HOẰNG PHÁP VỚI THANH THIẾU NIÊN

 image

A. THANH NIÊN LÀ THẾ HỆ KẾ THỪA
Tre già măng mọc, đó là qui luật để tồn tại của xã hội từ xưa nay. Từng thế hệ nối tiếp nhau duy trì, thế hệ ông cha rồi thế hệ con cháu; lớp người trước gầy dựng, lớp người sau duy trì và phát triển. Có như thế thì xã hội loài người mới được tồn tại tốt đẹp.

Thanh thiếu niên là thế hệ cây non của khu rừng già, là tương lai của đất nước; nếu những cây non trong một khu rừng già có sức sống và có tiềm năng phát triển lớn mạnh thì khu rừng sinh thái sẽ được tồn tại. Cũng như trong một đất nước, những con người trẻ, những thanh thiếu niên có tiềm năng trí tuệ thì đất nước tương lai sẽ thịnh vượng phồn vinh.

Ngược lại, thanh thiếu niên thế hệ trẻ kế thừa mà tiêu cực hư hỏng, thiếu trí tuệ và đạo đức, là mối nguy cơ của đất nước, làm cho xã hội ngày càng suy đồi, cũng như một khu rừng, lớp cây cổ thụ đang cằn cỗi mà lớp cây non yếu ớt kém phát triển thì khu rừng sẽ suy tàn. Do đó, việc giáo dục thanh thiếu niên là việc cần phải quan tâm hàng đầu.

B. GIÁO DỤC THANH THIẾU NIÊN

Lớp thanh thiếu niên thời nay có xu hướng suy thoái về tinh thần đạo đức đến mức phải báo động, nhất là ở các nước tự do và các nước đang phát triển mạnh về kỹ thuật tin học; ở các nước nghèo chậm phát triển, cũng có nguy cơ suy thoái đạo đức ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Bởi nghèo đói, mọi người chỉ nghĩ đến lo cái ăn cái mặc mà không có chú ý giáo dục con em, từ đó đời sống tinh thần của lớp thanh thiếu niên dần dần sút giảm, nghèo nàn.

Ít có thanh thiêu niên thời nay nhận thức và trân trọng đời sống đạo đức, con cái trong gia đình không biết hiếu kính với cha mẹ, học trò trong trường không biết kính trọng các thầy cô giáo, anh chị em không biết thương yêu hòa thuận nhau… Họ không biết rằng đời sống hạnh phúc tương lai của họ một phần là được xây dựng trên hai nền tảng Tri thức và Đạo đức.

Trước tình hình ấy, thiết nghĩ đã đến lúc mọi người cần quan tâm đến việc giáo dục thanh thiếu niên, đó là trách nhiệm chung của mọi người, ở gia đình, học đường, xã hội và tôn giáo.

Có hai mục tiêu giáo dục thanh thiếu niên, đó là giáo dục tri thức và giáo dục đạo đức. Trong bài tham luận này, với chủ đề là Hoằng Pháp với thanh thiếu niên, nên sẽ nói nhiều về khía cạnh giáo dục tôn giáo hay Phật pháp giáo dục thanh thiếu niên.

C. PHẬT PHÁP ĐỐI VỚI THANH THIẾU NIÊN

Có người ngộ nhận rằng Đạo Phật là hệ thống tín ngưỡng với những nghi thức tụng niệm cúng bái nhằm xoa dịu nỗi khổ đau cho những người tuổi già xế bóng, hay những người bị thất bại trong tài tình danh lợi, tìm vui trong câu kinh tiếng kệ để quên sự đời.

Suy nghĩ ấy không đúng hẳn. Đạo Phật có cả thuốc uống cho người bệnh và thức ăn cho người khỏe, có cả thú tiêu khiển cho người già và việc làm cho người trẻ.

Đức Phật thuyết pháp phù hợp cho mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi giai cấp. Chỉ cần người ấy có niềm tin, có trí tuệ và có sự nỗ lực để thực hành theo lời dạy của Đức Phật thì sẽ đạt đến an lạc.

Đối với tuổi trẻ thanh thiếu niên, họ có bốn điểm thích hợp để đến với Phật pháp và để duy trì phát triển Phật giáo, đó là có sức khỏe, có trí nhớ, có trí tuệ, và lòng nhiệt huyết.

- Tuổi thanh thiếu niên có sức khỏe có thể đeo đuổi lý tưởng, học và hành giáo lý.

- Tuổi trẻ thanh thiếu niên có trí nhớ tốt, có thể nhớ được nhiều, được lâu những gì đã nghe đã học.

- Tuổi trẻ thanh thiếu niên có trí tuệ, biết suy nghĩ, biết tìm hiểu biết nhận thức vấn đề có khoa học.

- Tuổi trẻ thanh thiếu niên có lòng nhiệt huyết, hăng say với trách nhiệm.

Những tiêu điểm đó khiến tuổi trẻ thanh thiếu niên rất thích hợp để đến với Phật pháp và duy trì phát triển Phật giáo.

D. HOẰNG PHÁP ĐỐi VỚI THANH THIẾU NIÊN

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam được công nhận là đã góp phần xây dựng đất nước, nhất là về mặt xây dựng con người trí tuệ và đạo đức.

Giáo Hội có một bộ phận giáo dục những Tăng Ni trẻ và những tín đồ trở thành lớp kế thừa, đó là bộ phận Hoằng pháp.

Hoằng pháp đối với thanh thiếu niên là một trong những hoạt động trọng tâm của Giáo Hội.

Giáo Hội đã có những mô hình hoằng pháp cho tuổi thanh thiếu niên như:

a/ Tổ chức sinh hoạt GĐPT.

b/ Tổ chức lớp học Phật pháp.

c/ Sáng tác nhiều sách truyện viết và truyện bằng tranh nội dung Phật pháp.

Chúng tôi thiết nghĩ cũng nên lưu ý đối với những người có vai trò hoằng pháp cho thanh thiếu niên, nên có những điểm sau đây :

a/ Nên có thái độ thân thiện cởi mở đối với thanh thiếu niên.

Thanh thiếu niên là tuổi trẻ rất nhạy cảm, sự thân thiện cởi mở của người làm công tác hoằng pháp sẽ khiến lớp người trẻ dễ đến để nghe để học Phật pháp. Tất nhiên không nên quá thân mật khiến họ lờn mặt, bởi nếu họ khinh lờn thì không dạy dỗ họ được.

b/ Biết cách giảng giải có phương pháp khoa học và thực tế.

Ngày nay thanh thiếu niên được tiếp cận với khoa học thực tiễn nên họ không dễ chấp nhận những triết lý mơ hồ hoang đường và thiếu thực dụng, Phật pháp rất thực tế và thực dụng, nếu biết cách trình bày thì lớp thanh thiếu niên sẽ nhanh chóng tiếp nhận.

c/ Biết chọn đề tài giáo lý phù hợp tuổi trẻ.

Thanh thiếu niên ngày nay quen cách giáo dục lý thuyết và thực hành đi song song, do đó những vấn đề không áp dụng được với tuổi trẻ mà đem ra dạy thì phản tác dụng.

d/ Luôn là tấm gương đạo đức.

Người làm công tác hoằng pháp là người có vai trò hướng dẫn tinh thần cho quần chúng, trong đó có lớp thanh thiếu niên, phải luôn luôn là tâm gương sáng về đạo tâm, đạo hạnh và đạo lực cho người khác noi theo. Hơn nữa, tuổi thanh thiếu niên là tuổi dễ có ấn tượng và bắt chước, nếu họ có ấn tượng đẹp với vị giảng pháp thì họ sẽ nghe theo./.

 

Hòa thượng Thích Giác Giới

Phó ban Hoằng pháp Tỉnh Vĩnh Long

(Trích tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang)