tập giải thoát tâm linh. Phương pháp Tứ niệm xứ theo đề tài quán hơi thở với 16 đề mục như đã trình bày sẽ giúp hành giả tu tập giải thoát, thấy rõ hơi thở vào hơi thở ra, thấy rõ sự chuyển biến của thân, sự thay đổi của cảm thọ vui buồn, với trạng thái tâm xảy ra hiện tại; trong khi thở đó là phương pháp sống trong hiện tại để đẩy lùi các tâm lý xấu, các buồn, giận, sầu, bi… đã xảy ra trong quá khứ và cũng không vọng tưởng đến tương lai. Hiện tại tôi đang sống và đang thở đây tất cả là nhiệm mầu. Tôi không còn bận tâm với những gì đã xảy ra, và những gì chưa xảy ra cũng chỉ là giả pháp, hiện tại tôi đang có mặt bây giờ và ở đây với sự thanh tịnh từ cõi lòng, sự lắng dịu từ tâm thức, tôi không còn bị trói buộc bởi những gì đã xảy ra, đó là an lạc trong hiện tại. Trú tâm liên tục như vậy là các ác pháp bị mòn dần, các tâm bất thiện, các phiền não buồn giận sầu bi không có cơ hội sinh ra, giả sử nó sanh ra, liền với chánh niệm trong hiện tại biết rõ mặt mũi của chúng tức thì dập tắt ngay bằng phương pháp niệm trong hiện tại này. Đức Phật dạy:“Này các Tỳ-kheo, định niệm hơi thở vào, hơi thở ra này, được tu tập, được làm cho sung mãn là tịch tịnh, thù diệu, thuần nhất, lạc trú, làm cho các ác bất thiện pháp đã sanh hay chưa sanh, làm cho chúng biến mất, tịnh chỉ lập tức. Ví như, này các Tỳ-kheo, trong cuối tháng mùa hạ, bụi và nhớp bay lên gặp đám mưa lớn trái mùa lập tức làm chúng biến mất, tịnh chỉ. Cũng vậy này các Tỳ-kheo, định niệm hơi thở vào, hơi thở ra, được tu tập được làm cho sung mãn là tịch tịnh thù diệu, thuần nhất, lạc trú, làm cho các ác bất thiện pháp đã sanh biến mất, tịnh chỉ lập tức ”. Với những hơi thở này tiến dần lên loại bỏ những tâm lý xấu, những triền cái trói buộc đời sống con người, chánh niệm an lạc trong hiện tại, này hành giả sẽ bước lên được các tầng thiền, sau khi đã cởi bỏ được những triền cái thuộc tâm liền được sự giải thoát rốt ráo.

Như vậy, thiền đem lại nếp sống hiện tại lạc trú vừa lợi ích cho sự tu tập giải thoát, vừa là nguồn lực cho sự sáng tạo trong đời sống xã hội. Chỉ cần pháp hiện tại này con người sẽ có thể hoàn thiện bản thân. Hiện tại là tất cả những gì cần có mà trong đó đã bao hàm cả quá khứ và tương lai, chỉ sống trong hiện tại và thấy được sự an lạc của pháp thiền này là bước đi của sự thành công cho hai hướng đi giải thoát và xây dựng cuộc đời, đó là lý do mà Đức Phật đã dạy:

“Quá khứ không truy tìm,
Tương lai không ước vọng,
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến,
Chỉ có pháp hiện tại,
Tuệ quán chính ở đây.
Không động, không rung chuyển,
Biết vậy nên tu tập.
Hôm nay nhiệt tâm làm,
Ai biết chết ngày mai?
Không ai điều đình được,
Với đại quân thần chết.
Trú như vậy nhiệt tâm,
Đêm ngày không mệt mỏi
Xứng gọi nhất dạ hiền
Bậc an tịnh trầm lặng ”.

Chỉ sống hết mình xứng đáng cho hiện tại với sự tu tập như vậy đã là hiền nhân. Hiện tại là tất cả những gì định tĩnh “không động không rung chuyển”. Quá khứ thì đã qua, tương lai thì chưa đến. Quá khứ và tương lai là hai phạm trù không có mặt trong lúc này, hiện tại là những gì cần thiết nhất cho sự bắt đầu và cho kết quả về sau; con đường tu tập sẽ thành công hay thất bại là do giây phút hiện tại này. Chỉ cần “hôm nay nhiệt tâm làm”, làm với tất cả những gì có thể ngay trong hiện tại là đã có đủ tất cả.

3.1. Giải thoát hoàn cảnh bên ngoài

Phần mà người viết nhắc đi nhắc lại nhiều nhất trong bài viết này là các thứ làm say đắm lòng người gồm sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc êm dịu, những đối tượng bên ngoài của năm giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Nó có vị ngọt làm thỏa mãn và làm khao khát các giác quan. Hành thiền với nếp sống ly dục và chánh niệm trong hiện tại, với sự tỉnh giác này, hành giả biết rõ nó có vị ngọt, sự nguy hiểm, và tính chất vô thường biến đổi. Biết rõ như vậy để không tham mê, không theo đuổi và không bị nô lệ bởi năm thứ. Trong lúc chú tâm vào thiền quán, vào hơi thở, hành giả đã thoát khỏi những thứ. Đó là sự cởi bỏ, sự xa lìa không còn gắn bó gần gũi với tham nữa gọi là giải thoát, không chấp thủ đối với năm thứ này.

Con người sống trong hoàn cảnh thế giới hiện nay với môi trường có đầy đủ vật chất và tiện nghi, vấn đề được đặt ra là con người phải có thái độ như thế nào để không bị nô lệ bởi những thứ ấy. Vật chất tiện nghi là những thứ phục vụ đời sống con người, nhưng con người, do vậy, đôi khi lại quá phụ thuộc vào vật chất và đánh mất sự tự chủ của mình. Nếp sống có thiền giúp bạn định vị được chính mình, sống với vật chất nhưng không bị nô lệ vật chất như vậy là tự tại, tự do, là tôn vinh giá trị con người lên hàng đầu, con người vẫn là chủ tất cả. Chủ ở đây vẫn ở nghĩa tuyệt đối, nghĩa là không chạy theo vật chất mà vật chất phải theo con người. Con người sử dụng vật chất chứ không phải lạm dụng nó.

3.2. Giải thoát tự nội

Trong con người đều có những tính xấu, những tập khí căn bản, nói chung là ba nghiệp tham, sân, si, ba thứ này là những sợi dây vô hình cột chặt con người trong sự tăm tối. Nội tâm người có tham tức luôn dao động và tìm cầu, có sân làm con người luôn bức bách nóng nảy và mang nỗi hận thù, có si làm mê mờ tâm trí. Thiền định vốn có đặc tính làm lắng dịu tâm, khiến tâm thoát khỏi sự bức bách bởi ham muốn, đặc tính định tĩnh để tâm thoát khỏi sự bùng nổ, sự thiêu đốt của lửa sân, và đặc tính chánh niệm tỉnh giác để thay vào vị trí của si mê tà kiến. Thiền định như vậy đã có khả năng cởi bỏ được những đặc tính xấu, đấy là khả năng giải thoát tự nội, giải thoát cái ngã chấp đứng đằng sau lòng tham và sân, một cái ngã tinh tế ranh mãnh đầy xảo quyệt, phá bỏ lòng ham muốn là phá bỏ sự hậu thuẫn của ngã chấp; là phá bỏ ngã chấp và dọn đường cho sự giải thoát tối thượng.

3.3. Thiền – con đường đưa đến sự giải thoát tối thượng

Giải thoát tối thượng là mục đích tối hậu của thiền, của Phật giáo. Phương pháp hành thiền có khả năng đạt đến mục đích này, vì một bằng chứng rõ ràng mà đức Thế tôn đã minh chứng là ngài đã được giải thoát vô thượng Niết Bàn dưới cội Bồ-đề nhờ thiền định. Với tâm định tĩnh, ngài chứng lần lượt thiền thứ nhất, thiền thứ hai, thiền thứ ba, thiền thứ tư, sau đó hướng đến túc mạng minh, thiên nhãn minh, lậu tận minh, biết rõ “sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những điều cần làm đã làm, không còn trở lại trạng thái khổ đau nữa” và ngài đã chứng vô thượng Niết Bàn từ đây. Xin hãy lắng nghe lời của đức Phật: “Và này Aggivessana, sau khi ăn thô thực, được sức lực trở lại, Ta ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. Diệt tầm và tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tỉnh nhất tâm. Như vậy, lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. Ly hỷ trú xả, chánh niệm tĩnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc thánh gọi là “xả niệm lạc trú” chứng và trú thiền thứ ba. Như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. Xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta ”.

Như vậy, thiền là phương pháp truyền thống cho lộ trình giải thoát của Phật giáo. Bằng kinh nghiệm của mình, đức Đạo sư đã chứng minh thiền là con đường đưa đến giác ngộ, giải thoát, một con đường tiến hóa tâm linh rất khoa học, từ thô đến tế, từng bước đi lên của thiền là từng bước tiến tới an lạc giải thoát, cởi bỏ những gì đáng cởi bỏ và đích đến cuối cùng là sự thấu đạt về trí tuệ, là sự chứng đạt đến Niết bàn tối thượng.

Chẳng phải người viết ca ngợi thiền, đưa thiền lên vị trí độc tôn, nhưng dù sao thiền cũng có một vị trí quan trọng trong hệ thống triết học giải thoát của Phật giáo nhằm giải quyết vấn đề hạnh phúc cho con người. Điều này đã bàng bạc trong các kinh điển mà người viết chỉ có công góp nhặt và đưa ra đây để trả lời cho vấn đề thúc bách của con người. Những công dụng trên đây của thiền chỉ mới phản ảnh được tầm nhìn hạn cuộc của người viết chứ chưa hề thể hiện hết tính sinh động và mầu nhiệm của thiền.

Tóm lại, để tìm được hạnh phúc chơn chánh, để sống đúng theo mục đích tối thượng của người con Phật, Thế tôn đã từng dạy: “Có hai cực đoan này, này các Tỳ-kheo, một người xuất gia không nên thực hành theo. Thế nào là hai?

Một là say đắm trong các dục (kàmesu), hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc thánh, không liên hệ đến mục đích. Hai là tự hành khổ mình, khổ đau, không xứng bậc thánh, không liên hệ đến mục đích. Tránh xa hai cực đoan này, này các Tỳ Kheo, là con đường Trung Đạo, do Như Lai Chánh Giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, niết bàn ”.

Chính Đức Thế Tôn dạy nên tránh xa hai cực đoan đó và dẫn dắt chúng ta đi trên con đường Trung Đạo. Phương pháp mà ngài chỉ dạy thì rất nhiều, tuỳ vào căn cơ và đối tượng, nhưng dù gì thì thiền cũng đươc ngài chú trọng nhất. Đó là một nếp sống trung dung sáng suốt, nhận thức rõ tính tương quan nhân duyên của cuộc sống để sống hài hòa giữa thân và tâm, giữa vật chất và tinh thần, dẹp trừ mọi vọng tưởng, mọi khao khát đam mê xuất phát từ vọng tưởng, một nếp sống an nhiên tự tại trước mọi biến chuyển của cuộc đời nhờ điều phục thân tâm và nhờ hiểu rõ cơ chế vận hành của các pháp đang là.

Đến với giáo pháp của đức Phật tức là đến với sự tự do, giải thoát, đến với thái độ tự chủ và tự trách nhiệm – người Phật tử nhận thức rõ rằng: giải thoát có sẵn trong tầm tay nhưng cũng rất dễ vụt khỏi tầm tay, bởi giữa hai bờ mê ngộ cần có thái độ và hành động của con người, của chính chúng ta, những người biết rõ nguyên nhân và kết quả của những hạnh nghiệp mình làm.

Cuối cùng, xin khép lại bài viết này bằng những lời thơ của cụ Tố Như mang đậm màu sắc triết lý nhà Phật:

Đã mang lấy một chữ tình
Khư khư mình buộc lấy mình vào trong
Vậy nên những chốn thong dong
Ở không yên ổn ngồi không vững vàng.

Người con Phật may mắn nhiều khi có được con đường chơn chánh, biết rõ chữ “tình” (dục lạc) nhưng cũng biết rõ cách ra khỏi nó, cho nên những “chốn thong dong”, những trạng thái tâm giải thoát là kết quả tất yếu cho những kẻ biết pháp này.
Khải Tuệ