HOẰNG PHÁP VỚI THANH THIẾU NIÊN


Trong kinh pháp cú số 80, Đức Phật dạy:

“ Người trị thủy dẫn nước

Kẻ làm tên nắn tên

Người thợ uốn gỗ

Bậc trí nhiếp tự thân”

Bài kệ trên chỉ cho trường hợp Sadi Pandita bảy tuổi chứng quả A La Hán. Ngoài Sadi Pandita còn có các Sadi khác trong giáo đoàn cũng đại được quả vị A La Hán, như Sadi SuKha tôn giả SamKicca, Sopaka và Revata..v.v…Như vậy Đức Phật đã hóa độ cho cả những thiếu niên. Không những hóa độ cho thiếu niên, Đức Phật cũng không loại trừ mà hóa độ các vị thanh niên, như trong kinh Trung Bộ, “Giáo giới Rahùla tiểu kinh”.

Trong thời hiện đại, xã hội và báo chí đề cập nhiều đến thanh thiếu niên “tuổi trẻ hôm nay thế giới ngày mai”. Trước sự báo động một vài bộ phận của thanh thiếu niên khủng hoảng về niềm tin, lý tưởng, đạo đức, lối sống, trách nhiệm..v..v..Phật Giáo nghĩ gì? Định hướng ra sao? để dìu dắt thanh thiếu niên đi đúng lộ trình.


alt

Theo quan niệm chung của xã hội, thanh thiếu niên là những thiếu niên nhỏ hơn 18 tuổi, tâm sinh lý chưa phát triển toàn diện. Khi nghiên cứu về thanh thiếu niên chúng ta nhận thấy có những đặc điểm như sau:

Thứ nhứt :Thanh thiếu niên đang thời kỳ lớn, nên rất cần nạp “ năng lượng” cả thể chất lẫn tinh thần nên gia đình cần quan tâm, chỉ lo ăn, mặc, ở, bệnh đã đủ chưa? phải xem xét cả mặt tâm linh. Do tò mò tìm hiểu nên thanh thiếu niên rất dễ học hỏi những điều sai trái từ người lớn, bạn bè, sách vở, phim ảnh, internet. Gặp được môi trường tốt, thiện hữu, tri thức, Tam Bảo, thanh thiếu niên sẽ phát triển rất tốt đẹp. Điển hình là các tôn giả Sadi A La Hán; Bà tín nữ Visakha chứng quả Tu-đà-hoàn lúc mới lên 5 tuổi, sau này trở nên một nữ tín chủ đắc lực của Đức Phật Thích Ca.

Thứ hai : Thanh thiếu niên rất háo động, dễ giận hờn, đánh đá nhau. Biết được tình trạng này, khi giáo dục thanh thiếu niên cần tạo sân chơi lành mạnh, như cho thanh thiếu niên chơi thể thao, học võ thuật, nhưng cũng rất cần rèn luyện thiền định kèm theo để xã căng thẳng của hệ thần kinh, giúp thanh thiếu niên điềm đạm, sáng suốt hơn.

Thứ ba: Thanh thiếu niên có nhiều ước mơ, nhiều hy vọng, rất dễ bị tổn thương, mất phương hướng. Cho nên ươm mầm ước mơ bằng những tấm gương cao cả, hình ảnh tốt đẹp của Phật, Bồ tát sẽ là kim chỉ nam giúp thanh thiếu niên đi đúng hướng.

Thứ tư: Thanh thiếu niên rất bén nhạy với cái mới, Phật Giáo đã quá cũ rồi chăng? Không giáo lý của Phật đã luôn mang tính khế lý khế cơ. Khoa học, kỹ thuật nếu được trang bị mầm sống trí tuệ, tâm linh, sẽ giúp đời sống an bình, tự chủ.

Đó là những thách thức cho ngành Hoằng Pháp. Chúng tôi có những ý tưởng như sau:

1. Con người hoằng pháp : xã hội rất đa dạng nên khi hoằng pháp cũng phải “ xã hội hóa” Nghĩa là con người hoằng pháp không chỉ là người xuất gia mà người tại gia vẫn hoạt động hiệu quả. Nên chẳng có những khóa đào tạo con người hoằng pháp cho cả Phật tử. Dĩ nhiên vị nào được lựa chọn, đòi hỏi phải có tiêu chuẩn như; thể hình, tri thức, phạm hạnh, kiến thức xã hội, vô úy. v..v..Trong kinh Tăng Chi, Đức Phật dạy rất rõ: “một giảng sư khi thuyết pháp phải an trú tâm năm pháp rồi mới thuyết pháp. Ta sẽ thuyết pháp một cách tuần tự, ta sẽ thuyết pháp với sự thấy hiểu trọn vẹn pháp môn, ta sẽ thuyết pháp với lòng thương yêu, ta sẽ thuyết pháp không vì danh lợi, ta sẽ thuyết pháp không làm thương tổn cho mình và người ( Tăng Chi II, trang 193 ).

2. Giáo lý truyền đạt : mang tính “ khế lý khế cơ” nên giáo lý phải được nghiên cứu chọn lọc cho phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên không duy lý trừu tượng. Nhiều nơi tổ chức rất tốt khâu này như đố vui có thưởng, hái hoa giáo lý…

3. Cơ sở hoạt động : Ngành hoằng pháp nên kết hợp với các ngành, các Tu viện khuyến khích tổ chức các khóa tu, sinh hoạt trại hè, tập hợp thanh thiếu niên nghèo, hiếu học tặng học bổng, tham quan cắm trại v.v...

4. Tài chánh: chúng ta không thể làm gì được nếu như yếu kém về tài chánh. Nên chăng chúng ta thành lập Ban Bảo Trợ hoặc tìm nhà tài trợ cho từng hoạt động.

5. Văn nghệ, giải trí: Nhiều thanh thiếu niên bày tỏ rất thẳng thắn là văn nghệ Internet bên ngoài hấp dẫn. Nên chăng Ngành Hoằng Pháp hợp đồng với một số em thanh thiếu niên để thành lập đội văn nghệ thanh thiếu niên tuyển lựa ca sĩ Phật Giáo bằng trò chơi lành mạnh mang tính Phật Giáo trên video, internet băng, đĩa.v..v..

6. Mở lớp học tình thương ở những nơi có thể.

7. Mở trang web Facebook: mạng xã hội nhằm giao lưu học hỏi giáo lý, tư vấn giải tỏa những khó khăn, stress. Hoặc những trò chơi hấp dẫn mà mỗi vòng là những câu hỏi giáo lý, kích thích thanh thiếu niên tìm hiểu giáo lý ở trang web Phật Giáo.

KẾT LUẬN:

Xã hội rất đau đầu về cuộc đấu tranh chống tệ nạn xã hội như “ nghiện hút tuổi học trò, lạm dụng tình dục thanh thiếu niên, HIV/AIDS, bỏ học ..v..v” Vai trò của người hoằng pháp đối với thanh thiếu niên phải có trách nhiệm đưa giáo lý cho phù hợp để cảm hóa, hướng thượng, hoàn thiện nhân cách giúp thanh thiếu niên đứng vững trên cuộc đời. Mỗi một búp măng Phật Giáo lớn mạnh sẽ tô điểm cho “ rừng trúc” trở thành “ hòn núi cao” an vui, hạnh phúc.

Nhà toán học, vật lý học và triết gia người Pháp Blaise Pascal cho rằng: “ Phật Giáo mang đến một chân lý xa hơn, Phật Giáo chứng minh rằng qua sự hiểu biết, con người có thể chế ngự được hoàn cảnh chung quanh, thoát khỏi sự cuốn hút và sử dụng các luật tắc để tự vươn lên”.

Với sự nhận định sáng suốt đó chúng ta hy vọng “ Hoằng pháp với truyền thống hộ quốc an dân” sẽ thành công tốt đẹp./.

 

TT. THÍCH GIÁC ĐIỆP

(Trích tham luận Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang)