Viết Cho Con: 10- Không Thể Không Buồn!

Quả thật cuộc đời không đơn giản! Có lúc làm cho người ta vui, sung sướng. Có lúc người ta cảm thấy buồn chán, sầu khổ mênh mang. Có những thú vui con người tạo ra để giải khuây, nhưng cũng chính nó làm cho con người càng chìm đắm hơn vào trong vũng lầy sâu đáy của trần gian.

Con ạ!

http://images.timnhanh.com/blog/200905/09/6657041241824733.jpg

Nếu người ta coi cuộc đời nầy như là sân khấu của một hí trường vĩ đại, mỗi con người là một kịch sĩ, bao nhiêu người diễn tuồng đều ra sân khấu. Ba mẹ, các con là những nhân duyên mình kết thân với nhau. Người thân, bạn bè là liên hệ. Sự liên hệ đó kéo dài cho đến lúc mất. Người kịch sĩ mất đi trên sân khấu, nhưng người thực sẽ xuất hiện sau hậu trường để đợi chờ một vai tuồng khác, trong một thứ lớp khác do chính người kịch sĩ ấy lựa chọn. Đó là lý lẽ của kiếp luân hồi, của một hiện tượng tái sanh. "Vở kịch hay" là vở kịch có nhiều éo le, tình tiết gay cấn, hồi hộp và hấp dẫn. Cuộc đời có nhiều kỷ niệm oanh liệt, đẹp đẽ lại là cuộc đời có nhiều thăng trầm mà con người đã vượt qua được. Có lẽ vì vậy mà con người đã tạo ra nhiều thú vui để thỏa mãn ham thích của mình, nhưng gây không biết là bao nhiêu buồn khổ đến cho người liên hệ hoặc chung quanh. Con thử đoán xem các thú vui ấy là gì? Cầm, kỳ, thi, họa, thể thao chăng? Không phải đâu con ạ! Ba muốn nói đến các tệ nạn đã gây cho bao nhiêu gia đình phải điêu đứng; bao nhiêu bậc cha mẹ, con cái phải đau lòng. Cuộc đời "không thể không buồn" vì các tệ nạn ấy: Cờ bạc, rượu chè, đỉ điếm, hút sách.

Con yêu dấu,

Ba đã cố gắng nhiều, nhưng chưa tìm hiểu được tại sao con người sinh ra đời ai cũng thích được sung sướng, ăn ngon, mặc đẹp; không muốn làm mà muốn hưởng tất cả mọi nhu cầu. Đôi khi mình lại còn lạm dụng vào công lao của người khác nữa. Không biết đó có phải là một bản năng hay là một tập tánh. Đa số đều có tinh thần vị kỷ (vì mình) hơn là vị tha (vì người). Họ chỉ biết làm sao có lợi cho họ, làm sao họ được sung sướng, không phải cực nhọc, làm lụng vất vả. Họ muốn được thảnh thơi đi chơi, thỏa mãn những gì ham muốn của họ. Ba có nhìn thấy một số người đàn ông, họ bày ra công việc, rồi để cho vợ con làm, họ cứ mãi đi nhậu nhẹt say sưa. Nhưng tiền thì họ giữ. Con cảm thấy thế nào? Và có ý nghĩ gì về ông chồng, người cha nầy không?

Ba còn nhớ vào một buổi trưa nọ, ngồi uống cà phê với bạn bè trong quán cà phê ở chợ thì có một ông say rượu bước vào quán nói thật nhiều với ông chủ quán vì ông ta là bạn của chủ quán. Xong rồi ông ta từ giã chủ quán ra về. Bước lạng quạng, khập khễnh đến ngạch cửa. Thay vì ông ta chỉ đặt bước chân qua ngạch cửa là ông ta đã ra ngoài, nhưng khi dở chân lên thì ông ta lại quay vào trong. Rồi lại đến bên chủ quán nói tiếp, và lại từ giã ra về. Đến ngạch cửa, dở chân lên lại cũng quay trở vô. Cứ tiếp diễn như vậy ba lần. Trong khi uống từng ngụm cà phê, Ba chợt nghĩ: Khi say người ta chỉ nói chuyện thôi cũng đủ làm trò cười cho thiên hạ rồi; còn dáng đi, tư cách khiến cho mọi người nhìn vào mình như nhìn vào một anh hề. Rồi Ba ngẫm lại: "Khi mình say chắc mình cũng chẳng khác hơn ông ta bao nhiêu". Từ dạo ấy Ba uống rượu càng ít đi. Người ta bảo "rượu là lễ nghĩa", "rượu là tình nghĩa giữa bạn bè". Đó là điều người ta đặt ra như là một tập quán, một phong tục với điều kiện là uống ít. Chứ uống nhiều thì ai cũng như nhau: "Xừng xừng bồ cào thì thằng nào cũng như thằng nấy". Con hiểu thế nào là "xừng xừng bồ cào" không? Khi con nhìn con cá lia thia giương kỳ, vây, đuôi ra gọi là xừng. "Xừng xừng bồ cào" là nhóm từ có vần để chỉ một tình trạng chưa say nhiều lắm, nhưng cũng không còn là tỉnh, thì lúc ấy đối với người say: “Thằng vua" cũng như thằng dân, thằng quan cũng như thằng lính, thằng già cũng như thằng trẻ, thằng cha cũng như thằng con...” không còn phân biệt ai là ai và cũng chẳng biết sợ cái gì nữa cả.

Một câu chuyện khác kể về ác quỷ hiện ra bảo người kia: Một là giết mẹ, hai là đốt nhà, ba là uống rượu, nếu không thì phải chết. Anh ta nghĩ giết mẹ là bất hiếu, nhà là công sức lâu năm mới gầy dựng được cho nên anh ta chọn cách thứ ba là uống rượu. Khi uống rượu say, anh ta về nhà đốt nhà; bà mẹ ngăn cản, anh ta lại giết mẹ; khi tỉnh lại vì hối hận anh ta bèn tự tử luôn. Như vậy, con có thấy uống rượu là cách nhẹ nhất nhưng lại là nguy hiểm nhất không?

Con có bao giờ để ý đến một người thuộc về "dân nhậu" không? Họ rất thích bạn bè, họ quý bạn bè lắm! Vì bạn bè là nguồn vui của họ, chia xẻ mọi thứ qua ly rượu. Nhưng người nhậu đã bỏ phí thì giờ quá nhiều. Khi ngồi uống rượu và khi say họ chẳng làm gì được cả. Ngay bản thân của họ họ đã chẳng biết gì, chứ đừng nói đến vợ hoặc con. Những người "sớm say, chiều xỉn" thì lại càng tệ hại hơn nữa.

Nhưng con ạ! Ngược lại, những người gọi là "dân cờ bạc" thì có lẽ họ không được rộng rải, thoải mái như người nhậu đâu. Gần như họ phải chắc mót, dành dụm để đem số tiền ấy vào sòng bạc thì họ mới thỏa mãn sự ham thích của họ. Vợ con muốn được chút ít tiền của họ cũng phải khổ sở lắm! Ba đã chứng kiến cảnh cha ham bài bạc mà con đi học không có tiền mua sách vở. Có người chỉ được vài chục bạc cũng phải đi tới sòng bài, vì không đi thì trong lòng không yên. Người chơi máy (pokies) không thể bỏ được những "âm thanh reo vang của máy" khi họ thắng một bàn. Thế là sự đam mê đó dần dần đã làm họ tiêu tan hết sự nghiệp, nhà cửa. Rồi họ kéo theo những người khác bằng cách hốt hụi không hoàn trả lại, hoặc chôm chĩa, hoặc tham dự vào một vài tệ nạn khác, làm cho cuộc đời càng ngày càng thảm não hơn. Cuộc đời thật là "không thể không buồn"..!

Cờ bạc là bác thằng bần

Cửa nhà bán hết ra thân ăn mày. (Ca dao)

Con yêu dấu,

Trong bốn tệ nạn hay gọi là "Tứ đổ tường" đó, chắc "Đỉ điếm" là tương đối nhẹ nhàng hơn cả. Vì tầm gây hại không làm hư người, hại nhà, hại xã hội nhiều lắm giống như cờ bạc, rượu chè! Tuy nhiên, những chứng bệnh của nó đôi lúc cũng rất là nan y và âm ỉ lâu dài. Lúc xưa, khi còn ở quê nhà Ba có biết một người nọ trong thời trẻ đã thích hay tới lui các nàng "buôn hương, bán phấn", cuối cùng bị bệnh "giang mai". Anh ta trị thế nào đó được thầy thuốc coi như là hết. Nhưng mười năm sau, khi anh ta nghe triệu chứng lạ trong mình, anh ta đi đến Bác sĩ khám. Thì Bác sĩ gởi đến trung tâm chuyên khoa về "Bài trừ hoa liễu". Ở đây, sau khi xét nghiệm về kết quả thử máu, Bác sĩ yêu cầu anh ta phải chở hết vợ, con tới để khám nghiệm. Con thử đặt vào trường hợp ấy, con sẽ khủng hoảng tinh thần và chới với đến mức nào! Còn bây giờ, trong thời gian hiện nay, bệnh AIDS là chứng bệnh đã gây nhức đầu thế giới và cả cho bệnh nhân, lẫn Bác sĩ, nhà y học hoặc người nghiên cứu chuyên môn... Nhưng vấn đề khủng khiếp nhất của thời đại lại là "Vấn đề hút sách, và chích choác".

Con ạ!

Thuở xưa, người da đỏ ở Châu Mỹ hút thuốc lá như là một tập tục, một ý nghĩa Tôn giáo và dần được lan rộng như là hình thức của giới thượng lưu, trưởng giả của xã hội. Song song vào đó á phiện cũng phát triển trở thành thú vui của những người giàu có. Nằm thoải mái trên bộ ván, trên giường, có người con gái đẹp tiêm thuốc, với chiếc dọc tẩu đen mun, tiếng hút kêu ro ro, khói thuốc thơm. Hút xong họ lại cảm thấy đê mê, đúng là "thả hồn theo mây khói", mơ mơ màng màng cùng với "Ả Phù dung" hoặc "Nàng tiên nâu". Chắc con thấy thế con cũng thích. Nhưng con ạ! Bên cạnh là một hố sâu đang đợi chờ họ đó. Con có thấy hiện nay không? Bao nhiêu người ghiền thuốc lá, chỉ thuốc lá thôi, mà họ đã khó dứt bỏ mặc dù họ vẫn biết hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ, làm ung thư phổi, suy nhược tim, làm ô nhiểm không khí, ảnh hưởng đến sức khoẻ con cái, người trong nhà và chung quanh. Còn người hút á phiện, lúc đầu họ có vẻ mập mạp, hồng hào. Nhưng rồi sau thời gian không lâu, họ trở nên càng ngày càng khô héo, dơ dáy vì họ không dám tắm, chỉ lau mình thôi. Ba nghe nói như vậy, chứ Ba cũng không hiểu rõ lắm! Con cứ nghĩ tới cơn ghiền họ phải bỏ tiền ra đi tìm mua, rồi nằm hút, rồi thời gian nằm nghe nó "phê", thì họ có thời giờ đâu để làm. Như vậy, họ cũng chỉ là những người "tiêu xài tiền của, thời gian, chứ đóng góp cho gia đình, cho xã hội chẳng được bao nhiêu. Đó là chuyện á phiện lúc xưa. Còn sau hai trận Thế chiến, quan niệm về cuộc sống chông chênh. Người ta thấy cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, cho nên ở Âu châu phát sinh ra phong trào "Sống cho ngày nay, không cần biết đến ngày mai". Rồi "Phong trào Hiện sinh" ấy lan truyền rộng rãi. Chứng tỏ con người đã mất đi phương hướng, lý tưởng của cuộc sống. Cùng với phong trào nầy, vấn đề thụ hưởng thú vui, tình dục được thoải mái, xã láng... Qua sự phát triển kỹ thuật, khoa học; việc tinh chế á phiện tinh vi hơn trở thành bạch phiến và các hình thức khác, đơn giản và gọn gàng hơn như thuốc lắc, ectasy chẳng hạn... Thêm vào sự phát hiện của cần sa, cocaine: Tất cả chỉ nhằm làm cho con người sử dụng đê mê, mơ mơ màng màng, sống với ảo tưởng mà người mua phải mua với gíá mắc mỏ. Chính vì vậy, người bán có cơ hội làm giàu. Cho nên trên thế giới nầy lại càng có nhiều trung tâm sản xuất các loại độc dược, và có nhiều tổ chức làm ăn, phân phối. "Ai chết mặc ai", miễn là họ thu được nhiều tiền. Bây giờ con thấy nhan nhản ở chung quanh con có rất nhiều trẻ con, thanh thiếu niên vừa có nghiện; vừa có đi phân phối, buôn bán; vừa dụ dỗ thêm khách hàng. Nếu luật pháp của quốc gia càng dễ dãi, nhân đạo với vấn đề ấy bao nhiêu thì bậc cha mẹ và dân chúng phải vất vã với con cái của mình bấy nhiêu!

Con yêu dấu,

Đó là chưa kể đến trường hợp những người ghiền, thiếu thốn tiền bạc gây ra nhiều tệ nạn khác như đàn bà, con gái thì đi làm điếm. Đàn ông, thanh niên thì trộm cắp, cướp bóc, làm thuê mướn cho các công việc phạm pháp, hoặc gia nhập vào các tổ chức phân phối độc dược, ma túy... Cho nên trong Tôn giáo đã có đề cập đến tình trạng bại hoại của xã hội, loài người từ ngàn xưa như là những lời tiên tri. Trong Đạo Phật xem đó là những hiện tượng của thời "Mạt pháp", thời kỳ mà Giáo pháp không được con người lưu ý, sống theo. Thời kỳ con người chuộng ác, bỏ thiện, gây chém giết, loạn lạc, nhiễu nhương. Nếu con người có "Sinh, bệnh, lão, tử"; thì hiện tượng có "Sanh, trụ, dị, diệt"; và vật chất, vật thể có "Thành, trụ, hoại, không". Đó là lẽ tất nhiên! Nhưng "Biến mất" không phải là mất hẳn đâu con ạ! "Cái nầy mất đi, chẳng qua là chuẩn bị cho cái khác sanh ra" giống như vật chất bị tan biến, nhưng năng lượng của nó hãy còn (bảo toàn năng lượng). Và năng lượng đó, đợi chờ điều kiện thích hợp để biến thể thành vật khác. Giống như ta điện giải nước, nước mất đi sẽ còn lại là 2H2 và O2, H2 hoặc O2 trong điều kiện nào đó sẽ kết hợp với nguyên tố khác để tạo nên chất khác. Như vậy, tựu chung lại nước "mất nhưng mà không mất". Con có hiểu được không?

"Tận cùng tất biến" cái gì đi đến cùng cực, tột điểm của nó thì nó sẽ biến thay, hay thay đổi. Con thấy Kinh Dịch viết có sai không?

Nguyên Thảo