HOẰNG PHÁP VỚI THANH THIẾU NIÊN


image

Nước Việt Nam chúng ta ngày nay đang trên đà phát triển về mọi mặt, từ thúc đẩy quan hệ Quốc tế, đến đẩy mạnh nền kinh tế công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa; nhằm tích cực đem lại sự sung túc cho đời sống nhân dân, giúp đất nước thoát khỏi sự đói nghèo, lạc hậu và hướng tới mục tiêu dân giàu - nước mạnh, xã hội công bằng - dân chủ - văn minh.

Trong quá trình mở cửa giao lưu và tiếp nhận nhiều luồng tư tưởng văn hóa ngoại lai, song song với những thuận lợi vượt bậc về khoa học kỷ thuật, về công nghệ thông tin, về kinh tế thị trường và nhiều nguồn vốn đầu tư hợp tác có lợi nhiều mặt; bên cạnh đó cũng có nhiều tệ nạn xã hội đang râm rỉ xâm nhập và đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm hồn, suy nghĩ và nếp sống của một bộ phận thanh thiếu niên như: Sống thực dụng, manh động trong suy nghĩ; không biết lễ phép với người lớn, bất hiếu với cha mẹ, bất kính thầy cô, thiếu tình nghĩa với bạn bè, quyến thuộc.

Đa số thanh thiếu niên ngày nay sống sa đọa vào những thú vui có hại như: đam mê nếp sống nhục dục, ăn chơi trác tán, không lễ phép, không giữ gìn nếp sống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc, cha ông. Xem nhẹ ơn nghĩa thầy cô, coi việc học là sự mua bán trao đổi. Tham lam hưởng thụ những cái không thật sự cần thiết ở độ tuổi vị thành niên: chạy theo các thứ thời trang dị hợm trên thế giới; đua đòi, thần tượng hóa các ngôi sao ca nhạc, điện ảnh, rồi đánh mất mình trong cuộc sống, nghiện ngập, tiêm nhiễm những thói hư tật xấu v.v…

Để rồi không còn có ý niệm về tội phước, nhân quả, nghiệp báo; không ý thức được lẽ sống ở đời, không chịu hướng thiện và hướng thượng.

Với truyền thống “Hộ Quốc An Dân”, Phật giáo không thể đứng ngoài vấn nạn xã hội. Thực tế trong nhiều năm qua, Phật giáo đã có nhiều hoạt động thiết thực để góp phần vào chặn đứng sự suy đồi đạo đức trong thanh thiếu niên như: Phật giáo đã tổ chức các khóa tu dành cho thanh thiếu niên, các trại hè thanh thiếu niên, các câu lạc bộ cho thanh thiếu niên…và đặc biệt là hệ thống tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam.

Gia đình Phật tử Việt Nam do cố Bác sĩ học giả Tâm Minh - Lê Đình Thám sáng lập, tiền thân là Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục, sau đó chuyển thành Gia đình Phật hóa Phổ, đến năm 1951 chính thức lấy danh hiệu Gia đình Phật tử cho đến ngày nay.

Như chúng ta đã biết, Gia đình Phật tử là một tổ chức giáo dục Phật giáo, đào luyện thanh thiếu niên theo tinh thần Phật pháp thông qua hoạt động tu học giáo lý của đức Phật và các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, giúp cho thanh thiếu niên vẹn toàn ba đức tánh Bi - Trí - Dũng để hướng mọi người đến “chân thiện mỹ”.

Ba đức tánh Từ bi, Trí tuệ và Dũng liệt khi được kiện toàn, thì người Phật tử phải biết tự giúp mình và giúp người “chuyển mê khai ngộ, thoát khổ được vui”. Từ đó mà góp phần đem lại nguồn an lạc, hạnh phúc cho con người, xã hội và chúng sanh.

Do đó hướng dẫn đội ngũ thanh thiếu niên tham gia mọi hoạt động Gia đình Phật tử như: tu học Phật pháp, hoạt động thanh niên, sinh hoạt văn nghệ phù hợp với nhu cầu phát triển tâm sinh lý của tuổi trẻ.

Bởi lẽ thanh thiếu niên là lứa tuổi đang phát triển về thể chất lẫn tinh thần, nên có rất nhiều nhu cầu phát triển tự nhiên và cần phải định hướng về tất cả các mặt trí dục, đức dục và thể dục. Ngoài nhu cầu tối thiểu về ăn, mặc, ngủ nghỉ, tuổi trẻ cần được học tập, hoạt động, giao lưu với bạn bè, sống hòa nhập với tập thể và theo đuổi lý tưởng.

Hướng dẫn các em thanh thiếu niên vào Gia đình Phật tử để giáo dục các em thực hiện 5 điều luật của GĐPT:

1. Phật tử quy y Phật Pháp Tăng và giữ giới đã phát nguyện,

2. Phật tử mở rộng lòng thương tôn trọng sự sống,

3. Phật tử trau dồi trí tuệ tôn trọng sự thật,

4. Phật tử sống trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm,

5. Phật tử sống hỷ xã để dũng tiến trên đường đạo.

Xây dựng Gia đình Phật tử để giáo dục thanh thiếu niên phải đủ ba phương diện: học hỏi Chánh pháp, thực hành Chánh pháp và truyền bá Chánh pháp; phải sống đúng theo năm hạnh của người Phật tử “Áo Lam” là: tinh tấn, hỷ xả, thanh tịnh, trí huệ và từ bi.

Xây dựng Gia đình Phật tử để giáo dục thanh thiếu niên trở thành người Phật tử chân chánh, là nhân tố tốt nhất giữa đạo và đời, là nhịp cầu nối giữa gia đình và Giáo hội, giữa cá nhân và xã hội. Nhằm góp phần tích cực chuyển hóa tâm ý thuần lương, người người hiền thiện, đạo đức xã hội tốt đẹp bình an.

Thanh thiếu niên là mần non của Đạo pháp, là tương lai của đất nước, cần được chăm sóc và vun bồi để chuẩn bị cho tương lai; cho nên cần có mục đích giáo dục các em, hoàn thiện nhân cách cho các em, xây dựng đời sống thánh thiện, bỏ ác làm lành, giữ thân khẩu ý trong sạch. Đặc biệt quan tâm uốn nắm đội ngũ thanh thiếu niên tránh xa những tệ nạn xã hội, cảnh giác trước mọi âm mưu gây chia rẽ, diễn biến hòa bình của thế lực thù địch, nhằm chống phá chia rẽ Giáo hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.

Hoằng pháp với thanh thiếu niên là nhằm giới thiệu những tấm gương mẫu mực, nếp sống hiền hòa hướng thiện, đạo đức của các bậc trưởng thượng; giới thiệu những nhân tố thành đạt của các bậc thiện tri thức, của các nhà doanh nghiệp, doanh nhân đến các cháu thanh thiếu niên. Từ đó, giúp thế hệ trẻ ngày nay am hiểu được lễ nghi, phải trái, hiếu thuận, nhân quả, tội phước… để các em có được nếp sống lành mạnh, văn minh, biết ơn với tổ tiên, ông bà, thầy cô và xã hội./.

 

Đại đức Thích Định Hương

Ban Hoằng pháp tỉnh Sóc Trăng

(Trích tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang)