A Xà Thế thời nay


Cuộc đời dâu bể lặng thầm nuôi con khôn lớn

Đôi lưng oằn cong cho con đứng thẳng người.

Trên chuyến xe về lại Sài Gòn, tôi miên man với những dòng suy nghĩ, trong lòng như đang quặn từng khúc ruột cho một người con gái giết Mẹ. Lặng thầm nhìn qua khung cửa xe dưới cái ánh nắng gay gắt và đất đai khô cằn của vùng đất thanh long, tôi không nghĩ rằng chính nơi đây lại sinh ra một A Xà Thế thứ hai của thời hiện đại.

Khép lại trang sách của lịch sử, ngậm ngùi khi đọc lại những hình ảnh hoàng tử A Xà Thế giết Cha để chiếm ngôi. Vua Tần Bà Sa La đã chết trong ngục vào những ngày cuối đời. Đôi khi tưởng rằng những hình ảnh này chỉ có ở sử sách. Thế nhưng nó đã tái diễn lại ngay chính trên vùng đất quê hương này.

Nếu ngày xưa hoàng tử A Xà Thế có thể giết Cha để chiếm ngôi vua thì ngày nay người ta có thể giết Mẹ để chiếm đất. Chỉ vì muốn chiếm luôn mảnh đất của Mẹ mà người con ấy đã không từ một thủ đoạn nào, họ có thể bỏ đói bỏ khát người Mẹ 86 tuổi ấy không một hạt cơm, giọt nước, họ không giết Mẹ bằng dao để xóm giềng phải nhìn thấy, nhưng họ đã giết Mẹ bằng chính những thủ đoạn dã tâm nhất của những gì không thuộc về một con người.

Mẹ đã khóc … Tiếng khóc Mẹ không dám nấc lên thành tiếng. Mẹ nuốt nước mắt vào trong chịu đựng bao sự đắng cay, đau đớn. Mẹ cắn răng im lặng không một lời oán con, chỉ mong người con ấy sớm tỉnh ngộ đừng gây nên tội lỗi nữa. Mắt Mẹ đã mờ, Mẹ té xuống không người đỡ dậy, người con ấy đã xốc Mẹ lên như chỉ muốn làm cho Mẹ đau đớn thêm. Mẹ đau đến thấu tận trời xanh, cõi lòng Mẹ đã nát tan khi chính đứa con ruột của mình khóa chốt cửa bên trong không cho một ai tới thăm Mẹ, họ giam Mẹ bỏ đói cho đến chết mới thôi…

Mẹ đã đi rồi…

Tôi muốn hét lên giữa trời xanh, trước biển cả bao la, giữa đất trời lồng lộng. Đến bao giờ thì bốn chữ sắc, tài, danh, lợi mới không còn hiện hữu trên thế gian này nữa. Vì tham lam muốn chiếm đoạt tất cả, người con gái ruột của Mẹ đã bất chấp mọi thủ đoạn để giết đi người đã sinh ra mình, nuôi con lớn lên bằng những đồng tiền chắt chiu của Mẹ để con có những bữa cơm no lòng, lưng Mẹ còng theo năm tháng cũng là lúc con đứng thẳng người với thiên hạ. Con lớn lên trở thành ông này bà nọ được người ta kính trọng, Mẹ nằm một xó trong góc giường không hạt cơm giọt nước. Ngày đưa tang Mẹ, đàn cháu con ngậm ngùi trong chiếc khăn tang đưa Mẹ về lòng đất lạnh. Người con gái ruột đã giết Mẹ cũng đóng một màn kịch hết khóc rồi xỉu, như thể rằng họ cũng đang rất đau lòng lắm??!!

Cả một cuộc đời Mẹ đã hy sinh cho tất cả khi người con trai của Mẹ đã trở thành liệt sĩ, Mẹ không sống cho riêng Mẹ, ngay đến cuối đời Mẹ vẫn kiên cường, cố gắng chịu đựng để sống, để giữ cho được miếng đất của cha ông để lại, Mẹ muốn xây một ngôi nhà Từ Đường ngay chính trên mảnh đất này, Mẹ không muốn miếng đất ấy phải rơi vào tay những kẻ độc ác.

Một đời gánh nắng và mưa

Mòn vai mà Mẹ vẫn chưa yên lòng

Một đời giống nước đòn cong

Vì ai vai lệch lưng còng, Mẹ ơi!

Tôi nhớ rằng sau khi giết cha là vua Tần Bà Sa La rồi, một hôm A Xà Thế nằm mộng thấy cha về mỉm cười và nói với ông rằng:

-    A Xà Thế! Ta là cha của con. Tuy con đã giết ta nhưng ta không oán hận con. Là đệ tử của đức Phật nên ta nguyện dùng đức từ bi của Phật mà tha thứ cho con. Dầu sao con cũng đã là con của ta nên ta chúc con một điều, chúc con sớm giác ngộ mà bước đi trên con đường ánh sáng.

Lời báo mộng của vua Tần Bà Sa La cũng chính là lời mà người Mẹ ấy đã muốn nói với người con gái ruột của mình trước khi nhắm mắt, nhưng lúc này bà đã quá yếu không thể nhấc môi để nói lời cuối cùng. Bà nắm chặt tay người cháu ngoại và nhẹ nhàng ra đi trong tiếng niệm Phật.

Tạm biệt vùng đất thanh long nắng nóng, tôi trở về lại Sài Gòn với tâm trạng khắc khoải, đau buồn. Lạc giữa dòng người tấp nập với từng dòng xe cộ qua lại, người người hối hả giữa dòng mưu sinh, họ đang chạy theo tiền tài và danh vọng, trong số họ có ai đang nghĩ về những người Mẹ đứng tựa cửa ngóng trông con tháng ngày hay không? Có người nào đã làm tròn chữ Hiếu hay chưa?

Phàm ở đời làm việc gì cũng phải chịu sự chi phối của luật nhân quả, mỗi một hành động của chúng ta đều đã được ghi chép lại. Ta có thể che mắt được thế nhân nhưng những gì đã ghi trong sổ Nhân Quả thì muôn đời một chữ cũng không thể sửa. Hãy ý thức những gì mình đang làm. Đừng để tới lúc khi quả báo tới mới phải than khổ giữa cuộc đời này.

Tựa đầu vào vách tường nhìn về xa xăm của cõi hư không, đôi dòng lệ chảy ra từ lúc nào tôi cũng không biết nữa. Tôi mỉm cười và tự hỏi rằng tôi đang khóc cho sự ra đi của một người Mẹ hay tôi đang khóc cho nhân thế giữa dòng vô minh. Tôi gạt dòng nước mắt và gật đầu: Tôi đang khóc cho cả hai. Cho sự ra đi đau đớn của Mẹ, cho nhân loại còn đắm chìm trong biển khổ, sức mạnh của đồng tiền, bóng tối của vô minh đang bao trùm trên khắp tất cả, chữ Hiếu đã bị xói mòn trong thời đại ngày nay, chữ Tài chữ Danh đang được vun bồi. Chua chát để nhìn ra sự thật rằng giá đất càng tăng thì chữ Hiếu lại càng được coi rẻ. Thế mới biết tại sao trong một vòng lẩn quẩn, chúng ta luôn cứ phải gặp nhau ở cõi Ta Bà này. Không buông được sắc, tài, danh, lợi thì làm sao cầu được giác ngộ, giải thoát, không bỏ được vọng tưởng, chấp đắm thì làm sao ra được rừng mê về miền cực lạc. Than ôi! Thế gian này! Tất cả chỉ đều là giả tạm rồi cũng hóa thành hư không mà thôi. Thế nhưng người ta vẫn có thể sẵn sàng giết Mẹ mình để đạt lấy nó, để rồi cho dù là đời nào đi chăng nữa thì hình ảnh một A Xà Thế giết cha vẫn luôn được tái hiện lại. “Hiếu vi vạn hạnh chi tiên” câu nói này liệu có còn được ai nhớ đến nữa hay không?

Miên man trong dòng suy nghĩ, tôi giật mình và trở về nhà trong lời ru của Mẹ, trong ánh sáng đưa đường của ánh trăng ngày rằm… “Phụ mẫu tại đường như Phật tại thế” nguyện cho thế gian sớm ngộ được câu nói này. Mong lắm thay!

http://www.channhu.com/VuonHoaGiaLong/images/MeCon001.jpg

TỊNH HẠNH (NGUYỄN ÁNH VY)

(hoalinhthoai.com)