Vòng quay

  1. Thiên thường thức dậy khi chuông ở ngôi đền bên kia bắt đầu rung lên. Thời điểm đó phố xá vẫn còn yên giấc, chỉ có dăm ba người lau xe mướn hí hoáy lau chùi, và trên tầng thượng của ngôi nhà đối diện, một lão già đạo Sikh, tóc bối giữa đĩnh đầu với bộ râu trắng muốt, đang tập thể dục. Nhẫn nãi, lão chậm rãi lê dọc theo thành lan can với một cái chân bị bại, đôi khi nhìn sang Thiên gật gật đầu.

alt

Khi những tia nắng đầu ngày vắt ngang thành phố, Thiên thường dõi mắt về phía ngôi đền xem vị đạo sĩ rãi hạt cho lũ chim ăn. Vị đạo sĩ búi tóc về một bên. Bộ râu rậm ri che kín hết khuôn mặt. Y phục ông xọc xạch, có gì đó dơ bẩn nhưng lại phảng phất chút huyền bí, tuy vậy khó biết được ông vui buồn thế nào vì tất cả đều bị che lấp sau bộ râu đen kịt như một chiếc mặt nạ. Mỗi ngày Thiên gặp ông hai lần, một vào buổi sáng và một vào buổi hoàng hôn, khi ông tưới nước cho mấy chậu cây ở sân trên của ngôi đền.


Đêm, Thiên thường đứng ở ban công nhìn xuống đường, khi tiếng gõ gậy lóc cóc của người canh gác bắt đầu vang lên. Thời điểm này phố thị đã yên giấc. Ở đây người ta ngủ muộn và dậy trễ. Đó là một thói quen, và thói quen này ít nhiều tạo nên sự dễ chịu nào đó. Tiếng gõ gậy vang lên đều đều, buồn buồn như tiếng mõ cầm canh. Trong ánh sáng lờ mờ của vài ngọn đèn đường vàng vọt, khó thấy rõ được khuôn mặt của người canh gác như thế nào, những chắc chắn rằng anh ta là một người thuộc giai cấp thấp. Chóc chóc anh ta dừng lại trước mấy chiếc xe hơi, coi chừng mấy cánh cửa. Rồi lặng lẽ, anh ta đi hết mấy con đường trong khu phố và quay trở lại con đường đầu tiên, cứ tiếp tục như vậy cho đến khi trời gần sáng.

Có đêm không ngủ được, Thiên thẫn thờ đi xuống đường, thường những lúc như vậy đường phố rất vắng. Thiên đi qua khu phố người giàu rồi đến khu nhà người nghèo, nơi bọn trẻ luôn xin tiền mỗi khi gặp Thiên. Đêm - cả khu phố - giàu cũng như nghèo - chìm sâu vào giấc ngủ. Giấc ngủ, có người bảo đó là những cái chết ngắn của một đời người. Thiên không biết có đúng vậy không. Nhưng có điều trong giấc ngủ người ta sẽ quên hết mọi sự và trở nên bình đẳng với nhau, vì làm gì còn có phân biệt giàu nghèo, đẳng cấp, đẹp xấu, thông minh ngu đần vào lúc đó… Giấc ngủ thật cần thiết, nó giúp người ta quên đi mọi thứ để có đủ sức lực chống chọi lại một ngày thức giấc trong tranh giành, đua chen! Và nếu giấc ngủ là cái chết ngắn của một đời người thì cái chết là một giấc ngủ dài của kiếp chúng sanh, cũng có người nói vậy. Vậy cái chết cũng cần thiết? Chẳng ai biết được!

2. Mùa đông tràn qua thành phố, khô ráo, nhiều gió và đầy bụi. Buổi sáng, Thiên vẫn đều đặn thức dậy khi chuông ở bên ngôi đền kia bắt đầu rung lên. Trừ có công việc, còn chẳng mấy khi Thiên ra khỏi phòng và xuống đường. Lũ chim vẫn kêu ríu rít quanh nhà, nhưng tiếng kêu có khi nghe rất thê thiết. Vị đạo sĩ không còn rãi hạt cho chúng ăn nữa, trong khi mùa nào thì chúng cũng cần ăn, trời lạnh thì càng cần ăn nhiều hơn.

Buổi chiều, Thiên không còn ra đứng ở ban công nhìn sang ngôi đền xem vị đạo sĩ tưới cây. Thời tiết đã ngăn chặn thói quen của những ngày mùa nắng. Thói quen nào rồi cũng sẽ dễ dàng bị quên đi khi cơ thể không đủ khả năng thực hiện nó. Điều đó không có một sự cố gắng nào. Có những ngày Thiên không bước ra khỏi phòng (và hẳn nhiên không nói với ai một lời nào.) Bao kín bởi bốn bức vách, ấy vậy không khiến Thiên cảm thấy cô độc hơn những ngày thường. Ngay khi được bao quanh giữa dòng người, hay dẫu khi ở bên cận những người thân yêu nhất thì Thiên vẫn chưa bao giờ thấy mình không cô đơn. Sự lạc lõng giữa đám đông có khi còn đáng sợ hơn sự cô độc ở giữa đồng vắng hay ở tận rừng sâu. Thời bé Thiên sợ sự cô độc, sợ bị bỏ rơi, sợ không có người thương yêu, sợ không có bạn bè… nhưng rồi Thiên phải đón nhận tất cả những thứ đó. Nỗi sợ, bất cứ sợ cái gì thì nó vẫn khiến người ta đau khổ và sẽ bào mòn người ta kể cả thể xác lẫn tâm hồn.

Đêm, Thiên vẫn không đi ngủ trước khi tiếng gõ gậy lóc cóc của người canh gác từ dưới đường vọng lên. Mùa đông, tiếng gõ gậy nghe chừng yếu hơn và buồn bã hơn. Có những đêm Thiên nằm nghe tiếng gõ gậy và đếm theo nó, từ lúc bắt đầu cho đến khi nhỏ dần và mất hẳn. Trong cái âm thanh đều đều kia, Thiên mơ hồ nhận ra nỗi đau của phận người.

Một sáng, tiếng xì xào rầm rì dưới đường vọng lên đã kéo Thiên ra khỏi phòng. Một đám tang. Lão già đạo Sikh đã chết. Người ta khiêng lão đi thiêu bằng một chiếc cáng. Một tấm vải trắng được phủ lên người. Hoa vạn thọ được rải xung quanh. Không có quan tài, không phải vì nhà lão nghèo mà vì một tập tục. Một tập tục tiện lợi, cho cả người giàu lẫn người nghèo. Hình ảnh quen thuộc với Thiên trong suốt mùa nắng đã lặng lẽ ra đi. Lão ra đi vì không chịu đựng nỗi những cơn lạnh khắc nghiệt, có lẽ vậy. Rồi thân xác lão sẽ tan hoại trong lửa đốt và tro sẽ được rãi xuống một dòng sông nào đó, kết thúc một kiếp người! Lão sẽ đi về đâu không thể biết, tuỳ theo từng quan niệm. Thiên se lòng khi nhận ra rằng mùa này ở quê mình những người già cũng thường hay ra đi!

Hôm sau, tiếng kèn tiếng trống vang lên, rộn ràng và dồn dập. Một đám rước thần, Thiên nghĩ và ra khỏi phòng. Không phải. Một đám cưới nhà giàu. Chú rể cưỡi ngựa, ăn bận như một ông hoàng, có lẽ đang đi đón dâu. Trong cái lạnh buốt xương thịt nhiều khuôn mặt vẫn rạng ngời hân hoan. Người ta đang hạnh phúc? Chắc vậy! Nhưng co ro lăn lóc hai bên đường là những phận người lộ rõ nỗi khát khao trong những ánh mắt; không hẳn khát khao được ngồi lên lưng con ngựa kia, mà khát khao được một tấm chăn che đậy cơ thể, khát khao được một cái bánh nướng lót dạ sau một đêm dài đói lạnh.

3. Nắng vàng như mật rãi đều lên phố thị. Mùa xuân, không có nhiều hoa và bướm như thi ca vẫn thường nói. Ở đây chỉ có tiếng chim. Chim kêu quanh năm, nắng ấm thì chúng kêu rộn ràng, vui vẻ hơn. Thiên mở tung hết cửa để đón nắng và gió vào.

Buổi sáng, Thiên vẫn đều đặn thức dậy khi chuông từ ngôi đền kia vọng sang. Anh lại ra đứng ở ban công tập thể dục và nhìn sang tầng thượng ngôi nhà đối diện, nơi lão già đạo Sikh thường âm thầm lê những bước chân nặng nhọc dọc theo thành lan can. Một khoảng sân trống không bước chân người trong suốt mùa đông, vương chút giá lạnh còn sót lại, bây giờ mùa xuân thi thoảng chỉ có vài đứa nhỏ lên đó chơi đùa.

Khi nắng lên, Thiên lại dõi mắt về phía ngôi đền chờ xem vị đạo sĩ rãi hạt cho chim ăn. Một ngày, hai ngày rồi ba ngày, Thiên chẳng còn thấy vị đạo sĩ già đâu cả. Lũ chim không còn đậu quanh đó chờ đợi thức ăn nữa, những ngày mùa đông đã khiến chúng quên đi thói quen đó. Thiên khẻ thờ dài, trong nắng xuân ấm áp nghe lòng se lạnh.

Chiều, Thiên ra đứng ở ban công nhìn xuống công viên xem bọn nhỏ chơi đùa. Ai bảo tuổi thơ trong sáng vô tư nhỉ? Bọn nhỏ này đã biết phân chia giàu nghèo để chơi khi răng còn sữa. Có phải sự giàu có đã cho người ta cái quyền lấn lướt và khinh khi kẻ khác? Có phải sự giàu sang đã khiến con người tăng thêm sự cao ngạo? Biết khi nào người ta mới bình đẳng được với nhau nhỉ?

Đêm, Thiên không còn ra đứng ở ban công nhìn xuống đường phố nữa, dẫu trời đã ấm. Tiếng gõ gậy lóc cóc vẫn vang lên đều đặn mỗi đêm, rất đúng giờ, nhưng rõ ràng đó không còn là tiếng gõ của người canh gác cũ. Nhưng dù ai gõ thì đó vẫn không phải là một người giàu có. Công việc này chỉ được chuyển giao giữa những người nghèo khó.

Tiếng gõ gậy nhỏ, lớn dần rồi nhỏ đi và mất hút theo từng đợt, vẫn buồn bã thắt lòng…
Sáng, chiều và đêm; xuân, hạ rồi thu đông, Thiên trải qua những tháng ngày lặng lẽ với công việc của mình giữa một dòng đời cuốn trôi bất tận. Cuộc sống xung quanh vẫn tiếp diễn, vẫn chồng chất đan xéo lên nhau trong một vòng quay vô cùng. Và trong vòng quay đó, người ta tìm ra rất nhiều thứ khác nhau để sẽ không bao giờ hoà hợp được với nhau. Chỉ may ra khi cơ thể tan thành tro bụi và được ném vào một dòng sông nào đó, nơi ấy những hạt tro vô tri vô giác mới có cơ hội hoà quyện với nhau khi bị cuốn vào lòng đại dương./.

 Nguyên Hiệp