Hoằng pháp với sự trong lành của môi trường sống

image

Giáo lý của đức Phật luôn có giá trị đích thực trong cuộc sống của chúng ta, vì những lời dạy của Ngài trước hết và trên hết là bởi con người, vì con người, và cho con người.

Một điều đặc biệt hơn hết là những giáo lý của các tôn giáo khác, đó là tính thể nghiệm trong giáo lý của đức Phật. Vì vậy, cuộc sống càng văn minh, càng phát triển, thì càng chứng thực sự hữu ích trong giáo lý của Ngài.

Giáo lý về Bát Chánh Đạo là phương châm hướng đến sự sống chân chánh, toàn mỹ mà Đức Phật muốn trao gởi cho nhân loại.

Trong đó, mỗi chi phần là một phương cách sống trực tiếp hoặc gián tiếp tạo nên môi trường sống trong lành, mà người con Phật chúng ta nên tích cực thực hiện để góp phần bảo vệ sự xanh, sạch, đẹp của  môi sinh, để cải thiện một môi trường đầy ô nhiễm, khí hậu biến đổi bất thường như hiện nay.

Thay đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường là hai sự đe dọa to lớn đối với tương lai của nhân loại, cũng như đối với động, thực vật và môi trường sinh thái.

Thời gian gần đây có nhiều khảo cứu khoa học cho biết những biến động khí hậu có liên quan đến sự hâm nóng toàn cầu. Các thán khí và độc tố như: CO2, CH4, phát ra từ các nhà máy đốt than đá hay dầu khí, đã giữ lại phóng xạ làm tăng nhiệt độ toàn cầu.

Xăng nhớt từ các xe cộ cũng là một nguồn quan trọng phát ra các thán khí. Các thán khí này được gọi chung là khí có hiệu ứng nhà kính. Những loại khí này xuất hiện ngày càng đậm đặc trong bầu khí quyển, nó không giống như những chất khác gây ô nhiễm môi trường, mà phần nhiều các khí này không thấy và không mùi nhưng rất độc hại, nguy hiểm.

Đồng thời các nhà máy còn thải ra những thứ nước ô nhiễm, độc hại chưa được xử lý kỹ càng. Bên cạnh đó, con người đã làm thay đổi địa hình, phá rừng, làm ruộng vườn và nuôi súc vật sử dụng thuốc tăng trưởng, thuốc trừ sâu một cách thiếu đạo đức trong sản xuất.

Các hành động này ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu và thay đổi môi trường sống của nhiều loài.

Việt Nam là nước không có nhiều nhà máy phát tán ra thán khí như các nước tiên tiến trên Thế giới. Nhưng với đà tiến triển của nền công nghiệp hiện nay, lượng thán khí sẽ tăng vì các nhà máy sẽ dùng than đá và dầu khí nhiều hơn.

Do thải ra nhiều khí metan nên đập thuỷ điện cũng được xem là một trong những tác nhân góp phần làm gia tăng quá trình biến đổi khí hậu.

Lượng thán khí cũng sẽ tăng theo số xe cộ càng ngày càng nhiều ở các thành phố lớn như: Sài Gòn và Hà Nội.

Ngoài ra nạn phá rừng cũng tăng lượng thán khí. Sự hâm nóng toàn cầu sẽ gây nên những biến động khí hậu trầm trọng, khó lường, có nơi sẽ giảm lượng mưa và kéo dài nạn khô hạn, có nơi sẽ kéo dài mùa mưa và tăng cường độ các trận bão, các sông băng và băng ở hai đầu địa cầu sẽ tan làm nước biển tăng lên ở nhiều nơi trên thế giới.

Nhiều nước sẽ phải tốn lắm tiền để bảo vệ hạ tầng ven biển trước hai việc nước biển tăng và bão lũ mạnh.

Riêng tại Việt Nam, sự hâm nóng toàn cầu cũng sẽ gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Nhiệt độ trung bình sẽ tăng lên khoảng 2,5 độ C vào năm 2070. Trong vòng 30 năm qua, mực nước biển đã tăng lên 5 cm mỗi năm.

Nếu mức nước biển còn tăng thêm, các làng mạc và thành phố thuộc vùng duyên hải sẽ bị đe dọa tràn ngập. Nạn lũ lụt đã và sẽ tàn phá các vùng hạ lưu của những con sông lớn Việt Nam, một phần bởi những bàn tay phá rừng tạo nên.

Trận lũ lụt lịch sử ở Phú Yên năm 2009 đã cướp đi 81 nhân mạng và hàng trăm ngôi nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn là một minh chứng.

Trước thực trạng đáng lo ngại về tốc độ tàn phá  môi trường sinh sống đối với đất đai, không khí, nước uống, thực phẩm…mà những con người thiếu  ý thức, vô trách nhiệm tạo nên chỉ vì  lòng tham không đáy, vì trục lợi quá mức mà  không quan tâm gì đến độc hại của môi sinh hiện tại, và để ảnh hưởng đến tương lai các thế hệ mai sau.

Nếu muốn tránh các biến động xấu nhất có thể xảy ra, bắt buộc nhân loại phải hành động gấp rút và trên bình diện rộng lớn.

Đây là một thách thức rất lớn, không phải là trách nhiệm của một đoàn thể nào mà tất cả nhân loại phải tham gia. Phật giáo Việt Nam nói chung, ngành Hoằng Pháp nói riêng, chúng ta cần nhận diện những vấn đề và vấn nạn mà xã hội đang đối phó hiện nay và phải đóng vai trò là tiếng nói của Đạo đức Phật giáo trong Thế giới đầy sự ô nhiễm về môi sinh và biến động về khí hậu này.

Nhà  Hoằng pháp cũng phải gióng lên hồi chuông cảnh báo bằng những lời phật dạy: Lấy Từ Bi (tình thương) làm gốc, lấy “Tri túc”(tự biết vừa đủ) làm phương châm sống, lấy “Trí tuệ” (hiểu biết) làm sự nghiệp, không ngừng kêu gọi nhân loại bớt giết hại sinh vật và tàn phá cây rừng.

Bởi vì, với một tri kiến hoàn hảo, đức Phật đã thấy muôn loài trong vũ trụ đều đồng nhau ở dạng thể tánh và trên mặt hiện tượng giới, muôn người, muôn vật cùng sống, cùng tồn tại trong mối quan hệ hữu cơ, không thể tách rời.

Theo chúng tôi, chất liệu giáo lý có thể đáp ứng được vấn nạn này là giáo lý về Bát Chánh Đạo mà đức Phật đã để lại cho chúng ta trên 2500 năm qua.

Thật vậy! Theo lời dạy của Đức Phật, để có cuộc sống thánh thiện, lợi ích cho bản thân, cho cộng đồng xã hội, chúng ta phải biết tu tập và sống đúng theo tinh thần của giáo lý Bát chánh đạo.

Đây là phương cách sống giản dị, có thể áp dụng cho tất cả mọi người, nó có công năng cải thiện tâm lý, ngôn từ, hành động, giúp chúng ta tiến đến đời sống thánh thiện cao cả, mà trước tiên xây dựng được đời sống an lạc, hạnh phúc cho bản thân, cho gia đình, góp phần tạo nên một môi sinh trong lành cho xã hội.

Cùng với sự kêu gọi bảo vệ, giữ gìn môi trường sống của Cục bảo vệ môi sinh quốc gia, người Hoằng pháp với tinh thần “Hộ quốc an dân”, nên tích cực khai triển giáo lý Bát Chánh Đạo vào trong cuộc sống của đại chúng nhân sinh.

Đồng thời, hưởng ứng các phong trào như: “Xanh – Sạch –  Đẹp – An toàn”, “Vì đường phố không rác”, “Nói Không với lâm sản trái phép” v.v...Người Hoằng Pháp nên lồng ghép vào bài giảng sự giáo dục về ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường Xanh- Sạch - Đẹp, gồm các tiêu chí như: khuyến khích trồng cây xanh, ngăn chặn việc chặt phá rừng, không vứt rác bừa bãi và chất thải xuống cống thoát nước, các kênh, mương; các hộ kinh doanh thực phẩm phải đảm bảo về qui định an toàn thực phẩm.v,v...

Mặt khác, kêu gọi ý thức tự giác của mỗi cá nhân về sử dụng năng lượng tiết kiệm. Mỗi hành động tiết kiệm năng lượng của người dân, hộ gia đình, sẽ góp phần giảm mức tiêu thụ điện, tiêu thụ năng lượng, giảm thiểu khí thải ô nhiễm môi trường, tiết kiệm một phần lớn chi phí cho gia đình và quốc gia, góp phần thực hiện thành công trong việc gìn giữ sự trong lành của môi sinh.

Bên cạnh đó, chúng ta cần  nhấn mạnh tính nghiêm trọng và cấp thiết sự xuống cấp của hệ sinh thái, sẽ mang lại những hậu quả khôn lường do chính bàn tay chúng ta tạo ra.

Muốn cải thiện môi trường sống, đòi hỏi phải có sự nỗ lực của nhân loại toàn cầu, nhằm phản ứng lại trước thách thức to lớn mà biến đổi khí hậu gây ra, phải nhanh chóng phối hợp hành động ở tất cả mọi cấp độ khác nhau trong xã hội.

Tóm lại, từ ngàn xưa đức Phật và chư vị Tổ sư đã vận dụng Bát Chánh Đạo một cách thiết thực có hiệu quả trong việc hoằng pháp lợi sinh, chuyển hóa mọi người thực hiện nếp sống đạo đức và tri thức, đem đến sự an lạc, giải thoát cho bản thân, góp phần xây dựng một gia đình hạnh phúc, một xã hội an bình và thịnh vượng.

Ngày nay, trước hiện trạng thế giới phải đương đầu với hậu quả do con người gây ra, làm thay đổi sự cân bằng của hệ sinh thái, dẫn đến sự thay đổi khí hậu có nguy cơ đe doạ tương lai của chúng ta.

Trước vấn đề to lớn và nghiêm trọng này, là người con Phật, chúng ta phải biết luôn sống trong chánh niệm và từ bi, phải biết sống thiểu dục tri túc và nhận thức đúng đắn về mối tương quan giữa con người với môi trường sống; giữa sản xuất tiêu dùng và hiểm hoạ của sự biến đổi sinh thái.

Trong Kinh Duy Ma có dạy: “Dục tịnh kỳ độ, tiên tịnh kỳ tâm, tuỳ kỳ tâm tịnh, tắc quốc độ tịnh“ (Muốn cõi này tinh sạch, trước gội sạch tâm mình, theo tâm tinh sạch ấy, cõi nước được tinh sạch).

Đồng thời, tin tưởng và vận dụng lời dạy của Đức Phật về Bát Chánh Đạo vào trong cuộc sống thường nhật, nhất định chúng ta sẽ tìm ra lời giải đáp hữu hiệu cho vấn đề nghiêm trọng và cấp bách này.

Trích Tham luận củaTỳ kheo Thích Quảng Huy - Ban Hoằng pháp THPG Phú Yên tại Hội thảo hoằng pháp toàn quốc - Kiên Giang 2010