ĐẠO ĐỨC Ở TẠI GIA

altChủ đề này trùng hợp với ngày thế giới quan tâm đến đạo đức con người. Ngày nay, thế giới có nhận thức mới là ngoài việc đề cao khoa học thực tiễn, người ta còn đề cao giá trị tinh thần; vì nếu vật chất phát triển mà tinh thần lại bị sa sút thì đó là một tai họa lớn sẽ dẫn đến sự hủy diệt cuộc sống con người.

Nhân loại ngày nay mới ý thức được rằng đạo đức là điều thiêng liêng góp phần duy trì sự sống của loài người. Trong khi cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm, Đức Phật đã dạy người Phật tử tại gia nên áp dụng những điều đạo đức trong cuộc sống.

Cố Hòa thượng Pháp Lan đã định nghĩa đạo đức như sau :

Tôn mạc tôn hồ đạo

Chỉ kỳ đạo vô vi nhơn phục

Mỹ mạc mỹ hồ đức

Duy hữu đức bất trị dân tùng

Nghĩa là “Đạo” là cái gì không cần làm mà người ta kính phục. “Đức” là không bắt buộc người ta theo, nhưng họ tự nguyện nghe theo, làm theo. Vì vậy, đạo đức mang tính thiêng liêng và siêu hình. Trở về thực tế cuộc sống, người nào được nhiều người kính trọng thì được coi là người đạo đức.

“Đạo” là con đường, hay nói rõ hơn là con đường tâm linh giúp người ta thăng hoa cuộc sống mới quan trọng, không phải con đường bình thường. Ngày nay, xã hội loài người đạt đến đỉnh cao của văn minh, nhưng đạo đức bị xuống dốc; cho nên người ta mới đặt ra những luật lệ để bắt buộc mọi người phải tuân thủ, gọi là sống theo pháp luật, tức những nguyên tắc sống của một quốc gia, hay rộng hơn, những quy ước ký kết trong cộng đồng nhân loại.

Đối với người đạo đức thì không cần phải có những nguyên tắc bắt buộc phải tuân theo, mà tự nhiên họ đã biết được phải sống tốt như thế nào. Ví dụ, ở thế giới Cực lạc, hay ở Niết bàn không cần chế định những nguyên tắc cho cư dân nơi đó; vì mọi người biết cách sống sao cho thế giới của họ được tốt đẹp. Ở đó luôn dùng “Đức” để cảm hóa, tức là các bậc Thánh làm cho người thấy và họ phát tâm làm theo, chứ không bắt buộc họ làm. Dùng “Đạo” để cảm hóa là cách sống mà người muốn bắt chước theo.

Học đạo, hay tìm đạo là tìm con đường tâm linh, tìm cách sống tốt đẹp và tìm được rồi, chúng ta hành đạo là làm những gì mà người xung quanh chấp nhận. Thử nghĩ xem Phật tử tại gia có cần đạo đức hay không.

Thoạt nhìn, chúng ta thấy Phật giáo đề cao đạo đức của người xuất gia là từ bỏ thế giới vật chất để phát huy thế giới tâm linh; vì đời sống tinh thần là cao quý nhất. Những người do tham lam, chấp trước mới hơn thua, tranh chấp, sát phạt nhau cho đến giết hại nhau. Vì vậy, đối với người dám từ bỏ quyền lợi thế gian thì người đó được khen ngợi là cao quý. Đó cũng chính là hình ảnh Đức Phật từ bỏ ngôi vị Thái tử để trở thành vị Sa môn không sở hữu một vật cho mình. Cuộc sống như vậy gọi là xuất thế tục gia, tức từ bỏ đời sống thế tục để trở thành Sa môn phạm hạnh.

Nhưng nhiều người đã hiểu lầm điều này mà phạm sai lầm là họ từ bỏ thế giới vật chất xong, lại trở thành kẻ trắng tay. Thời Phật tại thế, một số đệ tử cũng rơi vào tình trạng này. Thấy Phật tu hành được phước báu và giải thoát thì cũng bắt chước, từ bỏ của cải , sự nghiệp để theo Phật tu hành. Nhưng sau đó, họ lại thấy Phật đề cao các vị Bồ tát thực hiện việc bố thí, cưu mang, giúp đỡ nhiều người mới sinh ra công đức. Họ thưa với Phật rằng trước kia Ngài đề cao người xuất gia, chúng con mới từ bỏ sự nghiệp vật chất để xuất gia, nhưng nay Phật đề cao việc bố thí của Bồ tát, thì trong tay chúng con không còn gì để bố thí. Nghĩ như vậy là hiểu lầm Phật.

Từ bỏ của Phật là từ bỏ tâm tham chấp, đam mê vật chất; vì đó là nghiệp, là phiền não dẫn con người đi vào cuộc sống trầm luân sinh tử. Đức Phật dạy không phải từ bỏ vật chất, nhưng từ bỏ tâm tham chấp, không phải từ bỏ thân ngũ uẩn, nhưng từ bỏ thân chấp trước ngũ uẩn. Vì chấp trước vào thân ngũ uẩn, nên tranh giành quyền lợi để bồi bổ cho thân ngũ uẩn, người ta mới lao vào những cuộc tranh giành bất tận.

Phật dạy chúng ta từ bỏ tâm chấp trước là bỏ thủ uẩn, không phải bỏ ngũ uẩn. Thật vậy, trong 12 nhân duyên, từ thủ mới sanh hữu, nghĩa là sự hiện hữu của chúng ta do chấp mà ra; nhưng bỏ tâm chấp, chúng ta có mất thân này hay không ? Chắc chắn là không mất gì cả, mà trái lại, bỏ tâm chấp mới được tất cả. Theo Phật, tâm buông bỏ tất cả để được tất cả; nếu tâm buông xả một phần thì sẽ được loài người kính trọng một phần, buông xả tất cả sẽ được mọi người kính trọng. Vì bỏ tâm chấp mới sanh được vô tận tạng công đức, tức là kho tàng vô giá.

Vì vậy, nghe đề cao người xuất gia, rồi hiểu lầm, mọi người đều cạo tóc, mặc áo bá nạp và đi khất thực thì sẽ đưa Phật giáo đến chỗ hủy diệt. Thật vậy, nếu tất cả mọi người đều không làm việc, chỉ đi xin, làm sao xã hội tồn tại. Tất cả đều xuất gia thì thế giới này bị tận diệt; vì thế hệ này chấm dứt là hết. Đức Phật phú chúc giáo pháp cho các vị Bồ tát, thực chất là cư sĩ. Ngài lấy ví dụ người có tài sản nếu khôn ngoan thì phải gởi cho người có con cháu kế thừa, hay gởi cho người có quyền lực thì tài sản mới không bị mất. Còn gởi cho người độc thân, thì khi họ chết là tài sản cũng bị mất. Thứ hai là giao tài sản cho người không có khả năng quản lý thì cũng mất. Vì vậy, Đức Phật không phú chúc cho hàng Thanh văn; cho nên khuyên tất cả mọi người xuất gia là không đúng.

Đầu tiên, từ bỏ thế giới vật chất để chúng ta có thể phát huy đời sống tâm linh dễ dàng hơn; vì nếu để vật chất chi phối, tâm linh rất khó phát triển. Cố Hòa thượng Thiện Hoa đã nói “Phúc đức thay cho người cô độc, họ không bị phiền não thế tục quấy rầy, mà phát huy được đời sống tâm linh”. Đức Phật xuất gia từ bỏ đời sống vật chất thế tục để dấn thân trên con đường tâm linh, tức nỗ lực phát huy đạo đức của người xuất gia và phát huy trí tuệ đến đỉnh cao nhất; nói cách khác là thực hiện quá trình tu giới định tuệ.

Vì vậy, người xuất gia từ bỏ tâm chấp thế gian và lấy giới đức làm thân, lấy trí tuệ làm mạng, hay làm sự nghiệp của mình, gọi là giới thân huệ mạng. Sa môn sống phạm hạnh thanh tịnh là đức hạnh của người xuất gia, thì tuyệt đối không làm buồn phiền ai và sẵn lòng làm bất cứ việc gì có lợi ích cho xã hội. Làm như vậy là thể hiện tinh thần vị tha vô ngã, nghĩa là làm lợi ích cho số đông, quên quyền lợi vật chất của mình. Người còn vì quyền lợi riêng tư thì còn có tranh chấp; cho nên người tu không còn quyền lợi vật chất nữa, mà quyền lợi là của mọi người. Từ đó, người tu làm gì cũng nhằm cống hiến cho con người. Chùa, hay giảng đường không phải là sở hữu của tu sĩ để thu lợi về mình; nhưng chùa hay giảng đường để mọi người đến có chỗ thích hợp giúp họ tu học nhằm chuyển hóa cuộc sống họ trở thành tốt đẹp.

Đạo đức của người xuất gia là từ bỏ tất cả để được tất cả; cho nên người tu phục vụ cho mọi người, không có cá nhân mình trong đó. Người xuất gia mà còn làm não phiền người khác thì không phải là Sa môn. Hiểu như vậy là hiểu đúng nhất về người xuất gia. Đức Phật dạy người xuất gia thực hiện được yếu lý này chính là mẫu người cao quý trên thế gian.

Ngoài ra, trong Bồ tát tạng, Đức Phật đề cao hàng Bồ tát mà chính yếu là dành cho người cư sĩ tại gia. Chúng ta đọc kinh điển Đại thừa thấy rõ tất cả các Bồ tát đều đóng vai cư sĩ, ngoại trừ duy nhất có Ngài Địa Tạng Bồ tát đóng vai Sa môn. Như vậy, kinh điển Đại thừa đề cao hàng cư sĩ, tất nhiên cư sĩ tại gia cần có đạo đức mà kinh Duy Ma định nghĩa mẫu cư sĩ tại gia có đạo đức như sau :

Cư tài chi sĩ

Cư gia chi sĩ

Tại gia chí Phật đạo giả.

Bồ tát tại gia mà chí đạo được đánh giá là hơn người xuất gia; vì người xuất gia chí đạo dễ, tức họ nâng cao trí tuệ và đạo đức dễ hơn người tại gia, bởi họ không bị thế tục quấy rầy. Còn Bồ tát tại gia chí đạo rất khó, vì họ sống đời thường trong xã hội, nhưng tâm thanh tịnh như người xuất gia là việc không đơn giản.

Trong lịch sử, chúng ta có Phật Hoàng Trần Nhân Tôn, mẫu người rất dễ thương, dễ kính. Đức vua đi tu lúc khoảng 40 tuổi và xem ngai vàng như chiếc giày rách, bỏ lúc nào cũng được. Ngài giữ ngôi vua chỉ để bảo vệ đất nước và dân tộc Việt Nam; vì không có Ngài lãnh đạo, hai lần đánh đuổi được quân Nguyên Mông, thì chắc chắn đất nước chúng ta đã thành thuộc địa của nhà Nguyên. Ngài đã ăn chay trường từ năm 16 tuổi, chứng tỏ tâm Ngài đã xuất gia, đã chí đạo mới phát huy tâm chí đạo thành tâm hồn xuất trần của bậc thượng sĩ, tức Bồ tát. Từ chỗ chí đạo là đạt được đỉnh cao của người tu, Ngài mới phát tâm Bồ đề, nghĩa là phát tâm cứu độ chúng sinh. Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tôn tu hành từ năm 16 tuổi, nhưng phải ở lại ngôi vua và đánh thắng quân Nguyên Mông xong, Ngài thấy việc triều chính được yên ổn, không còn cần thiết có Ngài nữa, Ngài liền xuất gia.

Như vậy, đạo đức của người tại gia đòi hỏi họ phải chí đạo, tức không còn tâm tham chấp quyền lợi cho riêng mình, thì họ hiện hữu trên cuộc đời này vì ai ? Trước nhất, họ vì người thân, gọi là quyến thuộc Bồ đề. Chúng ta xây dựng quyến thuộc này bằng cách nào ? Một là do chúng ta tu hạnh Đại thừa nhiều đời để kết thành Bồ đề quyến thuộc. Vì vậy, tất cả những người là quyến thuộc của chúng ta vì thương và kính trọng mà họ sanh vào gia đình chúng ta làm quyến thuộc, thì đó là gia đình mẫu mực, từ ông bà, cha mẹ, con cháu trên thuận dưới hòa. Người trên thương con cháu và con cháu kính trọng cha mẹ ông bà; cả hai ba thế hệ gắn kết mật thiết với nhau trong tình thân.

Sáng nay có đạo hữu đến thăm tôi, đạo hữu rất vui, nói rằng

“Bạch Thầy, cháu nội của con trước kia được Thầy thưởng là học sinh giỏi, hiện nay cháu đang học ở Mỹ và gọi điện thoại về báo là cháu được lãnh thưởng xuất sắc của Tổng thống Mỹ”. Tôi nói do đạo hữu biết tu, con của đạo hữu cũng tu; cho nên cháu được thừa hưởng trí thông minh của gia đình. Thật vậy, người tu có đạo hạnh, thì sẽ được những người cảm mến đức hạnh mà tái sinh vào gia đình mình làm quyến thuộc Bồ đề. Tất cả cư sĩ tại gia nên ý thức điều này; khi quý vị tu hành phạm hạnh, thì các Bồ tát có thể hiện thân vào làm con cháu. Điển hình như vua Trần Thái Tôn làm vua, nhưng Ngài đã viết được Thiền Sử (Thiền Uyển Tập Anh). Ngài sanh được Trần Thánh Tôn cũng tu và kế đến là vua Trần Nhân Tôn được tôn danh là Phật Hoàng của nước ta. Đó là đạo đức của người tại gia.

Khi chúng ta tu hành, không kết oan nghiệp, mà chỉ kết thiện duyên. Vì vậy, người sanh trong gia đình ta do thiện duyên, cho nên có sự tương kính lẫn nhau, không tranh giành của cải vật chất. Có thể khẳng định rằng đạo đức của người cư sĩ tại gia là biết tương kính, nhường nhịn nhau và biết thể hiện đời sống phạm hạnh, đời sống đạo đức, luôn làm gương tốt cho con cháu trong gia đình mình. Nếu làm được như vậy, xây dựng được mô hình đạo đức như thế, thì đó là một phần tốt đẹp của xã hội và đạo đức đó sẽ được nhân rộng.

Như vậy, chúng ta làm được việc thiện là chính, thì việc thiện sẽ nhân rộng ra. Cũng vậy, nếu làm việc ác, việc ác đó cũng sẽ nhân rộng thêm. Việc thiện được nhân rộng thì xã hội sẽ trở thành thiên đường trần gian, hay Cực lạc ở Ta bà. Còn lòng ác, việc ác nhân rộng, tức lòng tham lam ích kỷ tranh giành từ trong gia đình cho đến hơn thua trong bạn bè, trong làng xóm, lan rộng đến ngoài xã hội, thì biến xã hội thành địa ngục trần gian. Thực tế cho thấy gia đình thiếu đạo đức, hay xã hội thiếu đạo đức đều biến thành cảnh địa ngục trần gian. Trong gia đình, hay trong xã hội, mọi người đều thương yêu kính trọng nhau thì đó là thiên đường trần gian.

Quán sát kỹ, chúng ta thấy không phải xã hội hay gia đình quá nghèo mà thành địa ngục; nhưng do tâm tham lam, hung dữ, tranh chấp mà biến thành địa ngục. Tôi đã từng thấy những gia đình giàu có, nhưng không biết đạo đức do cha mẹ, ông bà chỉ muốn thu lợi nhuận cho nhiều, nên họ không từ chối một việc ác nào để làm cho họ được giàu có, được quyền thế. Nhưng chính tài sản bất chánh của họ đã là địa ngục dành cho họ rồi. Thật vậy, người giàu có không còn thì giờ để ăn, để nghỉ ngơi, để sống có ý nghĩa, mà họ chỉ còn thì giờ để thực hiện tham vọng, thì đó là thế giới của địa ngục, thế giới của A tu la đang hiện hữu trong họ.

Gia đình đạo đức thật sự, tuy hoàn cảnh sống không dư dã; nhưng cha con, anh em hiểu nhau, chia sẻ cho nhau và sống hạnh phúc với nhau. Vì vậy, họ nghèo vật chất, nhưng cuộc sống rất an lạc nhờ có đạo đức. Khi Phật tại thế, Ngài gặp người chủ đàn bò bỏ ăn bỏ ngủ để chạy đi tìm bò. Ông ta chỉ còn cái xác không hồn và gặp Phật hỏi rằng Ngài có trông thấy đàn bò của ông hay không. Trong tâm trí của ông ta chỉ còn có đàn bò ngự trị mà thôi. Đức Phật thương xót ông ta và nói với các Tỳ kheo rằng may mắn thay quý vị không có bò bị mất. Sự thật ông ta rất giàu, nhưng lòng tham của ông, sự chấp thủ của ông quá nặng, nên sớm muộn gì tài sản cũng mất.

Đức Phật dạy rằng người truy cầu đã khổ, nhưng truy cầu được rồi cũng khổ và khi mất thì càng khổ hơn; vì chưa được thì sự mong muốn đã đốt cháy lòng họ, nhưng được rồi thì phải giữ bo bo, khổ lắm. Mảnh đất ngày nay chúng ta đang giữ, trước chúng ta cũng đã có biết bao nhiêu người làm chủ rồi. Và nay chúng ta nắm được trong tay thì cũng đừng vội mừng, vì có người đang đứng đằng sau chờ lấy.

Duy có đạo đức giữ được, nhưng giữ thế nào? Nghĩa là tài sản thực của chúng ta tạo được bằng cuộc sống đạo đức, thì mọi người coi đó là của ta, bảo vệ cho ta. Nói theo thực tế, ngày nay, luật pháp bảo vệ tài sản hợp pháp của chúng ta.

Khi Đức Phật tại thế, ông Cấp Cô Độc cúng dường bố thí rất nhiều, gọi là tổ chức thí vô giá hội trong bảy ngày, nhưng không vì thế mà cuộc sống của ông bị nghèo đi. Trước kia, tôi nghe Hòa thượng Trí Tịnh giảng rằng ông Cấp Cô Độc có phước rất lạ, ông bố thí cúng dường xong thì tiền của lại tự trở về kho. Tôi hỏi làm sao được. Hòa thượng chỉ trả lời đơn giản là ráng tu.

Thiết nghĩ vì chúng ta có phước và biết cúng dường bố thí đúng pháp, thì sẽ sanh ra phước thật, là ta lại có thu nhập khác. Ví dụ tôi giúp anh sinh viên nghèo 40 năm trước. Tôi chỉ giúp một lần thôi, nhưng anh về Việt Nam tìm tôi để cúng dường, vì không quên ơn tôi đã giúp. Số tiền 40 năm trước tôi giúp rồi, nhưng phước còn là còn trong lòng người nhận và tài sản của ta là phước báu do người thọ ơn giữ. Nếu chúng ta bị mất hết của cải, thì người thương cũng sẽ giúp ta vươn lên. Còn hết phước, là họ tìm cách chia của, người đầu tiên là chính phủ sẽ quốc hữu hóa, kế đến bị những người làm việc với chúng ta cắt xén hết.

Ông Cấp Cô Độc nhờ phước, cho nên nhân viên thương ông, hết lòng làm việc, chẳng những không đánh cắp tài sản của ông, mà còn làm lợi cho ông, tài sản mới thu nhập được nhiều hơn. Vì vậy, ông càng bố thí thì càng giàu hơn, số tiền cho ra không nhiều mà số thu nhập nhiều, do mọi người quý trọng, nỗ lực làm việc, khiến cho hàng hóa sản xuất đạt chất lượng cao, người mua nhiều hơn. Người có phước làm ăn phát triển, nhưng phước hết, bạn hàng bỏ đi, mua chỗ khác và nhân viên của mình bị công ty khác dụ dỗ, sản phẩm bị xấu, khách hàng mất thì phải phá sản.

Tóm lại, cư sĩ tại gia nên giữ gìn sức khỏe tốt, làm những việc nuôi sống thân mạng mình và gia đình một cách hợp pháp, tạo ra của cải bằng những việc làm lương thiện, những việc làm có ý nghĩa, không kiêu căng ngạo mạn, không ích kỷ, mà phải thể hiện tấm lòng nhân hậu với người dưới, chia sẻ cho người kém may mắn và luôn học tập theo tấm gương của những người đức hạnh. Đó chính là những chất liệu tốt đẹp để kết hợp được những người thân trong gia đình cùng xây dựng đời sống an lạc. Đến khi mãn duyên ở cõi đời này, quý vị tái sanh ở đâu thì quyến thuộc Bồ đề cũng sanh nơi đó, cũng làm nên sự nghiệp vẻ vang như đã từng có vậy./.

 

(Bài giảng khóa tu Một ngày an lạc tại chùa Phổ Quang)

HT. Thích Trí Quảng