Tăng sự: Đòi hỏi cái nhìn thực tế

Với sự phát triển của công nghệ và giao lưu quốc tế, đất nước chúng ta ngày nay đã có nhiều thay đổi với tốc độ lớn so với 20 năm về trước. Thời đại công nghệ truyền thông đa phương tiện không còn phù hợp cho tư duy "đóng cửa trong nhà bảo nhau"; thực tế đó đòi hỏi một tư duy quản lý khác với quản lý bằng "mệnh lệnh", "trên bảo dưới phải nghe"...

 

Một khi lãnh đạo mở rộng quyền chọn lựa nhân sự bằng ân huệ, ban phát thì rất khó để tổ chức ấy trở thành môi trường cho sự sáng tạo và tập trung trí tuệ.

HT.Thích Viên Giác, Phó BTS kiêm Trưởng ban Tăng sự Thành hội PG TP.HCM, cho biết: "Trọng tâm của ngành Tăng sự TP hiện nay vẫn là việc giáo dục, định hướng lực lượng Tăng Ni trẻ. Giáo hội đang rất cần lực lượng Tăng Ni trẻ nhiệt huyết, có hoài bão để tiếp nối và kế thừa xứng đáng lớp người đi trước, nhưng để làm được việc này, họ cần phải được đào tạo và giáo dục theo một quy trình hoàn chỉnh cả về tài, đức".

tang-su-1.jpg

Các Tăng sĩ trẻ ở Thái Lan được đào tạo để đảm trách các phần: từ quản lý cao nhất đến các kỹ thuật viên   đủ sức điều hành một đài truyền hình Phật giáo phát sóng 24/24 giờ trên phạm vi toàn cầu.

Ngành Tăng sự là ngành đóng vai trò quan trọng trong quản lý của Giáo hội. Tuy nhiên, trước những ý tưởng đổi mới, sáng tạo của Tăng Ni trẻ và tình hình thực tiễn xã hội, ở một số nơi diễn ra việc cơ cấu nhân sự bằng phương thức "bằng lòng" (hợp nhãn lãnh đạo) không chỉ làm gia tăng tình trạng bất mãn mà còn đánh mất lý tưởng phụng sự của Tăng Ni trẻ. "Tài đức" đôi khi không hẳn là sự "vâng lời" hay tỏ ra như thế. Để phát triển, cơ cấu hành chính của Giáo hội cần phải tránh hình thức "sống lâu lên lão làng".

Khi lãnh đạo ban ngành chưa thể mạnh dạn lắng nghe một cách chân thành mọi ý kiến phản biện trái chiều từ nội dung đến hình thức, tất nhiên có sự chọn lọc để phù hợp với đường hướng phát triển và truyền thống tu tập, chưa thể đưa ra mô hình quản lý mới, cách thức vận dụng sáng tạo, linh hoạt, tùy duyên bằng một nhận thức tỉnh táo về xu hướng tất yếu của thời đại, thì sẽ không có chỗ cho những Tăng Ni trẻ có tâm huyết, có năng lực cống hiến sức lực và trí tuệ của mình. Thực tế, sự phát triển phong phú, đa dạng của Phật giáo không nằm ở con đường hành chính hóa Giáo hội, mà nhờ vào việc vận dụng sáng tạo tính "khế lý", "khế cơ" và phát triển các pháp môn, tông phái phù hợp với văn hóa Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại.

Tăng sự là vấn đề cần được thảo luận thường xuyên, đòi hỏi cái nhìn thực tế, có kế hoạch và biện pháp triển khai cụ thể. Cần ưu tiên cho vấn đề trọng điểm, gây bức xúc, tránh tình trạng dàn trải, đưa ra quá nhiều vấn đề, để Tăng Ni Phật tử chờ đợi quá nhiều nhưng rốt cuộc không tìm được giải pháp cho vấn đề cụ thể nào. Đồng thời, mọi căn cứ phải dựa trên tình hình thực tiễn pháp luật Nhà nước, Hiến chương Giáo hội cũng như Nội quy Ban Tăng sự. Những vấn đề nào mà Hiến chương và Nội quy Ban Tăng sự còn chưa thống nhất với pháp luật về mặt quản lý, thì cần phải điều chỉnh để thống nhất trong triển khai, tránh tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược". Và để tránh tình trạng quản lý bằng mệnh lệnh, áp đặt, đưa quản lý hành chính cấp cơ sở vào tình trạng "sự đã rồi", đòi hỏi một mô hình quản lý khoa học, hiện đại, bắt kịp các hình thức phát triển của Phật giáo trong thời kỳ mới.

Khi đã xác định được "trọng tâm" là giáo dục, định hướng Tăng Ni trẻ như một lực lượng kế thừa có đủ tài đức, ngành Tăng sự phải dành một thời lượng lớn sự thảo luận trong nhiệm kỳ cho những người trẻ điều phối. Người trẻ là đối tượng (đích ngắm) trong hiện tại và là chủ thể Giáo hội trong tương lai, vậy hãy để tiếng nói ấy được cất lên, có như vậy thế hệ đi trước mới hiểu họ và điều chỉnh lại chính thói quen hành xử vô tình được hiểu là "mệnh lệnh" của mình, từ đó nâng cao hiệu quả trong phương pháp tiếp cận, tập trung đi vào vấn đề chính yếu, thiết thực, gần gũi với tư duy của người trẻ. Rõ ràng Tăng Ni trẻ đang có quá nhiều vấn đề (cả tích cực lẫn tiêu cực) liên quan đến những câu hỏi "làm gì…?", "vì sao…?", "như thế nào…?" v.v… Nếu các vấn đề triển khai không sát tình hình thực tế, không định hướng đúng và đảm bảo quyền lợi của các bên, thì Giáo hội càng lâm vào tình trạng ảo tưởng trong quản lý, và một khi không kiểm soát được sẽ dễ dẫn đến một tổ chức vô tổ chức.

Giới luật, Nội quy Tăng sự, Hiến chương Giáo hội và pháp luật Nhà nước phải được nghiên cứu để triển khai cho phù hợp, bằng không các văn bản hành chính Giáo hội sẽ mất tác dụng, bộc lộ sự yếu kém (trong chính ngôn từ và nội dung cần diễn đạt) của một văn bản, như vậy vừa không thể giải quyết tốt vấn đề mà còn đẩy sự chống đối của một thực tế đang gây bức xúc tăng cao.

tangsu-2.jpg

(Ảnh chụp tại phòng kỹ thuật phim 3D: tái hiện bằng hình ảnh về Kinh Bổn Sanh của Đài Truyền hình PG DMC - Ảnh: Đức Sơn)

Trước khi tiến hành triển khai công tác quan trọng, ngành Tăng sự cần có các tiêu chí định tính và định lượng cụ thể, làm sao hài hòa các nội dung được quy định trong giới luật và pháp luật thế gian để đạt hiệu quả cao nhất trong hoằng pháp. Sau khi đã cùng ngồi lại định tính và định lượng cho từng vấn đề, cần phải có hệ thống thông tin để triển khai thực hiện. Các phương pháp thống kê định lượng có thể cho chúng ta những kết quả khá chính xác để tiếp cận vấn đề (theo tâm lý chung: tán đồng hay không), nhưng khi đi vào "định tính", chúng ta phải hết sức cân nhắc đến phương pháp tu trì, hình thức hành đạo, bằng không rất khó để tổ chức hay cá nhân có đủ thẩm quyền để lấy giá trị của mình làm quy chuẩn áp đặt lên người khác, mà đặc biệt, Phật giáo không chủ trương khuyến khích sự giáo điều.

Đơn cử, vấn đề "lập am cốc riêng", cần phải có nghiên cứu dài hạn trong hiệu quả hoằng pháp của mô hình này. Sự suy yếu của Phật giáo Hàn Quốc đã chỉ ra mắt bài học, trong khi họ quá chú trọng vào "cổ truyền", chuẩn chỉ trong việc xây chùa, thì "thánh đường" tư gia mọc lên khắp các thôn cùng ngõ hẻm, các khu dân cư nghèo, cứ đêm xuống là thành phố lung linh với những cây thánh giá nhiều màu. Thực tế, một số tôn giáo khác, đặc biệt là đạo Tin Lành đang phát huy hiệu quả bằng chính mô hình này của Hàn Quốc ở trên đất nước chúng ta.

Do vậy, để có thể đánh giá hiệu quả công cuộc hoằng pháp, cần phải lập ra các tiêu chí định tính, định lượng cụ thể cho các vị trụ trì "am, cốc", khuyến khích một lối sống trách nhiệm và dấn thân phụng sự. Nên có hẳn một ban chuyên trách để tìm hiểu và nắm bắt tình hình cụ thể, cùng nhau tháo gỡ và hạn chế những khuyết điểm của mô hình này, phát huy tính linh hoạt, uyển chuyển của nó. Như chúng ta thấy, nhiều nhà thờ phương Tây đã bán cho Tăng Ni để làm chùa, vậy nếu một ngày nào đó chùa để chúng ly tán, không muốn ở, và dẫn đến một thực tế phải bán chùa thì sao? Tất nhiên điều đó được ràng buộc bởi pháp luật. Dù không khuyến khích lối sống buông thả, ích kỷ, hưởng thụ, nhưng chúng ta phải khéo vận dụng để thu hút mọi nguồn lực sức mạnh về Giáo hội. Nhiều khi một ngôi chùa thật, nhưng để một vị "sư giả" làm trụ trì thì điều đó còn nguy hại hơn rất nhiều.

Một tổ chức biết nhìn thẳng vào những yếu kém trong quản lý, đó là một tổ chức trung thực và sẽ vươn lên mạnh mẽ. Một tổ chức mà những ý kiến phản biện, chưa suy xét rõ đúng sai mà quy về chống đối, thì đó không phải là tổ chức mà người ta có thể đặt kỳ vọng; ngược lại, theo quy luật, chắc chắn nó sẽ đi đến chỗ cục bộ, suy yếu.

Thường Trung