“Gió mới” trên đất Phật

image

Tờ mờ sáng, khi sương mù hãy còn bao phủ kín mọi vật, chùa Bái Đính (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, Ninh Bình) đã bị đánh thức bởi tiếng xe máy xình xịch. Chỉ vài phút sau, trước cổng Tam quan, các gian hàng đã được bày ra la liệt…

 

Quả thực Bái Đính - “Nam thiên đệ nhất tự” - đã góp phần không nhỏ làm nhịp điệu cuộc sống của người dân nơi đây thêm gấp gáp và sinh động hơn.

Nghề “mới” sức hấp dẫn “mới”

4h30 phút sáng, người phụ nữ trạc ngoại ngũ tuần, dáng người mảnh khảnh, làn da nâu sạm dắt chiếc xe đạp cà tàng màu mận chín vội vã bước lên cửa chùa. Gửi xe vào nơi quy định, kiểm tra đồ nghề với một xấp tiền lẻ, dăm cuốn sách và vài chục chiếc đĩa VCD quay cảnh chùa, hít một hơi thật sâu, chị Vũ Thị Hợp (xóm 3, xã Gia Sinh) bắt đầu một ngày làm việc của mình.

Cũng như chị Hợp, rất nhiều người dân Gia Sinh dành phần lớn thời gian… ở chùa để làm dịch vụ. Chỉ tính riêng xã Gia Sinh đã có khoảng 1.000 lao động phổ thông làm việc tại chùa với đa dạng các ngành nghề từ chạy xe ôm, chụp ảnh, bán hàng, làm vệ sinh môi trường đến bảo vệ... Trong đó lực lượng bán hàng lên đến 600 - 700 người, xe ôm cũng có tới 300 - 500 người, thợ chụp ảnh gần 300 người, chia làm 4 tổ.

Anh Vũ Văn Nam (xóm 5, xã Gia Sinh) với thâm niên 2 năm làm “thợ săn ảnh” ở chùa Bái Đính tâm sự: “Chúng tôi gọi những công việc này là nghề mang tính thời vụ nhưng hấp dẫn và sinh lời nhanh. Trang bị cho mình một bộ đồ nghề (gồm một máy ảnh, máy rửa ảnh, pin, sạc) như thế này hết khoảng 15 triệu đồng. Một bức ảnh trừ chi phí cũng lãi được 10 nghìn đồng, chẳng mấy chốc mà thu hồi đủ vốn”.

So với làm nông nghiệp thì những việc này đỡ cực nhọc hơn, không phải chân lấm tay bùn mà doanh thu lại cao. Bình quân thu nhập của những người “làm trên chùa” từ 3 - 4 triệu đồng/tháng, trong khi đó cấy lúa chỉ lãi 1 triệu đồng/vụ. Với những người nông dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời thì đó là số tiền rất lớn. Một năm làm du lịch bằng 3 năm làm ruộng.

Lên đời nhờ làm dịch vụ

Từ khi chùa Bái Đính khánh thành giai đoạn một (17/5/2008) lượng khách đến thăm quan vãn cảnh chùa không ngừng tăng lên. Mỗi ngày chùa đón hàng nghìn lượt người đến hành hương, vào dịp cuối tuần hay lễ tết con số này tăng lên theo cấp số nhân. Các dịch vụ du lịch và hàng quán ở chùa cũng mọc lên như nấm, lượng người tham gia làm việc tại chùa cũng tăng lên từng ngày. Có gia đình 3 thế hệ cùng làm dịch vụ: bà bán đồ cúng lễ, cha chạy xe ôm, mẹ chụp ảnh, con bán sách. Cứ cần mẫn làm việc một ngày họ cũng kiếm được vài trăm nghìn, riêng thợ chụp ảnh ngày cao điểm một người có thể thu được 2 triệu đồng.

Gia Sinh của những năm về trước là một vùng quê chỉ có đồi và núi, đất rộng người thưa. Mỗi nhà cách nhau hàng km, xa xa chỉ thấp thoáng vài ngôi nhà mái ngói thấp lè tè ẩn hiện sau những quả đồi. Gia Sinh hôm nay như được thay một bộ áo mới. Tỷ lệ hộ giàu đã chiếm gần 30%, năm 2009 tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn xã tăng 30% so với năm 2008, bình quân thu nhập đầu người từ 5 triệu đồng/người/năm, năm 2009 đã đạt mức 7 triệu đồng/người/năm. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế thể hiện rõ rệt nhất: nông nghiệp chiếm 65-75 % (năm 2008) giảm xuống còn 45% (năm 2009), dịch vụ du lịch từ vị trí “cuối bảng” đã bứt phá ngoạn mục chiếm tới 45% .

Dọc con đường vào chùa Bái Đính nhà hàng, quán ăn, nhà nghỉ mọc lên như nấm. Phía bên kia khu tái định cư diện mạo nông thôn đổi sắc từng ngày. Ông Phạm Văn Hà, Phó Chủ Tịch UBND xã Gia Sinh cho biết: “Hiệu quả kinh tế - xã hội mà chùa Bái Đính mang lại ngày một rõ nét, nó không chỉ làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã, giải quyết việc làm cho người lao động mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho xã hội. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 5,3%, trong khi đó vào năm 2008 con số này là  9%”.

Chùa Bái Đính được xây dựng còn làm thay đổi cả nếp sống, ý thức của người dân. Họ trở nên năng động, nhạy bén hơn với cơ chế thị trường, với nền kinh tế và cũng thêm yêu, thêm tự hào về địa phương mình hơn. Không chỉ mang tới cho người dân nơi đây một luồng gió mới, đánh thức tiềm năng của vùng quê lâu nay vốn rất yên ả và tĩnh lặng, chùa Bái Đính còn là kì vọng phát triển của kinh tế du lịch của huyện Gia Viễn và tỉnh Ninh Bình trong tương lai, góp phần tăng tỷ trọng GDP của ngành dịch vụ trong tổng thu nhập quốc dân của tỉnh. Năm 2009 đánh dấu mức tăng trưởng toàn diện trên mọi phương diện và lĩnh vực của huyện Gia Viễn, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 18,4 % vượt 0,4% so với năm 2008, giá trị sản xuất dịch vụ du lịch vượt 6,2% so với năm 2008.

Tuy vừa thi công, vừa khai thác sử dụng nhưng chùa Bái Đính - ngôi chùa “nhiều kỷ lục” - vẫn thu hút khách thập phương nô nức từ khắp nơi đến chiêm bái. Chùa đã góp phần tạo nên điểm nhấn cho một Ninh Bình “non nước hữu tình” đầy thân thiện.

Đinh Thị Xuân

Theo: Doanh Nhân