Hoằng pháp với thanh thiếu niên:Vai trò hoằng pháp đối với tuổi trẻ

alt

Hoằng Pháp là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi người con Phật. Từ xa xưa, các

vị tổ, các vị Tôn Túc đã không quản ngại đường sá xa xôi, địa hình hiểm trở, những nơi hiểm nguy để đi vào cuộc đời truyền bá Chánh pháp, lợi lạc quần sinh.  

 

Vậy ngày nay, những người con Phật được sinh ra trong một thời kỳ hội nhập, xã hội phát triển, sự bùng nổ của công nghệ truyền thông, các loại hình giải trí phát triển phong phú thì việc Hoằng pháp càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, để làm sao chúng ta vừa duy trì được công tác Hoằng Pháp vừa có thể áp dụng được các công nghệ đó phục vụ cho việc truyền bá Chánh pháp đến với mọi người đặc biệt đến với tầng lớp Thanh Thiếu Niên.

1. Tình hình thực tế

Tình hình thực tế tu học tại các đạo tràng, các Tịnh Thất, Niệm Phật đường đại đa số là tầng lớp trung lão niên, còn thanh thiếu niên Phật tử tuy có gia tăng trong những năm gần đây nhưng so với tôn giáo bạn thì vẫn còn thua kém nhiều.

Thanh thiếu niên trong xã hội hiện nay đang có khuynh hướng sống nghiêng về đời sống vật chất mà xem nhẹ giá trị tinh thần, giá trị đạo đức. Đứng trước tình hình đó những người có tâm huyết hoằng Dương phật pháp phải có giải pháp gì phù hợp để đưa phật pháp đến với giới trẻ.

2. Nguyên nhân và giải pháp

a. Nguyên nhân giới trẻ ít đến chùa tu học:

Giới trẻ ngay nay có rất nhiều nhu cầu về cuộc sống, nhất là những vấn đề về học tập, công việc, hôn nhân và gia đình. Họ giành rất nhiều thời gian cho việc học tập ở trường ở nhà, chuyện thi cử đổ đạt nhiều khi đã gây cho họ sự căng thẳng, mệt mỏi. Ngoài ra, các bạn trẻ lại lao vào các trò chơi giải trí trên truyền hình hay mạng Internet, tham gia vào thế giới ảo, các trò chơi hiện đại rất hấp dẫn. Tất cả những vấn đề đó đã nghiến hết thì giờ, khiến họ không quan tâm đến những lĩnh vực khác và đây cũng là nguyên nhân gây ra nhiều tệ nạn trong xã hội. Hơn nữa, các bậc phụ huynh cũng không thể khuyến khích con cái đến chùa tu học Phật Pháp.

Ngoài ra còn có nhiều nguyên nhân khác, trong đó có việc phổ cập giáo lý Phật Đà đến với giới trẻ còn rất hạn chế. Nhiều nơi rất ít chùa nhưng cũng có nơi nhiều chùa, nhưng không có người trụ trì để duy trì việc Hoằng truyền giáo pháp. Do đó, người dân không hiểu nhiều về Phật pháp, lại có cái nhìn tiêu cực về đạo Phật, dẫn đến việc ngăn cấm con cái đến chùa tu học. Bên cạnh đó, quan niệm “Trẻ vui nhà, già vui chùa” vẫn còn ăn sâu vào tiềm thức của người dân nhất là những người ở độ tuổi trung và lão niên, dẫn đến các đạo tràng tu tập ở các nơi chủ yếu là các cụ ông, cụ bà. Hơn thế nữa, các chùa ở vùng nông thôn lại thiên về hình thức tín ngưỡng bái sám hơn là công tác bồi dưỡng phật pháp cho các cháu. Đứng trước vấn đề này, chúng ta cần phải có giải pháp gì?

b. Giải pháp:

- Về mặt giáo lý: Đối với các đạo tràng lớn nên uyển chuyển hơn trong vấn đề phổ cập giáo lý Phật đà. Các chương trình tu học liên tục được cập nhật và thay đổi để đáp ứng những mong muốn của các bạn trẻ. Việc ứng dụng khoa học công nghệ truyền thông vào giảng dạy giáo lý cũng cần quan tâm nhiều hơn, để đạt được những hiệu quả sinh động và hấp dẫn với các bạn trẻ trong thời đại kỹ thuật số như hiện nay. Với các chùa nhỏ ở các vùng nông thôn nên tổ chức những buổi học cho các em nhỏ vào các dịp hè nhiều hơn là chú ý đến hình thức phục vụ tín ngưỡng cho người dân.

Đối với thanh thiếu niên, cần dạy các giáo lý cơ bản của Phật giáo như Nhân quả Nghiệp báo, luân hồi, Tứ đế, Duyên khởi, Bát chánh đạo v.v... để giới trẻ có cái nhìn về con người và thế giới theo quan điểm của Phật giáo và thấy được những giá trị đạo đức thiết yếu trong mối quan hệ cuộc sống cá nhân với cộng đồng.

Điều quan trọng nhất là giúp cho họ có một niềm tin sâu vào pháp môn tu tập vừa cụ thể, vừa thực tiễn, vừa hiệu quả để họ có thể giải quyết được những mâu thuẫn, tháo gỡ được những khủng hoảng với cha mẹ, với anh chị em trong gia đình, bạn bè, các đồng nghiệp ngoài xã hội bằng pháp môn như cách hít thở, hành thiền, sống đời sống chánh niệm, phương pháp lấy ra những căng thẳng trong thân, trong tâm, tập nhận diện và ôm ấp những sợ hãi, đau buồn, lo lắng của mình. Giúp họ biết cách chấp nhận và yêu thương những người xung quanh, ngay cả những người không yêu thương mình. Một khi họ cảm nhận được sự an lạc vững chãi trong đời sống nội tâm, bất động trước những nghịch cảnh cuộc đời, nhờ tu tập họ sẽ phát khởi được lòng tin vững vàng nơi Tam Bảo, nơi giáo lý Phật đà.

- Vấn đề nghi thức tụng kinh bái sám: Để phù hợp với giới trẻ trong thời đại hôm nay, các nghi thức, khóa lễ cần được đa dạng hóa, cần phải xen kẽ những bài nhạc lễ kết hợp với ngồi Thiền hay đi kinh hành, những buổi thiền trà, pháp đàm v.v… để tạo sự linh hoạt, tạo không khí trẻ trung nhưng không mất phần trang nghiêm trong các khóa tu hay trong các buổi lễ.

- Giảng giải kinh điển: Đạo Phật có đến được với giới trẻ hay không là nhờ vào sự chuyển tải nội dung kinh điển từ phía giảng sư, chư Tôn đức trong Ban Hoằng pháp. Các bài giảng phải sát thực tiễn và mới lạ với giới trẻ, phải đáp ứng và giải quyết được những trăn trở, lo lắng, tuyệt vọng về học tập tình yêu và sự nghiệp. Tránh những bài giảng xa rời thực tiễn, lý thuyết giáo điều, tránh lạm dụng những từ ngữ Hán Việt cổ xưa gây khó hiểu, cản trở đến khả năng tiếp nhận thông tin.

- Đa dạng các chương trình tu học, sinh hoạt: Bên cạnh xây dựng các đạo tràng tu học hay các khóa tu như Phật thất, đạo tràng tu Bát Quan Trai giới hay các khóa thiền v.v... để hướng dẫn Phật tử tu tập thanh lọc tâm thức, thì mô hình sinh hoạt văn hóa rất cần thiết như: Các đội văn nghệ, các lớp nữ công gia chánh (cắm hoa, nấu ăn chay, thêu may) các lớp hội họa, thư pháp chơi nhạc để giáo dục giới trẻ về thẩm mỹ văn hóa Phật giáo. Đây là loại hình sinh hoạt rất quan trọng trong việc thu hút và đưa giới trẻ đến chùa.

- Giáo dục đạo đức: Với thực trạng như hiện nay, khi tệ nạn xã hội ngày càng nhiều mà đối tượng phần lớn là Thanh Thiếu Niên, thì việc giáo dục luật Nhân Quả cần được xem xét và đưa vào chương trình giảng dạy tại các trường trung học hay các trường Đại học, để họ sớm nhận ra được quy luật NHÂN QUẢ NGHIỆP BÁO rất công bằng với mọi người “Ai làm ác phải chịu ác, ai làm thiện sẽ được quả thiện” và nhắc nhở giới trẻ nên cân nhắc cẩn thận trong từng suy nghĩ, lời nói, việc làm của mình để giúp họ không đi sâu vào con đường tội lỗi, khổ đau cho họ, gia đình và xã hội.

3. Vài trò của người tu sĩ trong thời đại mới

Một khi giới trẻ có ý niệm hướng về Phật Pháp rồi, muốn tham gia các hoạt động của Phật giáo, và muốn sống trong môi trường Phật giáo thì Tăng Ni là những người đóng góp vai trò rất quan trọng trong việc hướng dẫn giới trẻ tu học. Mặc dù giới trẻ có tính hiếu động, cởi mở, dễ tiếp nhận nhưng để hướng dẫn và cảm phục được giới trẻ hiện nay, đòi hỏi Tăng ni phải là người có tâm huyết, đồng thời phải trang bị đầy đủ kiến thức Phật học lẫn thế học nhất là kiến thức về tâm lý của lứa tuổi thanh niên, đồng thời biết sử dụng thành thạo một số ngoại ngữ và các phương tiện truyền thông giải trí hiện đại như vi tính, kết nối mạng v.v… Giới trẻ sẽ dễ dàng bị cuốn hút, ảnh hưởng và sẽ tiếp nhận thân giáo của những vị thầy trẻ trung năng động, sẵn sàng lăn xả vào đời những lúc dầu sôi lửa bỏng nhưng không mất vẻ uy nghiêm đức độ, luôn giúp giới trẻ khám phá những điều kỳ diệu chỉ có thể tìm thấy trong cuộc sống đạo đức tâm linh. Những Thầy, Sư cô từ độ an hòa luôn vỗ về, sẻ chia những điều mà giới trẻ không thể thổ lộ cùng người trong gia đình. Hình ảnh đẹp này sẽ là chiếc cầu đưa giới trẻ đến chùa và sẽ là chỗ dựa tinh thần đáng tin cậy cho giới trẻ.

Tóm lại, nội dung bài viết trên đây chúng con chỉ trình bày những vấn đề mang tính thực tế tại tỉnh nhà và đưa ra một số giải pháp cơ bản cho những vấn đề trên mong đóng góp một vài ý kiến vào chương trình Hoằng Pháp trong thời đại mới./.

Ban Hoằng pháp tỉnh Thái Bình

(Trích tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang)