Tiếng chuông chùa trong sương

image Từ sáng sớm các nhà sư trẻ ở Huế đã phải thức dậy đánh chuông để cầu nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh bớt phiền não

Ở Huế, âm thanh đầu tiên đánh thức nhịp sống thành thị là “bản giao hưởng” chuông chùa huyền diệu phát đi trong màn đêm u tịch. Chí ít cũng đã hơn 400 năm qua, âm hưởng vi diệu đó đã và vẫn đang tiếp tục vang vọng.

 

Xứ sở thiền môn

Huế là cố đô của VN, còn là nơi quy tụ nhiều chùa chiền với mật độ dày đặc nhất nước. Đại đức Thích Trí Năng, Ủy viên Ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo VN tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết: “Truyền thuyết kể rằng, thời các chúa Nguyễn vào Nam lập nghiệp, khi đến định đô tại Thuận Hóa, những đêm khuya tối trời, người dân thường trông thấy trên trời có vờn mây hình dáng một con rồng to xuất hiện. Vờn mây sau đó đã gây những trận mưa to gió lớn, sấm sét dữ dội... làm thiệt hại mùa màng, tài sản của người dân. Trong cung triều cương nhiễu loạn với bao chuyện tranh giành vương vị, hoang dâm loạn lạc. Các chúa bèn cho mời các bậc học giả tinh thông địa lý đến khảo sát cuộc đất định đô.

Sau khi xem xét địa thế vùng kinh sư, các nhà địa lý đã phát hiện ngay trước mặt kinh thành Phú Xuân, phía bờ tây nam sông Hương, có một dãy núi thiêng, có hình dáng một con rồng với nhiều long mạch khắc chế đế quyền. Để chế ngự vùng long mạch này, các học giả khuyên các chúa Nguyễn nên mời các vị thiền sư đắc đạo đến quy y cho rồng thiêng để điều phục điềm xấu. Từ đó, các chúa đã cử người đi mời các vị thiền sư đắc đạo, có lúc phải sang tận Trung Hoa để tìm mời các vị thiền sư đạo cao đức trọng đến Thuận Hóa chấn tích khai sơn (cắm tích trượng vào những huyệt địa) để quy y, thuần phục rồng thiêng, buộc chầu Thiên Ðế. Vào thời đó, người ta tin rằng nhờ vậy rồng thiêng không còn quậy phá nữa. Vùng đồi núi hoang sơ đối diện với kinh thành Huế từ đó có tên là Bình An Sơn”.

Bình An Sơn là một dãy núi kéo dài từ núi Hàm Long lên đến Thiên Thai, có hàng chục ngôi chùa tọa lạc ở những vị thế đắc địa. Chùa Hàm Long (nay là chùa Báo Quốc) nằm trên đồi Hàm Long (miệng rồng), được hòa thượng Giác Phong, từ Trung Hoa đến chấn tích khai sơn (khoảng 1693-1714). Chùa Từ Đàm tọa lạc trên ngọn đồi có tên Long Sơn do Hòa thượng Minh Hoằng - Tử Dung, đến từ Trung Hoa, khai sơn vào khoảng năm 1695. Năm 1703, Chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho chùa tấm biển "Sắc Tứ Ân Tôn Tự", đến năm 1841, Vua Thiệu Trị đổi tên chùa là Từ Đàm, hiện chùa là trụ sở của Tỉnh giáo Hội Phật giáo VN Thừa Thiên - Huế.

Sát bên chùa Từ Đàm có chùa Thiên Lâm, là một trong những thắng cảnh của đất Thuận Hóa ngày xưa; Không xa chùa Thiên Lâm có chùa Kim Tiên, mà người dân Huế quen gọi là chùa Tiên cũng ẩn chứa lắm truyền thuyết. Chùa do hòa thượng Bích Phong làm ra, đến đời Chúa Nguyễn Phúc Khoát, được trùng tu sơn thếp xanh vàng rực rỡ, trước dựng lầu Vọng tiên, quy chế tráng lệ. Sau gặp binh hỏa bỏ hoang phế, nay người trong ấp nhân theo nền cũ làm lại. Khi Tây Sơn chiếm đóng Phú Xuân, chùa Kim Tiên được dùng làm nơi ở của Bắc cung hoàng hậu Ngọc Hân. Và cũng chính từ đây đã ra đời bài thơ Ai tư vãn, có những câu thơ đầy tâm trạng: “Nọ trông trời đất bốn phương/Cõi tiên thăm thẳm biết đường nào ra...”.

Thăng trầm những tiếng chuông chùa

Từ hàng chục ngôi chùa tọa lạc trên dãy Bình An Sơn, hằng đêm người dân xứ Huế đã được “thức tỉnh” bằng một bản giao hưởng chuông chùa huyền nhiệm. Người đánh chuông phải tuân thủ công phu thiền định với giờ giấc nghiêm ngặt. Mỗi sáng các nhà sư phải thức giấc vào lúc 3 giờ 30, đánh đúng 108 tiếng chuông, với lời kệ: Nghe tiếng chuông lòng trần sẽ được trong sạch để chứng nghiệm thông suốt và đầy đủ rằng: Tất cả chúng sanh đều thành chánh giác – hiểu biết thông suốt triết lý bát chánh đạo (Văn trần thanh tịnh chứng viên thông/nhất thiết chúng sanh thành chánh giác); và: Nghe tiếng chuông/phiền não nhẹ/trí tuệ lớn/bồ đề sanh/thoát địa ngục/vượt hầm lửa/nguyện thành Phật/cứu chúng sanh). Trong mỗi tiếng chuông của người hành giả, với hạnh nguyện từ bi mong muốn gửi gắm đến tất cả mọi người, mọi loài giải tỏa mọi muộn phiền đau khổ.

Ở Huế, tiếng chuông chùa nổi tiếng đã tồn tại hơn 4 thế kỷ qua và đi vào ca dao là: “Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Khương (*)”. Thế nhưng, ngày nay ngoài tiếng chuông Thiên Mụ, hằng đêm còn có hàng trăm tiếng chuông chùa trên dãy Bình An Sơn cùng tấu khúc thức tỉnh ngày mới. Trong số đó, có những chuông chùa nổi tiếng nhưng cũng chịu vô số thăng trầm của lịch sử.

Quả chuông có lịch sử thăng trầm nhất có thể kể đến là chuông chùa Thiên Thai, từng đi vào thơ Nguyễn Du, trong bài Vọng Thiên Thai: “Thiên Thai sơn tại đế thành đông/Cách nhất điều giang tự bất thông/Cổ tự thu mai hoàng diệp lý/Tiên triều tăng lão bạch vân trung/Khả liên bạch phát cung khu dịch/Bất dữ thanh sơn tương thủy chung/Ký đắc niên tiền tằng nhất đáo/Cảnh Hưng do quải cựu thời chung” (Thành Đông chót vót núi Thiên Thai/Cách một dòng sông lối rẽ hai/Chùa cổ lá vàng nghiêng mái phủ/Triều xưa sư lão trắng mây bay/Gian nan đầu bạc hoài thương tiếcChung thủy non xanh chẳng đoái hoài/Năm trước đến đây còn nhớ lại/Cảnh Hưng chuông cổ vẫn treo đài).

Theo niên đại ghi trên thân chuông thì quả đại hồng chung chùa Thiên Thai Thiền Tôn được đúc vào cuối xuân năm Đinh Mão, Cảnh Hưng năm thứ 8 (1747). Người xưa kể rằng tiếng chuông ngân vang trầm hùng và rất linh diệu, lắng đọng, mỗi khi tiếng chuông gióng lên là tất cả thú dữ trong vùng rừng núi Thiên Thai đều quy phục. Và lúc bấy giờ vùng núi Thiên Thai là nơi ẩn núp của các nhóm thảo khấu, đạo tặc nhờ nghe được tiếng chuông mà đã cải tà quy chánh. Dưới triều Tây Sơn, cũng như nhiều quả chuông của các chùa Huế, chuông Thiền Tôn cũng bị tịch thu để lấy đồng đúc vũ khí.

 

alt
Buổi công phu khuya của các nhà sư chùa Từ Hiếu

Nhưng bởi tiếng ngân linh diệu của quả chuông nên sau đó chuông không đập ra để lấy đồng mà được đem về treo ở Văn Thánh tại làng Long Hồ để làm điểm tựa tâm linh cho mọi người. Đến năm Gia Long thứ hai (1803) sau khi trùng tu chùa xong thì thập phương tín đồ cùng với hòa thượng Đạo Tâm Trung Hậu mới dâng biểu lên nhà vua, xin thỉnh đại hồng chung về lại chùa Thiên Thai Thiền Tôn. Khi đại hồng chung trở lại chùa tăng chúng và tín đồ đã vân tập làm lễ đàn tràng khai chung u minh trong 21 ngày đêm để cầu “Quốc thái dân an, đạo pháp lưu trường”. Từ năm 1803 trở về sau, tiếng chuông Thiên Thai lại ngân vang như xưa.

Ngoài ra, ở Huế còn có tiếng chuông chùa La Chữ cũng khá nổi tiếng. Quả chuông được đúc vào năm Quang Trung thứ 4 (1791). Ông Lê Công Mầu, một bô lão nguyên giáo viên dạy Văn của trường Quốc học Huế, từng làm trưởng làng, cho biết, quả chuông đồng này tuy không phải chuông lớn, nhưng có điểm đặc biệt là khi đánh lên chuông có tiếng ngân vang xa kỳ lạ. Tương truyền, sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi, các bô lão trong làng sợ tiếng chuông vang đến tai vua và bị tịch thu bèn cho khoan đỉnh chuông nhằm giảm bớt tiếng vang.  Mỗi lần có quan binh triều Nguyễn đến lùng sục trong làng, các bô lão đã mang chuông giấu xuống giếng làng rồi dùng cây cối che khuất để ngụy trang cho quan binh không nhìn thấy. Cũng theo ông Mầu,  sau ngày giải phóng, cơ quan quản lý văn hóa cũng đã có lần về  làng xin mượn chuông quý để mang ra Hà Nội, nhưng dân làng theo truyền thống cũ vẫn cương quyết không chịu, đến nay quả chuông quý vẫn còn tại chùa làng La Chữ.

Ngày nay, pha lẫn với hàng vạn tạp âm của nhịp sống đô thị, tiếng chuông chùa Huế hằng đêm vẫn vang lên vi diệu, gửi vào trần thế ước nguyện giải thoát mọi muộn phiền cho cuộc sống muôn dân.

 

Bùi Ngọc Long

Theo: Thanh Niên