Ghi nhận ý kiến trong Hội thảo Tăng sự tại TP.HCM


altNhư Giác Ngộ đã đưa tin, trong hai ngày 24, 25-4 vừa qua, tại Nhà Truyền thống-Văn hóa Phật giáo TP, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM đã tổ chức Hội thảo Tăng sự về Tăng Ni, tự viện.

Gần 40 tham luận của các ban ngành và chư tôn đức đại biểu trình bày tại Hội thảo, trong đó tập trung phần lớn vào việc định hướng, giáo dục, quản lý Tăng Ni trẻ - đội ngũ kế thừa của Giáo hội - đủ để thấy hết những ưu tư của hàng giáo phẩm lãnh đạo về đời sống tu tập, hành đạo của lớp người này.viện.

Công tác quản lý đang thả nổi

Trong 2 thập niên trở lại đây, lực lượng Tăng Ni trẻ ngày càng đông, nhưng người "hảo tâm xuất gia" không nhiều đã tạo nên những nhọc nhằn trong việc tìm ra phương thức giải quyết và ổn định từ chư tôn túc lãnh đạo các cấp Giáo hội. Trong phát biểu chỉ đạo tại lễ khai mạc, HT.Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng BTS Thành hội đã nêu rõ: "TP.HCM là địa phương hội tụ nhiều Tăng Ni, tự viện, nhất là Tăng Ni trẻ đang theo học các chương trình. Đây được xem là thế hệ kế thừa của Giáo hội, vì vậy cần được giáo dục đúng mức, đúng tinh thần giới luật." Tuy nhiên, HT nhìn nhận rằng, hiện nay số lượng Tăng Ni trẻ xây dựng am, cốc để sinh hoạt tự phát đang có chiều hướng gia tăng và Giáo hội cần đưa họ về với cộng đồng Tăng Ni toàn thể để cùng tu tập và thuận lợi cho công tác quản lý. Giáo hội cũng cần có những biện pháp hữu hiệu để ổn định đạo phong, đạo hạnh của Tăng Ni nhằm giữ vững niềm tin nơi Phật tử tại gia.

ĐĐ.Thích Huệ Nghiêm, Trợ lý BĐD PG Q.9 cũng đồng tình với quan điểm trên khi thể hiện sự lo lắng: "Việc quản lý Tăng Ni trẻ hiện nay rất lỏng lẻo, thiếu tâm lý, thiếu khoa học, thiếu quy tắc thiền môn trong khi các phương tiện khoa học hiện đại đã góp phần không nhỏ làm cho Tăng Ni trẻ bị xáo trộn nếp sinh hoạt tu học mà các vị thầy thế độ không kịp theo dõi, kèm cặp. Song song đó, một hiện tượng khá phổ biến là việc thu nhận người xuất gia rất dễ dãi của một số vị Tăng Ni trụ trì khiến người đệ tử đã phạm lỗi không cảm thấy ăn năn mà còn ra vẻ khinh khi thầy bạn".

Đại diện Ban Giáo dục Tăng Ni, HT.Thích Thiện Tâm cho rằng, hiện nay không ít vị bổn sư hầu như giao hẳn việc giáo dục Tăng Ni sinh cho nhà trường mà không cần biết đệ tử mình có đến lớp hay không, có học hành nghiêm túc hay không. Do đó, Tăng Ni sinh không có sự tiến bộ trong học tập và tha hóa đạo đức từ lúc nào vị thầy cũng không hay biết. Từ đó HT đề nghị: "Các trường Phật học phải thường xuyên liên lạc với vị bổn sư, y chỉ sư nơi học Tăng, học Ni cư trú và tu học. Cách làm cụ thể có thể được thực hiện bằng cách lập sổ liên lạc và thường xuyên tổ chức các buổi họp phụ huynh". NT.TN Như Châu, Phân ban đặc trách Ni giới TP bổ sung thêm khi tha thiết đề nghị Giáo hội cần xem xét lại việc tổ chức các Đại giới đàn, nên tập trung vào chất lượng hơn là số lượng.

Băn khoăn về một Tăng - Ni xá

Hiện nay, toàn TP có hơn 8.000 Tăng Ni thưởng trú và tạm trú, trong đó phân nửa là Tăng Ni trẻ theo học tại các trường Phật học. Trong số này, một bộ phận không nhỏ Tăng Ni sinh thuê nhà trọ, ở nhà Phật tử và đang có dấu hiệu gia tăng nếu như không có giải pháp chấn chỉnh hữu hiệu.

Thực trạng này được TT.Thích Nhật Giác, Phó đại diện PG Q. Thủ Đức cảnh báo: "Một bộ phận Tăng Ni bị lệch lạc về quan điểm và chí hướng xuất gia đã dẫn đến việc lấy phương tiện làm cứu cánh, lao vào học mà quên tu tập, bỏ quá đường vì học về trễ, vắng sám hối, thời khóa Tịnh độ vì học Anh văn, sáng không công phu vì đêm thức khuya làm bài… thích ở đâu thì ở, an cư cũng tùy tiện và không màng đến phẩm hạnh người xuất gia cần có". Từ đó, dần dần hình thành một lớp Tăng Ni trẻ xa rời chốn thiền môn, tự lập am, thất hoặc tạm trú ở tư gia Phật tử như người thế tục.

Trong khi đó, TT.Thích Thiện Nghĩa, Chánh đại diện Phật giáo huyện Nhà Bè chia sẻ: "Số lượng Tăng Ni trẻ hiện ở TP khá đông và mỗi vị là một trường hợp, một hoàn cảnh cần được sự định hướng và chăm lo của các cấp lãnh đạo Giáo hội. Cuộc sống của Tăng Ni trẻ xa thầy tổ, xa chùa gặp khá nhiều áp lực và chỉ người trong cuộc mới có thể thấu hiểu. Do vậy, một số trường hợp mướn nhà dân để làm nơi cư trú để hoàn tất việc học hành, xét ở một góc độ khác, đáng thương hơn là đáng trách mà bổn phận người đi trước phải thể hiện sự lưu tâm". TT kiến nghị Giáo hội nên lập quỹ hỗ trợ giáo dục, kêu gọi sự ủng hộ tài chính kịp thời tiếp sức Tăng Ni sinh trẻ có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại các trường Phật học.

TT.Thích Trí Hải, Chánh đại diện Phật giáo Q.6 hưởng ứng: "Phật giáo TP cần có kế hoạch đầu tư xây dựng một ký túc xá tầm cỡ để giải quyết tình trạng Tăng Ni sinh trẻ ở nhà dân. Song song đó, đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, tạo điều kiện cho Tăng Ni theo học các trường đại học chuyên ngành trong và ngoài Phật giáo để đáp ứng nhu cầu nhân sự cho các ban ngành, các cơ quan nghiệp vụ, hành chánh của Giáo hội". Trả lời những băn khoăn của các đại biểu về khả năng xây dựng ký túc xá riêng biệt cho Tăng Ni trẻ, HT.Thích Như Tín, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Tăng sự Thành hội cho biết, việc này rất cần thiết nhưng hiện tại Giáo hội chưa đủ nhân duyên thực hiện và sẽ có cách để đáp ứng tốt nhất nhu cầu về nơi trú xứ thuận tiện cho việc tu học của Tăng Ni trẻ.

Bài, ảnh Tâm Nhiên