HOẰNG PHÁP VỚI THANH THIẾU NIÊN HIỆN NAY


alt

Chúng ta đã biết, tình trạng đạo đức của thanh thiếu niên hiện nay ở nước ta như một chiếc xe đứt thắng đang tuột dốc. Và một vực thẳm đang chờ phía trước. Hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo đài hoặc những sự việc xảy ra tại địa phương, chúng ta đã nghe hoặc chứng kiến không biết bao nhiêu sự kiện đau lòng do thanh thiếu niên gây ra từ ngoài xã hội cho đến ngay trong học đường, nơi mà được xem như là môi trường tốt nhất để các em được giáo dục và hình thành một nhân cách và đạo đức tốt như các vụ việc học sinh nữ đánh bạn một cách dã man rồi tung lên mạng bằng những video clip, học trò giết bạn bằng dao ngay trong lớp vì một lí do vớ vẩn nào đó, thanh toán với nhau kiểu xã hội đen, ngay cả với chính thầy cô giáo, và cha mẹ chúng cũng trở thành nạn nhân, đua xe, đánh võng gây tai nạn chết người cho chính chúng và cho mọi người, nghiện ngập ma túy làm hủy hoại tuổi trẻ và đưa đến việc giết người cướp của.v.v... Chúng đã hoàn toàn trở nên vô cảm trước nỗi đau của người khác, và càng tỏ vẻ thích thú khi hành hạ đồng loại.

Những nhà đạo đức học, xã hội học cứ mãi ngồi phân tích những nguyên nhân nào đưa đến tình trạng trên. Họ mổ xẻ rồi nêu ra đủ lí do như vì phim ảnh, sách báo kích động bạo lực tràn đầy thiếu sự kiểm soát được bày bán ở các sạp hàng, ở vỉa hè , hoặc được tải xuống từ internet, do xã hội với sự đòi hỏi quá cao về nhu cầu vật chất, do sự thiếu quan tâm hoặc nuông chiều quá mức của cha mẹ, do nhà trường chưa có các biện pháp giáo dục thích nghi v.v...Tất cả các lí do trên đều đúng. Nhưng những phân tích ấy vẫn còn nằm trong sách vở để nghiên cứu lâu dài, còn việc bắt tay vào hành động ngăn chận tức thời các hành vi thiếu đạo đức thì vẫn chưa thấy trong thực tế. Và cứ thế hết ngày này qua ngày khác, hết nơi này đến nơi khác vẫn xảy ra những vụ việc đau lòng tương tự.

Ngoài các lí do trên, chúng tôi nhận thấy còn có một lí do khác mà chưa được đề cập và đánh giá đúng mức. Đó là trách nhiệm của tôn giáo trong vấn đề đạo đức của thanh thiếu niên.

Thật vậy, tôn giáo luôn luôn đóng một vai trò to lớn và tích cực trong sự giáo dục đạo đức và rèn luyện tâm linh cho giới trẻ, đặc biệt ở nước ta là Phật giáo, vì đó là một tôn giáo lớn có truyền thống lâu đời, gắn bó cùng dân tộc qua bao thăng trầm, hưng vong của lịch sử và là một tôn giáo có số tín đồ đông đảo nhất nước. Vì thế Hoằng pháp là một công tác thực sự quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết mà mỗi Hoằng pháp viên chúng ta phải nhận lãnh một trách nhiệm to lớn đầy thử thách này.

Chúng ta không cần phải ngồi lại phân tích các nguyên nhân đã đưa đến việc suy đồi đạo đức trong giới trẻ thanh thiếu niên, vì việc ấy đã quá rõ ràng, và đã tốn biết bao giấy mực và thời gian của báo đài lâu nay. Theo sự tìm hiểu của chúng tôi tất cả những thanh thiếu niên gây án từ trước đến nay đều không có sinh hoạt trong một đoàn thế Phật giáo nào như GĐPT, Đoàn Thanh Niên Phật Tử...Tuy nhiên một số lớn gia đình các em là gia đình Phật giáo, hay chí ít cũng có khuynh hướng Phật giáo. Đó là điều chúng ta cần suy nghĩ, và phải nhận thấy sự liên đới trách nhiệm của mình vì công tác hoằng pháp chưa thật sự tốt. Những suy nghĩ sai lầm về tôn giáo trước đây đã được tháo bỏ, nên ngày nay chúng ta có nhiều cơ hội hơn để phát huy vai trò Hoằng pháp của mình.

Chúng ta cần hiểu rằng các khóa Bồi dưỡng Hoằng pháp viên không phải để tuyên truyền cho tôn giáo mình nhằm kiếm thêm tín đồ, mà là để nâng cao năng lực và tính dấn thân theo tinh thần của người Phật tử trong việc phụng sự đạo pháp và xã hội, mà việc giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên là một trong những mục tiêu nhắm đến. Muốn đạt hiệu quả trong công tác hoằng pháp một hoằng pháp viên cần phải đạt được một số yêu cầu sau:

1/ Hoằng pháp viên phải ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với đạo pháp và dân tộc, trong đó có việc xây dựng đạo đức cho thanh thiếu niên.

2/ Hoằng pháp viên phải luôn học tập và rèn luyện để có đủ kiến thức về Phật pháp và kiến thức phổ thông trong cuộc sống. Có như thế mới có thể thuyết phục được người nghe, nhất là các thành phần bướng bỉnh và cao ngạo ở tuổi thanh thiếu niên.

3/ Luôn kiên trì tiếp cận với các gia đình Phật giáo (hoặc tôn giáo khác, nếu có thể) khi biết trong gia đình ấy có con em không tốt về đạo đức như bỏ học, hút xách, bài bạc, trộm cắp, phe đảng.v.v...để tìm mọi cách giúp đỡ cho các em nhận thức được điều hay lẽ phải. Cần hiểu việc làm này đòi hỏi sự kiên trì và chịu khó, không tự ái hoặc bất mãn. Nếu việc làm này có kết quả là chúng ta đã góp phần ngăn ngừa được các hành vi phạm pháp của các em trong tương lai.

4/ Hoằng pháp viên nên được chọn lựa tuổi khoảng từ 35 đến 65, có đầy đủ sức khỏe để đi lại, không bị dị tật, và phải chịu một số thiệt thòi, một ít hy sinh về quyền lợi, mà những hi sinh này chỉ mình mình biết, mình mình hay chẳng hạn như phải tốn thì giờ và đôi khi cả về tiền bạc.

Chúng tôi cũng xin mạnh dạn đề nghị các Ban Hoằng pháp tỉnh cần có kế hoạch hoạt động cho các hoằng pháp viên. Có như thế họ mới có cơ hội phát huy những gì đã học tập được trong các khóa bồi dưỡng, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đạo pháp và xã hội nói chung, giúp đỡ thanh thiếu niên về mặt đạo đức nói riêng. Việc tổ chức các khóa bồi dưỡng Hoằng pháp viên thật khó khăn và vô cùng tốn kém nên nhất thiết phải làm thế nào để nâng cao hiệu quả của nó vào cuộc sống hàng ngày. Hiệu quả đó tùy thuộc vào kế hoạch hoạt động của Ban Hoằng pháp tỉnh, thành.

Chúng ta cũng cần nhớ rằng, tuy những phần tử thanh thiếu niên kém đạo đức chỉ là một tỉ lệ nhỏ trong xã hội nhưng đang có khuynh hướng gia tăng từng ngày. "Lỗ thủng nhỏ có thể làm đắm tàu". Vì thế công tác Hoằng pháp đối với thanh thiếu niên hiện nay là rất cần kíp và mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng./.

 

Cư sĩ LÊ CÓ

Hoằng pháp viên tỉnh Quảng Nam

(Trích tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang)

(giaohoiphatgiaovietnam.vn)