Hoằng pháp với vấn đề định hướng nhân cách và trí huệ cho tuổi trẻ


 

alt

Ðến với cuộc sống của vũ trụ vạn hữu, có thể nói, sự khởi ðầu của con ngýời, muôn vật luôn luôn là ðiểm nhấn quan trọng cho sự sống výõn lên của nhân loại. Trong ðó, Ðức Phật ðã dạy, trong mọi sự khởi ðầu dù nhỏ nhoi nhýng có những ðiều ðáng ðể quan tâm, lýu ý: con rắn con, ðốm lửa nhỏ, Hoàng tử bé và vị Tỳ kheo trẻ. Vì sao? vì:

Ðốm lửa nhỏ, cháy thành biển lửa

Con rắn con, lớn hóa đại xà.

Hoàng tử bé, thành quân vương đại đế.

Tỳ kheo trẻ, đắc đạo không xa.

Cũng vậy, với thời đại ngày nay, tuổi trẻ luôn luôn là tương lai của xã hội, là mầm non, là chồi xuân của cuộc sống. Nếu những thế hệ đi trước biết hướng cho tuổi trẻ đi đúng theo khả năng của chúng trên con đường chân, thiện, mỹ thì xã hội sẽ có được những lớp người thành tựu với đầy đủ đức, tài phục vụ cho đưt nýớc, cho cuộc sống con người. Phật giáo chúng ta cũng không ngoài thông lệ ấy.

Với tâm lý lứa tuổi thanh thiếu niên, tâm hồn còn nhiều phóng túng, năng động nên có thể là dễ tập nhiễm những thói hư tật xấu, hay mải mê thái quá với những nhu cầu vật chất hiện đại bên ngoài. Đặc biệt, trong cuộc sống xã hội ngày càng hiện đại hóa thì lại càng hấp dẫn và dần dần lôi kéo những lớp trẻ đi vào con đường sai lạc, trái nhân tính đạo đức, gây ảnh hưởng không nhỏ cho gia đình, xã hội. Cho nên, tuổi trẻ ngoài vấn đề học thế học, nếu được học thêm về Phật học thì tin rằng nhân cách và tri thức của thanh thiếu niên sẽ được phát triển một cách toàn diện, toàn mỹ hơn.

I. Khảo nghiệm nguyên nhân và tình hình thực tế của tuổi trẻ ngày nay:

1. Nguyên nhân:

Từ thực tế khảo sát cho thấy, kết quả tổng điều tra dân số Việt Nam từ năm 2009 là Hơn 85 triệu dân, trong đó, theo số liệu của tín đồ Phật giáo là 45 triệu tín đồ. (Theo số liệu thống kê của Ban Hướng dẫn Phật tử, GHPGVN trong bài phát biểu của HT. Thích Thiện Nhơn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký HĐTS GHPGVN).

Trong những năm gần đây cho thấy, với số lượng tín đồ Phật tử như thế, thành phần thanh thiếu niên Phật tử có phần tăng cao. Thế nhưng, so với các tôn giáo bạn thì con số đó chưa xứng tầm với chiều dài lịch sử hiện diện và phát triển của Phật giáo hơn 2000 năm qua trên đất nước Việt Nam.

Trong con người của giới trẻ luôn chứa đựng hai mặt của cuộc sống. Sự tìm tòi, tò mò và niềm tin tâm linh mãnh liệt ẩn phía sau tính năng động và sáng tạo. Đây là những tố chất làm cho bạn trẻ dễ gần gũi hơn với đạo Phật. Tuy vậy, nhìn vào các đạo tràng thính pháp trên khắp đất nước Việt Nam, chúng ta vẫn thấy rất ít sự có mặt của các giới trẻ. Giới trẻ chỉ đến chùa như một thói quen về tín ngưỡng chứ không xem đó là món ăn tinh thần hằng ngày của mình. Thực trạng sống theo nếp sống Phật giáo dường như đang bị “lão hóa” này chính là nỗi ưu tư và quan tâm hàng đầu của những nhà hoằng pháp.

Giới trẻ ngày nay đang sống trong hoàn cảnh có nhiều thuận lợi và cũng không ít những khó khăn. Thuận lợi vì được sống trong thời đại con người đã đạt được nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật về y học, kinh tế, điện tử v.v…, nhưng đồng thời những áp lực của xã hội hiện đại cũng đang đè nặng không ít lên tâm trí giới trẻ. Đồng tiền và vật chất đóng một vai trò gần như chi phối chủ đạo đến cuộc sống của giới trẻ. Rất nhiều nhà mô phạm, nhà nghiên cứu tâm lý, các tôn giáo v.v… đã lên tiếng kêu gọi con người, đặc biệt là lớp trẻ hãy tỉnh thức, hãy sống có lý tưởng, hãy tự rèn mình, hãy tự là gương sáng cho nhiều người khác để gìn giữ, nuôi dưỡng và phát triển một đời sống an bình, hạnh phúc.

Nhà tâm lý học Mỹ E. Tóocđai cho rằng: “Tự nhiên ban cho mỗi người một vốn nhất định, giáo dục cần phải làm bộc lộ vốn đó là vốn gì và phải sử dụng nó bằng phương tiện tốt nhất”… Điều này cho thấy giáo dục giữ vai trò chủ đạo đối với sự phát triển tâm lí của tuổi trẻ. Giáo dục là con đường đặc biệt để truyền đạt những kinh nghiệm xã hội cho thế hệ sau. Vai trò chủ đạo đó chính là quá trình tác động có mục đích, có ý thức, có kế hoạch của thế hệ trưởng thành đối với thế hệ trẻ đang lớn lên, nhằm hình thành những phẩm chất nhất định cho cá nhân thế hệ trẻ.

Như vậy, người hoằng pháp cũng chính là những nhà giáo dục, đóng vai trò cũng khá quan trọng trong việc giáo dục thanh thiếu niên định hướng nhân cách và trí tuệ theo con đường chân, thiện, mỹ. Muốn thực hiện tốt điều đó, trước hết chúng ta phải hiểu được tâm lý lứa tuổi của giới trẻ, mới có thể đưa ra những phương hướng xác thực, phù hợp với giới trẻ. Hiểu rõ vị trí và ý nghĩa của giai đoạn phát triển tâm lý giới trẻ, giúp nhà hoằng pháp có cách đối xử đúng đắn và giáo dục để các em có một nhân cách, trí tuệ toàn diện.

Có thể nói, trong những giai đoạn phát triển của con người, lứa tuổi thiếu niên có một vị trí và ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây là thời kỳ phát triển phức tạp nhất, và cũng là thời kỳ chuẩn bị quan trọng nhất cho những bước trưởng thành mai sau. Bởi trong thời kỳ này, những cơ sở, phương hướng chung của sự hình thành quan điểm xã hội và đạo đức của nhân cách được hình thành, chúng sẽ được tiếp tục phát triển trong tuổi thanh niên.

Các em cho rằng công tác xã hội là việc làm của người lớn và có ý nghĩa lớn lao. Do đó, được làm các công việc xã hội là thể hiện mình đã là người lớn và muốn được thừa nhận mình là người lớn. Hoạt động xã hội là hoạt động có tính chất tập thể, phù hợp với sở thích của thiếu niên. Do tham gia công tác xã hội, mà quan hệ của các em được mở rộng, kinh nghiệm cuộc sống phong phú lên, nhân cách của thiếu niên được hình thành và phát triển. Nhưng nếu những người hướng dẫn giới trẻ làm công tác xã hội không chính đáng thì sẽ dễ khiến cho nhân cách đạo đức của các giới trẻ phát triển sai lệch, dần dần tạo nên những hậu quả xấu, những tệ nạn khác nhau trong xã hội.

Đến với tuổi Thanh niên, để chuẩn bị bước vào đời, thanh niên thường trăn trở với các câu hỏi về ý nghĩa và mục đích cuộc sống, về cách xây dựng một kế hoạch sống có hiệu quả, về việc lựa chọn nghề nghiệp cho phù hợp và có ý nghĩa...

Ở nước ta hiện nay khi mà các giá trị xã hội có nhiều biến động, không ít thanh niên chưa xác định được ý nghĩa của cuộc sống, không có định hướng nghề nghiệp rõ nét và do đó cũng không thể lập được cho bản thân một kế hoạch sống cụ thể. Hiện tượng này tồn tại không phải đơn thuần do trình độ phát triển tâm lý ở lứa tuổi thành niên chưa chín muồi, mà quan trọng hơn là do những khiếm khuyết trong giáo dục ở nhà trường, gia đình và trong xã hội, thông qua các ấn phẩm sách báo, văn hóa, nghệ thuật... Đây cũng là những lý do cụ thể hình thành những lớp người thanh thiếu niên sống lêu lỏng, mất định hướng và hậu quả không tốt đẹp thì có thể nói là không thể đo lường.

Ở lứa tuổi thanh niên thì niềm tin, đạo đức đã bắt đầu hình thành. Sự hình thành niềm tin đạo đức biến thanh niên từ chỗ là người chấp nhận, phục tùng các chuẩn mực đạo đức trở thành chủ thể tích cực của chúng. Điều này thể hiện đặc biệt rõ trong việc tìm kiếm mẫu hình lý tưởng. Sự tiếp nhận mẫu hình lý tưởng xuất phát từ tình cảm khâm phục một con người cụ thể và khi đó mẫu hình lý tưởng sẽ chi phối hành vi đạo đức của các em.

Bước sang tuổi thanh niên, các chức năng tâm lý của con người cũng có nhiều thay đổi, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển trí tuệ, khả năng tư duy. Các nghiên cứu tâm lý học cho thấy rằng hoạt động tư duy của thanh niên rất tích cực và có tính độc lập, tư duy lý luận phát triển mạnh. Với chúng, điều quan trọng là cách thức giải quyết các vấn đề được đặt ra chứ không phải là loại vấn đề nào được giải quyết.

Đức Phật đã từng dạy giáo pháp của Ngài không phải quan niệm, mà là tu niệm. Đây là đặc tính rất thích hợp với bản năng hiếu kỳ, thích trải nghiệm thực tế của lứa tuổi thanh thiếu niên.

Từ những đặc điểm tâm lý lứa tuổi trên cho thấy, để hình thành được nhân cách và trí tuệ ở giới trẻ, nhà hoằng pháp cần đặt ra những tiêu điểm rõ ràng, thu phục được nhân tâm giới trẻ và trước hết là thu hút được giới trẻ về chùa. Từ đó dần dần định hướng cho giới trẻ những hiểu biết, tư duy, nhân cách cao quý bằng bài pháp sinh động thể hiện bằng nhiều phương tiện tu thân, hành thiện, xóa đi phần những quan niệm sai lầm của chúng.

2. Vài điểm khái quát về tình hình thực tế tuổi trẻ ngày nay:

Với xã hội hiện đại này, quả thật rất khó nhận diện cụ thể về giới trẻ, nhưng chỉ xin khái quát vài nét tiêu biểu thường thấy trong cuộc sống:

- Có trình độ học vấn cao hơn, có hiểu biết đa dạng, phong phú, nhất là về khoa học, kỹ thuật, tin học. Nhu cầu tự khẳng định bản thân, cái tôi rất lớn.

- Có nhiều nhu cầu đa dạng, phong phú, nhất là vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng.

- Dễ bị tác động bởi các xu hướng, trào lưu, văn hóa theo lối sống ngoại lai, lệch lạc.

- Việc tiếp nhận và thấm nhuần các giá trị đạo đức truyền thống rất hạn chế, nhất là trong giao tiếp, ứng xử.

- Tính kiên trì, nhẫn nại, chịu đựng gian khổ thấp.

3. Những ưu điểm của Phật giáo giúp nhà hoằng pháp xây dựng mô hình giáo dục tuổi trẻ:

- Đạo Phật dung chứa một hệ thống lý thuyết xã hội, tâm lý, triết lý và đạo lý sâu sắc để giáo dục giới trẻ. Đồng thời những nguyên tắc tinh yếu để tu tập và hành đạo của Phật giáo cũng thể hiện tính khoa học, ứng dụng thích hợp với thời đại, vào đời sống thực dụng trong nhiều mặt, đủ sức đáp ứng thoả mãn những đầu óc đang truy tìm tri thức và lợi ích thực tiễn của giới trẻ.

- Đạo Phật lấy tinh thần nhân bản làm gốc mà không dựa trên sức mạnh của thần quyền, thế quyền và giáo quyền. Lấy con người và sức mạnh nội tại, tinh thần tự giác làm phương tiện; lấy cái lõi tinh hoa từ chính con người là chân tâm, là Phật tánh làm gốc nên rất phù hợp với trào lưu tiến hóa của một thế giới đang hướng về công bằng, tự do, dân chủ. Và đấy cũng chính là lý tưởng của tuổi trẻ cần truy cầu.

- Thông qua quá trình tu học và thiền định, Phật giáo đã giúp con người tìm được sự an lạc ngay chính giữa dòng đời quay cuồng với hiện thực nầy. Đây chính là nét hành trì nổi bật nhất trong quá trình tu học của Đạo Phật mang tính thuyết phục và lôi cuốn mạnh mẽ đối với tuổi trẻ.

II. Đề xuất những định hướng hoằng pháp cụ thể:

Bồi dưỡng nhân cách đạo đức và trí tuệ cho giới trẻ, sự kiện này không phải hoàn toàn chỉ là nhồi nhét những tín điều giáo nghĩa, không phải áp đặt tuổi trẻ không được làm điều nầy, không được làm điều kia mà hướng dẫn giới trẻ rèn luyện đạo đức, tri thức bằng cách thiết lập một không gian an toàn để chỉ giới trẻ làm những điều gì mà chúng tự thấy thích ứng với thời đại. Thế nhưng, dù thực hiện trong hoàn cảnh, thời gian nào cũng không để giới trẻ bị lôi cuốn bởi những yếu tố độc hại của thời đại, không bị lệch hướng nhận thức bởi các phong trào thời thượng.

Người hoằng pháp đem giáo pháp Phật giảng dạy cho giới trẻ không phải với mục đích hướng chúng trở thành nhà nghiên cứu Phật học, mà giúp giới trẻ học Phật tự thực tập khả năng tư duy bén nhạy, linh hoạt, để có thể nhìn thẳng vào bản chất sự sống, để thấy rằng đâu là hạnh phúc chân thật của đời người.

Tất cả nội dung, mục đích trên thể hiện cụ thể qua những định hướng sau:

1. Xây dựng hình tượng ngôi chùa trở nên hấp dẫn đối với giới trẻ:

Việc lui tới chốn già lam lâu nay vẫn là “già vui chùa” theo cách nói của dân gian Việt Nam, cho nên cần có định hướng mới để tạo nên cảnh chùa là nơi sinh hoạt vui chơi, trưởng dưỡng tâm tánh, nhân cách cho tuổi trẻ. Vì thế, để xây dựng hình tượng ngôi chùa đồng hành cùng thế gian, trước hết phải tạo sự thân thiện giữa Phật tử trẻ và các hoạt động tại chùa.

Thế nhưng, cuộc sống hiện đại khiến cho con người, đặt biệt là giới trẻ dễ dàng phát sinh tính tự ngã và lười biếng. Như dùng chiếc máy tính thì ngồi một chỗ cũng có thể biết tất cả chuyện năm châu bốn biển. Cho nên có nhiều bạn trẻ quan niệm thế thì cần gì phải đến chùa mới biết những gì Phật dạy. Do vậy, là nhà hoằng pháp, chúng ta phải làm sao để là người đại diện cho tiếng nói của ngôi chùa, là một sứ giả đại diện cho việc học tập từ chùa, để gần gũi với bạn trẻ, để tiếp xúc và chia sẻ, để khiến cho bạn trẻ thông qua những con người thật này mà thấy được khái niệm về chùa với tất cả sự tốt đẹp có thể hình dung được.

Xã hội hiện tại cho thấy, văn hóa nghệ thuật hiện nay đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến giới trẻ. Những loại hình văn hoá nghệ thuật không lành mạnh từ phim ảnh, thần tượng, sách báo v.v... là những liều thuốc độc tác động dữ dội, khiến cho không ít những bạn trẻ dẫn đến sống buông thả, mất nhân cách, tác phong. Cho nên, từ những ngôi chùa, nhà hoằng pháp phải tạo ra những tác phẩm văn học, những áng thơ, những khúc nhạc mang đậm tính đạo đức và nhân văn tác động đến giới trẻ… tạo cho giới trẻ niềm vui thật sự trong cuộc sống theo con đường hướng thượng. Sức hấp dẫn của ngôi chùa, không gì hơn là mang đến cho giới trẻ những phương pháp giải quyết mọi khó khăn trong cuộc sống. Cung cấp cách ứng xử, cách tạo dựng tình thương, hạn chế sân hận, giúp giới trẻ hiểu và thấy được mục đích đến chùa là vì thấy được những gương sáng cao cả nơi chư tôn đức tăng ni mà noi theo, là để gội rửa những bụi trần phiền não, xoa dịu những vết thương đau trong tâm hồn. Cung cấp cho giới trẻ đường hướng tốt để xây dựng tương lai sự nghiệp ổn định cho cuộc đời v.v…

2. Xây dựng chí hướng cầu tiến đúng đắn cho giới trẻ:

Tuổi trẻ luôn muốn bộc lộ tài năng của mình, tìm cầu tương lai tốt đẹp, đây là ý chí tiến thủ cần được khích lệ. Lập trường của nhà hoằng pháp lúc này phải khuyến khích thanh thiếu niên cần có trách nhiệm, có lòng nhiệt thành cầu tiến và cần có tinh thần sáng tạo trong sự nghiệp. Hình ảnh sống động về chí hướng cầu tiến của Phật giáo thể hiện rõ qua Thiện Tài Đồng Tử trong kinh Hoa Nghiêm, là người thanh niên Phật giáo tiêu biểu vì muốn tìm cầu lý tưởng nên đã không ngại vô vàn khổ nhọc, vượt qua biết bao chặng đường gian khó để tham học với các nhà học giả, chính trị, tôn giáo, các vị thành công trong lãnh vực sự nghiệp, cùng các chuyên gia khắp mọi lãnh vực, tất cả gồm 53 vị.

Gần nhất trong thời đại ngày nay là hình ảnh một vị vua có công lao lớn nhất - Lý Công Uẩn, người đã sáng suốt đặt Thủ đô mới trên mảnh đất xứng đáng là trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa của cả nước. Vua Lý Công Uẩn đã tạo điều kiện cần thiết nhất để Vương triều Lý xây dựng nền tảng cho nền văn minh Ðại Việt, để đến hôm nay toàn dân Việt Nam mới có ngày mừng Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, là nơi tiêu biểu cho những giá trị vững bền của cả dân tộc.

Năm Lý Công Uẩn 7 tuổi, Ngài được Sư Lý Khánh Vân - cha nuôi cho đi theo học với Thiền sư Vạn Hạnh, từ đó sống với Thiền sư Vạn Hạnh trong chốn thiền môn đến lúc trưởng thành. Ðây là một quá trình cực kỳ quan trọng đối với nhân cách và sự nghiệp của Lý Công Uẩn. Nhờ sự ung đúc, dạy dỗ của người thầy là Thiền sư Vạn Hạnh đã sớm rèn luyện ở Lý Công Uẩn ý chí tự lực, tự cường. Ngài đã nhanh chóng bộc lộ bản lĩnh của mình, bằng cách tự tập làm vua, gánh lấy trách nhiệm cứu dân, dựng nước thay triều Tiền Lê đã đổ nát. Thời gian ngắn ngủi này đã sớm thể hiện nhân cách vua Lý Công Uẩn và mở ra sự nghiệp lẫy lừng cho tự thân cũng như cho cả vương triều Lý. Có thể nói, nhân cách và sự nghiệp của Lý Công Uẩn được hình thành trong chốn thiền môn, là tấm gương vĩ đại, đáng để cho giới trẻ ngày nay noi theo.

Từ những gương điển hình nên học hỏi này, nhà hoằng pháp hướng dẫn thanh thiếu niên cần xây dựng chí hướng cuộc đời theo những mục tiêu sau:

- Cần nhận biết rõ năng lực và sở thích của tự thân để tìm ra được con đường mình cần phải đi và có thể từng bước vững chắc đi tới đích thành công.

- An định thân tâm vào hoàn cảnh hiện thực để đối mặt, tiếp nhận nó và cải thiện những sai lầm trong cuộc sống, hướng về con đường toàn mỹ.

- Xác định được phương hướng đúng đắn cho đời mình và luôn luôn tiến về phía trước dù cho phải thường thay đổi điểm đứng của mình vào những thời điểm khác nhau, nhưng nhứt thiết không được lạc mất phương hướng. Nghề nghiệp và chức vụ có thể đổi thay nhưng phương hướng của đời mình không bao giờ được thay đổi.

- Đối với danh, lợi, quyền thế, địa vị không nên gạt bỏ nhưng không thể chỉ vì truy cầu danh, lợi, quyền thế, địa vị mà sống. Mục đích, giá trị của cuộc sống phải là an vui, hạnh phúc cho tự thân và xã hội.

3. Nuôi dưỡng và phát triển lòng từ bi trong tâm thức tuổi trẻ:

Đang độ hoa niên lòng tràn đầy vui vẻ, tuổi trẻ nhìn cảnh chung quanh đều hiện bày một vẻ tươi sáng đáng yêu. Vì thế, lòng yêu thương của tuổi trẻ tràn trề vô biên. Khi chúng thấy người đau khổ hiện ra trước mắt, tự nhiên cõi lòng se lại, mặc dù kẻ ấy không phải bà con thân thuộc. Rồi biết khởi tâm mong muốn làm sao cho họ hết khổ, cho họ cùng vui như mình. Đó là “lòng từ bi” đã chớm nở trong lòng tuổi trẻ rồi. Là nhà hoằng pháp, cần đưa ra những đường hướng cụ thể để giúp giới trẻ gieo mầm từ bi và phát triển ngày càng lớn mạnh.

Với tuổi trẻ, lòng thương dễ bộc phát nhưng cũng dễ lạc lầm. Cho nên nhà hoằng pháp cần chỉ dẫn giới trẻ hướng lòng thương đi đúng chiều, phải chỗ. Phải chỉ giới trẻ thấy rằng từ những tình cảm hiếu kính với ông bà, cha mẹ trong gia đình cũng là phát xuất từ lòng thương. Lòng thương phát nguyên từ gia đình lần ra xã hội. Nếu chỉ khu biệt lòng thương trong phạm vi gia đình thì không phải là từ bi. Trái lại, thương bao la bên ngoài mà bỏ sót gia đình, đó cũng không phải từ bi. Lòng từ bi nghĩa là thương khắp hết muôn loài. Muốn cho lòng từ bi tăng trưởng, phải dẹp bớt tánh vị kỷ, luôn nhớ đến người khác, đến mọi loài hơn nghĩ đến mình.

Nói chung, khoảnh đất tâm hồn của giới trẻ trong trắng, thuần khiết nên rất thích hợp cho hạt giống từ bi sanh trưởng. Vậy nhà hoằng pháp phải làm sao giúp giới trẻ cụ thể hóa lòng từ bi trên hành động, lời nói và ý nghĩ của chúng. Ðược như vậy, đời sống của giới trẻ sẽ có ý nghĩa và dễ dàng thăng tiến trong cuộc sống.

4. Xây dựng cho giới trẻ đức tính nhẫn nhục:

Như chúng ta đã biết, trái tim của tuổi trẻ chứa đầy nhiệt huyết, dễ giận dữ khi bị nhục mạ, chê bai... Hoặc khi dự định làm một việc gì, lòng luôn thấy nóng nảy, bồng bột muốn làm trong chốc lát cho xong. Chính thái độ đó dễ khiến giới trẻ phải hối hận và đau khổ không ít. Lắm lúc tuổi trẻ cũng muốn bình tĩnh lại, nhưng khi gặp việc rồi cũng chứng nào tật ấy. Nhà hoằng pháp cần nắm vững yếu tố tâm lý này nhằm giúp giới trẻ những phương tiện cụ thể để có thể tự chủ lấy mình, và phương tiện đó không gì khác hơn là hạnh Nhẫn nhục, theo triết lý Phật dạy: “Kẻ ác hại người hiền, như ngửa mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt không tới trời, trở lại rơi trên mình, như ngược gió tung bụi, bụi chẳng tới người, trở lại làm nhơ mình...” (Kinh Tứ Thập Nhị Chương). Như thế, không gì khác hơn là hướng giới trẻ thực hành pháp Phật: “Lấy ân báo oán, oán liền tiêu diệt”.

5. Định hướng phát triển trí tuệ cho giới trẻ:

Chúng ta biết rằng, con người sở dĩ được gọi là con người là do có trí khôn ngoan và biết luân thường đạo đức.

Phật dạy: “Nỗi khổ bị thiêu đốt ở địa ngục, nỗi khổ con lạc đà chở nặng, nỗi khổ đói khát của loài quỉ đói chưa gọi là khổ, ngu si không biết lối đi mới thật là khổ.”

Lời dạy này cho thấy, mỗi con người chúng ta cần phải trau dồi trí tuệ để trở nên một con người xứng đáng với danh nghĩa của nó. Nhất là tuổi trẻ, tuổi đầy triển vọng phát huy trí tuệ, như tấm gương sẵn sàng phản chiếu ánh sáng, nhưng phải chờ có ánh đèn, ngọn đuốc, ánh sáng mặt trời... trợ duyên.

Tuổi trẻ trí óc còn minh mẫn nhưng rất trống, như dạ dày trống rỗng đang đón chờ những thức ăn dồn vào để tiêu hóa, nhưng phải là thức ăn có chất bổ dễ tiêu mới có sinh tố bồi dưỡng cơ thể. Nếu thức ăn chứa nhiều chất độc và khó tiêu thì sẽ hại dạ dày và hại luôn cả cơ thể. Trí óc giới trẻ cũng thế, thu nhận những kiến thức cao đẹp chân chính sẽ tự cải đổi đời sống cá nhân mình trở nên chân chính và góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp. Trái lại, chỉ thu nhận toàn những kiến thức điêu ngoa gian trá, ích kỷ xấu xa thì cá nhân đã hư hỏng mà xã hội cũng nguy cơ.

Xã hội hiện nay có lắm người khôn ngoan mà gian trá, xảo quyệt, họ lợi dụng trí sáng suốt của mình để lừa bịp người, nên càng khôn ngoan càng gây đau khổ cho chính họ và tang tóc cho mọi người. Nên có câu: “Có học thức mà không có đạo đức là người ác...”. Những kẻ như thế, gọi họ là người có trí, nhưng là “trí điêu ngoa”. Lại có một hạng người thông minh nữa là học rộng nhớ nhiều, nhưng sanh tâm khinh người ngạo vật, coi trời đất bằng nắm tay, xem thường tất cả và hay gây sự bực tức cho người. Trí ấy gọi là “trí kiêu mạng”.

Người hoằng pháp muốn giáo dục tuổi trẻ phát triển trí tuệ chân chánh mà không phải là trí kiêu mạng hay điêu ngoa thì phải biết chọn lọc những điều hay lẽ phải trong đời để hun đúc vào tâm trí tuổi trẻ, giúp giới trẻ biết phân biệt lẽ chánh tà, biết nhận định việc phải quấy và biết tôn sùng điều thiện, khinh chê điều ác. Trí phân biệt ấy sẽ đưa giới trẻ xa điều tà và gần điều chánh, biết sửa quấy thành phải, giúp các em thực chứng được lời Phật dạy: “Trí tuệ là con thuyền đưa người qua bể khổ, là lương dược chữa lành mọi căn bệnh của chúng sanh, là chiếc búa bén chặt gãy cây phiền não, là ngọn đèn sáng chiếu tan tất cả tối tăm.”

Người hoằng pháp phải giúp giới trẻ gạt bỏ những thứ phiền não làm rối loạn tâm hồn như: giận, hờn, thương, ghét, buồn phiền... lắng lòng trong sạch thì trí tuệ mới hiện rõ. Nhắc nhở, khuyên bảo giới trẻ cần phải học hỏi để sống cho đáng sống. Hãy tự đào luyện cho mình một trí tuệ, một bản lãnh để sáng suốt lựa chọn hướng đi.

Nhìn chung, theo triết lý của đức Phật thì giới, định, tuệ là ba sự rèn luyện chính trong giáo dục theo phương pháp Phật giáo để đạt được trí tuệ chân chánh, làm sáng đẹp cuộc đời.

6. Định hướng tính cách hổ thẹn của giới trẻ:

Nói đến hổ thẹn, đa số thanh thiếu niên hiện thời đều cho đó là những cử chỉ e lệ, rụt rè, nhút nhát. Vì thế, thời văn minh này phải thủ tiêu tính hổ thẹn ấy đi. Nhưng với Phật giáo, tính hổ thẹn lại được đề cao. Hổ thẹn là chiếc áo trang sức đẹp nhất của người có nhân cách. Hổ thẹn là động cơ tiến thủ trên đường hành thiện. Duy thức học xếp tính hổ thẹn vào nhóm thiện tâm sở. Hổ thẹn là một động lực ngăn điều quấy, dứt sự lỗi lầm.

Khi có suy nghĩ sai, làm điều quấy thì mới có hổ thẹn phát sanh. Hổ thẹn là di sản của tính tự chủ, tự trọng. Con người biết tự chủ nên vừa nghĩ quấy là thấy lương tâm dầy vò ngay. Bởi biết tự trọng nên cảm thấy hổ thẹn, không muốn để ai chỉ trích, quở trách mình. Cho nên nói người biết hổ thẹn là người cao thượng, liêm khiết. Do biết hổ thẹn đối với bản thân, người ta cố tránh lỗi, dứt quấy để bảo tồn danh dự cá nhân mình.

Ðức Phật dạy rằng: “Nếu con người không biết hổ thẹn thì trên thế gian này không còn biết phân biệt cha mẹ, anh, em, lớn, nhỏ cùng với loài cầm thú không khác.” (Kinh Tăng Nhất A-hàm, phẩm Tàm Quí)

Với cá nhân, tính hổ thẹn đã đóng vai quan trọng như thế thì đối với gia đình và xã hội, tính hổ thẹn còn cần thiết hơn nhiều. Nếu với gia đình, xã hội biết hổ thẹn thì bảo vệ được cang thường, luân lý, biết tôn trọng thanh danh tổ tiên, những con người ấy ở trong xã hội không bao giờ dám làm điều phi pháp. Một người như vậy, trăm ngàn người như thế, thì xã hội này sẽ là thế giới Cực Lạc.

Thanh thiếu niên là tuổi cần phải biết ung đúc đức tính hổ thẹn, vì đây là lứa tuổi đang cầu tiến, nếu thiếu hổ thẹn tức nhiên động cơ tiến thủ đã mất. Điều kiện cần thiết để hình thành một thanh niên tốt, phần lớn là do tính hổ thẹn. Vì thế, chúng ta có thể kết luận rằng: Thiếu hổ thẹn, thanh thiếu niên dễ trở nên hư hỏng, sống mất định hướng. Do vậy, không gì hơn, nhà hoằng pháp cần chỉ dẫn thanh thiếu niên biết nuôi dưỡng và phát triển đức tính hổ thẹn này.

7. Định hướng tính cách giải thoát cho tuổi trẻ:

Ðã lâu, đa số thanh niên quan niệm giải thoát của đạo Phật là siêu hình huyền hoặc, không thiết thực, là đạo để dành riêng cho những người chán thực tại cầu vào chốn hư vô tịch diệt. Thanh thiếu niên là những lớp người thích thực tế, ưa hoạt động nên không cần để ý đến. Thế nhưng, nhìn kỷ sự kiện thì chúng ta sẽ thấy Giải thoát chính là thực tế, là hoạt động, là hoài vọng mà mỗi chúng ta đang thiết tha ôm ấp, chứ không phải là chuyện xa xôi.

Giải là cởi mở mọi sự trói buộc. Thoát là vượt ra ngoài vòng trói buộc một cách tự do tự tại. Giải thoát là cởi mở tất cả xiềng xích trói buộc, giam hãm con người, để tâm hồn và thể xác hòa điệu cùng vũ trụ bao la một cách tự do tự tại. Ðể được dễ hiểu và gần gũi hơn, chúng ta có thể tạm dùng danh từ tự do thay cho từ giải thoát.

Với lứa tuổi thanh thiếu niên thì có ai mà không yêu chuộng tự do và muốn được độc lập tự do. Ước vọng đó chính là hoài vọng giải thoát sự lệ thuộc, trói buộc của cá nhân. Ðể sống một cuộc đời giải thoát, giới trẻ phải biết tự lực tự cường, sự giúp đỡ của cha mẹ anh em và bạn bè nếu có thì chỉ là một phần phụ, là trợ duyên mà thôi.

Từ điểm này, nhà hoằng pháp cần hướng dẫn thanh thiếu niên khi đối diện với thực tại cuộc sống xung quanh, bản thân mỗi người cần phải giải thoát những bệnh ghiền (nghiện) như nghiện thuốc lá, nghiện bia rượu, nghiện á phiện, nghiện chơi game v.v... bởi tất cả những đối tượng ấy nếu thanh thiếu niên đi đến nghiện ngập quá đà thì sẽ gây tác hại không nhỏ đối với tự thân, gia đình và xã hội.

Về mặt tâm hồn, giới trẻ cũng không nên phó thác cả tâm hồn mình vào một đấng thần linh, một đức Phật hay một thượng đế... nào để mong cứu rỗi. Phật dạy: “Các người phải tự thắp đuốc lên mà đi.”, “Ta là ông thầy chỉ đường, đã chỉ đường cho chúng sanh, nhưng đi hay không đi là tùy chúng sanh, chớ không phải lỗi tại người chỉ đường.”

Như vậy, tuổi trẻ là tuổi yêu chuộng tự do, yêu chuộng giải thoát. Ðể đạt được hoài vọng này, phương pháp hữu hiệu nhất mà nhà hoằng pháp cần hướng dẫn giới trẻ là khuyến khích thanh thiếu niên hãy tự tranh đấu với bản thân mình, khi dứt sạch được những bệnh ghiền, những phiền não... là đã được giải thoát hiện tiền. Như lời Phật dạy: “Tất cả nước biển chỉ có một vị mặn, tất cả giáo lý của ta chỉ có một vị giải thoát.”

Nhìn chung, ngoài những định hướng nêu trên, xin kiến nghị thêm những phương pháp cụ thể, hy vọng góp được phần nào vào việc xây dựng một đường hướng hoằng pháp hữu ích cho giới trẻ:

- Soạn giải những bài pháp ngắn gọn, thiết thực, đáp ứng kịp thời nhu cầu trong đời sống hàng ngày của giới trẻ, giúp giới trẻ thiết lập tốt những mối quan hệ thưởng nhật như: tình bạn, tình yêu, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, vấn đề học tập, thi cử, hướng nghiệp, quan hệ công sở, lý tưởng sống, kỹ năng sống, giải quyết xung đột…

- Phương tiện hoằng hoằng pháp phải đa dạng, hấp dẫn như truyền hình, vi tính, máy chiếu, mạng internet, games Phật giáo v.v…

- Địa điểm hoằng pháp không nhất thiết là tại chùa mà có thể linh động bằng các cuộc giả ngoại, hội trại, du lịch tâm linh…

- Thiết lập ban quản lý diễn đàn qua internet, liên lạc trao đổi trực tuyến thường xuyên với giới trẻ và giữa giới trẻ với nhau để tiếp nhận các ý kiến phản hồi, giải đáp những nghi ngờ, thắc mắc, đồng thời kịp thời thay đổi phương cách sinh hoạt phù hợp, thích nghi hơn.

- Phối hợp với nhà trường, ban ngành, đoàn thể tổ chức các buổi giao lưu văn hóa nghệ thuật để mở rộng tầm nhìn cho giới trẻ và tạo mối quan hệ tốt đến mọi nơi.

- Soạn thảo, ấn hành những châm ngôn cuộc sống về tình bạn, tình yêu, nhân cách đạo đức… nói chung là chủ đề liên quan đến cuộc sống hiện thực theo lời Phật dạy, in thành những tác phẩm sách dưới dạng bỏ túi để phổ biến rộng rãi đến giới trẻ.

- Nói với giới trẻ thì trước hết phải nói tới lý tưởng, tình yêu, sự nghiệp. Cho nên nhà hoằng pháp có thể thiết lập đường dây nóng để giúp giới trẻ giải quyết mọi khó khăn, vướng mắc trong các lĩnh vực trên một cách kịp thời.

- Quan tâm đến việc học của giới trẻ ở trường thế học, bằng cách phát thưởng, tán dương các em đạt thành tích xuất sắc trong học tập và đạo đức.

Thuở xưa, La Hầu La vì thích ngôi báu mà phát chí tu hành, Nan Đà vì mến cõi Trời mà chuyên tâm thiền quán, A Nan vì cầu tướng tốt mà xuất gia… cho nên khen thưởng học tập cũng là một cách tốt hướng giới trẻ đến với đạo Phật.

- Đào tạo một đội ngủ Giảng sư thật sự uyên thâm về Phật học lẫn thế học và đặc biệt là uyên thâm về chuyên môn tuổi trẻ, để có đủ khả năng có thể tiếp cận với môi trường đầy năng động và náo nhiệt của giới trẻ.

- Thiết lập những buổi thuyết pháp hằng tuần về chuyên đề cho giới trẻ và nội dung giảng dạy không phải chỉ chuyên mang tính học thuật mà còn đưa ra những nội dung về hôn nhân gia đình, cách ứng xử khéo léo trong tình yêu nam nữ, bạn bè, cách vượt qua những cạm bẫy trong cuộc sống, giải tỏa những lo lắng, căng thẳng trong cuộc sống v.v... đồng thời phương pháp giảng dạy không phải là phương thức độc thoại khô cứng mà phải là đối thoại, hội thoại, đặt vấn đề và giải quyết vấn đề một cách thấu đáo, hoặc đưa ra các hình thức đố vui, chia nhóm thảo luận sau khi đã có sự giải thích sơ lược của vị Giảng sư.

III. Lời kết:

Người xưa nói: “Tre tàn măng mọc”. Những cây măng non có đủ khỏe, phát triển lớn nhanh, để làm nên một lũy tre xanh tươi hay không là do bàn tay người làm vườn vun xới. Cũng vậy, tương lai của thế hệ trẻ hôm nay có được vun đắp tốt để trở thành những người hữu ích cho dân tộc và đạo pháp hay không, một phần trọng trách không nhỏ là do thế hệ làm cha mẹ và những bậc thầy mô phạm, mà với Phật giáo là những nhà hoằng pháp đầy tâm huyết.

Như nội dung đã được trình bày, trong bài tham luận này, tác giả chỉ xin mạn phép trình bày những nhận định của mình đối với vấn đề định hướng nhân cách và trí tuệ cho giới trẻ, như một tiếng chuông thoang thoảng vọng lại từ xa, góp phần vào việc xây dựng đường hướng và phát triển công cuộc hoằng pháp trong hiện tại và mai sau.

Hoằng pháp đối với giới trẻ là một việc làm cần thiết và quan trọng trong ngành Hoằng pháp nói riêng và với Phật giáo nói chung. Hơn thế nữa, khi mà cuộc sống vật chất ngày càng tạo ra cho giới trẻ những nguy cơ, khả năng vấp ngã ở phía trước thì những liệu pháp của Phật giáo thông qua hoằng pháp đáng được quan tâm hơn hết. Thiết nghĩ, thực hiện tốt đường hướng hoằng pháp cho giới trẻ là thực hiện đúng đắn theo lời Phật dạy: “Truyền đăng tục diệm, tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức” (Đốt sáng ngọn đèn không cho tắt, tiếp dẫn người sau đó là báo ân đức của chư Phật)./.

 

Thích Nữ Chúc Hiếu

(Trích tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang)

(giaohoiphatgiaovietnam.vn)