Myanmar du - Kỳ 1: Yangon, thành phố đa sắc thái

alt

Những hàng ăn tràn ngập ở đường phố Yangon

Theo chuyến bay đầu tiên của Vietnam Airlines đến thủ đô Yangon của Myanmar hầu hết chỉ có các lãnh đạo và chuyên viên ngành hàng không, đa số đều chưa từng biết tới đất nước được mệnh danh là “miền đất vàng” này.

Bí ẩn là phải khi cho tới nay Myanmar vẫn đang chịu chính sách cấm vận của Mỹ và EU, là nơi được biết tới như một trong những khu vực còn đóng kín với thế giới bên ngoài.

Khi chiếc ATR72 nghiêng cánh chao sát xuống đường băng của sân bay quốc tế Yangon, ai cũng tò mò nhìn ngó qua cửa sổ. Sân bay quốc tế mới khai trương khá khang trang, do Chính phủ Nhật Bản trợ giúp xây dựng nên hiện đại không thua kém các sân bay khác trong khu vực, nhân viên nhập cảnh rất nhã nhặn, điều này tạo ấn tượng tốt đẹp ngay từ phút đầu tiên. Ở đây, một cảnh tượng khá khôi hài bởi sự tận tuỵ và nhếch nhác đan xen, sự lạc hậu của thiết bị cộng thêm đám nhân viên bốc vác ồn ào tranh khách luôn bao bọc du khách.

“Hà Nội những năm 80”

Thủ đô Yangon quyến rũ tôi ngay từ phút đầu tiên, không phải bởi sự tiện ích của những con đường rộng rãi nối từ sân bay về thành phố, không phải bởi toà cao ốc Sakura 20 tầng sang trọng, mà ở chính vẻ nghèo nàn của khu lao động, khu chợ Bogyoke Aung San nổi tiếng là thiên đường mặc cả và khu đi bộ quanh chùa Sule giữa trung tâm thành phố. Có lẽ vì tôi bắt gặp được hình ảnh của Hà Nội và Hải Phòng những năm 1980, cũng nhốn nháo, lộn xộn nhưng rất thân tình. Mái chùa Sule dát vàng óng ánh luôn là tâm điểm hút bước chân khách bộ hành, còn kề đó là đài Độc lập nằm trong công viên Mahabandoola tĩnh lặng, đối lập hoàn toàn với khung cảnh sinh sống nhộn nhịp phía ngoài. Những công trình từ thời thuộc địa vẫn còn nguyên đường nét đẹp quyến rũ kiểu châu Âu, chỉ có điều đã cũ thê thảm với đầy đủ cỏ cây mọc trên bờ tường, vôi tróc lở và rêu phủ ngói. Myanmar cho tới nay vẫn là một quốc gia có mức GDP thấp nhất trong khu vực, được quản lý bởi chính quyền quân sự, áp dụng chính sách tem phiếu cho nhiều lĩnh vực, ví dụ mua sắm xe hơi, bán xăng… Thị trường chợ đen cực kỳ phát triển, chính điều này tạo nên bức tranh đa sắc của thủ đô Yangon.

Mọi vỉa hè khu trung tâm đều được phủ kín bởi các sạp hàng rong, người ta bán từ đồ điện tử rẻ tiền cho tới trái cây, đồ ăn thức uống và trầu đã được têm thành từng miếng. Trầu và thuốc lá lẻ được bán khắp mọi nẻo đường, hệt như những quán chè chén của đô thị miền Bắc thời bao cấp. Cũng cần kể thêm, nhai trầu vẫn là thói quen thịnh hành của đại đa số đàn ông Myanmar, từ cậu thanh niên lễ tân khách sạn bình dân cho tới ông lão gật gù bán hàng lưu niệm góc phố. Mặc những chiếc xà rông truyền thống có tên “longyi”, chân đi dép xỏ ngón, đàn ông của xứ sở này có bộ dạng khá lạ lẫm trong con mắt du khách phương Tây. Thậm chí cánh lái taxi cũng không khác hơn, vừa vặn vô lăng với tốc độ trung bình 60km trên phố, vừa nhai trầu bỏm bẻm.

Kinh tế vỉa hè

 

alt
Đài Đôc lập tại Yangon

Tôi đã có hai buổi chiều len lỏi trong những ngõ ngách của trung tâm Yangon, chỉ trở về khách sạn khi đã mệt nhoài mà không hề phải lo lắng về chuyện trộm cắp, bởi đất nước theo đạo Phật này rất ít xảy ra chuyện đó. Mặc cả thoải mái khi bán mua trong các shop, thậm chí trả giá chỉ còn 30% giá ban đầu khi mua đá quý, đồ lưu niệm, đồ xa xỉ... là điều phổ biến. Với mức sinh hoạt phí đường phố cực rẻ, ăn nhậu theo cách Myanmar là điều nên thử với du khách, với điều kiện bụng dạ tốt một chút. Những món lòng heo hầm, bún, miến, trứng, thịt... bày bán tràn lan khắp vỉa hè, bất chấp khói xe mù mịt và lòng đường rác rưởi. Mang cảm giác được trở về với quá khứ 20 năm của Hà Nội, tôi đã ăn món lòng hầm thoả thích. Tôi ăn căng bụng mà chỉ phải thanh toán cho cô chủ 600 kyat. Tiền Myanmar ngoài chợ đen có tỷ hối trung bình 1 USD trên dưới 1.000 kyat. Nhưng khác với Việt Nam, tại vỉa hè Myanmar người ta ăn uống lu bù, món khoái khẩu là bún trắng trộn cá hoặc gà có nước xốt giã từ lạc và dừa có tên mohinga, có vài thứ tựa như phở, nhưng tuyệt nhiên không thấy ai uống bia rượu khi ăn.

Những quán chè và sách báo cũ vỉa hè cũng là nét đặc trưng của khu trung tâm Yangon. Một ấm chè nhôm với vài điếu thuốc lá lẻ, cánh thanh niên có thể ngồi lê la cả tối, rì rầm trò chuyện nhưng không hề cãi vã ồn ào. Bản tính cư dân hiền hậu thể hiện ở ngay những góc tối tăm nhất thủ đô, còn tại ngôi chùa vàng lừng danh Shwedagon, nơi 27 tấn vàng đã được phủ lên mái chùa và tháp, thì sự hiền hậu đã trở thành lịch lãm đến bất ngờ. Đã tới Yangon không ai bỏ qua ngôi chùa lịch sử này bởi vẻ tráng lệ và quy mô khổng lồ của công trình có từ thế kỷ 15. Với 366 ngọn tháp kể cả tháp chính, Shwedagon là nơi mọi người vào đều ngước nhìn lên ngọn tháp kỳ vĩ rực rỡ dưới ánh mặt trời, thành kính múc những gáo nước tưới lên các pho tượng Phật và đi chân trần vòng quanh khuôn viên chùa. Vô vàn đường nét kiến trúc Phật giáo được thể hiện ở đây, từ những khuôn cửa cong cho tới mảng ghép kính, từ hình dáng thanh thoát tuyệt mỹ của tháp cho tới các khu nhà nguyện dày đặc tượng Phật các kích thước, bằng chất liệu đá, vàng, ngọc bích, bạc hay bêtông. Shwedagon là biểu tượng của tinh thần sùng Phật của người Myanmar, một trong ba điều kỳ diệu nhất của Phật giáo trên đất nước này.

Kỳ sau: Miên man chùa tháp

Bài và ảnh: Thái A (Sgtt)