Thấm nhuần lời Phật dạy về chân hạnh phúc


altHạnh phúc là một cái gì đó rất đằm thắm và tìm tàng một cách sâu thẳm tận trong tâm hồn con người mà bất cứ ai đứng trên phương diện ngôn ngữ như chúng ta đây cũng hoàn toàn không thể nào mổ sẻ, giải thích hay lột tả cho hết ý nghĩa tận cùng của hai chữ hạnh phúc được. Nơi đây tôi cũng chỉ vay mượn ở ngôn ngữ để nói lên một phần nhỏ khi tôi đã cảm nhận được niềm hạnh phúc xảy ra ở trong tâm mình. Vậy thì hạnh phúc là gì? Nó đang tồn tại ở nơi đâu? Chúng ta thử làm một cuộc hành trình đi tìm nguồn hạnh phúc.

Có người nói rằng tiếng khóc được cất lên của một đứa trẻ mới chào đời là biểu trưng của sự đau khổ và ràng buộc. Nhưng theo tôi thì không như vậy, mà tiếng khóc của đứa trẻ là để biểu hiện sự hạnh phúc khi được tiếp xúc với cuộc đời này. Tầng số hạnh phúc diễn ra ở mỗi con người rất là khác nhau, có người hạnh phúc khi nở một nụ cười rạng rỡ và cũng có những người khi đón nhận niềm hạnh phúc tột cùng với biểu hiện tuông trào dòng nước mắt. Tất cả những cách trên chỉ vì mục đích là biểu hiện sự có mặt của hạnh phúc mà thôi.

Chúng ta biết rằng hạnh phúc là đối nghịch lại với đau khổ, nhưng ở không gian đau khổ và hạnh phúc thật sự không có giềng mối phân biệt nào cả. Có khi điều này đến với mình thật vừa ý nên cho điều đó là niềm hạnh phúc, nhưng mà cũng là điều đó khi đến với một người khác với một tâm trạng khác thì chỉ là đau khổ và trái ngược hoàn toàn với những gì mà người trước đã cảm nhận đó và cho là niềm hạnh phúc; thì ngược lại người này cho là đau khổ.

Vậy chúng ta đã biết hạnh phúc là gì và tồn tại ở đâu rồi chứ? Để cho mọi người hiểu hết được ý nghĩa về hai chữ hạnh phúc ở trên thế gian này thì chỉ có một cách là dừng hết tâm tư của mình để lắng nghe thật kỹ những lời dạy của đức Phật về hạnh phúc như thế nào. Được trích trong cuốn sách Đức Phật Và Phật Pháp của Đại Đức Narada Maha Thera, 1980 do Phạm Kim Khánh dịch việt vào năm 1998. Nguyên tác là: “The Buddha and His Teachings”, Buddhist Publication Society, Sri Lanka

Tôn giả A Nan thuật lại như thế này: Tôi có nghe như vầy:

Vào một thời nọ Đức Thế Tôn ngự tại Jetavana (Kỳ Viên) của Trưởng Giả Anathapindika (Cấp Cô Độc), gần thành Savatthi (Xá Vệ).

Lúc bấy giờ, đêm về khuya, có một vị Trời hào quang chiếu diệu sáng tỏa toàn khu Kỳ Viên, đến hầu Phật, lại gần nơi Phật ngự, đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi đứng sang một bên. Khi đã đứng yên, vị Trời cung kính bạch với Đức Thế Tôn bằng lời kệ:

1. Chư Thiên và nhân loại đều cầu mong được an lành, và ai cũng suy tìm hạnh phúc. Kính Bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài hoan hỷ chỉ dạy chúng con về phúc lành cao thượng nhất.

2. Không kết giao với người ác, thân cận với bậc hiền trí, và tôn kính bậc đáng kính - là Phúc Lành Cao Thượng Nhất.

3. Cư ngụ nơi thích nghi, đã có tạo công đức trong quá khứ, và hướng tâm về chánh đạo - là Phúc Lành Cao Thượng Nhất.

4. Học nhiều hiểu rộng, lão luyện tinh thông thủ công nghiệp, giới hạnh thuần thục trang nghiêm, có lời nói thanh nhã - là Phúc Lành Cao Thượng Nhất.

5. Hiếu thảo phụng dưỡng cha mẹ, thương yêu tiếp độ vợ con, và hành nghề an lạc - là Phúc Lành Cao Thượng Nhất.

6. Rộng lượng bố thí, tâm tánh trực giác, giúp đỡ họ hàng, và tạo nghiệp chân chánh - là Phúc Lành Cao Thượng Nhất.

7. Loại trừ và ngăn ngừa nghiệp ác, thận trọng kiêng cữ các chất say, vững vàng giữ gìn phẩm hạnh - là Phúc Lành Cao Thượng Nhất.

8. Đức hạnh biết tôn kính, khiêm tốn, biết đủ, biết ơn và đúng lúc, lắng nghe Giáo Pháp (Dhamma) - là Phúc Lành Cao Thượng Nhất.

9. Nhẫn nhục, biết vâng lời, thường gặp gỡ bậc Sa Môn (Samanas) và tùy thời, luận đàm về Giáo Pháp - là Phúc Lành Cao Thượng Nhất.

10. Tự kiểm soát, sống đời Thánh Thiện, quán tri Tứ Đế, liễu ngộ Niết Bàn - là Phúc Lành Cao Thượng Nhất.

11. Người mà tâm không giao động khi tiếp xúc với thế gian pháp, Không Sầu Muộn, Vô Nhiễm và An Toàn - là Phúc Lành Cao Thượng Nhất.

12. Đối với những ai đã viên mãn hoàn thành các pháp trên, ở mọi nơi đều không thể bị thất bại, đi khắp nơi đều được hạnh phúc - là Phúc Lành Cao Thượng Nhất.

Qua bài Kinh vừa nêu trên đây chúng ta có thể khẳng định một điều chắc chắn mà đức Phật muốn dạy cho tất cả chúng ta rằng. “Bất cứ ai trên thế giới này mà ngộ nhận ra và thực hành theo những lời dạy chân thật của Phật thì người đó đã tìm ra được con đường đưa đến tột cùng của niềm hạnh phúc rồi”. Sau tìm ra con đường hạnh phúc cho chính mình rồi, hành giả không chỉ tận hưởng niềm hạnh phúc ấy riêng một mình thôi mà cũng muốn cho mọi người đều có được ước muốn được hạnh phúc như mình, đó là bản hoài độ sanh của chư Phật trong ba đời nói chung và đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói riêng cũng như vậy.

Trong bài Kinh Từ Tâm số sáu trong quyển Kinh Tụng Hằng Ngày, được Thầy Thích Nhật Từ tổng hợp những bài Kinh căn bản của hai truyền thống Phật giáo đó là Nam Tông và Bắc Tông, đức Phật cũng dạy cách làm sao để chỉ cho mọi người có được hạnh phúc như mình vậy. đức Phật dạy rằng:

Tôi nghe rằng có một thời,

Tại thành Xá-vệ, ở nơi Kỳ Hoàn.

Thế Tôn cho gọi chúng tăng,

Các thầy cung kính thưa vâng đáp lời.

Thế Tôn thuyết giảng pháp lành

Khuyên người tu tập nên hành từ tâm.

Là người nên tập ân cần

Thương yêu trải khắp kẻ gần người xa.

Tấm lòng nhân ái bao la,

Thật là thuần khiết, thật là cao thâm.

Hướng về tất cả chúng sanh,

Tâm từ tu tập quên mình mà thương.

Không vì ái luyến vấn vương,

Không vì mong đợi chút đường lợi danh,

Không vì ân nghĩa riêng tình,

Cũng đừng cân nhắc với mình lạ quen.

Thương người quen, lẽ tất nhiên,

Cũng thương những kẻ chưa quen bao giờ

Xoá đi ngăn cách thờ ơ,

Xóa đi ngần ngại hững hờ bấy lâu.

Tình thương lan tỏa đến đâu,

Giúp xây nơi ấy nhịp cầu cảm thông.

Người từ tâm đủ bao dung,

Đủ lòng độ lượng, đủ lòng thương yêu.

Với người mưu hại đủ điều,

Bất nhân ác cảm gây nhiều thương đau

Người từ tâm trước như sau:

Trải lòng ra mãi, thương nhau tình người.

Với người oán ghét bao đời,

Nguồn thương yêu ấy làm vơi tị hiềm.

Chuyện không hay, chẳng trách phiền,

Để cho vơi bớt nghiệp duyên với người.

Người từ tâm trước muôn loài,

Đem lòng thương xót cảnh đời không may.

Thương người sống kiếp đọa đày,

Làm thân cầm thú nghiệp gây chẳng lành.

Hoặc loài ngạ quỷ vô hình,

Hoặc trong địa ngục tội tình vương mang.

Tâm từ như ánh trăng ngàn,

Dịu dàng soi thấu mọi đàng trầm luân.

Ở đâu có chúng hữu tình

Thì ngay nơi ấy từ tâm hướng về.

Như tàng lá mát rộng che,

Chúng sanh vô lượng tâm từ vô biên.

Tâm từ như suối triền miên,

Thấm vào mạch sống mọi miền an vui.

Tâm từ làm gốc vun bồi,

Cho người cao thượng cho đời vinh hoa.

Thấy người khổ nạn khó qua,

Lòng mình đau xót như là khổ chung.

Thấy người hạnh phúc thành công,

Lòng mình sung sướng như cùng vui theo.

Thấy người lầm lỗi ít nhiều,

Lòng mình tha thứ mến trìu càng hơn.

Người từ tâm sống vẹn toàn,

Thương yêu bình đẳng, sắt son bền lòng.

Cho dù không ước không mong,

Phước lành tự đến do công đức thành:

Một là ngủ được an lành,

Bởi lòng mình đã chân thành thương yêu,

Bởi không lừa lọc dệt thêu,

Bởi không toan tính lắm điều chua ngoa.

Tâm tình không gợn xấu xa,

Tham lam, sân hận, cùng là si mê.

Đầu hôm đến lúc tinh mơ,

Khổ ưu tắt lịm, thới thơ giấc nồng.

Hai là rời bước khỏi giường,

Lòng mình một mực bình thường yên vui.

Khi đi đứng, lúc nằm ngồi

Không còn tiếc nhớ đua đòi ước ao.

Từ tâm hóa giải đẹp sao,

Muộn phiền sân hận tan vào hư không.

Lòng mình luôn giữ trắng trong,

Nguồn an lạc trải tựa đồng bao la.

Ba là từ ái lan xa,

Làm cho cảm ứng chan hòa cùng nhau.

Ai ai cũng thấy mến yêu,

Đem lòng ngưỡng mộ người nêu tâm từ.

Bốn là loài chẳng phải người,

Một khi cảm nhận biết người từ tâm,

Cũng dành cho những tình thân,

Hộ trì người được những thành tựu vui.

Năm là thiên chúng cõi trời,

Nhờ công tu tập nên người từ tâm.

Thấy người nào tính ai lân,

Nay theo gia hộ để cùng tiến tu.

Sáu là hiểm nạn đang chờ,

Dầu sôi lửa bỏng mịt mờ kiếm cung,

Cùng bao nhiêu thứ độc trùng

Không sao xâm phạm đến vùng trú thân.

Bảy do huân tập từ tâm,

Thác sanh Phạm Chúng, làm dân cõi trời,

Được nhiều phước báo tuyệt vời,

Và tâm từ được trau dồi thêm lên.

Tám là đầy đủ thiện duyên,

Người từ tâm biết thường xuyên chuyên cần.

Làm cho đức hạnh được thuần,

Thành vườn ruộng tốt gieo trồng đại bi.

Đượm nhuần vô ngã, vô si,

Con đường giải thoát bước đi thêm gần.

Khéo an trú, khéo tác thành,

Thân tâm an ổn, vững vàng, lắng sâu.

Tâm từ khi được khéo tu,

Làm cho trói buộc được mau tháo dần.

Không còn dấu vết tham sân,

Niết-bàn hiển lộ thênh thang giữa đời.

Thế Tôn thuyết giảng mấy lời,

Mọi người vui nhận tin rồi làm theo.

Chúng ta cũng đã thấy được những lời đức Phật đã dạy về chân hạnh phúc ở hai bài Kinh trên được người viết trích dẫn. Điều này cũng cho thấy hạnh phúc không bao giờ tồn tại ở trên một con người mà trong tâm của họ luôn chứa đầy Tham lam, sân hận và si mê được. Vì còn tham lam, sân hận, si mê nơi ngũ dục mà cụ thể là Tài, sắc, danh, thực, thùy; thì làm gì có được niềm hạnh phúc thật sự chứ? Sau đây là một bài Kinh Chân Hạnh Phúc (Maha Mangala Sutta), do Hòa Thượng Thiện Châu dịch, đức Phật cũng đề cập đến những suy tư của chúng sanh về hạnh phúc như thế nào và làm cách nào để có được trong tâm của mình niềm hạnh phúc thật sự chứ không dựa trên hạnh phúc tạm bợ ở thế gian (Tài, sắc, danh, thực và thùy)?

Như vầy tôi nghe, một thời Thế Tôn ở tại Savatthi, trong rừng Jeta, vườn Anathapindika. Có một thiên nhân, khi đêm gần tàn, với dung sắc thù thắng chiếu khắp rừng Jeta, đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, kính lễ Thế Tôn, rồi đứng một bên, thiên nhân ấy nói lên bài kệ trước Ðức Thế Tôn như sau:

“Chư thiên và loài người

Suy nghĩ về hạnh phúc

Ước mong được hạnh phúc

Chân hạnh phúc là gì ?

Thế Tôn đáp kệ rằng:

Kẻ si mê nên tránh

Bậc hiền đức phải gần

Cung kính người đáng kính

Ấy là chân hạnh phúc.

Chọn nơi lành mà ở

Ðời trước đã tạo phúc

Nay giữ lòng thẳng ngay

Ấy là chân hạnh phúc.

Hiểu rộng và khéo tay

Giữ tròn các giới luật

Nói những lời hòa ái

Ấy là chân hạnh phúc.

Cung dưỡng cha mẹ già

Yêu mến vợ /chồng và con

Không vương vấn phiền hà

Ấy là chân hạnh phúc.

Cho và sống đúng cách

Nên giúp đỡ bà con

Hành động không chê trách

Ấy là chân hạnh phúc.

Ngăn trừ điều ác xấu

Dứt bỏ thói rượu chè

Chuyên cần trong Chánh Ðạo

Ấy là chân hạnh phúc.

Kính nhường và khiêm tốn

Biết đủ và nhớ ơn

Tuỳ thời học đạo lý

Ấy là chân hạnh phúc.

Nhẫn nhục vâng ý lành

Viếng thăm bậc tu hành

Tuỳ thời bàn luận đạo

Ấy là chân hạnh phúc.

Trong sạch và siêng năng

Suốt thông các chân lý

Thực hiện vui Niết Bàn

Ấy là chân hạnh phúc.

Tiếp xúc với thế gian

Giữ lòng không sa ngã

Không sầu nhiểm bình

Ấy là chân hạnh phúc.

Như thế mà tu hành

Việc gì cũng thành tựu

Ở đâu cũng an lành

Ấy là chân hạnh phúc”.

Nẻo Xa