Hoa Kỳ: Triển lãm ‘Những tác phẩm nghệ thuật tâm linh’ tại Đại học Towson

alt
Khía cạnh tâm linh trong lĩnh vực nghệ thuật được biểu hiện trọn vẹn tại cuộc triển lãm “Những tác phẩm nghệ thuật tâm linh của châu Á” trong Phòng trưng bày nghệ thuật châu Á tại Đại học Towson, Hoa Kỳ.

 

Một lý do đơn giản khiến chúng ta có thể ngắm nhìn một cách say sưa những tác phẩm nghệ thuật được mượn từ 14 bộ sưu tập cá nhân về các bức tranh và tác phẩm điêu khắc là bởi chúng ta cảm nhận được cách mà sự khéo léo, tính thẩm mỹ của con người đã phụng sự cho mục đích tôn giáo.

Người phụ trách cuộc triển lãm này đã tập hợp những tác phẩm đại diện cho các tôn giáo khác nhau từ Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Campuchia, Miến Điện, Tây Tạng, Pakistan, Ấn Độ, Nepal và Nhật Bản. Cuộc triển lãm không đi vào chiều sâu mà hẳn nhiên là hướng theo chiều rộng.

Trong trường hợp này, chiều rộng ấy còn tính cả niên đại. Những tác phẩm hàng trăm năm tuổi được trưng bày bên cạnh những tác phẩm được sáng tác trong những năm gần đây.

Về ý nghĩa truyền thống của nghệ thuật Phật giáo, một địa điểm lý tưởng để chiêm nghiệm chủ đề này là phía trước một bức tượng Phật đứng của người Miến Điện, đấy là một bức tượng gỗ được quét sơn mài và mạ vàng. Hình tượng Đức Phật trong dáng điệu thon thả với nụ cười hiền dịu khiến cho bao nhiều phiền muộn của chúng ta được vơi đi khi chúng ta ngắm nhìn bức tượng.

Bức tượng hoàn hảo ấy chắc chắn tạo nên sức ảnh hưởng không nhỏ đến người xem, nhưng càng gây xúc động hơn ấy là một mảnh điêu khắc bàn tay Đức Phật. Đấy là bàn tay Phật bằng đồng bị cắt rời khỏi cổ tay một cách thô bạo, nơi mà có lẽ nó đã được gắn vào để tạo nên một tác phẩm điêu khắc hoàn chỉnh. Bàn tay có những ngón tay dài thanh nhã, giản dị và thánh thiện.

Tuy nhiên, không phải mọi bức tượng điêu khắc ở đấy đều toát lên vẽ điềm tĩnh. Có bức tượng về một vị Thiên Vương bằng mem gốm Trung Hoa, được tạo ra từ thế kỷ thứ XVI miêu tả về một trong bốn vị Thiên Vương trấn giữ 4 gốc của vũ trụ. Vị Thiên Vương này được mọi người tin là có khả năng ban phát sự giàu sang, cho nên ngày nay có nhiều người vẫn còn thờ phụng ông ta. Về phương diện nghệ thuật, điểm nổi bật của hình tượng điêu khắc bằng gốm này là thân hình của nó toát lên vẻ dị thường ở sức mạnh cuồn cuộn, với nét mặt rất sinh động. Hơn nữa, bề mặt của bức tượng được tô màu rực rỡ bằng những gam màu xanh đậm, vàng và xanh lá cây của thời nhà Minh. Nói chung, không có tí gì thanh thoát ở vị thần này.

Bên cạnh đủ các loại thần linh được trưng bày, con người cũng được xuất hiện trực tiếp trong các tác phẩm nghệ thuật, điều này được thể hiện qua một bức tranh trên lụa với mực và phẩm màu của hội họa Nhật Bản về một vị trú trì người Nhật. Bức vẽ được sáng tác vào năm 1640. Vị Tăng với cái đầu không có tóc, trong tư thế ngồi kiết già hết sức bình thản và tự tin, khiến cho người xem nảy sinh ý tưởng muốn đăng ký tham gia khóa học do vị ấy giảng dạy.

Những tác phẩm nghệ thuật tôn giáo này được trưng bày trong một phòng triển lãm nghệ thuật, nhưng bạn cũng đừng quên rằng những tác phẩm ấy vốn được đặt trong các ngôi đền, trong chùa và trong những nơi thờ tự khác.

Phục vụ cho mục đích mô phỏng kiến trúc là một bức tượng gỗ về thần Kubare của Nepal được điêu khắc vào thế kỷ thứ XVI hay XVII. Bức tượng miêu tả về một vị thần bảo hộ được biết đến với cái tên là thần Kubera. Đây là một hình ảnh biểu trưng được chạm trổ một cách công phu. Nghệ thuật này vốn được dùng để làm những bức phù điêu treo trong các đền miếu.

Để bổ sung vào tất cả những tác phẩm nghệ thuật cổ và thiêng liêng này, cuộc triển lãm còn giới thiệu đến khách tham quan những tác phẩm nghệ thuật đương đại. Nhìn chung thì chúng có vẻ không hấp dẫn như những tác phẩm cổ, nhưng một vài tác phẩm trong số đó thật sự đáng chiêm ngưỡng.

Tác phẩm gần đây nhất là bức tranh sơn dầu có tựa đề là “Gia đình hạnh phúc” được Gade sáng tác vào năm 2003 ở Tây Tạng. Bề mặt được làm phai nhạt và bào mòn một cách cố tình khiến cho bức tranh trông giống như một bức họa cổ điển, và bạn có thể phân loại các bộ sưu tập khác nhau về những hình tượng thiêng liêng.

Không những thế, trong không gian trưng bày này còn bao gồm cả các hình ảnh về những chiếc máy bay, xe hơi và thậm chí là cả những loại trang phục. Điều này khiến người ta nghĩ rằng sự hội tụ đa dạng này đã vẽ nên một nụ cười trên khuôn mặt của Đức Phật.

Cuộc triển lãm “Những tác phẩm nghệ thuật tâm linh của châu Á” diễn ra suốt ngày 15-5-2010 tại Phòng triển lãm nghệ thuật châu Á của Đại học Towson, Hoa Kỳ.

Minh Phú dịch (theo explorehoward)