Tản mạn từ Bát kỉnh pháp đến nam nữ bình đẳng


altKính thưa quí vị và các bạn,
Gia đình Phật tử đã có mặt trên 60 năm nên thành viên GĐPT có đủ hạng tuổi: nam, phụ, lão, ấu; có nhiều anh chị trên 70, 80 tuổi, cũng có các em thiếu nhi từ 7, 8 tuổi đến 12, 13 tuổi, Huynh trưởng trẻ cũng ở độ tuổi trên dưới 20. Các anh chị đã sinh hoạt, gần gũi với quý Thầy, Cô lâu năm nên học hỏi được rất nhiều. Vì vậy, có nhiều vấn đề đối với các anh chị lớn đã trở nên quen thuộc và rất bình thường nhưng đối với huynh trưởng trẻ thì những chuyện đó quá lạ, không tin, từ Phật Pháp đến chuyện đời thường. Những chuyện như vậy nếu viết hết, kể ra hết, e rằng nó sẽ dày như một cuốn tự điển. Vì vậy hôm nay chỉ xin đưa ra một vài chuyện nhỏ vừa Đạo, vừa Đời... có liên quan đến chủ đề TSPL.27 này để các em huynh trưởng trẻ hiểu được và quí Thầy Cô có đọc cũng không thấy suy nghĩ của các em “kỳ lạ” quá!
Thưa quý vị và các bạn,
Ở thời đại này và nhất là ở các xã hội phương Tây ngày nay mà kể ra những chuyện “chồng chúa, vợ tôi” hay những chuyện “mẹ chồng, nàng dâu”… của Việt Nam mình thời Tự Lực văn đoàn, thì quả thật là “thế hệ thứ 3” không thể nào hiểu và tin được! Đối với các em ở độ tuổi lớp 2, lớp 3, khi trả lời câu hỏi “ai là chủ trong nhà em?” (Who’s the boss at your house?) thì câu trả lời hầu hết là “mẹ” (mom)… Về phần các huynh trưởng trẻ cũng vậy, các em đã thấy từ các trường đại học, bệnh viện, hãng xưởng, quân đội, với các giáo sư, bác sĩ, giám đốc, dân biểu, các nhà khoa học, học giả, nhà văn nhà thơ tên tuổi, thậm chí phi công, phi hành gia… cũng đều có mặt của phụ nữ, mà những người nữ còn có thể thuộc loại xuất sắc hơn nam giới nữa cho nên hoàn toàn không có sự phân biệt nam nữ ở đây. Bởi vậy, khi một huynh trưởng trẻ tình cờ đọc thấy mấy chữ “bát kỉnh pháp” và sơ lược nội dung của pháp này thì vô cùng ngạc nhiên và so sánh với thói quen lịch sự “quý bà trước hết!” (lady’s first) em ấy liền nêu thắc mắc với một huynh trưởng “cao niên”… Thế là các em khác cũng có vấn đề đưa ra thảo luận. Chúng tôi xin mời quí vị theo dõi cuộc hội thoại bỏ túi này với hai huynh trưởng lớn (A,B) và 3 huynh trưởng trẻ (C,D,E).
A: Nào E, hãy nói em đọc được Bát Kỉnh Pháp ở đâu và em hiểu như thế nào mà ngạc nhiên quá vậy?
E: Dạ, em đọc từ một bài viết, chỉ có 1 đoạn giới thiệu về Bát Kỉnh Pháp thôi, mà em nghe lạ quá không hiểu nên phải gọi các anh chị để hỏi ngay!! Bởi vì lở như các em ngành Thiếu của em cũng đọc được rồi hỏi thì em “bí” liền!
C: Em cũng chưa bao giờ nghe mấy chữ này!
D: Dạ, em cũng vậy! Em chỉ biết “Bát Chánh Đạo” và “Bát đại nhân giác” mà em đã thấy chữ Hán nhiều quá rồi!
A: Vậy thì để anh nói rõ cho các em hơn một chút, một chút thôi, vì anh cũng không rành gì nhiều lắm về pháp này.
Trước hết, Bát kỉnh pháp còn có tên là “Bát kính giới”, có nghĩa là 8 phép kính, kính đây là kính trọng, có chỗ nói là “kỉnh”; vậy kỉnh hay kính đều giống nhau. Cũng có tên khác là “Bát tôn sư pháp” (= 8 phép tôn kính Thầy) cũng còn gọi là “Bát bất khả việt pháp” (= 8 phép chẳng nên vượt qua)…
B: Nhiều tên như vậy nhưng nội dung rất đơn giản. Pháp này dạy chư Tỳ-kheo-ni phải tuân giữ phép tắc kính trọng đối với chư Tỳ-kheo. Em E có ghi lại 8 pháp đó không và em thắc mắc chỗ nào?
E: Dạ có! Thứ nhất, dù Tỳ-kheo-ni già 100 tuổi mà gặp Tỳ-kheo mới thọ giới cũng nên tiếp rước lễ bái, mời ngồi chỗ thanh tịnh…
A: Đúng vậy, có gì thắc mắc?
C: Dạ thưa anh, em mới nghe E đọc thôi, cũng đã thắc mắc rồi! Chúng ta thường chào phụ nữ trước, mở cửa xe cho họ, thường nhường đường cho họ đi trước, nhường chỗ cho họ trên xe bus, v.v... mà đây lại có pháp tu gì ngược đời vậy? Đàn bà dù lớn tuổi cũng phải chào kính, nhường đàn ông dù nhỏ tuổi hơn?
B: Phải rồi, nhưng không phải đàn bà nhường đàn ông mà là Tỳ-kheo-ni phải như vậy đối với Tỳ-kheo.
D: Có gì khác, thưa chị?
A: Khác là đức Phật không dạy người đàn ông, đàn bà ngoài đời tuân theo những điều này mà đây là những giới mà vị Tỳ-kheo-ni phải giữ!
E: Như vậy thì em hiểu rồi, cũng giống như nếu mình chưa quy y thì không cần phải giữ giới nhưng một khi đã quy y rồi và hứa giữ 5 giới thì mình không được uống rượu, trộm cắp, v.v… phải không?
B: Phải rồi! Qua giới thứ 2 của bát kỉnh giới là: Tỳ-kheo-ni không được mắng nhiếc Tỳ-kheo.
C: Cái này thì không bao giờ xảy ra rồi, làm sao những người tu hành lại mắng nhiếc nhau được?
D: Bạn nói vậy là không đúng rồi, mình lấy ví dụ cụ thể nha, ví dụ như Da-du Đà-la (Yashodhara) là mẹ của La-hầu-la (Rahula); nhưng bây giờ cả 2 người đều xuất gia, khi Rahula làm điều gì sai trái Tỳ-kheo-ni Yashodhara cũng không được la mắng tỳ-kheo Rahula vì ở trong Tăng đoàn của đức Phật, bà phải tuân theo Bát kỉnh giới chứ, có đúng không?
E: Đúng vậy, trí tưởng tượng của bạn thật là phong phú quá!
A: Giới thứ 3 của Bát kính giới là: Tỳ-kheo-ni không được nói ra những lỗi lầm cũng như những nỗi oan ức của Tỳ-kheo. Giới này có lẽ để đối trị tính “bép xép” của phái nữ, phải không chị B?
B: Đại khái là vậy, tôi cũng không có ý kiến gì khác!☺☺!! Giới thứ 4 của Bát kính giới là: Thức-xoa-ma-na đã học giới rồi nên theo chúng Tăng mà thọ đại giới. Câu này có 2 chữ Hán cần phải dịch nghĩa, đó là “thức-xoa-ma-na” và “thọ đại giới” chắc là các em đều chưa biết; anh A giải thích cho các em nghe đi!
A: Thức-xoa-ma-na là người Sa-di-ni sắp được thọ giới Cụ túc (cũng gọi là giới Tỳ-kheo hay đại giới.) Người nữ xuất gia năm 18 tuổi, đến năm 20 tuổi được làm Sa-di-ni trong 2 năm; trong 2 năm này coi như được thử thách về công hạnh tu tập, sau đó nếu đủ tiêu chuẩn mới được thọ đại giới.
E: Thật là hay quá, cảm ơn anh chị nhiều! khi chưa nghe giảng, em đọc giới thứ 4 chẳng hiểu cái gì cả! Giới thứ 5 là: Mỗi nửa tháng 1 lần, Tỳ-kheo-ni phạm giới phải đến sám hối với cả 2 bộ Tăng (Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni); cái này em không hiểu “phạm giới” có phải là phạm vào 1 trong 8 giới của bát kính giới hay không?
B: Giới đây là cụ túc giới, tỳ kheo giữ 250 giới, tỳ kheo ni 348 giới.
C: Eo ơi! Sao mà nhiều thế! Làm sao mà nhớ hết được? đừng nói chi là giữ nữa!
D: Bởi vậy chúng ta đâu có ai đi tu được chứ!? Và chính nhờ giữ giới như vậy, luôn tỉnh thức soi rọi lại mình như vậy nên phần đông chư Tăng Ni mới có một hình tướng bên ngoài uy nghi, trang nghiêm... ai mới thấy cũng phải phát tâm kính trọng, ngưỡng mộ, phải không thưa anh /chị?
A: Đúng thế, vì giới là món trang sức đẹp nhất và cao quí nhất của ngưòi tu sĩ mà! Vị nào giữ giới nghiêm mật nhất thì xứng đáng là “sứ giả của Như lai” nhất! Còn giới thứ 6 thì sao?
E: Giới thứ 6 là mỗi nửa tháng 1 lần, chư tỳ kheo ni phải đến giáo hội của Tỳ-kheo thỉnh một vị đế thuyết pháp.
C: Như vậy là bất cứ 1 vị nào bên tỳ kheo cũng đều giỏi Phật Pháp hơn bên tỳ kheo ni sao? Em thấy nhiều sư cô giảng hay lắm đó! Phật tử hâm mộ quí Sư cô vô cùng đó anh/chị à!
B: Không hẵn là như vậy; nhưng khi Tỳ-kheo-ni mời thỉnh thì tất nhiên Giáo hội Tỳ-kheo sẽ đề cử người có khả năng thuyết giảng Phật Pháp, đâu cần em phải lo!☺☺!!
A: Xin trở lại giới thứ 7 của Bát kính giới, đó là : Tỳ kheo ni không nên an cư (vô Hạ) ở nơi nào mà không có sự hiện diện của chư Tỳ kheo .
D: Cái này thí quá đúng, GĐPT chúng ta cũng vậy, đâu có bao giờ toàn thể ngành Nữ đi trại mà không có nam đi theo đâu, cho dù họ không có trong Ban Quản Trại cũng vậy!
E: Giới thứ 8, giới cuối cùng của Bát kỉnh giới, là: Sau thời gian an cư, chư Tỳ-kheo-ni nên làm lễ Tự Tứ chung với chư Tăng và hỏi chư Tăng có điều gì cần dạy bảo không .
C: Em xin nêu ý kiến thắc mắc của em về điều này: Tại sao chư Tăng không hỏi chư Ni có điều gì cần dạy bảo mà chỉ có chư Ni làm vậy? Về trí tuệ, đức Phật đã dạy là “nam nữ bình đẳng” mà!
A: Câu hỏi này anh xin chịu thua, không trả lời được, để sẽ đưa lên nhờ quí Thầy giải đáp nha! Chị B có câu trả lời nào cho C không?
B: Chị nghĩ rằng cái đức khiêm cung người Nữ cần hơn người nam; ở những người tu hành lại càng rõ nét, vì vậy việc đức Phật dạy chư Ni hỏi chư Tăng “có gì cần dạy bảo không?” Làm tăng vẻ hiền dịu, khiêm tốn, tuân phục... là những nét đẹp thật sự của tâm hồn một người nữ, đây không phải biểu hiện sự yếu kém về trí tuệ mà trái lại, là một sức mạnh tinh thần để thể hiện đầy đủ đức khiêm tốn chân thành, tự nhiên của họ. Ngay những nhà thơ “phàm trần” cũng có nói: “Phải khôn ngoan mới dư trí dại khờ” em không nghe sao?
D: Em rất appreciate (đánh giá cao) câu trả lời của chị B và em nhận thấy đức Phật thật tài giỏi, cách đây hơn 2500 năm mà ngài đã đặt ra Bát kính giới này, rất hợp với tâm lý, tính tình của 2 phái nam, nữ trong Tăng đoàn của ngài, và chắc ngài đã thấy trước là vào thế kỷ 21, những người nữ cư sĩ sẽ rất giỏi, có thể gìữ những địa vị trọng yếu trong xã hội, bấy giờ nếu được biết đến Bát kính giới thì họ sẽ biết cách cư xử với nam giới một cách khiêm tốn dễ thương chứ không “hách xì xằng” làm những con gà mái “gáy” loạn xạ làm cho người ta chán ghét, phải không anh/chị??!!
A: Đúng vậy, nhưng em khen “đức Phật tài giỏi” là khen phò mã tốt áo thôi!☺☺!!!
C: Lần này em nhớ “khen phò mã tốt áo” nghĩa là gì rồi!
E: Em cũng vậy, và bây giờ em rất tự tin, nếu các em của em mà hỏi về vấn đề “nam nữ bình đẳng” trong đạo Phật, lại đem Bát Kính giới ra “hù” em thì em không còn sợ nữa!
A: Như vậy là quá tốt rồi; anh nghĩ câu chuyện của chúng tạm chấm dứt nơi đây nha! Xin tạm biệt mọi người! Hẹn lần sau gặp!
B, C, D, E: Tạm biệt! Tạm biệt…! ■

Tâm Minh